Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tết, công vụ và sự nhiêu khê (21/01/2017-21:49)
    (NLBTH) - Người thân của tôi được tuổi động thổ làm nhà vào tháng Giêng và tháng Năm, cũng vừa bố trí được nguồn kinh phí, nhưng anh lại quyết định khởi công vào thời điểm bắt đầu mùa mưa không thuận cho việc xây dựng với lý do là để việc được hanh thông.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Sự hanh thông ấy chính là thủ tục cấp phép xây dựng phải có trước khi khởi công để tránh phiền hà. Làm nhà tháng Giêng được lộc đầu năm nhưng giấy tờ chưa xong bị phạt, phải dừng thi công thì khác nào đi mua cục tức vào người.

Anh đã nhờ người quen làm việc ở cơ quan công quyền tác động để xây dựng sớm nhưng vẫn không được đáp ứng bởi áp tết rồi, người ta còn phải lo đào, lo quất, lo đánh đụng tất niên, chạp mộ, sửa sang cửa nhà...

Nghe chuyện của người nhà tôi rồi lại liên hệ đến câu chuyện nhóm bạn tôi bàn hôm trước mà thấy ớn lạnh cho cái tư tưởng “để việc qua tết”.

Năm trước và trước nữa được nghỉ tết dài tới 9 ngày nhóm bạn tôi vẫn rểnh rang chơi chợ tết từ trước ngày ông công ông táo lên trời, rồi đi du xuân, hái lộc tận đến Rằm tháng Giêng. Chuyện sắm tết, du xuân dường như năm nào cũng vậy, được nhiều người ưu tiên nghĩ đến từ rất sớm. Năm nay kỳ nghỉ tết ngắn hơn nhưng nhóm bạn tôi vẫn thế, vẫn điệp khúc la cà sắm tết và bàn chuyện chơi xuân ở đâu cho hợp. Việc làm cả năm rồi, cứ để đấy, ra Giêng ngày rộng tháng dài trước sau gì mình chả làm.

Tôi chả biết nên ủng hộ ai, nói không với nhóm bạn thì mất lòng, còn nói có thì tôi là người vô tâm, vô trách nhiệm, mà trách nhiệm trước tiên là với người nhà tôi đã phải buộc lòng dời lịch khởi công ngôi nhà của mình sang thời điểm không mong muốn. Tôi thấy ớn lạnh và thêm thương những người dân đang tất bật lo đi giải quyết thủ tục hành chính trong những ngày này cho con cháu kịp ra tết đi làm ăn xa, rồi chuyện thủ tục vay vốn, chuyện xây nhà... Những chuyện chẳng thế đừng, nhưng có phải ai cũng cảm thông nỗi niềm ấy. Tôi có lo cũng chưa thay đổi gì được bởi có vẻ như tôi là số ít, trong nhóm bạn của mình tôi cũng là thiểu số.

Để việc ra giêng thong dong mà làm, suy nghĩ ấy đã quen đến mức như một mặc định với nhiều người. Nhưng ra giêng là dòng người chờ đợi, là núi việc đè lên bàn công vụ, sẽ lại phải xử lý thế nào để tránh sai sót, tránh xung đột. Mà xung đột thì dễ giông cả năm lắm.

Vì sao chúng ta cứ đặt câu hỏi tết sẽ làm gì, chơi ở đâu, mà không thay vào đó là việc lo để giải quyết hết phần việc của mình trước đã. Người Việt có thói quen tống tiễn hết chuyện năm cũ để rước may vào nhà, vào mình, nhưng nhiều người lại không nghĩ đến chuyện phải “tiễn” hết công việc của năm cũ đi để năm mới đón việc mới cho hanh thông, may mắn.

Nền hành chính công vụ ở ta còn lắm rườm rà, và với tư tưởng “để việc qua tết” ngày rộng tháng dài mới làm thêm gieo vào suy nghĩ của người dân một sự nhiều khê.

Anh Vũ


 

Các tin khác:
  • Gấp rút nhưng đừng bất chấp (19/01/2017-15:01)
  • Nhận diện trúng, hành động đúng để cuộc sống bình yên (16/01/2017-10:41)
  • Câu chuyện nhỏ bên ly cà phê sáng (15/01/2017-7:06)
  • Ban hành chỉ thị đi liền giám sát thực hiện (13/01/2017-10:05)
  • Lấp khoảng trống trách nhiệm (10/01/2017-12:47)
  • Lựa chọn niềm vui cho số đông (09/01/2017-6:37)
  • Chiếc xe nhân lên mầm thiện (08/01/2017-8:26)
  • Phép thử năng lực và sự trung thực (30/12/2016-14:01)
  • Phải đặt luật trên lệ (28/12/2016-6:44)
  • Không lợi dụng danh nghĩa để chè chén, biếu xén (23/12/2016-9:54)