Thứ ba, ngày 16/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo với biển đảo quê hương
Đồng hành cùng ngư dân bám biển (20/02/2017-7:42)
    Khai thác hải sản xa bờ là nhu cầu thực tế và là xu hướng phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Những năm qua, cùng với sự phát triển của lực lượng khai thác xa bờ, mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, đội tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển góp phần nâng cao hiệu quả khai thác.

Tàu dịch vụ của ngư dân tại cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia) xuất bến ra khơi.

Đẩy mạnh liên kết giữa khai thác và dịch vụ

Gắn bó mấy chục năm với nghề đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Văn Long (Phường Quảng Tiến, TX. Sầm Sơn) đã đầu tư được con tàu dịch vụ với công suất trên 400CV. Tàu này có thể chuyên chở khoảng 35 tấn hàng, cung cấp xăng dầu và thu mua các mặt hàng hải sản cho các chủ tàu khai thác xa bờ ngay trên biển.

“Đóng con tàu này tôi phải vay mượn gần một nửa số tiền đầu tư vốn để làm. Biết là khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn quyết tâm vì con tàu là mơ ước cả đời, cũng là kế sinh nhai của gia đình tôi”, ông Long tâm sự.

Hai địa phương phát triển đội tàu dịch vụ nghề cá lớn nhất tỉnh là xã Hải Bình (Tĩnh Gia) và phường Quảng Tiến (TX.Sầm Sơn). Tại phường Quảng Tiến, những năm gần đây ngư dân có xu hướng đầu tư vào các loại tàu dịch vụ có công suất từ 150CV đến 300CV. Hiện tại, trên địa bàn phường có trên 200 tàu thuyền, trong đó 35 tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần trên biển với 200 lao động tham gia. Điều đáng nói, hoạt động thu mua của các tàu dịch vụ lại chiếm tới 38% tổng thu nhập từ nghề biển trong khi số tàu ít hơn rất nhiều. Mỗi chuyến một tàu dịch vụ có thể thu mua được hàng chục tấn hải sản các loại.

Theo các ngư dân thì khi xuất bến, đi một chiều biển thường mất từ 7 đến 10 ngày mới trở về, khi quay trở về bờ đã mất khoảng 30% thời gian của một phiên biển. Điều này vừa làm giảm thời gian bám biển, vừa tốn kém chi phí tiền nhiên liệu cho tàu ra, vào. Được biết, nghề khai thác xa bờ nếu trúng được luồng cá thì “ngày làm, tháng ăn”. Trước đây nhiều tàu khi đã tìm trúng luồng thì chỉ kịp bỏ được vài mẻ lưới là phải quay trở vào bờ để lấy thêm nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết. Hiện nay, với đội tàu dịch vụ ngày càng lớn mạnh, các tàu khai thác có thêm cơ hội bám biển dài ngày. Mỗi chuyến đi của đội tàu dịch vụ trung bình chỉ kéo dài 4 đến 5 ngày, nguồn hải sản mang về đất liền sẽ đảm bảo chất lượng hơn.

Trong thời gian tới sẽ hướng các phương tiện dịch vụ đơn lẻ thành lập tổ đoàn kết dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Các tổ thành lập theo đúng quy trình, trên cơ sở tự nguyện, cùng tham gia hỗ trợ nhau thu mua hải sản, cung ứng lương thực, thực phẩm và nhiên liệu trên biển cho các phương tiện khai thác, mỗi tổ dịch vụ phải có ít nhất từ 3 tàu trở lên.

Thực tế cho thấy, các tàu hoạt động đánh bắt xa bờ có mức đầu tư và phát triển ngày càng tăng, quy mô lớn và ngày càng hiện đại hơn. Cũng từ đó sẽ hình thành những tàu thuyền có công suất lớn chuyên thu mua và chế biển hải sản trên biển.

Ông Lê Bá Lực - Trưởng phòng khai thác tàu cá thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Để kinh tế biển phát triển bền vững, ngoài chú trọng khai thác hải sản, phải khuyến khích ngư dân chuyển từ ngư nghiệp đơn thuần như lâu nay sang kết hợp các loại hình thương mại và dịch vụ trên biển, hướng đến một mô hình kinh tế biển khép kín là khai thác - thu mua - chế biến”.

         Tiếp bước truyền thống bám biển

Anh Trần Văn Trung (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia) - chủ tàu cá mang số hiệu TH.90690.TS vừa trở về từ ngư trường Vịnh Bắc Bộ sau chuyến đánh bắt dài ngày cho biết: “Nguồn lợi hải sản ở gần bờ ngày càng khan hiếm vì vậy phải đóng tàu lớn để ra khơi xa khai thác. Hơn nữa, khai thác hải sản trên những con tàu có công suất lớn, gặp thời tiết xấu, gió cấp 7 chúng tôi vẫn có thể bám trụ trên biển”.

Được biết, anh Trung đã bán tàu tàu cũ công suất 90CV để đầu tư đóng mới tàu công suất trên 300CV cùng với các trang thiết bị trên tàu với tổng số vốn trên 3 tỷ đồng.

Với những “lão ngư” dày dạn kinh nghiệm, càng vui hơn khi thấy khát vọng vươn khơi xa của mình đã được chính những người con, người cháu hiện thực hóa bằng việc đầu tư đóng tàu công suất lớn. Chỉ có vươn khơi xa trên những con tàu công suất lớn mới đánh bắt hiệu quả, mới làm chủ được ngư trường.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khai thác hải sản, dù tuổi đời còn trẻ, ngư dân Nguyễn Văn Minh (xã Hải Bình, Tĩnh Gia) đã vượt qua những khó khăn, mạnh dạn vay mượn đầu tư đóng mới tàu công suất 420CV. Bằng ý chí và kinh nghiệm sau nhiều năm theo cha đi biển, đã giúp anh Minh cầm lái con tàu và cùng với 7 lao động vượt qua sóng gió, đạt hiệu quả cao trong khai thác trước sự khâm phục của nhiều lão ngư và thanh niên cùng trang lứa.

Vượt qua những khó khăn, ngư dân Thanh Hóa đang kiên cường bám biển, những đoàn tàu vẫn rẽ sóng ra khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Lan

 

Các tin khác:
  • Ngòi bút của tôi phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc, của đất nước (05/01/2017-6:36)
  • Kỷ niệm với Trường Sa (26/10/2016-21:19)
  • Thiêng liêng lá cờ chủ quyền (23/09/2016-15:59)
  • Sức mạnh kinh tế, nhìn từ biển (22/09/2016-11:12)
  • Vang mãi tình yêu biển, đảo (08/09/2016-3:48)
  • Tôn vinh ngư dân bám biển (20/08/2016-7:17)
  • Cờ Tổ quốc kéo cao trước mỗi chuyến đi (12/08/2016-14:15)