Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Công tác hội
Kinh tế báo chí và đạo đức nghề nghiệp (02/03/2017-10:13)
    (NLBTH) - Năm 2016 báo giới cả nước đã liên tiếp chứng kiến những vi phạm của người làm báo và cơ quan báo chí, trong đó có những vụ việc vi phạm mang tính hệ thống, ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa.

Cho dù mức độ xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan chủ quản cơ quan báo chí khá nghiêm khắc, nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ sức răn đe, đánh động lương tâm không ít người làm báo. Việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật trong tác nghiệp của người làm báo, mà phần đa là gắn với kinh tế vẫn xảy ra ở những mức độ khác nhau, làm giảm sút niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Vì sao vi phạm của người làm báo và cơ quan báo chí ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn?

Điều dễ nhận thấy, đó là cơ quan báo chí và người làm báo ngày một nhiều hơn, dẫn đến những sự cạnh tranh về nội dung, cạnh tranh trong phát hành, tuyên truyền, quảng cáo... Còn điều nữa, đó là vi phạm của tổ chức, cá nhân ngày một nhiều hơn đã tạo điều kiện cho một số nhà báo cơ hội “mượn gió bẻ măng”.

Vụ việc liên quan đến hai nhà báo tại Báo Công thương thuộc Văn phòng đại diện Hải Phòng trong tháng 8/2016 là ví dụ. Nhà báo là Vũ Thị Thành Huế và Lê Thị Xuyến đã tìm hiểu về những vi phạm trong xây dựng của một công dân tại huyện Vĩnh Bảo và đề nghị người vi phạm ký hợp đồng tuyên truyền trên Báo Công thương mức tiền 30 triệu đồng để bỏ qua sai phạm, nhưng đã bị người vi phạm ghi âm và tố cáo. Vụ việc đã tạo ra những phản ứng gay gắt trên công luận, gióng lên hồi chuông khẩn thiết về góc khuất bất minh của một nghề được coi là chính trực, được tôn trọng.

Cũng liên quan đến Báo Công thương, năm 2016 cơ quan báo này đã bị thành tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt 15 triệu đồng bởi một lý do lãng xẹt, đó là quảng cáo sai sự thật dẫn đến quyền lợi của công dân bị xâm hại. Cụ thể, báo đăng tin “Bán nhà số 14, ngách 79, ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội diện tích đất 60m2”, gây hiểu nhầm cho bạn đọc là cả 60m2 này đã được cấp sổ đỏ, nhưng diện tích thực tế ghi trong sổ đỏ chỉ là 37,9m2, còn lại khoảng 20m2 là diện tích ngoài sổ đỏ. Tin vào quảng cáo này người mua nhà đã đặt cọc 200 triệu đồng, đến khi phát hiện thực tế không đúng như quảng cáo thì không đòi lại được số tiền đặt cọc.

Việc sai phạm như thông tin của Báo Công thương xảy ra ở khá nhiều tờ báo, bởi khi nhận hợp đồng thông tin - quảng cáo không mấy cán bộ làm nhiệm vụ tiếp thị quảng cáo ở cơ quan báo chí xem kỹ hồ sơ sản phẩm quảng cáo, người có trách nhiệm trong việc xuất bản cũng có niềm tin vào người thực hiện quảng cáo, và vô tình cả hai đã bị nguồn chi phí quảng cáo “che mắt”.

Có thể nói, sai phạm trong tuyên truyền, quảng cáo là vấn đề khá phổ biến hiện nay bởi áp lực nguồn thu đối với nhiều tờ báo rất lớn. Có cơ quan báo chí phải tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động, bởi thế phải bằng nhiều nguồn thu để đảm bảo sự hoạt động ổn định, trong đó phần thu lớn nhất thuộc về quảng cáo, tuyên truyền. Vấn đề kinh tế câu thúc dẫn đến tòa soạn giao chỉ tiêu cho cán bộ, phóng viên, và đã tạo ra áp lực rất lớn. Để đảm bảo nguồn thu, một số cán bộ, phóng viên vừa thực hiện tuyên truyền theo quan hệ, theo yêu cầu, nhưng cũng không tránh khỏi việc “ép” cơ sở làm tuyên truyền, quảng cáo. Thậm chí có những doanh nghiệp, thương hiệu đang có dấu hiệu vi phạm nhưng khi đặt vấn đề quảng cáo, cơ quan báo chí vẫn tiếp nhận mà không kiểm tra, xem xét đầy đủ dẫn đến vi phạm.

Cũng vì nguồn thu, nhiều tòa soạn đã có cơ chế trích phần trăm cho người thực hiện cao tới 40 - 50% giá trị hợp đồng, khiến nhiều cán bộ, phóng viên bất chấp để thực hiện. Họ sẵn sàng sử dụng nhiều mối quan hệ, nhiều áp lực để ký được hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo.

Vụ việc thông tin trên báo chí liên quan đến nước mắm mới đây khiến rất nhiều cơ quan báo chí bị xử phạt lại thể hiện một sự thiếu nghiêm túc với nghề của những người trong cuộc. Đây chính là sự câu kết bất lương nhằm phục vụ nhóm lợi ích, trong đó có chính lợi ích của cơ quan báo chí.

Luật Báo chí 2016 với những hướng mở hơn về liên kết trong hoạt động báo chí. Đồng thời tính tự chủ ngày càng lớn ở nhiều cơ quan báo chí, là cơ hội để cơ quan báo chí đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường sản phẩm, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện các nguồn thu liên quan đến báo chí.

Nhưng với những gì đã xảy ra, thì liệu cơ chế “mở” này có ảnh hưởng đến việc tác nghiệp báo chí, đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo?

Rõ ràng phải cần đến sự nghiêm túc, tôn trọng nhiều hơn nữa của người làm báo trước pháp luật; sự chính trực, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do chính mình đã thảo luận để xây dựng nên.

Thế nhưng, dường như đó vẫn chỉ là sự kêu gọi định tính. Lâu nay pháp luật về báo chí đã có. Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã có, nhưng việc vi phạm vẫn cứ diễn ra. Điều đó được lý giải bởi sự quản lý của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, tổ chức Hội Nhà báo vẫn còn “vấn đề”. Khi mà lợi ích kinh tế còn bị đặt trên lương tâm nghề nghiệp, bị coi trọng hơn những ràng buộc có tính định chế pháp luật, thì sai phạm là điều được tiếp tay, và cũng dễ hiểu.

Luật Báo chí 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật hiện hành do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí 2016 có sự ràng buộc cao hơn, tính pháp lý rõ ràng hơn, cũng phù hợp hơn với thực tế đời sống báo chí trong nước. Đó là điều mong muốn và chờ đời không chỉ với người làm báo, mà cả công chúng báo chí. Thế nhưng, phải khẳng định một điều, dù là luật, là quy định đã được thảo luận, bàn bạc tập thể và thống nhất cao, nhưng nếu như không có sự tôn trọng, đưa luật, đưa quy định vào cuộc sống thì luật, quy định đơn giản cũng chỉ là những tờ giấy. Rõ ràng, bên cạnh Luật Báo chí 2016 và Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với pháp luật hiện hành, thì mỗi cơ quan báo chí cần phải xây dựng một quy định tác nghiệp riêng, trong đó có việc thực hiện kinh tế báo chí, mỗi cán bộ, phóng viên thuộc cơ quan báo chí đó có nghĩa vụ thực hiện, cơ quan báo chí có trách nhiệm giám sát thực hiện.

Việc tăng cường chỉ đạo, giám sát của cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và vai trò tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng của tổ chức Hội Nhà báo có thể nói chỉ chừng mực và hữu hạn. Chỉ khi nhận thức của cơ quan báo chí, của người làm báo thay đổi, tôn trọng pháp luật thực sự, mới hy vọng vào việc điều chỉnh hành vi, thay đổi việc làm.

Biết rằng, nguồn thu của nhiều cơ quan báo chí hiện và dự báo sẽ tiếp tục là vấn đề sống còn bên cạnh nội dung các ấn phẩm. Thế nhưng báo chí cách mạng còn vấn đề cốt tử đó là phụng sự đất nước, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân. Cần phải tuyên truyền đúng mực, khai thác kinh tế báo chí đúng cánh, mới là điều cần. Tác giả tham luận từng trải qua công việc phóng viên, rồi quản lý cơ quan báo chí trước khi làm công tác Hội Nhà báo. Trong mỗi công việc dù ít, dù nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến kinh tế báo chí, vận động tài trợ… Đó là việc không dễ, cần có sự linh hoạt, nên đồng cảm sự vất vả của những nhà báo được giao nhiệm vụ làm kinh tế cho tòa soạn; cảm thông với cơ quan báo chí phải chịu áp lực về nguồn thu. Thế nhưng, chúng ta cũng phải cân nhắc, tính đến lợi ích lâu dài của cơ quan báo chí và thanh danh nghề nghiệp của mỗi người làm báo thay cho lợi ích ngắn hạn. Đó là sự hướng tới, cũng là yêu cầu đặt ra cho cơ quan báo chí, người làm báo chính trực và nhân văn.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu làm rõ việc nhà báo bị đánh tại Thanh Hóa (02/03/2017-10:05)
  • Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã đáp ứng mong đợi của người làm báo và dư luận xã hội (16/01/2017-10:32)
  • Làm gì để Luật Báo chí, Quy định đạo đức Người làm báo đi vào cuộc sống? (11/01/2017-16:23)
  • Tạo sức sống mới, nâng cao vai trò, uy tín Hội Nhà báo Việt Nam (03/01/2017-6:42)
  • 10 hoạt động nổi bật của Hội Nhà báo Thanh Hóa trong năm 2016 (03/01/2017-6:31)
  • Để Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo “đi vào cuộc sống” (30/12/2016-13:48)
  • Tôn vinh Hội Nhà báo Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (27/12/2016-11:55)
  • Lương tâm và trách nhiệm người làm báo (22/12/2016-6:43)
  • Công bố và trao thẻ hội viên Hội Nhà báo VN giai đoạn 2016 – 2021 (21/12/2016-9:08)
  • Công bố 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (17/12/2016-7:40)