Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
“Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ - tác giả nữ” (08/03/2017-7:11)
    Đúng dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ - tác giả nữ.

Bức tượng bán thân nữ TBT đầu tiên- nhà báo Sương Nguyệt Anh.

Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2017 (diễn ra từ ngày 17-19/3/2017). Triển lãm nhằm tôn vinh đóng góp của nữ tổng biên tập đầu tiên tròn 100 năm trước (1917 – 2017) là bà Sương Nguyệt Anh (con gái cụ Đồ Chiểu) và tờ báo nữ đầu tiên ra đời 99 năm trước (1918 – 2017) là tờ Nữ giới chung mà bà Sương Nguyệt Anh là Tổng biên tập.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm chuyên đề – Báo chí Việt Nam- Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ. Ảnh: Sơn Hải.

 “Báo chí Việt Nam – Một thế kỷ chủ đề nữ, tác giả nữ”  là triển lãm chuyên đề đầu tiên về chủ đề này. Ngoài mục đích giới thiệu một phần lịch sử báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo chí Cách mạng Việt Nam, triển lãm còn mang tới góc nhin mới về sự phát triển phong phú đa dạng của các đề tài, nội dung của báo chí Việt Nam; phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy và hưởng thụ văn hóa của công chúng, đồng thời góp phần bổ sung, làm giàu thêm kho cơ sở bảo tàng và phục vụ kịp thời cho việc ra mắt của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Triển lãm cũng góp phần làm phong phú, sinh động thêm các nội dung, hoạt động của Hội báo Toàn quốc 2017, tôn vinh những đóng góp, thành tựu của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ nhà báo nói riêng đối với đất nước, trong đó có sự nghiệp báo chí; khẳng định vai trò, vị thế và ảnh hưởng tích cực, không thể thay thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội cũng như những quyền lợi của phụ nữ trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kinh tế, chính trị… mà cách mạng và sự nghiệp đổi mới đã đem lại cho họ.

“Triển lãm lần này là nơi tôn vinh tinh thần không ngại khó và nỗ lực hết mình của những nhà báo nữ Việt Nam, như một món quà giàu ý nghĩa, thân thương gửi đến các nhà báo nữ trong cả nước; là lời chúc mừng và khâm phục sự đóng góp của các bác, các cô, các chị đã góp phần làm nên những trang sử báo chí vẻ vang mà những người làm báo Việt Nam hôm nay cần bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và ghi nhận, tôn vinh những đóng góp vô cùng đáng trân trọng ấy”, nhà báo Trần Thị Kim Hoa- Trưởng Ban Quản lý các Dự án thành phần thuộc Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chia sẻ.

Theo nhà báo Trần Kim Hoa, qua nghiên cứu, chuẩn bị và tiếp cận lịch sử báo chí các giai đoạn và tham khảo qua các công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, sách đã xuất bản…. có nội dung liên quan đến chủ đề của triển lãm, trên cơ sở tài liệu hiện vật có trong tay, Ban tổ chức triển lãm đã nhận thấy đề tài nữ giới trên báo chí đã sớm xuất hiện trên báo chí tiếng Việt, vào khoảng những năm 1882- 1884. Điều này giúp BTC vững tin hơn rằng vấn đề phụ nữ không thể bị bỏ quên trên báo chí cho đến đầu thế kỷ XX, khác với một số nhận định đã có. Mong rằng tới đây các nhà nghiên cứu sẽ giúp làm rõ hơn vấn đề thú vị và có ý nghĩa khoa học này.

Nhà báo Trần Kim Hoa giới thiệu với các đại biểu về ý nghĩa, nội dung của Triển lãm. Ảnh: Sơn Hải.

Triển lãm đã trưng bày trên 500 hiện vật, hình ảnh, tư liệu với các nội dung, về các tờ báo nữ, chân dung một số nữ nhà báo tiêu biểu, các bài báo về các vấn đề nữ, tác giả nữ 3 giai đoạn: giai đoạn trước thời kỳ 1945, giai đoạn 1945 – 1975 và  từ 1975 đến nay.

Được biết, do diện tích khiêm tốn dành cho Triển lãm được phân bổ trong khuôn khổ Hội Báo 2017 nên Ban tổ chức đã cố gắng khai thác hết các hình thức trưng bày có thể có nhằm làm phong phú hơn các nội dung: khoảng 80m2 vách trưng bày hình ảnh về Đề tài nữ và tác giả nữ các thời kỳ ; trên 100 hình ảnh, tư liệu được giới thiệu trên các cánh của 5 trục xoay; khoảng 200 đầu báo đặt trong 12 tủ trưng bày, chưa kể một số tư liệu, hình ảnh, chương trình PTTH lưu và phát qua màn hình máy tính, ti vi…

Đặc biệt, triển lãm đã nhận được một món quà vô giá của nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai, gửi tặng bức tượng gốm bán thân chân dung nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh. Một bức tượng rất đẹp, màu nâu ánh vàng đồng, cao 65cm. Theo Ban tổ chức, đây có lẽ đây là bức tượng đầu tiên về bà.

Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Kim Hoa, hiện vật triển lãm thể khối liên quan đến các nhà báo nữ các thời kỳ chưa nhiều nên đây là một trách nhiệm lớn đặt lên vai những người làm công tác Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Dù rất cố gắng song các hiện vật, hình ảnh, tư liệu, chương trình PT-TH chưa có sự hiện diện phong phú, xứng tầm… do liên quan đến trang thiết bị, công nghệ và không gian Triển lãm; Bên cạnh đó, chưa có một nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng, chuyên sâu về báo chí đề tài nữ giới và các nữ tác giả của Việt Nam trong 3 thời kỳ, kể cả báo chí về phụ nữ và tác giả nữ của các dòng báo chí khác. Triển lãm mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu, tập hợp bước đầu, có tính chất gợi mở.

Trong đó, một số đề tài như nhà báo nữ với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; sức trẻ và bút lực của các cây bút nữ trẻ hôm nay; những khó khăn thách thức mang tính thời cuộc với các nhà báo nữ thời hội nhập… là những vấn đề mà triển lãm chưa có điều kiện đề cập mà mới chỉ dự kiến cho kế hoạch tương lai.

“Đề tài nữ, tác giả nữ trên báo chí Việt Nam  1917-2017″ là một đề tài hay, có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử và giá trị khoa học nhất định, cần được đầu tư khai thác, nghiên cứu và phát huy. Ban Quản lý Dự án Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong quá trình thực hiện, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của mình đã mạnh dạn tập hợp, phân loại, lưu giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật báo chí liên quan đến đề tài này, hy vọng khi triển khai trưng bày sẽ là một triển lãm chuyên đề được đánh giá tốt, sẽ có sức hút và có những tác động tích cực đối với công chúng hôm nay, đồng thời góp phần hỗ trợ công tác nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục về lịch sử báo chí Việt Nam cũng như các thế hệ nhà báo nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình trên báo chí Việt Nam các thời kỳ”, Trưởng Ban Quản lý Dự án Bảo tàng báo chí Việt Nam- nhà báo Trần Kim Hoa hy vọng.

Triển lãm là sự kiện mở đầu Hội Báo toàn quốc 2017 nhưng cũng là một cuộc tập dượt, thử sức không kém phần khó khăn đối với bộ phận cán bộ làm công tác bảo tàng Hội Nhà báo Việt Nam. Quá trình chuẩn bị chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần ngay sau khi được lãnh đạo Hội chính thức phân công và duyệt ý tưởng đề xuất nên BQL không có điều kiện nghiên cứu sâu hơn trong bối cảnh vừa ít người, vừa non trẻ về nghiệp vụ bảo tàng lại đang phải đồng thời thực hiện nhiều công việc khẩn trương, cấp thiết khác… Vì vậy, nhà báo Trần Kim Hoa cho biết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung sau khi Bảo tàng ra đời, coi đây là một bộ phận quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tôn vinh di sản báo chí của các thế hệ người làm báo Việt Nam.

Triển lãm diễn ra tại tầng 2, Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội từ nay đến hết ngày 19/3/2017.                                                                                               

Tại lễ khai mạc, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định và đánh giá cao ý nghĩa và nội dung sâu sắc của triển lãm này. Trong cuốn sổ ghi lời cảm tưởng về triển lãm, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Triển lãm “Một thế kỷ đề tài nữ- Tác giả nữ trên báo chí Việt Nam” có ý nghĩa tinh thần, văn hoá và nghề nghiệp sâu sắc, góp phần tôn vinh hình ảnh cao quý của người phụ nữ Việt Nam làm báo. Triển lãm này chắc chắn sẽ góp phần làm phong phú Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chúng ta rất ngưỡng mộ và tự hào về các nhà báo nữ Việt Nam. Xin cảm ơn các đồng chí và các bạn đồng nghiệp với tấm lòng và tình cảm tốt đẹp đã hoàn thành trong một thời gian rất ngắn Triển lãm này…”

                                                                                        Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Họp tổng rà soát tiến độ triển khai công tác chuẩn bị cho Hội Báo toàn quốc 2017 (06/03/2017-10:00)
  • Hội báo toàn quốc 2017: Sẽ trang trọng và có chiều sâu (06/03/2017-8:49)