Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyên tâm và cẩn trọng mới là yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp khi viết báo (11/03/2017-7:17)
    Những hình dung về phái yếu thường đi kèm với sự yếu đuối, uỷ mị. Song điều này dường như không phù hợp lắm ở thời hiện đại, nhất là với những người phụ nữ biết làm chủ công việc, cảm xúc và cuộc sống của mình. Nhà thơ, nhà báo Vũ Quỳnh Hương là một cây bút nữ giàu cảm xúc mãnh liệt trong sáng tác cùng quan điểm khá rành mạch rõ ràng trong tư duy làm báo.

Nhà thơ, nhà báo Vũ Quỳnh Hương

Báo chí, tính định lượng và cấu trúc logic được đặt lên cao hơn

+ Xưa nay người ta vẫn nghĩ nhà thơ thì hay lãng đãng, song thực tế tiếp xúc những nhà văn hay nhà thơ tên tuổi lại thấy họ cực kỳ thông minh, tư duy rõ ràng. Còn chị, chị tự nhận mình thuộc tuýp nào?

 – Tôi khi làm thơ hay sáng tác – tản văn, thi ca, truyện thì hoàn toàn nuông chiều cảm xúc. Nhưng về báo chí thì tính định lượng và cấu trúc logic trong bài vở được đặt lên cao hơn.

+ Cảm xúc là thứ quan trọng để tạo ra những cái đặc biệt trong sáng tác, sáng tạo. Song phần lý trí lại đặc biệt quan trọng trong nghề báo, để thu thập được nhiều thông tin một cách logic nhất, thuyết phục nhất… và đa phần đều không “nuông chiều” cảm xúc quá như với thơ văn.  Đúng như chị nói: Nó liên quan đến tính hệ thống trong xử lý – đặc biệt với bài vở về xã hội, cơ chế, quản lý, quy hoạch…  mảng nghề báo chị từng theo dõi nhiều năm.

– Sẽ rất xưa cũ nhưng không bao giờ thừa khi nhắc lại một câu nói kinh điển: “Nhà báo cần viết với một trái tim nóng và cái đầu lạnh”.

Mọi sự sai đúng trong cuộc sống đôi khi – và rất nhiều khi – lại được quyết định bởi quan điểm chứ không phải hiện tượng. Tôi thường cố gắng đặt mình ở nhiều vai khi phân tích một vấn đề, lâu dần nó tạo thành thói quen để định lượng – chứ không phải định tính dẫn dắt mạch viết của mình.

+ Sự tách bạch của chị trong tư duy và cảm xúc đã khiến chị “chạy” đều và “chạy” khoẻ hơn trong cả 2 lĩnh vực báo chí và văn chương. Phải chăng đó là kiểu bù trừ, tương hỗ nhau, cho mình những không gian sáng tạo và tư duy phong phú khác nhau?

– Đó là sự phân tách và định vị trong cuộc sống. Tôi luôn cho rằng con người – dù muốn dù không – cũng luôn luôn là một diễn viên phải kiêm nhiều vai. Và mỗi tình huống trong cuộc sống đòi hỏi một loại kỹ năng xử lý phức hợp hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như lái xe thì khác với nấu ăn, và làm thơ rõ ràng không thể giống bán hàng. Vì thế với nghiệp viết hiện nay có thể thấy những nhà thơ – doanh nhân hay nhà báo – nhà kinh tế không hề xung đột trong một con người. Với tôi, làm thơ hay sáng tác – tản văn, thi ca, truyện là hành vi tự thưởng nuông chiều cảm xúc. Nhưng khi viết báo thì bắt buộc phải để tâm đến định lượng, cấu trúc logic và tính xác thực của thông tin. Tôi tin sự chuyên tâm và cẩn trọng – chứ không phải năng khiếu – mới là yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp.

Mỗi mảng đều có những sự vụ “kích thích adrenalin” theo một cách rất riêng

+ Các phóng viên thường được theo dõi một mảng nào đó suốt cả hàng chục năm, thậm chí cả đời. Thế nên cũng sẽ là điều ngạc nhiên khi một ai đó viết được quá nhiều lĩnh vực. Quỳnh Hương đã từng kinh qua và trải nghiệm rất nhiều mảng như quốc tế, xã hội, kiến trúc, văn hoá… Chị có bao giờ nhìn lại để biết mình thích nhất mảng gì không?

– Nói thì chị sẽ thấy buồn cười nhưng trên thực tế tôi không thích “mảng” nào nhất cả. Theo sinh trắc vân tay, tôi là chủng Nước, thích nghi và đáp ứng được tất cả các mảng, một cách tự nguyện chứ không phải ép buộc gì. Nên ở mỗi mảng nó đều có những sự vụ “kích thích adrenalin” theo một cách rất riêng… Và bài viết của mỗi nhà báo – theo kinh nghiệm và lứa tuổi – cũng sẽ có sự thay đổi. Khi còn trẻ, khoẻ, tràn trề thể lực, tôi lao theo hiện tượng nhiều hơn. Khi đã sống lâu năm, thì những nhà báo “già” thường chậm lại một nhịp và đi vào phân tích bản chất!…

+ Lại quay về cảm xúc và lý trí, cái này có vẻ như chị luôn cân bằng được. Chị luôn tự tìm cho mình những niềm vui cũng như giá trị của công việc, những giá trị cho mình và sự nghiệp văn chương, báo chí trong mọi bối cảnh. Có vẻ không dễ để có sự cân bằng như chị, chị có cách nào riêng không?

– Con người ta ai cũng phải tự cân bằng cảm xúc và tất cả mọi thứ của mình cũng như ý thức về việc mình sống như thế nào, mình làm việc như thế nào. Tư duy của tôi rõ ràng, quyết liệt, tôi làm việc cũng như thế nên với văn chương hay báo chí tôi đều mong muốn có những sản phẩm riêng của mình, cái đích đó tiếp cho tôi sự cân bằng. Có lẽ nó cũng khá đơn giản nhưng trong từng việc cụ thể, trong từng ngày cụ thể… cũng có sự xáo trộn nào đó. Có điều, mình cần biết rõ mình, biết rõ câu chuyện hay công việc mình đã đang và sẽ làm sẽ đi đến đâu… thì chắc là tự cân bằng được.

+ Xin cám ơn chị!

 Vũ Quỳnh Hương là tác giả của nhiều tập sách như: Con bò treo cửa (truyện thiếu nhi), Trái tim của Sói (tiểu thuyết) và các tập thơ: “Hương đầu mùa”, “Nếu yêu thì phải nói”, “Im lặng mà buông tay”. Vũ Quỳnh Hương từng đoạt danh hiệu Á khôi Vẻ đẹp học đường Học sinh Sinh viên toàn quốc năm 2000 và cũng từng là nhân vật kiều nữ bắt cướp trên đường phố năm 2010 trên phố Lý Nam Đế từng được báo chí đề cập.

Hằng Nga/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Báo Thanh Hóa hướng tới mô hình tòa soạn hội tụ (08/03/2017-21:55)
  • Báo chí dưới góc nhìn của một nhà văn (22/02/2017-8:10)
  • Cần thêm sự tham gia của giới khoa học (20/02/2017-7:40)
  • “Báo chí độc lập quan trọng hơn giải thưởng” (20/02/2017-7:36)
  • Một số nguyên tắc khi tiếp xúc với các nhà báo (16/02/2017-8:55)
  • Nhà báo Hồng Vinh: Một trong những người xung kích đổi mới báo Đảng (14/02/2017-10:27)
  • Nội dung câu view trên báo chí sẽ không còn đất sống? (11/02/2017-11:41)
  • Chất văn trên trang báo ngày xuân (11/02/2017-10:18)
  • Xuân mới nhiều ước vọng… (11/02/2017-10:13)
  • Để nghề báo thêm vinh quang và cao quý (18/01/2017-8:31)