Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Rượu và quyền của người tiêu dùng (16/03/2017-22:44)
    (NLBTH) - Tháng 3 có một ngày rất quan trọng, đó là ngày quyền người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng cũng chính thời gian này người tiêu dùng lại đối mặt với việc quyền chính đáng của mình bị xâm hại nghiêm trọng khi liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc rượu, nhiều người tiêu dùng phải nhập viện, có người đã mất mạng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia - nước giải khát Việt Nam thì, có tới 70% thị phần rượu trên thị trường là tự chế, không đảm bảo chất lượng.

Ở nước ta, rượu cũng như nước chè, cà phê, là thứ khó có thể thiếu với nhiều người, chỉ cần thiết sau cơm ăn, nước uống mỗi ngày.

Thế nhưng, với mức độ nguy hại của loại rượu trôi nổi trên thị trương hiện nay thì sự cần thiết đó lại đang đe dọa khủng khiếp với rất nhiều người tiêu dùng. Họ sẽ phải trông đợi vào đâu khi chưa thể bỏ được thói quen tiêu dùng này?

Quy định của pháp luật cho phép người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo gian lận thương mại, từ chối những sản phẩm không đảm bảo về quy cách, mẫu mã, chất lượng. Thế nhưng với tình trạng hỗn loạn của thị trường rượu hiện nay, thì người tiêu dùng biết phải ứng xử như thế nào.

Họ cần sự giúp sức của cơ quan chức năng, đó là lực lượng quản lý thị trường và y tế. Nhưng khi mà các cơ quan này còn chưa đủ sức để “quản” thị trường rượu, ngoài việc xử lý phần ngọn như bắt bớ, tiêu hủy, thì người tiêu dùng vẫn phải bằng lòng với sự “thông thái” bất đắc dĩ của mình.

Rau sạch, thực phẩm sạch hiện được nhiều doanh nghiệp cung cấp với giá không quá chênh lệch với thị trường đại trà. Trong khi đó rượu do doanh nghiệp sản xuất so với rượu tự chế trong nhân dân có sự chênh lệch khá xa về giá. Một chai rượu doanh nghiệp sản xuất lên tới hàng chục nghìn đồng, thì một chai rượu tự chế ở nhiều làng quê chỉ hơn 10.000 đồng. Để có rượu giá rẻ, nhiều người sản xuất rượu vô lương tâm, còn người bán hàng cũng không cần biết vì sao lại rẻ, chỉ cần tiêu thụ được nhiều thì lãi nhiều. Người tiêu dùng nhiều khi biết rượu không rõ nguồn gốc có thể nguy hại đến sức khỏe, tính mạng, nhưng đồng tiền trong túi họ lại không cho phép họ hành động khác. Người tiêu dùng có quyền, nhưng trong nhiều trường hợp cái thứ quyền ấy cũng khó để mà phát huy. Dòng chảy sản xuất - tiêu dùng rượu ở nhiều làng quê dường như chưa có ai là người chịu trách nhiệm.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường quản lý với các sản phẩm rượu, trong đó nhấn mạnh vai trò của quản lý thị trường và chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Đó là một yêu cầu cấp thiết, và nó đòi hỏi phải có một sự ứng xử nghiêm túc, có lương tâm và một cơ chế giám sát chặt chẽ, để người tiêu dùng rượu không phải tiếp nối vào con đường mất mạng!

 

Anh Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Con người, súc vật và pháp luật (14/03/2017-8:23)
  • Tập quán của rác! (14/03/2017-15:07)
  • Giữ gìn hình ảnh “công bộc” (11/03/2017-7:21)
  • Tạo môi trường sống cho nghệ thuật (08/03/2017-21:51)
  • Một sự ước ao… (07/03/2017-14:26)
  • Để đô thị thực sự có “chiều sâu” (03/03/2017-10:47)