Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo trong kỷ nguyên số: Chuẩn mực và trách nhiệm (18/03/2017-17:43)
    Sự tiến bộ của kỹ thuật số và internet đã mang đến muôn vàn cơ hội, đồng thời, cả những thách thức về thông tin và đạo đức đối với người làm báo. Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số, diễn ra chiều 17.3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc.

Mặt trái của kỷ nguyên số

Bước tiến dài của văn minh công nghệ mang lại những tiện ích lớn lao cho nhà báo, làng báo. Công nghệ giúp chúng ta xử lý thông tin nhanh hơn (viết trên máy tính); ghi nhận thông tin chính xác hơn (ghi âm, chụp hình); truyền tin nhanh hơn (qua internet, di động); đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn (qua phản hồi của bạn đọc)... Những tiện ích ấy khiến nhà báo nhanh nhạy, thức thời hơn. Tin tức của báo chí có nội dung tốt, cập nhật các vấn đề thời sự được công chúng đón nhận một cách nhanh chóng. Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook...

Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng kéo theo những mặt trái và sự phiền toái. Theo nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam: Sự phiền toái này không phải do công nghệ thông tin, mà do người sử dụng gây ra. Trước kia, bài báo hay nhờ chi tiết đắt, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống, do tác giả dấn mình vào thực tế để khai thác tài liệu. Nay thì chưa hẳn, vì người ta vẫn có thể ngồi một chỗ, kết nối thông tin để tham khảo, để “khai thác”, viết nhiều, thậm chí viết rất hay, rất nhanh! Cái sự nhanh nhẩu ấy chính là nơi vấp ngã, là tai họa, sập sụp của không ít nhà báo, thậm chí cả với nhà báo danh tiếng. Đơn giản vì tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng, không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thực của sự vụ, sự việc... đã khai thác, tiếp nhận và tạo nên tác phẩm của mình.

Với khối lượng thông tin lớn được truyền tải từng giây, từng phút qua internet, con người không còn đủ khả năng kiểm soát hết thông tin. Chỉ một thông tin đưa ra thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho một cá nhân, cộng đồng, thậm chí cho cả một đất nước, làm tổn hại tới uy tín của báo chí. “Đó là chưa nói tới hiện tượng phóng viên dọa nạt hội đồng, dọa nạt tập thể, ngụy tạo chứng cứ, gây áp lực với doanh nghiệp, chính quyền, ép hợp đồng tuyên truyền...” - nhà báo Vũ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa nói.

Chính vì thế, để phản ánh nhanh và đúng sự thật, đưa vấn đề đạo đức, trách nhiệm của báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay.

Đẩy mạnh kiểm chứng

Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng của mọi nền báo chí, trong đó có báo chí Việt Nam. Trong thời kỳ phát triển mạnh của mạng xã hội, tin tức truyền tải nhanh chóng, đặt ra vấn đề phải kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn. Phóng viên khai thác thông tin nhưng cũng phải đẩy mạnh kiểm chứng, không thể chạy theo tin tức mà quên đi đạo đức, tính chính xác và trách nhiệm gắn liền với tác phẩm của mình. Nói về trách nhiệm của người làm báo trong thời kỹ thuật số, nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Không có giải pháp nào có thể ngăn cản hay loại trừ thông tin trên môi trường mạng. Những người cung cấp thông tin - cụ thể ở đây là nhà báo phải tự đặt ra yêu cầu cao với vấn đề đạo đức, bản lĩnh, nghề nghiệp”. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải chủ động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện quy phạm đạo đức nghề báo. Các khâu từ sản xuất, biên tập đến xuất bản tin tức, tác phẩm báo chí phải được thực hiện và kiểm duyệt thật chặt chẽ.

Hiện nay, trước hiện tượng một bộ phận nhà báo, phóng viên hoặc cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa tờ báo, lợi dụng lợi thế của cơ quan báo chí để trục lợi, bất chấp đạo đức nghề nghiệp và sự kiềm tỏa của luật pháp, nhiều ý kiến tại diễn đàn khẳng định, việc xử lý nghiêm những vi phạm đạo đức là cần thiết. Theo bà Hà Kim Chi - Phó trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam: Các cơ quan báo chí, các cấp hội, đặc biệt là cơ quan kiểm tra phải quán triệt sâu, tìm hiểu kỹ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đề ra các hình thức để kiểm soát, ngăn chặn trước khi phát hành, phát sóng, lên mạng những tác phẩm báo chí chưa chuẩn về góc độ đạo đức. Khi xảy ra rồi cũng cần có thái độ cương quyết và dứt khoát xử lý sai phạm Luật Báo chí cũng như quy định đạo đức.

Trước vấn đề này, Hội Nhà báo Việt Nam đã có chủ trương thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 2 cấp: Trung ương và cấp tỉnh. Hội đồng được thành lập chắc chắn sẽ giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này tốt hơn. Trên cơ sở những quy định hiện hành, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý tốt, kịp thời góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự vi phạm của báo chí đối với luật pháp và quy định đạo đức nghề nghiệp.

Theo Cẩm Vân/Báo điện tử Người đại biểu nhân dân

 

Các tin khác:
  • Hội báo toàn quốc: "Báo chí Việt Nam đồng hành cùng Đất nước đổi mới” (18/03/2017-16:26)
  • Hội Báo toàn quốc 2017: Nhiều điểm nhấn với các hoạt động phong phú, có sức lôi cuốn. (08/03/2017-7:18)
  • “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ - tác giả nữ” (08/03/2017-7:11)
  • Họp tổng rà soát tiến độ triển khai công tác chuẩn bị cho Hội Báo toàn quốc 2017 (06/03/2017-10:00)
  • Hội báo toàn quốc 2017: Sẽ trang trọng và có chiều sâu (06/03/2017-8:49)