Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cẩn trọng với bàn phím (20/03/2017-8:39)
    (NLBTH) - Mạng xã hội bây giờ khá cởi mở, chỉ một chiếc Smartphone kết nối Internet bạn đã có thể tham gia rất nhiều diễn đàn. Đằng sau những tiếng tít tưởng như khô khan của bàn phím điện thoại là cuộc sống. Hãy sử dụng nó đúng cách.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa

Tôi đã chứng kiến cuộc sống của bạn tôi đi qua những cung bậc cảm xúc, từ một công chức quen trói chân trong bốn bức tường hành chính mỗi ngày, anh đã được “chắp cánh” bằng những lời hay, ý đẹp từ khi tham gia mạng xã hội.

Cuộc sống của anh trở nên ý nghĩa hơn, và anh không tiếc lời cho người sáng tạo ra trang mạng ấy. Bạn tuyên bố cuộc sống đích thực giờ mới bắt đầu. Bạn đã có nửa bên kia đúng nghĩa. Đó là một phụ nữ khác nhưng cùng lý tưởng. Họ  gặp nhau, và điều đó lẽ ra đã không diễn ra nếu không có mạng xã hội. Lần gặp gần nhất bạn thông báo đang tìm nhà thuê trọ. Sự hứng khởi từ cuộc sống trên mạng xã hội của anh đang nguy cơ trở thành sự kết thúc của cuộc sống gia đình.

Mạng xã hội kết nối cộng đồng, thỏa mãn đam mê, để thế giới “phẳng” hơn, nhiều khuất tất trong cuộc sống thêm minh bạch. Điều đó không thể phủ nhận, nhưng những trang mạng ấy cũng là một thứ vũ khí vô hình.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin, để thành “anh hùng” cũng dễ, mà tội nhân, thậm chí là phế nhân cũng không khó chút nào.

Được trở thành “anh hùng” và phong hàng “thánh” là niềm tự hào với nhiều người sử dụng mạng xã hội. Đằng sau sự “tôn vinh” ấy, là cả một quá trình lao động vất vả trên bàn phím.

Con bé hàng xóm nhà tôi đang học lớp 12, cuối năm học này mới vượt “vũ môn”, nhưng cái “vũ môn” trong làng facebook thì nó đã vượt cả mấy năm nay rồi, có nghĩa là nó đã trở thành một “anh hùng”, thuộc hàng “thánh”. Nhìn cách lướt của nó trên bàn phím mỗi khi tôi gặp mới thấy sức lao động và “cống hiến” của nó lớn tới chừng nào. Không chỉ phải nghĩ ra những câu độc để bình luận trên tường điện tử, mà còn luôn phải thay đổi “nhà cửa” của mình. Căn nhà nó đề cập là những khung cửa sổ trên trang facebook. Hôm nay là áo, mai là giầy, là son môi, túi xách, đồng hồ, những tư trang khác. Khoe hết của nó, nó đi mượn của người khác để khoe. Tiêu chí mà nó đặt ra là luôn luôn mới, tươi trẻ và sống động. Cuộc sống ảo ấy đã đưa nó lên hàng “thánh”, một “anh hùng” bàn phím, nhưng chẳng biết rồi có đưa nó thành một sinh viên hay không khi sự học đang nguy cơ mất phanh trên đường lao dốc.

Hôm nọ tôi đọc được mấy cái tin về án mạng, về hiếp dâm, trộm cắp. Những tin chẳng mong muốn, và thật đắng lòng khi ở những dòng tin ấy người đưa tin đều viết rằng cả nạn nhân lẫn hung thủ đều liên quan đến thế giới ảo, nghĩa là có thể họ cũng là “anh hùng” hay hàng “thánh” trước khi vào trại giam, trước khi mất mạng.

Chiếc Smartphone nằm trong bàn tay ta, có nhất thiết phải làm khổ mình như thế không?

Lam Vũ

 


 

Các tin khác:
  • Rượu và quyền của người tiêu dùng (16/03/2017-22:44)
  • Con người, súc vật và pháp luật (14/03/2017-8:23)
  • Tập quán của rác! (14/03/2017-15:07)
  • Giữ gìn hình ảnh “công bộc” (11/03/2017-7:21)
  • Tạo môi trường sống cho nghệ thuật (08/03/2017-21:51)
  • Một sự ước ao… (07/03/2017-14:26)
  • Để đô thị thực sự có “chiều sâu” (03/03/2017-10:47)