Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Sức “đề kháng” văn hóa! (03/04/2017-10:44)
    (NLBTH) - Slogan là một phần tài sản vô hình, được dùng nhiều trong thương mại lại đang được sử dụng dễ dãi, và không chỉ trong thương mại.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa

“Nếu điều đó xảy ra thì cả hai ta đều khổ". Một dạng slogan gây cười được thể hiện ở nhiều đuôi xe ô tô tạo nên tiếng cười cho người tham gia giao thông. Nếu chỉ xem nó như sự bông đùa, thì đã nhầm. Vượt lên sự hài hước, đó là sự cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông, người tiếp nhận ngoài việc cười, sẽ đề cao cảnh giác. Slogan như thế đáng biểu dương, dù sự nghiêm túc thì chưa hẳn.

 Phải khẳng định, sự nghiêm túc là thứ cần thiết ở bất cứ điều gì, với phương châm hành động, khẩu hiệu hành động lại càng cần. Thế nhưng bây giờ ở nhiều hoàn cảnh, cách sử dụng slogan đang trở nên thái quá, người ta mượn sự hài hước để chuyển tải những mục đích cá nhân, nhiều khi dung tục.

 Vào các trang mạng xã hội nhiều người sẽ giật mình bởi những dạng thức slogan như: "Tình yêu là bất tử, có người yêu là có thể đổi" hay "Mùa mưa này bầy hầy hơn mùa mưa trước, người yêu trước ít nước hơn người yêu này"… Những dòng chữ thể hiện quan niệm về tình yêu của một bộ phận giới trẻ còn được thể hiện trên áo, trên phương tiện cá nhân.

 Cũng trên mạng Internet, nhiều trang tin thương mại điện tử còn đưa ra những slogan câu khách kiểu như: “Uống Pepsi tặng bikini”; “Uống nước tăng lực tặng áo ngực”; “Uống Sting tặng băng vệ sinh”; “Uống C2 tặng que thử thai”; “Mua bánh trung thu tặng bao cao su”, và vô vàn thứ có phần dung tục khác, dù biết rằng nó rất vần điệu, và dễ nhớ - một thứ cần đến trong xây dựng thương hiệu, sản phẩm.

 Thứ ngôn ngữ tưởng như vô hại nhưng hiệu ứng cuộc sống lại rất đáng tiếc, và tiếc rằng nó đang được cổ xúy, thậm chí một số người trở thành “tín đồ”. Có vẻ như sức "đề kháng" văn hóa đang quá yếu ớt, ngay cả khi cơ quan quản lý về văn hóa đã có rất nhiều sự kêu gọi và việc làm ngăn chặn.

 Khi slogan có chỗ đứng trong tâm trí, định hướng thói quen tiêu dùng của khách hàng, đồng nghĩa slogan đó đã trở thành một tài sản vô giá được vun đắp qua thời gian, bằng tiền bạc và uy tín của doanh nghiệp. Để có những tài sản ấy, doanh nghiệp (hoặc tổ chức, cá nhân) phải có sự nghiên cứu về văn hóa, lối sống, thị trường và đầu tư nguồn kinh phí để xây dựng. Nhưng dường như trong cuộc sống có phần gấp gáp và vội vã hiện nay, nhiều người đang chọn cách thức nhanh hơn, chi phí ít hơn, đánh vào thị hiếu và thẩm mỹ theo kiểu “mì ăn liền” của nhiều người tiêu dùng bằng những sản phẩm vội vã, có phần dung tục, cho thấy nguy cơ của sự xuống cấp về đạo đức xã hội là rất rõ.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Hiểu biết để sống (31/03/2017-8:42)
  • Lối sống và lòng tự trọng (27/03/2017-14:34)
  • Tắt đèn để bật sáng tương lai (26/03/2017-19:40)
  • Cần thay đổi tư duy “ngắt ngọn” (24/03/2017-7:35)
  • Trả lại vỉa hè cho người đi bộ (23/03/2017-7:58)
  • Mệnh lệnh đấu tranh với “cát tặc” (21/03/2017-15:15)
  • Cẩn trọng với bàn phím (20/03/2017-8:39)
  • Rượu và quyền của người tiêu dùng (16/03/2017-22:44)
  • Con người, súc vật và pháp luật (14/03/2017-8:23)
  • Tập quán của rác! (14/03/2017-15:07)