Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Hạnh Loan - Ẩn số thú vị của làng văn Hà Tĩnh (06/04/2017-10:21)
    Tình cờ gặp nhà báo Hạnh Loan tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36 trên cương vị Giám khảo thể loại Giao lưu - Đối thoại - Toạ đàm, tôi đã ấn tượng với chị bởi nét đằm thắm, dịu dàng và cách nói chuyện sâu sắc, tinh tế.

Một ngày đầu tháng 3, vô tình chạm mặt chị tại Hà Nội, tôi bất ngờ khi nghe chị thổ lộ về buổi ra mắt hai tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”&“Khoảng trời sau cửa sổ”. Người phụ nữ ấy, dường như không chỉ đẹp mà chị luôn là một ẩn số thú vị với nhiều người.

Làm thơ từ thuở thiếu thời
* PV:
Tình yêu thơ đã đến với chị một cách tự nhiên như thế nào?
Nhà báo – Nhà thơ Hạnh Loan: Tôi còn nhớ, khi mới lớp 3, lớp 4, được bố mẹ mua cho cuốn thơ Khoảng trời sau cửa sổ và tập thơ thiếu nhi của Tô Hoài, tôi đã đọc đi đọc lại đến nát bét. Khi bắt đầu học tại trường năng khiếu Thị xã Hà Tĩnh, tôi đã làm bài thơ đầu tiên dưới sự tận tình chỉ bảo của cô giáo. Tôi làm thơ từ đó. Sau này, trong các cuộc thi thơ của trường, tôi luôn viết và gửi nhiều bài dự thi nhất, nhiều bài đăng trên báo tường của lớp, của nhà trường. Đáng tiếc có một số bài đã bị mất. Thời gian sáng tác nhiều nhất của tôi là cuối năm cấp 2 và khi học khóa 1 trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Đây cũng là giai đoạn tôi tham gia các kì thi học sinh giỏi Văn và Quốc gia, cuộc thi thơ học trò của tỉnh tổ chức và đạt giải Nhì. Được các bác ở Hội VHNT động viên, năm 16 tuổi, tôi bắt đầu gửi thơ đăng báo. Giai đoạn từ 10-18 tuổi, tôi đã có trên 100 bài thơ và được chép vào trong một cuốn sổ 25 năm rồi tôi còn cất giữ đến tận bây giờ.
Nếu như Khoảng trời sau cửa sổ trong veo với những cảm xúc thần tiên của tuổi hoa niên thì Hãy nói yêu khi hoa hồng nở lại đằm thắm, cháy bỏng, hết mình với những cảm xúc rất đàn bà. Điều gì thúc đẩy chị ra mắt hai tập thơ với hai nội dung khác nhau vào cùng một thời điểm? 
 - Phải khẳng định rằng, hai tập thơ đều “rất trẻ trung”. Khoảng trời sau cửa sổ gồm 3 chương với 53 bài thì đã có 46 bài thơ viết ở thời kì từ 10-17 tuổi. Được in trước Khoảng trời sau cửa sổ một tháng, Hãy nói yêu khi hoa hồng nở là một tập thơ tôi rất hài lòng, bởi lẽ ý định in thơ có trước từ lâu, khi được bạn bè yêu mến động viên. Nhiều bài thơ của tôi đăng trên trang cá nhân Facebook Nguyễn Thị Hạnh Loan đã được nhiều người yêu thích và comment bày tỏ. Sau khi tập thơ này ra đời, nhiều người đã nhắc lại những bài thơ tôi viết thuở học trò và tỏ ý muốn tôi in lại.
Điều đặc biệt, Khoảng trời sau cửa sổ miêu tả hành trình lớn lên và già đi của một cô bé, trong quãng thời gian 30 năm, với thức nhận và tâm hồn lớn lên, thay đổi theo thời gian. Tôi đã biên tập tập thơ này với tư cách là một nhà báo biên tập thơ mình. Nếu tôi chỉ in những bài thơ tôi viết lúc hoa niên thì không có nhiều điều lắm để nói. Nhưng tôi đã viết thêm cho các em những bài thơ nhắn nhủ lại các em, với tư cách là một người mẹ trong chương 3.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, mình sẽ làm một điều gì đó khi qua tuổi 40, là những dấu ấn quan trọng về tâm hồn và cảm xúc mà không dễ gì có được. Tại sao lại không xuất bản sách khi tất cả đã đầy đủ và viên mãn. Tôi hài lòng với 2 cuốn sách này và hết mình để nó trở thành một ấn phẩm hấp dẫn, ý nghĩa về nội dung và cả đẹp mắt về hình thức đối với độc giả. Giống như tôi đã quan niệm về làm báo, tôi đặt mình vào độc giả để xuất bản hai cuốn sách này.

Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan
Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan

Để chọn ra tác phẩm ưng ý nhất trong mỗi tập thơ, cá nhân chị thích bài thơ nào?
- Trong cuốn Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, có nhiều bài tôi hài lòng, nhưng bài Hoa hồng Ecuador là một trong những
 bài thơ tôi yêu thích. Tôi biết nó rất đẹp, mọc trên miệng núi lửa cao hơn 2000m, đón ánh nắng trời và nhiệt lượng cao nhất nên có những bông hoa to nhất và đẹp nhất. Khi tôi nói với bạn tôi, người đó bảo sẽ tặng tôi những bông hồng Ecuador. Bài thơ này ra đời trong hoàn cảnh đó, không chỉ được viết đúng phong cách của tôi, đam mê, nồng nàn, cháy bỏng, hình tượng thơ mãnh liệt, mà còn chứa đựng quan niệm của tôi về tình yêu: Tình yêu mạnh hơn cái chết. Còn tập thơ Khoảng trời sau cửa sổ, có nhiều bài yêu thích. Mỗi bài thơ là một cảm xúc, một vẻ đẹp nên khó có thể nói bài nào thích nhất (cười). Chỉ biết rằng, tôi mỉm cười khi đọc lại những bài thơ đẹp tôi viết cho các em và cũng là viết cho chính mình.

Luôn muốn hướng đến sự hài hòa
Được biết, chị còn là một ca sĩ, từng đoạt Huy chương Vàng tiếng hát các nhà báo toàn quốc năm 2000, giải Nhì Sao Mai miền Trung – Tây Nguyên 2001. Ca hát với thơ, nếu để đặt lên bàn cân so sánh, tình yêu nào lớn hơn trong con người chị?
- Tôi yêu cả hai. Tôi hơi tham phải không, nhưng sự thật là thế. Thơ và nhạc gần với nhau. Và khi làm thơ, tôi cố gắng để thơ mình có thể hát lên được. Tôi cho rằng, trong thơ phải luôn có nhạc. Một bài thơ hay phải là một bài thơ dễ thuộc và có nhạc trong đó. Khi tôi hát, tôi cũng hát bỏng cháy hết mình. Khi làm thơ, cảm xúc của tôi cũng giống như khi tôi hát. Khi cạn thơ, có lẽ là tôi lại chuyển sang hát, để giải tỏa cảm xúc của mình. (mỉm cười)
​*
Làm báo đòi hỏi thực tế, làm thơ lại đòi hỏi sự bay bổng. Có sự mâu thuẫn nào đó trong con người của nhà báo – nhà thơ Hạnh Loan?
- Hồi xưa, tôi chọn Đại học Luật để dung hòa con người văn chương. Và tôi nghĩ rằng mình không nhầm. Giờ làm báo cũng là làm văn chương để dung hòa con người mình. Với tôi, công việc là công việc, văn chương là văn chương. Tôi vẫn thích nhất câu nói của Maxim Gorky: Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi. Tôi cũng như mọi người, có yêu, có ghét, có đau khổ, có buồn, có vui, có hụt hẫng, có hi vọng. Thật ra hai con người làm thơ và làm báo không hề mâu thuẫn, là hai nhưng mà là một. Tôi luôn muốn hướng đến sự hài hòa. Nhà báo cần có trái tim nóng, cái đầu lạnh. Còn nếu viết văn, làm thơ mà không có cảm xúc thì chỉ là thợ ghép chữ. Mình còn khô khan, làm sao gọi được cảm xúc từ người khác. Nhưng làm gì cũng thế, cái đầu tỉnh táo là quan trọng nhất. Làm báo cũng như làm thơ. Cái đầu mà không tỉnh táo còn làm được cái gì? (cười).


hanh loan 4

Bận rộn với vị trí Phó phòng Chuyên đề – Đài PTTH Hà Tĩnh và công việc gia đình, thời gian nào chị dành riêng cho sở thích cá nhân?
- Tôi có 2 cậu con trai rất đáng yêu. Chồng tôi lại làm bác sĩ nên công việc anh ấy cũng rất áp lực. Nói chung là thời gian không có nhiều. Tôi hay làm thơ vào đêm khuya trước khi đi ngủ, khi mọi lo toan, bề bộn thường nhật đã tạm gác lại. Làm gì thì làm, vẫn phải như bao người phụ nữ khác, đón con, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp… Tôi quan niệm, tất cả không thể tuyệt đối, nhưng tương đối là được rồi. Cố gắng hài hòa – đó là điều khó nhất để cuộc sống, gia đình và công việc đều tốt đẹp. 
 *
 Những dự định của chị sau khi ra mắt tập thơ?
- Tôi có ý định sẽ viết nhiều vào thời gian tới, vì thấy đây đang là giai đoạn mình có nhiều đam mê, phong độ nhất. Hai tập thơ ra mắt được độc giả đón nhận, nhiều người đặt mua sách qua Faceboook cá nhân chính là động lực to lớn của tôi trong công việc và trong sáng tác. Xuất bản online là hình thức tiếp cận độc giả, mà “doanh thu” lớn nhất chính là sự tương tác của độc giả với người viết, là tình cảm của độc giả mà qua đó, nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Lê Hoa (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo tạp chí truyền hình

 

Các tin khác:
  • Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại các cơ sở karaoke từ tháng 7 (30/03/2017-17:50)
  • Khu danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn đang bị ‘bào mòn’ nghiêm trọng (28/03/2017-21:32)
  • Ồn ào... theo phong trào! (24/03/2017-7:33)
  • Nhớ khói (24/03/2017-7:31)
  • Tạo môi trường sống cho nghệ thuật (09/03/2017-15:38)
  • Thanh Hoá lấy ý kiến về công viên văn hoá hơn 2.000 tỷ đồng (22/02/2017-16:46)
  • Hoa cỏ dại khờ (20/02/2017-7:45)
  • Mùa xuân văn hóa (21/01/2017-21:53)
  • Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh vinh danh 10 truyện ngắn hay (08/01/2017-7:22)
  • Trong thương nhớ đồng quê (18/11/2016-7:16)