Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Viết điều tra, dễ hay khó? (12/04/2017-7:06)
    Đã dấn vào nghề viết lách, nhất định dù muốn hay không, bạn vẫn vấp phải những thông tin về việc tiêu cực xảy ra ở một địa phương, hoặc ngành, đơn vị nào đấy.
Tìm vàng giữa biển thông tin. Ảnh minh họa
 

Viết bài, hay tránh đi để giữ hòa khí? Đôi khi có người phân vân với những trăn trở như vậy. Nhưng phần lớn đều chọn cách đối diện với chúng.

“Tìm vàng”giữa biển thông tin ngồn ngộn

Nhớ cách đây không lâu, có một bạn trẻ đã gửi tin nhắn vào facebook của tôi báo về một vụ tiêu cực xảy ra ở một cơ quan hoạt động nhân đạo. Theo anh này, một số lãnh đạo ở Trung tâm nọ đã cắt xén tiền của trẻ khuyết tật. Việc lộ ra do một cán bộ tố cáo. Công an vào cuộc, nhưng người ta đã can thiệp để được trả hồ sơ xử lý nội bộ thay vì khởi tố để điều tra. Người tố cáo đang bị trù dập. Lần theo những địa chỉ của anh bạn trẻ để lại, tôi không nhận được gì ngoài những cái lắc đầu. Thậm chí, ngay cả đối tượng được cho là người đứng lên tố cáo cũng phủ nhận, bảo rằng không có vụ tiêu cực như vậy tại cơ quan người đó công tác. Đến đây, tôi nghĩ mình đã rơi vào ngõ cụt.

Nhưng không. Như ai đó từng nói, sau mỗi phóng viên sẽ có chừng 5.000 cộng tác viên. Tôi rà soát lại tất cả mối quan hệ, rồi gõ cửa một đồng nghiệp có mối quan hệ thân thiết với đối tượng tiêu cực tôi đang tìm hiểu. Vẫn là những câu chuyện tiêu cực nghe được từ anh bạn trẻ nhắn trên facebook, rồi chốt lại bằng thông tin: Mình có đủ hồ sơ, nhưng lười viết quá. Nói xong thì hướng câu chuyện sang việc khác.

Không ngoài dự tính, sau buổi cà phê, anh đồng nghiệp đã gọi điện mách cho lãnh đạo cơ quan nọ, rằng tôi đang có tài liệu về vụ tiêu cực tại Trung tâm, và việc lên bài chỉ còn là thời gian. Dường như thông tin này đã gây căng thẳng cho đối tượng. Đầu giờ chiều, tôi đến văn phòng, đăng ký làm việc. Lúc vào phòng lãnh đạo, tôi cố tình đặt tất cả túi xách, phương tiện làm nghề ra xa vị trí sẽ ngồi để buổi nói chuyện được thoải mái. Tôi bắt đầu buổi nói chuyện bằng câu hỏi: Việc đó xử lý đến đâu rồi, thay vì hỏi, nội dung câu chuyện như thế nào?

Vì tin tôi đã nắm được nội dung như cậu đồng nghiệp đã mách trước, lúc này đối tượng có thái độ xuê xoa, trả lời theo hướng giảm nhẹ tính chất sự việc... Tôi chỉ cần có thế. Với câu trả lời này, tôi đã kịp khẳng định sự việc như anh bạn trẻ báo tin là có. Từ đó, tôi lần lượt truy vấn để lấy được những thông tin, tư liệu cần thiết để phục vụ bài viết. Rời khỏi phòng làm việc của đối tượng, tôi lập tức tìm đến cửa hàng photocopy để in, sao thành nhiều bản, cất ở nhiều vị trí khác nhau, đề phòng đối tượng hỏi xin lại...

Hai hôm sau, bài viết xuất bản. Chỉ ít giờ sau đó, nó đã gây ra cú sốc với cộng đồng bởi câu trả lời nổi tiếng không khởi tố tham ô vì “đại cục” của đối tượng tôi làm việc trước đó. Ít hôm sau, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Thủ tướng chỉ đạo địa phương tìm hiểu, xử lý việc báo nêu... Các đối tượng trong đường dây tham ô tiền của người khuyết tật sau đó đã phải trả giá cho hành động của mình.

Bài hay không quan trọng ngắn, dài

Tôi kể lại câu chuyện này không phải để “khoe” thành tích bắt ai đi tù, mà chỉ muốn nói rằng, khi có thông tin về những vụ việc tiêu cực, nếu thực sự muốn làm, muốn khám phá, trước hết cần bình tĩnh, tìm kiếm người có thể hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc. Người này phải phù hợp với công việc bạn muốn nhờ vả. Tuy nhiên, bạn không nên thông báo rộng rãi công việc sắp làm, bởi nó có thể dẫn đến hiểu nhầm, hoặc tạo ra những tình huống không đáng có. Sau khi chọn đối tác, bằng cách riêng của mình, bạn phải làm chủ thông tin để đặt câu hỏi, tránh những câu hỏi ngây ngô kiểu chưa nắm được vấn đề.

Khi có đủ thông tin, tùy vào tính chất, lượng thông tin mà xác định viết ngắn hay dài. Hiện có tâm lý viết điều tra thường phải dài kỳ để thu hút độc giả. Tuy nhiên, khi không có nhiều thông tin mà bạn cố “bôi”, nó sẽ trở thành những bài báo nhảm, không có trọng tâm. Những thông tin bạn đưa trong bài có khi không phải là cái để kết luận đối tượng sai, mà ngược lại, nó sẽ tạo cho người đọc cảm giác bất lợi cho bạn. Đó là nhà báo này đang cố tình “bới bèo ra bọ”.

Viết điều tra, hoặc phản ánh vấn đề tiêu cực, tốt nhất bạn nên viết ngắn, đúng trọng tâm. Hoặc là vấn đề lớn, chia làm nhiều kỳ. Mỗi kỳ đề cập một khía cạnh. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cố gắng viết ngắn, tránh sa vào tiểu tiết. Điều này không chỉ giúp bạn đọc nắm vấn đề một cách cô đọng nhất, mà còn tránh những sai sót không đáng có, tạo cho đối tượng sai phạm “phản đòn”, cho dù phần lớn thông tin trong bài là đúng, chính xác.

Theo Minh Trung/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Hội Nhà báo Lào Cai: “Bí quyết” từ việc khai thác mảng đề tài dân tộc và miền núi (08/04/2017-19:57)
  • Niềm tin vơi đầy nơi công chúng (05/04/2017-10:00)
  • Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” (03/04/2017-7:25)
  • Báo Nhân Dân: Thành công từ đổi mới, phát huy thế mạnh chuyên biệt (03/04/2017-7:22)
  • Truyền thông và giới showbiz (22/03/2017-13:54)
  • Nhà báo trong kỷ nguyên số: Chuẩn mực và trách nhiệm (18/03/2017-17:28)
  • Người phát ngôn & nhà báo săn tin (16/03/2017-12:08)
  • Chuyên tâm và cẩn trọng mới là yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp khi viết báo (11/03/2017-7:17)
  • Báo Thanh Hóa hướng tới mô hình tòa soạn hội tụ (08/03/2017-21:55)
  • Báo chí dưới góc nhìn của một nhà văn (22/02/2017-8:10)