Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo Công an nhân dân:
“Kinh nghiệm vàng” để giành Giải Báo chí Quốc gia (14/04/2017-7:57)
    10 năm tham dự Giải Báo chí Quốc gia (BCQG), năm nào Báo Công an nhân dân (CAND) cũng có tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo và đoạt giải. Thể loại báo chí mà Báo đoạt nhiều giải nhất là Phóng sự điều tra. Từ thực tiễn và thế mạnh của mình, Báo CAND có không ít kinh nghiệm để chia sẻ cùng đồng nghiệp.

Phải bám được “mạch nguồn” chủ đạo

Nhà báo Phạm Văn Miên- Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch LCH nhà báo Bộ Công an, người có “duyên” với nhiều Giải thưởng BCQG cho rằng, việc xác định chủ đề, đề tài cần thực hiện là yếu tố quan trọng đầu tiên. Bởi thực tế cho thấy, tác phẩm đoạt Giải BCQG phải bám được “mạch nguồn” chủ đạo của đời sống chính trị, xã hội trong năm. “Như tác phẩm đoạt Giải A Giải BCQG năm 2012 “Tập đoàn kinh tế nhà nước- những lát cắt thời sự”. Điểm mới trong loạt bài này là tiếp cận vấn đề kinh tế tập đoàn từ góc nhìn của báo chí. Chúng tôi bám sát vấn đề thời sự nóng bỏng đặt ra lúc đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ nần, tình trạng tham ô, tham nhũng xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Báo đã có phóng sự điều tra sâu, chỉ ra những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, đưa ra những góc nhìn phản biện chặt chẽ, đồng thời hiến kế những giải pháp có tính khả thi…”, Tổng Biên tập Phạm Văn Miên nêu ví dụ.

Nhà báo Phạm Văn Miên cùng nhóm tác giả Báo CAND đoạt Giải A Giải BCQG lần thứ VII- năm 2012 với tác phẩm “Tập đoàn kinh tế nhà nước- những lát cắt thời sự”, trao đổi nghiệp vụ.

Tiếp theo phải kể đến là việc xác định thể loại báo chí tuyên truyền. Theo kinh nghiệm của báo CAND, đây là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tác phẩm dự Giải. Vì vậy, Báo CAND đã xác định phóng sự điều tra là thế mạnh của báo. Sở dĩ như vậy vì đây là thể loại báo chí có thể khai thác chuyên sâu, có hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội cao nếu được làm bài bản, sâu kỹ, đồng thời thể hiện rõ khả năng, trình độ của phóng viên qua việc thực hiện tác phẩm. Đặc biệt, Báo CAND căn cứ tiêu chí, định hướng tuyên truyền là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, diễn đàn toàn dân phòng, chống tội phạm, có kỹ năng tiếp cận thông tin, khai thác tài liệu, có cán bộ phóng viên am hiểu pháp luật, có thể đảm trách thực hiện tác phẩm báo chí theo các thể loại này. Vì vậy, qua 10 mùa Giải BCQG, năm nào Báo CAND cũng có tác phẩm viết về thể loại phóng sự điều tra đoạt giải với thành tích đáng tự hào, gồm 2 Giải A, 6 Giải B, 1 Giải C…

Lựa chọn phóng viên “xung trận” là vô cùng quan trọng

Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là việc xây dựng đề cương và giao phóng viên có khả năng thực hiện. Khi bàn và thống nhất đề tài, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo CAND chỉ đạo một ban chuyên môn chủ trì xây dựng đề cương chi tiết và trực tiếp TBT, PTBT phụ trách chỉ đạo cụ thể. Kinh nghiệm của Báo cho thấy, đối với phóng sự điều tra, xây dựng đề cương có ý nghĩa xương sống, quyết định tính thành bại của tác phẩm. Đề cương càng chi tiết, càng sâu sát thì việc thực hiện càng bài bản, khoa học, chất lượng tác phẩm sẽ được nâng cao thay cho việc viết tùy hứng, dễ tản mạn và trùng lắp.

Thông thường, loạt bài điều tra để đảm bảo tính sâu kỹ phải có độ dài 4-5 kỳ (5 kỳ là tối đa theo quy định của điều lệ Giải). “Đề cương phải xây dựng chi tiết làm sao các kỳ đảm bảo tính liền mạch, lôgic, mỗi kỳ khai thác một hoặc một nhóm vấn đề, giữa các kỳ phải là sự tiếp nối chặt chẽ, trong mỗi kỳ phải có các mục cần đạt, các ý cần triển khai. Bên cạnh đó, thông tin, tư liệu đề cập trong phóng sự điều tra phải phong phú, đa dạng, trong đó phải đưa ra được các cứ liệu mới, dẫn chứng sinh động, thuyết phục, có tính phát hiện. Ngoài ra, cần có các ý kiến phỏng vấn các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính thuyết phục. Một số đề tài có thể nêu giải pháp có tính khả thi và sự mới mẻ…” Tổng Biên tập Phạm Văn Miên nêu kinh nghiệm.

Trên cơ sở đề xuất của các Ban hoặc Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập trực tiếp chỉ định nhóm phóng viên thực hiện loạt điều tra. Đó phải là những phóng viên có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là tính đến những lợi thế, khả năng của phóng viên theo dõi chuyên đề, địa bàn để đảm bảo khi “xung trận” là thực hiện công việc hiệu quả, có kỹ năng khai thác tài liệu, gặp gỡ người biết việc, biết vượt qua khó khăn, trở ngại. Ngoài ra, Báo CAND cũng luôn khuyến khích tính chủ động của phóng viên trong việc phát hiện đề tài, trên cơ sở đó lãnh đạo Báo sẽ có chỉ đạo cụ thể, đảm bảo việc thực hiện được bài bản.

Đặc biệt, đối với phóng sự điều tra là thể loại khó, đòi hỏi thực hiện công phu, kỹ lưỡng, cần nhiều phóng viên tham gia và mất nhiều thời gian (có khi kéo dài hàng tháng). Do đó, Tổng Biên tập Phạm Văn Miên cho rằng, cơ quan cần có các hình thức khuyến khích, động viên thích hợp đối với các phóng viên thực hiện như: tạo điều kiện về phương tiện, về sinh hoạt phí khi điều tra, tác nghiệp, chế độ nhuận bút cũng ưu đãi hơn. Báo CAND đã có quy chế khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với phóng viên có tác phẩm đoạt Giải (đề xuất Bộ Công an, Tổng Cục Chính trị CAND tặng bằng khen đối với các tác phẩm đoạt Giải A,B,C) và xem đây là tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua hàng năm.

Theo Ngọc Lành/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Bình luận trên báo chí: Phải khách quan, có lý, có tình (12/04/2017-6:20)
  • Viết điều tra, dễ hay khó? (12/04/2017-7:06)
  • Hội Nhà báo Lào Cai: “Bí quyết” từ việc khai thác mảng đề tài dân tộc và miền núi (08/04/2017-19:57)
  • Niềm tin vơi đầy nơi công chúng (05/04/2017-10:00)
  • Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” (03/04/2017-7:25)
  • Báo Nhân Dân: Thành công từ đổi mới, phát huy thế mạnh chuyên biệt (03/04/2017-7:22)
  • Truyền thông và giới showbiz (22/03/2017-13:54)
  • Nhà báo trong kỷ nguyên số: Chuẩn mực và trách nhiệm (18/03/2017-17:28)
  • Người phát ngôn & nhà báo săn tin (16/03/2017-12:08)
  • Chuyên tâm và cẩn trọng mới là yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp khi viết báo (11/03/2017-7:17)