Thứ ba, ngày 16/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Viết tin, bài hội nghị như thế nào? (16/05/2017-11:51)
    Chỉ khi có động lực thực sự được tạo nên từ môi trường làm báo và nhận thức nghề nghiệp, các kỹ năng “siêu việt” trong hoạt động tác nghiệp mới được phóng viên vận dụng tối đa nhằm tạo ra những “sản phẩm” báo chí có chất lượng để phục vụ công chúng.

Bức ảnh thu hút nhiều sự quan tâm từ công chúng của ông Obama tại Hội nghị

Sản xuất tin bài hội nghị trên báo điện tử là một mảng hoạt động vô cùng quan trọng và không thể thiếu đối với mỗi tòa soạn. Tuy nhiên, thực trạng viết tin, bài về hội nghị hiện nay đang diễn ra giống như "báo cáo hóa" báo chí, thực sự gây nhàm chán không chỉ đối với công chúng mà cả với chính bản thân những người làm báo.

Bài viết sau đây không đi sâu phân tích về kỹ năng viết tin, bài hội nghị (vì kỹ năng viết bài đã được đề cập đến nhiều trong các hội nghị, hội thảo hay các lợp giảng dạy về nghiệp vụ báo chí) mà đi sâu phân tích những yếu tố tác động đến hiệu quả vận dụng kỹ năng của phóng viên trong hoạt động tác nghiệp về lĩnh vực hội nghị, hội thảo.

Thực trạng thiếu sức sống!

Tin hội nghị, có tin ngắn có tin dài nhưng cách viết thì đều giống nhau theo một khuôn mẫu nhất định: Nhân vật chủ trì cuộc họp;  Mục đích của cuộc họp; Có hành động gì? Vì sao có hành động? Bình luận của những người tham gia/quan sát; đối tượng sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đó, và bình luận của những người tham gia phát biểu/bình luận; Nếu chưa có hành động gì thì hãy xem có sự nhất trí rằng cần phải có hành động hay không? Nếu không có hành động thì có ai nói điều gì quan trọng hay đáng chú ý không? Hoàn cảnh của vấn đề mà họ thảo luận?

Thậm chí có những bài viết về tường thuật 100% nội dung thông tin tại hội nghị mà không có bất kỳ điểm nhấn hay một ý kiến phỏng vấn nào hoặc mở rộng thêm các nội dung quan trọng liên quan khác về vấn đề được thảo luận trong hội thảo khiến cho người đọc cảm nhận mình đang đọc bản kết luận hội nghị chứ không phải một tác phẩm báo chí đúng nghĩa.

Đơn cử như bài viết về hội nghị tổng  kết phong trào bảo tồn và phát triển sinh vật cảnh nơi thờ tự của Hội sinh vật cảnh tỉnh Thái Bình là một điển hình về lối viết tin bài tường thuật hội nghị theo phong cách truyền thống. Khi đọc bài viết này, người đọc có cảm nhận như đang đọc thông báo kết luận hội nghị do ban tổ chức gửi chứ không phải tin hay bài báo.

Đối với những biên tập viên có nhiều kinh nghiệm trong  hoạt động biên tập, tin hội nghị có thể sẽ được biên tập lại với những thủ thuật thay đổi trình tự nội dung hoặc giật “tít” đặc biệt để thu hút sự chú ý của độc giả, tuy nhiên, nội dung thông tin, hình ảnh mà phóng viên cung cấp là thứ không thể thay đổi và kết quả là bài viết vẫn theo một lối mòn nhất định dẫn đến sự nhàm chán của công chúng .

 

Trong nhiều cuộc hội thảo/tọa đàm nghiên cứu về thực trạng này, vấn đề nâng cao kỹ năng viết tin bài hội nghị để làm sao có được những thông tin hay thu hút được độc giả luôn được được đề cập đến hàng đầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần chưa hoàn toàn hội tụ được điều kiện đủ để có được những tin, bài sống động về hội nghị .

Vấn đề cơ chế quản lý hoạt động tác nghiệp của phóng viên nhằm “ tạo động lực” cho phóng viên viết bài mới là yếu tố quan trọng để có các bài viết hay nói chung và tin bài về hội nghị sống động nói riêng. 

Cần bộ tiêu chí đánh giá để tạo động lực sáng tạo

Hiện nay, tại mỗi tòa soạn báo khi phân công nhiệm vụ cho phóng viên theo dõi mảng tin thời sự viết bài về hội nghị, hội thảo đều chỉ có những tiêu chí đơn giản kiểm soát về thông tin tường thuật của phóng viên về các hội nghị, chỉ cần các thông tin đó được đảm bảo chính xác và đầy đủ là phóng viên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao mà thiếu đi những tiêu chí đánh giá khác đối với một bài viết của phóng viên về lĩnh vực này.

Nhiều bài viết có thể không có độc giả theo dõi nhưng phóng viên vẫn được tính nhuận bút. Và đây chính là nguyên nhân khiến phóng viên có cảm giác thiếu động lực để đầu tư chất xám cho một bài viết hay.

Do đó, để tạo động lực cho phóng viên có những tin bài hay, mỗi tòa soạn cần phải xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá năng lực tác nghiệp (KPI – Key Performance Indicators) cho mỗi phóng viên để qua đó có những căn cứ cụ thể đánh giá để có mức độ khen, thưởng hay trả tiền nhuận bút phù hợp với chất lượng từng bài viết.

Trong thời đại công nghệ số đã phát triển mạnh với những kỹ thuật vượt bậc như ngày nay, việc đánh giá bài viết của mỗi phóng viên trên các tiêu chí: độ nhanh nhạy của tin tức, độ bao phủ của tin tức đến công chúng hay mức độ tương tác của công chúng đối với mỗi bài viết là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Do đó, mỗi tòa soạn cần có ngay bộ tiêu chí này để làm cơ sở đánh giá chất lượng bài viết của mỗi phóng viên trên trang báo điện tử của mình.

Đổi mới tư duy trước khi nâng cao kỹ năng

Tiểu thuyết gia Louis L’Amour có câu nói khá nổi tiếng “Có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là sự thay đổi”, cũng như “giáo lý vô thường” của nhà Phật, “vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã” hay câu nói “tôi tư duy là tôi tồn tại” của René Descartes đã trở thành yếu tố nền tảng cho triết học Tây phương.

Những câu nói nổi tiếng của Descartes hay Louis L'Amour dường như đã trở thành chân lý khẳng định yêu cầu thực tại khách quan đặt ra đối với mỗi tòa soạn hay người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp của mình, đó là phải luôn đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm để phù hợp với với xu hướng thời đại.

Mọi hành vi bảo thủ, giáo điều, xa rời thực tiễn sớm muộn cũng bị chiếc “cối xay lịch sử” nghiền nát. Như vậy, đổi mới tư duy là một trong những tiền đề mang tính quyết định hiệu quả của việc vận dụng kỹ năng trong hoạt động tác nghiệp, tránh đi theo những lối mòn cố hữu để rồi biến chính mình trở nên nhạt nhòa trong thế giới “làm báo” rộng lớn và đầy “bão tố”.

Bởi chỉ khi có động lực thực sự được tạo nên từ môi trường làm báo và nhận thức nghề nghiệp, các kỹ năng “siêu việt” trong hoạt động tác nghiệp mới được phóng viên vận dụng tối đa nhằm tạo ra những “sản phẩm” báo chí có chất lượng để phục vụ công chúng – “Khách hàng" của người làm báo.

Để làm được điều đó cần phải có giải pháp đổi mới đồng bộ và toàn diện về tư duy, cơ chế quản lý, nghệ thuật tạo động lực rồi mới đến nâng cao kỹ năng tác nghiệp.

Theo Thái Bình/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Truyền hình là một “cuộc trò chuyện phóng to” (16/05/2017-11:46)
  • Tác nghiệp tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11/05/2017-15:28)
  • Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)
  • Quảng cáo số sẽ dẫn dắt xu hướng làm báo thế giới? (09/05/2017-14:58)
  • Làm báo với thực tế ảo (03/05/2017-9:21)
  • Chung tay vì môi trường truyền thông “sạch” (28/04/2017-19:38)
  • Sàng lọc thông tin với báo điện tử (25/04/2017-9:16)
  • Chỉ dẫn cho báo chí trong môi trường mới đầy hỗn loạn. (25/04/2017-9:12)
  • Sẵn sàng trước những sứ mệnh mới (25/04/2017-9:09)
  • Facebook mở khóa học dạy làm báo với các công cụ mạng xã hội (19/04/2017-10:53)