Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Cần kỹ năng nghề nghiệp và những “ngòi bút nhân văn” (22/05/2017-6:52)
    Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của Internet điển hình là mạng xã hội facebook khiến cho sức lan tỏa thông tin trở nên mạnh mẽ hơn. Đặc biệt những thông tin về vụ án luôn tạo được sức hút đối với phần đông công chúng

Tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít nhà báo đang chạy theo xu hướng giật gân, câu khách với những thông tin mang tính phóng đại và rùng rợn. Điều đó đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ là trách nhiệm xã hội của nhà báo trong đưa tin về vụ án. Báo NB&CL sẽ cùng 4 nhà báo: Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi trẻ TP.HCM); Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà – Báo Công an nhân dân; Nguyễn Tri Thức (Tạp chí Cộng sản); Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Tạp chí Người khuyết tật) đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải – Phó trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh:

Nghề báo là nghề hoạt động xã hội, người làm báo là người hoạt động xã hội. Báo chí nói chung, tác phẩm báo chí nói riêng có khả năng khơi nguồn, định hướng dư luận xã hội rộng rãi về những sự kiện, vấn đề thời sự đang diễn ra. Báo chí có khả năng tác động nhanh chóng, mạnh mẽ đối với xã hội, đôi khi vượt ra ngoài dự kiến của tác giả. Một tác phẩm báo chí có thể mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức, lòng tin và định hướng hành động cho công chúng, nhưng cũng có thể làm suy giảm lòng tin, băng hoại đạo đức, làm sai lệch nhận thức và dẫn đến làm lệch lạc về hành động không chỉ một cá nhân, một nhóm người mà có thể cả một cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi nhà báo phải có trách nhiệm xã hội là cần thiết.

Khi đọc những tác phẩm đưa tin về vụ án, tôi quan tâm nhất là bản tin, bài báo đó- dù đề cập đến những mặt trái của cuộc sống, thậm chí tội ác, nhưng đem lại giá trị nào cho cuộc sống: câu chuyện nhân văn, tình người? Những bài học cảnh giác, bài học về ứng xử, về kiềm chế cảm xúc không tích cực, về những lỗ hổng trong cơ chế chính sách, luật pháp cần phải khắc phục… Báo chí không làm được điều đó, chỉ chạy theo mô tả tình tiết ghê rợn, giật gân của vụ án…, tức là chưa làm tròn trách nhiệm xã hội của mình. Hiện nay có rất nhiều nhà báo trẻ lười trau dồi kiến thức, ngại lăn lộn, tìm hiểu, thích sự hào nhoáng bề nổi, hành xử báo chí kiểu ăn xổi, câu view bằng mọi giá, chạy theo số lượng… Vì vậy, tin bài về các vụ án rất nhạt, họ hay chú ý đến những chuyện giật gân câu khách mà không quan tâm nhiều đến số phận con người, những góc khuất, những ẩn ức phía sau mỗi bị can, bị cáo, phạm nhân… Viết báo phải làm sao để công chúng không xem báo chí là dạng “kền kền” chuyên rỉa xác thối, chuyên bới móc và phơi bày mặt trái xấu xa, mà báo chí phải là một lực lượng tiến bộ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, hướng tới giải pháp và những giá trị tốt đẹp, nhân văn…

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng ban điện tử, Báo Công an nhân dân:

Xu hướng giật gân câu khách đã và đang là một vấn đề trầm kha của báo chí, nhất là hiện nay khi báo điện tử đang ở thế thượng phong, vấn nạn giật gân câu khách dường như càng có “đất” để phát triển, lây lan. Thông tin về vụ án đang là chủ đề “hot” nhất, đề tài màu mỡ nhất để nhiều tờ báo hút view. Là người làm công tác biên tập, nhiều lúc tôi không dám kích chuột vào những tít bài giật gân, với những câu từ “man rợ”, “kinh hoàng”, “giết bố, giết mẹ”, “cắt cổ” “phanh thây”… hoặc đưa tin về các vụ án xâm hại trẻ em.

Với tôi, sự thật khách quan là nguyên tắc đầu tiên, tối thượng trong việc đưa tin. Nhưng với việc đưa tin một vụ án theo tôi các nhà báo phải căn cứ thêm nhiều yếu tố khác. Một chuyên án sẽ thất bại nếu phóng viên vô tình đưa hết lên mặt báo những bí mật nghiệp vụ của ban chuyên án. Bạn cứ thử hình dung nếu kẻ phạm tội biết được “đường đi nước bước” của cơ quan điều tra thì đối tượng gây án sẽ biết và tìm cách bỏ trốn, che giấu hành vi phạm tội. Nhà báo tưởng đưa tin nhanh, kịp thời nhưng vô hình trung lại gây ra nhiều bất lợi cho các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, theo quan điểm của tôi, để đảm bảo trách nhiệm của người làm báo khi đưa tin vụ án thì hãy làm báo “Chuyên nghiệp – Trách nhiệm – Nhân văn”.

Trong thời đại công nghệ thông tin và cách mạng kỹ thuật số hiện nay, báo chí truyền thống đang bị mạng xã hội lấn át. Thuật ngữ Citizen Journalism (toàn dân làm báo) không còn xa lạ nữa. Bằng một điện thoại thông minh, mọi người đều có thể quay clip, đưa tin (dù đơn giản) lên mạng xã hội. Với sự lây lan khủng khiếp, mạng xã hội đang có vai trò quan trọng và dường như đang chi phối thông tin chính thống. Chính vì vậy, bên cạnh việc đưa tin chính thống, mỗi nhà báo cũng càng cần phát huy vai trò của mình trên mạng xã hội, phát ngôn hay viết caption cũng phải có trách nhiệm, vì quyền lợi chung.

Một vụ án sẽ được tái hiện chi tiết, giật gân hay đưa tin khách quan, hàm chứa tính nhân văn phải tùy thuộc vào “ngòi bút trách nhiệm” của nhà báo. Viết báo là một cách để người làm báo ứng xử với xã hội, nếu ứng xử tốt sẽ tạo lập được lòng tin với độc giả, còn ngược lại sẽ khiến độc giả quay lưng với báo chí.

Nhà báo Nguyễn Tri Thức – Trưởng ban Hồ sơ – Sự kiện, Tạp chí Cộng sản:

Với tôi, trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc đưa tin về vụ án là nhà báo không làm thay những cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp, phản ánh trung thực những nội dung liên quan đến vụ án. Tôi đặc biệt quan tâm đến tính nhân văn của những bài viết đưa ra, xem chúng có gây hoang mang cho dư luận hay không, nhà báo tiết chế cảm xúc như thế nào, những tình tiết miêu tả chi tiết có gây tác động ngược với dư luận hay không?
Để đảm bảo trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc đưa tin về vụ án, theo tôi mỗi nhà báo cần nắm vững kiến thức về pháp luật; có ý thức đạo đức nghề nghiệp; ý thức được sức tác động của thông tin mình đưa sẽ ảnh hưởng đến bản thân những người trong vụ án cũng như đối với xã hội ra sao. Cuối cùng là luôn cố gắng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, có kiến thức vững vàng để tỉnh táo biết được đâu là những thông tin cần phải đưa, cần tránh những thông tin mang tính chất giật gân, câu view, gây nguy hiểm cho xã hội bởi tốc độ lan truyền thông tin hiện nay rất nhanh.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Phó Trưởng Ban biên tập Tạp chí Người khuyết tật:

Thế hệ nhà báo Việt Nam trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay là đội ngũ trẻ, năng động, nhanh nhạy, nhiệt huyết với nghề, rất nhiều nhà báo quả cảm, có cái tâm, có trách nhiệm, sẵn sàng đưa tin, viết bài về các lĩnh vực nhạy cảm, nhức nhối của xã hội. Họ mang tính chuyên nghiệp, phối hợp ăn ý với nhau và với các cơ quan chức năng để xây dựng, trao đổi tin tức về các vụ án kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người đọc.
Tuy nhiên, có nhiều người vì những vụ lợi cá nhân, cạnh tranh thông tin mà sẵn sàng đưa tin sai lệch sự thật, sai bản chất, khai thác thông tin một cách thiếu trung thực, thông tin họ đưa ra có thể đúng một phần nhưng độc giả sẽ lại cảm nhận theo cách khác về vụ việc đó, tác động đến độc giả theo một chiều hướng xấu về một vấn đề khiến họ có những cách nhìn nhận, đánh giá tiêu cực.

Vấn đề đưa tin sai lệch, không đúng bản chất còn phụ thuộc vào bản lĩnh và khả năng chuyên môn, tác nghiệp của mỗi nhà báo. Thêm nữa, còn do thị hiếu của độc giả, thích đọc những thông tin nóng hổi, giật gân khiến nhà báo phải chạy theo những nhu cầu đó mà có những bài báo thiếu chất lượng, thiếu cái tâm.

Theo Mỹ Nga/Báo Nhà báo và Công luận


 

Các tin khác:
  • “Vũ khí” chủ lực làm nên những giải thưởng Báo chí Quốc gia (19/05/2017-13:26)
  • Tăng cường và đổi mới các chương trình giải trí trên sóng TTV (18/05/2017-11:03)
  • Viết tin, bài hội nghị như thế nào? (16/05/2017-11:51)
  • Truyền hình là một “cuộc trò chuyện phóng to” (16/05/2017-11:46)
  • Tác nghiệp tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11/05/2017-15:28)
  • Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)
  • Quảng cáo số sẽ dẫn dắt xu hướng làm báo thế giới? (09/05/2017-14:58)
  • Làm báo với thực tế ảo (03/05/2017-9:21)
  • Chung tay vì môi trường truyền thông “sạch” (28/04/2017-19:38)
  • Sàng lọc thông tin với báo điện tử (25/04/2017-9:16)