Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tham gia các giải báo chí:
Đề tài hoặc vấn đề là quyết định (24/05/2017-9:37)
    Tham gia các giải báo chí vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của người làm báo. Phóng viên Người làm báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với nhà báo Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Hội đồng giải báo chí Quốc gia về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin cảm ơn nhà báo Phan Hữu Minh đã giành cho chúng tôi cuộc trao đổi thân mật và cởi mở này. Theo nhà báo thì tham gia giải báo chí có ý nghĩa như thế nào đối với người theo nghề báo?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Nghề nào, lĩnh vực nào cũng cần vinh danh. Sự vinh danh của xã hội là thước đo của uy tín nghề nghiệp, danh dự và sự tiến bộ. Không thể đầy đủ khi một nhà báo giỏi lại không từng được vinh danh! Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng giải thưởng báo chí không là tất cả, cũng không phải chỉ có người làm báo chuyên nghiệp tham gia các giải. Công dân nào cũng có quyền tham gia, đó chính là tính xã hội, tính tự do của báo chí mà không phải nghề nào, lĩnh vực nào cũng có.

Phóng viên: Nhà báo vừa nói tới việc tham gia các giải báo chí là trách nhiệm của người làm báo. Đành thế, nhưng để tham gia cũng phải có kinh nghiệm? Xin được nhà báo chia sẻ?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Cá nhân tôi từng đoạt giải báo chí Quốc gia, nhiều năm là thành viên Hội đồng sơ khảo, chung khảo của nhiều giải, thấy cần phải chia sẻ với mọi người. Chia sẻ thôi, không phải là phổ biến hay rao giảng!

Thứ nhất: Cũng phải tìm hiểu yêu cầu hay mục đích của mỗi cuộc thi. Người ta tổ chức cuộc thi nào thì có mục tiêu của cuộc thi ấy. Ở cấp ngành hiện đang có các cuộc thi như: “Viết về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo” hay “Tự hào nông dân Việt Nam”.  Ở đây không có chuyện gì khác là “làm ăn” của nông dân, của cả xã hội hướng về nông thôn. Muốn có giải, nhà báo phải đi tìm kiếm điển hình, nuôi dưỡng và tìm ra những nét độc đáo của điển hình đó… Còn giải Quốc gia lại là giải tổng hợp, tổ chức chấm đủ các thể loại báo chí. Đề tài thì không hạn chế. Tóm lại, nếu chỉ tập hợp tác phẩm đã làm hàng ngày, ang áng rồi gửi, cầu may ở một sự bất ngờ nào đó thì hiệu quả cũng rất thấp.

Thứ hai: Phải đầu tư, không ít thì nhiều. Thậm chí cả tiền bạc. Tôi nói ví dụ, một phóng sự truyền hình, một cuộc điều tra chống tiêu cực, công phu và vất vả lắm, thậm chí còn nguy hiểm nữa. Vậy tôi nói đầu tư là: Đầu tư quyết tâm, đầu tư tinh thần dũng cảm, đầu tư vượt gian khổ, đầu tư sự tìm tòi, công phu và kể cả tiền bạc nữa. Tiền bạc ở đây là để trang trải chi phí đi điều tra, thuê phương tiện, thiết bị…

Thứ ba: Với giải Quốc gia thì lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải khích lệ phóng viên, chia sẻ khó khăn, đồng cảm và sẵn sàng đồng cam khi gặp rắc rối. Vì sao vậy? Phát hiện đề tài rồi thì phải dày công tìm hiểu, điều tra, chắc chắn sẽ mất lòng một bộ phận (lãnh đạo ngành, địa phương ), cho nên tìm kiếm sự ủng hộ là điều không thể bỏ qua. Ba vấn để trên tôi cho là quan trọng đối với người dự thi.

Phóng viên: Nói thật là không ít phóng viên tự ty, cho rằng “Không bao giờ đến lượt”, nhất là anh em làm báo địa phương. Nhà báo thấy thế nào?

Nhà báo Phan Hữu Minh:  Đúng mà cũng chưa đúng. Đúng: Thí dụ Hội báo toàn quốc tại Hà Nội tháng 3 vừa qua có một nội dung thi là “ Chương trình truyền hình ấn tượng tết Đinh Dậu”. Trong 19 chương trình đoạt giải hầu hết rơi vào VTV, NDTV (truyền hình Nhân dân), VTC. Đơn giản vì họ đầu tư hết sức công phu, tốn kém, kể cả việc nhiều đạo diễn của họ có đẳng cấp… Mà yêu cầu của Ban Tổ chức là “ ấn tượng” cơ mà. Chưa đúng: Là bởi 1/3 giải thuộc về Đài Truyền hình các địa phương. Không đồ sộ, hoành tráng nhưng cũng rất ấn tượng với người xem. Suy cho cùng “Có bột mới gột lên hồ”. Chất lượng kịch bản và tài năng đạo diễn rất quyết định.

Còn giải Quốc gia hiện nay được thẩm định công phu. Tác phẩm đoạt giải được công bố rộng rãi để công chúng báo chí giám sát cho nên chất lượng nội dung luôn là vấn đề được coi trọng của Hội đồng giám khảo. Ngoài chất lượng, không có sự phân biệt nào khác. Mọi người yên tâm về điều này.

Phóng viên: Vấn đề nào cần phải lưu ý khi tham gia giải quốc gia?.

Nhà báo Phan Hữu Minh: Phát hiện và chọn đề tài là yếu tố hàng đầu. Đề tài hoặc vấn đề mà tác phẩm đưa ra phải tạo được hiệu ứng xã hội lớn. Những lĩnh vực mà cuộc sống đang diễn ra sôi động chắc chắn sẽ tranh thủ được sự quan tâm không chỉ của Hội đồng giám khảo. Tất nhiên những vấn đề thuộc về kỹ thuật như thể loại, sự chính xác, công tâm cũng phải chú ý. Lại nữa, tác phẩm cũng phải tham gia vào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thuần phong mỹ tục, đạo đức người làm báo… Các tác giả và tổ chức Hội Nhà báo cơ sở cũng phải quan tâm các quy định của giải để tránh phạm quy…

Phóng viên: Xin cảm ơn nhà báo Phan Hữu Minh

PV

 

Các tin khác:
  • Xử lý tin hội nghị, lễ tân theo hướng đúng, trúng, hiệu quả, hấp dẫn (22/05/2017-6:54)
  • Cần kỹ năng nghề nghiệp và những “ngòi bút nhân văn” (22/05/2017-6:52)
  • “Vũ khí” chủ lực làm nên những giải thưởng Báo chí Quốc gia (19/05/2017-13:26)
  • Tăng cường và đổi mới các chương trình giải trí trên sóng TTV (18/05/2017-11:03)
  • Viết tin, bài hội nghị như thế nào? (16/05/2017-11:51)
  • Truyền hình là một “cuộc trò chuyện phóng to” (16/05/2017-11:46)
  • Tác nghiệp tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11/05/2017-15:28)
  • Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)
  • Quảng cáo số sẽ dẫn dắt xu hướng làm báo thế giới? (09/05/2017-14:58)
  • Làm báo với thực tế ảo (03/05/2017-9:21)