Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
    “Tự do internet là vấn đề báo chí đã nói nhiều, viết nhiều, rất nhiều. “Chui” vào cái mà người ta đã nói nhiều, viết nhiều như thế thì còn gì để khai thác cũng như bước chân đã mòn lối cỏ thì làm sao để tìm được lối đi mới?
NB Đăng Trường (đứng thứ 7 từ trái sang) nhận Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI.

Chịu đầu hàng tức là chỉ viết lại những gì người ta đã viết, nói lại những gì người ta đã nói, như thế không có gì sai nhưng cũng không còn gì để đọc. Song, khi cái cũ đang đặt ra vấn đề thời sự thì báo chí có nhiệm vụ giải mã cái cũ ở góc độ mới. Tôi nghĩ rằng, tìm ra cái mới, phương cách mới trên nền cũ chính là sự đòi hỏi hay thử thách của người làm báo. Đó là cơ sở để tôi viết loạt bài 3 kỳ “Tự do internet và chiêu trò “lộng giả thành chân””. Nhà báo Đăng Trường (Trưởng Ban Thời sự, Chính trị, Nghiệp vụ, Báo Công an Nhân dân), chủ nhân của Giải thưởng BCQG lần thứ XI (Giải B- thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in), đã trải lòng về tác phẩm của mình.

Nhà báo Đăng Trường chia sẻ: Khi nghiên cứu “lối cũ” này, câu hỏi đặt ra là: Tại sao những thế lực chống phá nước ta vẫn lấy sự giả dối thành chiêu trò lặp đi lặp lại năm này qua năm khác và vẫn với phương thức cũ: nói nhảm trên internet? Tại sao nhiều người vẫn hùa theo mà làm tay sai cho chúng?

Trả lời câu hỏi này, tôi nhớ câu tục ngữ Việt Nam “lộng giả thành chân” có nghĩa là bỡn quá hóa thật. Trong cuộc sống, nếu sự giả dối lặp lại thường ngày, không được cải chính sẽ khiến người ta tin là thật, gây nguy hại khôn lường. Khi internet và điện thoại có chức năng kết nối 3G, 4G trở thành vật bất ly thân của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước triệt để lợi dụng bằng các chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, không thành có, từ đó lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, lâu dần hình thành tư tưởng định kiến, chống phá đất nước, nhân dân.

Sự dối trá lặp lại liên tục trên internet sẽ khiến những người hiểu biết bức xúc vì “chướng tai gai mắt” nhưng ngược lại, nó khiến nhiều người tin là thật, số nữa lại nghi ngờ. Trong khi đó, ngay trong chính người Việt, vì tâm lý tò mò và ưa “nghe ngược, nói ngược” khiến nhiều người dù biết đó là sai vẫn hùa theo, còn gọi tâm lý a dua, đám đông. Trong thế giới mạng, tính lan truyền rất cao khiến tất cả những điều đó đều gây hại, nó biến sự vật hiện tượng bị điều chuyển bởi động cơ của một hoặc một nhóm người. Sự giả dối được lặp đi lặp lại, được lan truyền qua nhiều người, được chế tác, thêm thắt khiến mọi thứ rất khó kiểm soát.

Câu hỏi tiếp theo mà nhà báo Đăng Trường trăn trở là: Chủ thể lặp lại những điệp khúc tố cáo vi phạm “tự do internet” là ai? Để trả lời câu hỏi này, tôi đã lật tìm lại những “bản phúc trình”, những “báo cáo” hay “kiến nghị” của một số tổ chức mà hằng năm vẫn đánh giá Việt Nam không có tự do internet. Có thể dẫn chứng như: Freedom House, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ công bố bản báo cáo thường niên (hay bản phúc trình) về tự do internet (Freedom of the net) trên thế giới. Có một sự thật là cho đến nay, hầu hết kinh phí hoạt động của Freedom House do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nên nó trở thành một công cụ của những người đã chi tiền để hoạt động dưới vỏ bọc nghiên cứu, theo dõi, cổ súy cho tự do, dân chủ, nhân quyền… Bởi vậy, thông tin mà Freedom House đưa ra về tự do internet bị áp đặt bởi tư tưởng, ý đồ xấu. Hay Human Rights Watch (tổ chức theo dõi nhân quyền – HRW), rồi nhiều trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF). Với Việt Nam, chân tướng của những RSF, Freedom House, HRW đã lộ dạng từ lâu, cũng chiêu bài, thủ đoạn đánh lận, gian dối và vu cáo như cũ dù xu thế ngày nay đã thay đổi nhiều. Ngay cả việc họ tự cho mình quyền tập hợp, tổng kết, điều tra rồi đưa ra bản báo cáo, phúc trình cũng cho thấy sự tuỳ tiện bởi không có cơ sở pháp lý nào và cũng không có cơ quan chức trách nào giao cho họ làm việc đó…

Nhận diện những chủ thể lặp lại sự dối trá đó đã phơi bày bản chất chống phá nước ta từ lâu và vì thế động cơ những báo cáo, bản phúc trình luôn bị nhuốm đen.

Nhà báo Đăng Trường tiếp tục đặt câu hỏi: Vì sao những tổ chức có “lý lịch xám” như nêu trên lại nhận được sự trợ giúp đắc lực của những phần tử chống phá trong nước? Có phải vì họ nhận thức kém mà dính lừa? Sự thực không phải như vậy, chính sự câu kết trong ngoài mà những phần tử ăn theo ở trong nước biến mình thành con rối, thành những quân cờ chống phá đất nước và số này cũng sử dụng internet làm phương tiện. Động cơ suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất mà bên ngoài thả để câu móc, một số khác vì bất mãn, vì nhận thức mà có cả số hùa theo đám đông. Khi viết bài này, tôi đã tìm hiểu vì sao một số sinh viên, tri thức trẻ vốn có hiểu biết lại sớm sa vào kế của kẻ xấu? Không phải vì nhận thức mà chính những miếng “mồi cơm” đã khiến những sinh viên này mắc câu và khi đã mắc câu, họ thường khó gỡ.

Nhà báo Đăng Trường phân tích: Làm rõ 3 vấn đề trên là điều kiện cần. Việc tiếp theo là phải nhìn nhận rõ vấn đề internet ở Việt Nam trong xu thế toàn cầu. Tôi nghĩ rằng, để biết chính mình (tự do internet ở Việt Nam) đang ở đâu thì phải nhìn ở góc toàn cảnh, tức phải ở độ cao bao trùm. Có như thế mới khách quan, mới tránh chủ quan rằng Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam thế là tự do rồi, chỉ họ mới sai, ta luôn đúng!

Để làm được điều đó, tôi đã tìm hiểu luật quốc tế và pháp luật các nước, từ trong khu vực đến những nước phát triển, những nước nhiều người vẫn cho là “thiên đường tự do” như Mỹ để xem họ quy định và quản lý ra sao? Không chỉ trên văn bản luật pháp mà cả hiện thực ở các nước. Và câu chuyện sau đây tại Mỹ khiến chúng ta phải suy nghĩ: Tháng 9/2016, báo chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài nói về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ – bà Hillary Clinton. Vấn đề sức khỏe của bà Clinton bắt đầu nổi lên sau khi tại một cuộc họp báo, bà đột nhiên có những cử chỉ khác thường, có thông tin nói bà lên cơn động kinh. Phóng viên David Seaman lập tức đưa lên tờ The Huffington Post và mạng internet hai bài đề cập sự việc trên và đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe của nữ ứng viên Tổng thống. Việc một nhà báo tại Mỹ viết bài rồi bị gỡ, bị xử lý đuổi việc có phải là chuyện lạ? Hãy nghe ý kiến nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, người chuyên viết cho tạp chí Ekxpert. Ông nói, ở Mỹ đó là chuyện quá đỗi bình thường. Không có phương tiện truyền thông nào là độc lập, tất cả đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào các nhà tài trợ và chính sách biên tập.

“Nhìn nhận luật pháp và thực tiễn sinh động ở năm châu bốn biển như vậy để soi lại chính mình thì thấy quả là mình không chủ quan. Từ đó, đủ cơ sở kết luận rằng, “lộng giả thành chân”, kẻ xấu luôn tìm cách ra rả tuyên truyền điều sai, lẽ trái khiến người nghe, người đọc lâu dần tưởng thật, từ đó hướng lái dư luận, chèo chống theo tư duy, quan điểm, ý đồ của chúng. Mạng internet ngày nay là biển cả thông tin. Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người hãy tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, độc hại. Quyền tự do thông tin nhưng quyền ấy là có ranh giới, cần tỉnh táo nhận diện để không bị rơi vào sự hỗn độn thông tin, không bị kẻ xấu hướng lái, lôi kéo, biến mình thành nhà “dân chủ mạng”, biến thành con rối của kẻ địch, sử dụng mạng internet thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại quốc gia, dân tộc mà mình là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ”, nhà báo Đăng Trường khẳng định.

Theo Bảo An/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)
  • Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào? (28/06/2017-9:33)
  • “Đứng ở vành đai an toàn, góc nhìn của bạn chỉ là một chiều” (26/06/2017-10:03)
  • Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)
  • Dưỡng khí của nghề báo (24/06/2017-6:46)
  • Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học (24/06/2017-6:42)
  • Công phu nghề báo (22/06/2017-15:41)