Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Đồng tiền và lòng tự trọng (11/07/2017-8:58)
    (NLBTH) - Chào ngày mới trong không gian cà phê bệt, chè chén vỉa hè dễ gặp chuyện bực mình từ những vị khách bất đắc dĩ với lỉnh kỉnh hàng rong, đánh giầy, xin ăn, nhưng cũng chính không gian ấy đã cho tôi biết thêm những nhân cách.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ eva

Tôi ấn tượng mãi với thằng bé đen nhẻm chào mua kẹo cao su. Tôi không có hứng với hàng rong, nên chọn giải pháp tránh bị quấy rầy bằng tờ 10.000 đồng - là tờ tiền có mệnh giá nhỏ nhất trong ví lúc đó. Thằng bé từ chối. Tôi nhìn vào nó, chẳng có gì khác, tại sao lại có hành động khác với nhiều người mà tôi đã gặp. Tôi nài, còn nó thì nhất mực chối. Tôi dúi tờ tiền vào tay nó, và cúi xuống tiếp tục với dòng suy nghĩ miên man, ngẩng lên thằng bé đã đi, nhưng trên bàn  là một vỉ kẹo cao su. Thằng bé đã bán cho tôi vỉ kẹo, nó không nhận đồng tiền được xem như sự bố thí. Tôi lần nữa tưởng tượng ra khuôn mặt đen nhẻm, cái dáng người nhỏ thó và chất giọng quê đặc của nó. Không có gì đặc biệt, nhưng sự đặc biệt là nhân cách.

Lần khác, trên đường Hạc Thành, thành phố Thanh Hóa, một đứa trẻ tật nguyền lặc đến bàn tôi xin đánh giầy. Trông nó thật thương, nhưng bởi giầy của tôi còn bóng xi, nên tôi từ chối bằng tờ tiền lẻ, nó không nhận và bảo cháu lao động chân chính. Tôi tự thấy vô duyên với đồng tiền lẻ trên tay mình.

Ứng xử của thằng bé bán kẹo cao su dạo và đứa trẻ đánh giầy tật nguyền sau đó cứ vẩn vơ trong suy nghĩ của tôi. Tôi hình dung ra nhiều khuôn mặt, dáng người trên hè phố lê la, mau miệng, và những hình ảnh ngụy trang cốt để nhận lấy những đồng tiền được xem là bố thí. Người ta móc ra đồng tiền vì phần đa không muốn bị làm phiền khi đang ngon miệng với bát phở sáng hay mất hứng với ly cà phê.

Đồng tiền có nhiều cách kiếm, không ít người, thậm chí là người sức dài vai rộng đã hạ thấp nhân cách của mình để vào vai những hành khất đáng thương. Cũng là cách kiếm tiền, nhưng nó cật vấn lương tâm và man trá. Nhưng trong sự nhốn nháo nơi vỉa hè, thậm chí ở không ít công sở, thì lương tâm sẽ có chỗ đứng như thế nào, được coi trọng đến đâu? Để kiếm được đồng tiền nhiều người chấp nhận mọi cách thức, sử dụng nhiều thủ đoạn để ăn chặn, ăn bớt, thậm chí bớt xén của cả người nghèo từ những suất, phần cứu trợ, thông quá dự án, chương trình. Có nơi còn mượn danh nghĩa của cả người đã chết để trục lợi. Thông tin thường thấy trên báo, và dường như ngày một nhiều hơn. 

Những đứa trẻ nghèo và thất học, chúng cũng cần đồng tiền, thậm chí rất cần, nhưng chúng chọn cái cách có được bằng sức lao động chân chính của mình, rất tự trọng, và chúng xứng đáng được tôn trọng. 

Lam Vũ.

 

 

 

Các tin khác:
  • Đơn giản thực chất (09/07/2017-20:27)
  • Sự lãng phí, hoài nghi và yêu cầu đặt ra (07/07/2017-7:53)
  • Tư duy du lịch nhìn từ nhà vệ sinh công cộng (03/07/2017-12:19)
  • Xây dựng “pháo đài” gia đình từ những bữa cơm thường nhật ấm áp yêu thương (27/06/2017-8:46)
  • Của cho cũng cần văn hóa (24/06/2017-21:18)
  • Pháp luật chỉ duy nhất sự thẳng ngay (23/06/2017-13:24)
  • Một sự chen chân vào con đường hẹp (22/06/2017-16:10)
  • Y đức, nhìn từ con số (17/06/2017-9:26)
  • Lắng lòng con trẻ để bảo vệ trẻ em đúng cách, đúng quy định của pháp luật (12/06/2017-7:55)
  • Tạo cơ chế giám sát ngăn chặn “hung thần” (09/06/2017-8:12)