Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
    Nhà báo Kiều Huyền (ảnh dưới) đồng thời là nhà nghiên cứu phê bình văn học. Trước khi làm công viêc Thư ký tòa soạn ở Báo Văn hóa và Đời sống, chị từng công tác ở Báo Văn nghệ.

Với chị, đã chọn nghề báo phải chấp nhận sự quyết liệt, nhưng nhất thiết không phải là sự “moi móc” hay “đánh hội đồng” như những gì mà người trong nghề đã gặp và thường nghe. Người làm báo đã có cuộc trao đổi với Kiều Huyền về cách nhìn của chị về nghề báo.

- Chị có bao giờ nghĩ làm nghề báo đã khó khăn, nhà báo nữ càng khó khăn hơn nhiều?

Nhà báo Kiều Huyền: Thực tế thì mỗi nghề có vất vả riêng. Nhưng nếu thực sự yêu nó thì sẽ cảm thấy bên cạnh những khó khăn còn có những niềm vui. Nghề báo cũng vậy thôi. Bên cạnh những khó khăn đi tìm kiếm đề tài, tìm kiếm nhân vật, tiếp cận vấn đề tôi thở phào hoàn thành xong mọi thứ. Càng vui hơn khi thỉnh thoảng mình gặp được những con người điển hình, những câu chuyện thú vị. Và càng tuyệt vời nếu như sau cái tiếp xúc ban đầu vì công việc thì mình và họ trở thành những người bạn, có thể nói với nhau những chuyện chẳng đâu vào đâu của cuộc sống. Còn với nữ giới thì có khó khăn không ư? Thực ra tôi chưa bao giờ có khái niệm phân biệt, cũng chưa bao giờ đòi bình đẳng. Bởi tôi quá biết và mọi người cũng quá hiểu phụ nữ có lợi thế thì cũng có những bất lợi. Nam giới cũng vậy. Dù sao tôi là phụ nữ và tôi biết đã chọn nghề thì tôi cũng phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể.

- Là một người viết văn, nghe cách chị nói tôi nghĩ chị đa cảm. Điều này xem ra có vẻ không thích hợp với người làm báo?

Nhà báo Kiều Huyền: Tôi không nghĩ đến sự đa cảm hay rành mạch. Nếu hiểu được thế mạnh của mình, mình sẽ biết phải làm gì. Nhưng tôi thật sự cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với một người có tâm hồn đa cảm. Bởi thay vì phải toan tính nói điều hơn, thiệt, thì họ dễ bộc bạch hơn, dễ cảm thông, và cũng dễ sẻ chia hơn. Còn khi làm việc, tôi thích người rành mạch, hơn là lý trí. Cuộc sống mà, rành mạch được mọi chuyện ít nhất cũng giúp người ta biết mình và đối phương đang ở vị trí nào.

- Tôi biết chị làm báo, và đã từng làm ở một tờ báo thiên về văn chương. Có thể cách nhìn cuộc sống của chị khác?

Nhà báo Kiều Huyền: Tôi nghĩ cuộc sống màu nào thì chúng ta vẫn phải nhìn đúng màu đấy. Tôi không thích sự tô hồng, mặc dù đôi khi tô hồng khiến tôi dễ thở, tôi cũng không muốn nhìn thấy một màu đen, vì chỉ nghĩ đến điều đó, trái tim tôi như bị bóp nghẹn. Ngay cả với những người xung quanh tôi, rất nhiều người tôi không thích, và đương nhiên tôi cũng biết nhiều người không thích tôi. Song tôi vẫn phải sống là chính mình. Chỉ có điều, trong cuộc sống đầy bí bách, mọi thứ “bủa vây”, nào là nhiệm vụ kiếm tiền, đối nhân xử thế, và cả cuộc sống riêng tư nữa, thì có lẽ nên nhìn nó ở khía cạnh nhân văn, chúng ta sẽ bớt đi những sân si. Nghe có vẻ lý thuyết suông, nhưng tôi luôn cố gắng nghĩ và làm như thế. Đặc biệt, dẫu không muốn nói hay phân biệt giới, thì tôi vẫn luôn nghĩ, tôi là phụ nữ cứ nhìn cuộc sống nhẹ nhàng đi, cái gì nặng quá thì tôi xé nhỏ, chả việc gì phải mang vác trên vai gầy một tảng đá to bè thô ráp. Cách nhìn cuộc sống của tôi đơn giản đến giản đơn, chả có gì đáng để nói nhiều.

- Nói chuyện với chị, tôi chợt nhận ra cuộc sống của chị đơn giản thật, chị có áp dụng điều đó vào trong các bài báo, trang viết của mình không?

Nhà báo Kiều Huyền: Cách đây vài tháng, khi trên hầu khắp các tờ báo đều có những thông tin ấu dâm, xâm hại tình dục, chắc chắn bạn và tôi đều sùng sục. Đôi khi nhìn thấy cái tittle, tôi đã gấp trang báo, hoặc click vào một thư mục khác vì tôi hoảng sợ. Sự hoảng sợ đó là bởi tôi thấy mọi người rùng rùng cùng lao vào mọi chuyện, hoảng sợ vì tôi có hai đứa con gái và luôn cảm thấy sự điên loạn và bất an của cuộc sống, và hoảng sợ hơn khi chính mình đang muốn đứng ngoài một cái ác, và im lặng chứng kiến nó - đó cũng là một hành vi ác hoặc chí ít nhẫn tâm hơn. Đặc biệt hơn khi ngay lập tức con đi học về, vui vẻ kể tới giờ học kỹ năng sống xâm hại tình dục trẻ em. Thống kê trên báo là cứ 8 giờ đồng hồ có 1 em bé tại Việt Nam bị xâm hại tình dục. Những đứa trẻ ngơ ngác và non bấy của tôi, làm thế nào để bóc tách được trong cử chỉ vốn để bày tỏ yêu thương ấy, có cả động cơ và mục đích khác.

Mang theo tâm trạng của bà mẹ, bên cạnh vai trò nhà báo, tôi nghĩ mình không chỉ là mang thông tin đến bạn đọc, tôi vẫn muốn có một liều thuốc trấn an mọi người. Rằng bên cạnh những cái nghĩ xa đến âu lo ấy, cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp, còn nhiều con người đáng trân quý biết bao. Sao tôi không quyết liệt? À, thì tôi muốn quyết liệt mọi thứ lắm chứ, nhưng một bà mẹ như tôi, đôi khi còn lơ đễnh chưa kỹ lưỡng và chăm chú để nhận ra hình như hôm nay con không vui bằng mọi ngày, có điều gì làm con buồn, con sợ thì liệu vòng tay tôi đã đủ an toàn? Nhưng quyết liệt không có nghĩa là “đánh hội đồng”, “moi móc”, hay bằng bất cứ giá nào phải lôi người ta xuống bùn đen. Tuýp người đó, cách làm đó, không thích hợp với tôi, và tôi không cho phép mình làm điều đó, trong nghề nghiệp.

Có thể khẳng định, thông tin báo chí là để hướng tới người đọc. Quan niệm, nhận thức xã hội của bạn đọc có thay đổi không, thay đổi như thế nào khi tiếp nhận thông tin đó, là quyền và phụ thuộc vào mỗi người tiếp nhận. Còn mong muốn của người làm báo, không riêng gì tôi, là chia sẻ và mong muốn xã hội tốt hơn. Một hiện tượng tiêu cực được phản ánh đều là vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, xử lý để “nhặt sâu” cho xã hội. Tôi nghĩ, những vấn đề có tác động trực tiếp tới xã hội, tức tác động trực tiếp tới độc giả thì chắc chắn họ sẽ quan tâm.

Tôi thực sự cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm báo, gặp gỡ những văn nghệ sỹ, trí thức - những con người mộc mạc mà chân tình, và may mắn hơn là đã cho tôi trở thành nhà báo chính trực.

Cảm ơn nhà báo Kiều Huyền vì cuộc trao đổi

Phù Lãng (thực hiện)


 

Các tin khác:
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)
  • Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào? (28/06/2017-9:33)
  • “Đứng ở vành đai an toàn, góc nhìn của bạn chỉ là một chiều” (26/06/2017-10:03)
  • Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)
  • Dưỡng khí của nghề báo (24/06/2017-6:46)
  • Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học (24/06/2017-6:42)