Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
    Phỏng vấn truyền hình hay phỏng vấn trong các loại hình báo chí khác, về bản chất là giống nhau, bởi cùng có nhiệm vụ là khai thác, thu thập thông tin để làm nên tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, với mỗi loại hình do đặc trưng của mình chi phối mà cách thức, kỹ năng phỏng vấn có những điểm khác nhau.
Với phỏng vấn truyền hình, hình ảnh, âm thanh giúp khán giả thấy được thái độ của
người trả lời và bối cảnh diễn ra cuộc phỏng vấn

Một trong những điểm làm nên sự khác biệt và cũng là điểm góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của phỏng vấn truyền hình đó là tầng thông tin thứ hai.

Vai trò của tầng thông tin thứ hai

Một cuộc phỏng vấn truyền hình thường đem lại hai tầng thông tin. Tầng thông tin thứ nhất do người trả lời phỏng vấn nói ra. Tầng thông tin thứ hai là thông tin ngoài ngôn ngữ lời nói. Đó có thể là thông tin từ ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, ánh mắt, nụ cười, phong thái), hay bối cảnh, đồ vật... xung quanh nơi người trả lời phỏng vấn xuất hiện để trả lời.

Đặc điểm nổi trội của phỏng vấn truyền hình

Ở báo in, phỏng vấn thường chỉ có tầng thông tin thứ nhất, muốn có thêm tầng thông tin thứ hai phóng viên phải mô tả lại và phần này thường được viết trong ngoặc (ví dụ, khi phỏng vấn một nhạc sĩ để miêu tả sự xúc động của nhân vật, ngoài việc nêu phần trả lời của họ, phóng viên cần mở ngoặc đơn ghi cụm từ: “rơm rớm nước mắt” hoặc “cười lớn”....

Ở phát thanh, tầng thông tin thứ hai thường khó nhận biết bởi chỉ có một kênh thể hiện đó là âm thanh (thính giả có thể nghe thấy tiếng khóc, tiếng cười... nhưng âm thanh này nhiều khi khó tiếp nhận), còn những thông tin khác từ tầng thông tin thứ hai (như thái độ, cảm xúc, bối cảnh...), thính giả rất khó nhận biết, muốn có để tăng sự sinh động, khách quan cho phỏng vấn đó nhà báo phát thanh phải kể lại.

Với phỏng vấn truyền hình, hai tầng thông tin thể hiện rất rõ. Hình ảnh, âm thanh giúp khán giả thấy được thái độ của người trả lời và bối cảnh diễn ra cuộc phỏng vấn. Điều này làm tăng tính xác thực của câu chuyện đang được bàn tới.

Bổ trợ thông tin cho tầng thông tin thứ nhất

Thông tin từ hai tầng được âm thanh và hình ảnh mô tả, chuyển tải một cách đầy đủ, trung thực, khán giả vừa lắng nghe được câu trả lời của nhân vật, vừa quan sát được thái độ của nhân vật thông qua ngôn ngữ cơ thể (sự đồng tình hay phản đối, sự hợp tác hay miễn cưỡng, lòng nhiệt huyết hay sự thờ ơ... của người trả lời); đồng thời còn có thể nhận được thông tin từ bối cảnh xung quanh nơi người trả lời (sau lưng là sự hoang tàn, đổ nát của những dãy nhà sau khi cơn bão lướt qua hay một mùa lúa bội thu, trĩu hạt, vàng ươm...) - đó chính những thông tin nền - ngôn ngữ không lời này góp phần bổ trợ làm dày thêm thông tin mà người trả lời phỏng vấn đang nói tới. Thông tin bổ trợ từ tầng thông tin thứ hai này giúp cho công chúng nhận thức đầy đủ hơn về sự kiện, vấn đề đó.

Có lúc giữ vai trò chủ đạo

Trong một số trường hợp, tầng thông tin thứ hai có thể giữ vai trò chủ đạo giúp cho công chúng biết được bản chất sự việc. Ví dụ: phỏng vấn một nhân vật viết đơn giả nghèo khổ để xin hưởng chế độ hộ nghèo. Tầng thông tin thứ nhất từ lời nói của nhân vật: “Gia đình em hoàn cảnh lắm, khó khăn lắm...”. Nhưng phía sau lưng người trả lời lại là ngôi nhà mới xây (hoặc đồ dùng đắt tiền), cùng với thái độ giáo hoảnh khi nói về sự nghèo khó, những thông tin này giúp người xem nhận biết rõ bản chất của sự giả nghèo...

Hay, khi phỏng vấn quan chức về phong cách gần dân, nhưng nhân vật ngồi trong một cái ghế bành chạm trổ rồng phượng; miệng nói thương dân lo cho dân, nhưng bối cảnh phỏng vấn lại đem tới những thông tin ngược lại... Bối cảnh như vậy đã đem tới thông tin rất sinh động thậm chí đóng vai trò chủ đạo trong thông tin từ cuộc phỏng vấn này.

Có nhiều nhân vật được phỏng vấn, khi đứng trước ống kính máy quay, họ dễ bị tâm lý
căng thẳng đè nặng, dẫn tới bối rối trước ống kính, thông tin trình bày không sâu

Một số lỗi thường gặp

Lựa chọn bối cảnh khuôn mẫu, thiếu sáng tạo

Hiện, phỏng vấn xuất hiện khá nhiều trên truyền hình ở đa dạng các thể loại (cả tin và bài); các dạng chương trình (tin tức thời sự, chương trình văn hóa, giải trí)... Phỏng vấn thường được thực hiện ở hai bối cảnh: ở trong nhà hoặc ngoài hiện trường (nơi sự kiện, sự việc diễn ra).

Mỗi bối cảnh đem lại giá trị thông tin khác nhau, không thể nói phỏng vấn ở bối cảnh nào hiệu quả hơn. Điều này phụ thuộc vào sự linh hoạt, mục đích sáng tạo của phóng viên.

Thực tế cho thấy, không ít phỏng vấn trên truyền hình hiện nay lựa chọn bối cảnh còn khuôn mẫu, chưa thật sáng tạo. Không khó để bắt gặp cuộc phỏng vấn, ở đó người trả lời được xếp ngồi cạnh một cây cảnh hoặc cạnh một lọ hoa (nếu trong phòng); hoặc nếu ở ngoại cảnh thì phía sau là một bụi cây xanh. Với cách lựa chọn vị trí này, phóng viên ít mất công chọn bối cảnh, bởi ở đâu cũng có thể dễ dàng tìm những khóm cây, bụi cây xanh.

Tiếp đó, khi quay hậu cảnh có cây xanh, nhất là quay ở ngoài trời với ánh sáng tốt, nhìn nhân vật có cảm giác sắc nét hơn. Tuy nhiên, với bối cảnh như vậy, thông tin từ tầng thứ hai hầu như không có gì, trừ cảm xúc, thái độ của nhân vật. Mà thực tế, không ít người khi xuất hiện trước ống kính máy quay mọi cảm xúc, thái độ gần như bị “đơ cứng”, khi đó tầng thông tin thứ hai hoàn toàn là con số không.

Ngoài ra, một số phỏng vấn ở đó hậu cảnh của người trả lời chưa được lựa chọn kỹ lưỡng, khá bừa bộn, lộn xộn. Với bối cảnh như vậy, đã không đem lại thông tin mà còn làm phân tán sự chú ý của khán giả, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của cuộc phỏng vấn.

Lạm dụng kỹ thuật khi xử lý hình ảnh trong cuộc phỏng vấn

Lạm dụng kỹ thuật trong xử lý hình ảnh cho cuộc phỏng vấn truyền hình nhiều khi sẽ khiến thông tin từ tầng thông tin thứ hai không được khai thác hiệu quả. Ví dụ, như làm hơi nhòe hoặc mờ hậu cảnh nơi nhân vật trả lời. Mặc dù cách xử lý hình ảnh như vậy có vẻ khiến hình ảnh cuộc phỏng vấn, đặc biệt là hình ảnh người trả lời trở nên lung linh, nghệ thuật hơn, nhưng điều này vô tình đã làm mất đi tầng thông tin thứ hai của cuộc phỏng vấn.

Lặp lại cách thể hiện phỏng vấn trong cùng một tác phẩm

Một tác phẩm truyền hình sử dụng ít hay nhiều phỏng vấn tùy thuộc vào ý đồ của tác giả và mục đích thông tin. Tuy nhiên, với tác phẩm sử dụng nhiều phỏng vấn hiện nay, có không ít phỏng vấn trong đó bị lặp lại cách thể hiện. Cụ thể, lặp về vị trí, bối cảnh ngồi của nhân vật cũng như của người đặt câu hỏi; lặp về hướng nhìn của người trả lời. Chẳng hạn người trả lời cùng ngồi trước giá sách hay bàn làm việc... Cách thực hiện theo cùng một mô-típ khiến người xem dễ lẫn giữa người trả lời này với người kia và thông tin từ tầng thứ hai cũng không có nhiều và thiếu hấp dẫn.

Không ít phỏng vấn trên truyền hình hiện nay lựa chọn bối cảnh còn khuôn
mẫu, chưa thật sáng tạo

Để khai thác hiệu quả tầng thông tin thứ hai

Hiểu bản chất của tầng thông tin thứ hai

Điều này rất cần thiết đối với cả phóng viên biên tập và phóng viên quay phim khi thực hiện phỏng vấn truyền hình. Cần nắm rõ, tầng thông tin thứ hai đó là ngôn ngữ không lời, là thái độ, cảm xúc của người trả lời; là bối cảnh, địa điểm thực hiện cuộc phỏng vấn đó. Mỗi tầng thông tin đều có những giá trị nhất định, quyết định đến chất lượng của phỏng vấn. Chỉ khi hiểu rõ ưu thế của từng tầng thông tin, việc khai thác mới chủ động, sáng tạo. Qua cuộc phỏng vấn có thể thấy rõ kỹ năng, độ chuyên nghiệp trong tác nghiệp của phóng viên.

Các thành viên cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình tác nghiệp

Phỏng vấn truyền hình cần được thực hiện trong sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa phóng viên quay phim và phóng viên biên tập thông qua việc trao đổi thẳng thắn, kỹ lưỡng về nội dung, mục đích, cách thức thực hiện cuộc phỏng vấn. Khi đó, sẽ dễ dàng thống nhất chọn địa điểm, bối cảnh thực hiện phù hợp. Mặt khác, khi có sự trao đổi kỹ về chủ đề, kịch bản, ý đồ thì người quay phim sẽ chủ động sáng tạo trong chọn lựa những địa điểm, cách thức ghi hình; dễ dàng trong ghi lại những khoảnh khắc tâm lý đặc biệt của người trả lời... trong quá trình thực hiện cuộc phỏng vấn.

Hiểu tâm lý nhân vật

Thuyết phục nhân vật tham gia trả lời phỏng vấn đã khó, nhưng tạo tâm lý tự nhiên, thoải mái trước, trong khi phỏng vấn cho họ cũng rất khó.

Việc thấu hiểu tâm lý người trả lời quyết định lớn tới chất lượng, hiệu quả của cuộc phỏng vấn. Có hai dạng người cơ bản. Dạng thứ nhất, đó là những người hoạt ngôn, tự tin và tự nhiên trong thể hiện. Nếu có cơ hội, họ sẽ bứt phá để thể hiện bản thân. Dạng thứ hai, đó là những người tư duy tốt nhưng khả năng nói, trả lời phỏng vấn lại không thật trôi chảy, hay lúng túng.

Với người thuộc dạng thứ hai, đặc biệt là những người chưa một lần đứng trước ống kính máy quay thì họ dễ bị tâm lý căng thẳng đè nặng. Họ luôn lo sợ mình nói dở, thiếu thuyết phục không đáp ứng được yêu cầu của phóng viên...và như vậy, họ không thật thoải mái trong trả lời, dẫn tới bối rối trước ống kính, thông tin trình bày không sâu; và nhiều khi tầng thông tin thứ hai (nét mặt, tâm trạng, ngôn ngữ cơ thể...) sẽ làm họ bất lợi. Tất cả sẽ có thể dễ dàng được giải quyết nếu phóng viên hiểu, từ đó chủ động giúp họ giải tỏa, làm giảm nhẹ một cách tối đa tâm lý này.

Chọn địa điểm phỏng vấn hợp lý

Việc lựa chọn địa điểm nào để thực hiện cuộc phỏng vấn có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng câu chuyện đang được bàn tới. Cùng một người trả lời phỏng vấn, cùng bàn về một nội dung nhưng địa điểm, bối cảnh thực hiện khác nhau sẽ đem tới những thông tin, cảm xúc khác nhau. Lựa chọn bối cảnh phù hợp không chỉ làm cho cuộc phỏng vấn thêm gắn kết với nội dung câu chuyện đang được bàn tới mà còn tác động tới tâm lý, kích thích sự hào hứng hay không trong trả lời của người được phỏng vấn. Và với khán giả, nhiều khi bối cảnh không phù hợp khiến họ thiếu chú tâm, làm sao nhãng tầng thông tin thứ nhất.

Chọn thời gian phỏng vấn phù hợp

Việc liên hệ, đặt hẹn thời gian thực hiện phỏng vấn rất quan trọng, giúp người hỏi và người trả lời có sự chuẩn bị cả về nội dung và tâm lý.

Đối với những cuộc phỏng vấn có hẹn trước, thường không có trở ngại gì nhiều khi thực hiện. Nhưng với cuộc phỏng vấn ngẫu hứng tại nơi diễn ra sự kiện cần lưu tâm khi đặt vấn đề phải tự nhiên, thuyết phục và đặc biệt hãy tránh những múi giờ khiến người ta mệt mỏi như cuối trưa, cuối chiều. Vì lúc này, trạng thái tâm lý cũng như thần sắc người trả lời thường không được tự nhiên. Nên chọn những khung đầu giờ mỗi buổi, khi đó người trả lời sung sức, dễ thoải mái tâm lý nhất, đúng là họ nhất.

Ngoài ra, đối với những sự kiện mới xảy ra, khi phỏng vấn những người trong cuộc, những người chứng kiến càng gần sát giờ sự kiện, sự việc vừa xảy ra thì càng dễ nhận được những trạng thái cảm xúc thật, không có sự sắp xếp, đạo diễn nhiều về câu trả lời cũng như về tâm lý của người trả lời phỏng vấn.

Tầng thông tin thứ hai rất quan trọng là yếu tố góp phần cung cấp thêm thông tin và tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm phỏng vấn truyền hình. Muốn khai thác có hiệu quả, mỗi phóng viên và ê -kíp cần phải nắm được ưu thế của tầng thông tin này từ đó kết hợp một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn cùng với sự nhạy cảm trong nghề nghiệp của mỗi thành viên.

Theo Đinh Thị Xuân Hòa/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)
  • Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào? (28/06/2017-9:33)
  • “Đứng ở vành đai an toàn, góc nhìn của bạn chỉ là một chiều” (26/06/2017-10:03)
  • Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)
  • Dưỡng khí của nghề báo (24/06/2017-6:46)