Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cần chữa căn bệnh chủ quan (21/07/2017-7:52)
    (NLBTH) - Bão số 2 đã đi qua nhưng nỗi lo thì ở lại. Nỗi lo từ sự chủ quan.
Du khách có quyền tắm biển, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải hướng dẫn,
cảnh báo (hình ảnh chỉ có tính minh họa)

Sự chủ quan trước tiên thuộc về người dân. Bão đến rất gần, nhưng du khách vẫn vô tư tắm biển. Người dân có thể đem theo tư tưởng chủ quan khi xuống biển bất chấp bão cận kề, nhưng rõ ràng những người có trách nhiệm trong việc này thì không thể. Họ có công cụ trong tay, nhưng có vẻ như họ chưa thể hiện được sự quyết liệt cần thiết.

Năm nào biển cũng cướp đi những du khách xấu số. Những cái chết thương tâm có thể tránh nếu như có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý, từ phía chính quyền. Người dân tắm biển, còn trách nhiệm của chính quyền, của cơ quan quản lý là phải hướng dẫn, cảnh báo họ. Cảnh báo không được có thể dùng biện pháp can thiệp mạnh hơn.

Trong việc người dân bất chấp sóng cao cả mét để xuống tắm biển, có ý kiến cho rằng, du khách đã mất công, thậm chí mất tiền, vì họ đi du lịch theo tour, tiền đã nộp trước, nên xót ruột mà làm liều, đã vào Sầm Sơn thì cố xuống nước để có đầy đủ không khí biển. Người dân bị sự tính toán che mắt, nhưng người có trách nhiệm thì vì lý do gì mà không kịp thời ngăn chặn. Bão gió khôn lường, đừng ỷ vào quy luật bão.

Lâu nay bão đầu mùa thường ít đổ bộ vào Thanh Hóa. Thường từ cơn bão số 5 trở đi, Thanh Hóa mới lo. Còn lý do nữa, đó là những năm gần đây bão không vào Thanh Hóa, nên tạo ra tư tưởng chủ quan. Người dân có thể vin vào điều đó, nhưng cơ quan chức năng thì không thể. Cơn bão nào cũng đem đến nguy cơ, và trách nhiệm của chúng ta là phải phòng chống. Trước mùa bão phải thanh toán hết những tác nhân gây hại, trong số đó có cây xanh đô thị.

Cơn bão số 2 gió không quá mạnh, tâm bão lại cách xa chúng ta cả trăm cây số, nhưng cây cối vẫn đổ, có những đoạn đường tắc nghẽn cục bộ. Những cây xanh ấy chúng ta đã phải trồng nhiều năm, chúng có thể đã không đổ ngã nếu như được tỉa chặt cành lá từ đầu mùa hè.

Biết rằng tỉa chặt cây xanh đô thị cần kinh phí, nhưng không nhất thiết phải chờ đến khi có kinh phí trong tay mới làm. Phương châm của chúng ta là phòng hơn chống, và nếu như phòng tốt thì đâu phải rơi vào cảnh mất cây xanh, lại còn mất công, mất của đi dọn cây xanh ngã đổ sau bão.

Căn bệnh chủ quan đang tạo ra những hình ảnh không đẹp về một bãi biển Sầm Sơn có rất đông du khách vô tư tắm khi bão cận kề được đăng tải trên nhiều tờ báo trong những ngày qua. Căn bệnh chủ quan cũng khiến chúng ta mất đi nhiều cây xanh không đáng mất.

Hai hình ảnh khác nhau, nhưng đang phản ánh một căn bệnh, và nó cần phải chữa.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Lối sống và nỗi niềm ngôn ngữ (18/07/2017-9:53)
  • Trước tiên cần “thông tắc” ý thức (17/07/2017-7:40)
  • Góc khuất du lịch và vấn đề tăng trưởng (14/07/2017-8:47)
  • Đồng tiền và lòng tự trọng (11/07/2017-8:58)
  • Đơn giản thực chất (09/07/2017-20:27)
  • Sự lãng phí, hoài nghi và yêu cầu đặt ra (07/07/2017-7:53)
  • Tư duy du lịch nhìn từ nhà vệ sinh công cộng (03/07/2017-12:19)
  • Xây dựng “pháo đài” gia đình từ những bữa cơm thường nhật ấm áp yêu thương (27/06/2017-8:46)
  • Của cho cũng cần văn hóa (24/06/2017-21:18)
  • Pháp luật chỉ duy nhất sự thẳng ngay (23/06/2017-13:24)