Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Khi nhà báo tác nghiệp tại điểm “nóng” (02/08/2017-7:53)
    Làm thế nào để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp? Giải pháp nào để tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhà báo để họ tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết và dấn thân kiên quyết đấu tranh tiêu cực vì một xã hội trong sạch và phát triển bền vững.
Tác nghiệp tại điểm "nóng" luôn có những khó khăn nhất định cho những nhà báo, phóng viên.
Ảnh:TL

Phóng viên Tạp chí Người Làm Báo ghi lại ý kiến chia sẻ của những người làm nghề, trước thềm diễn ra Hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” tổ chức ngày 7 - 8/8 tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

Sứ mệnh của người làm báo là đưa ra những thông tin chính xác, nhanh nhạy và kịp thời đến với công chúng. Tuy nhiên, việc các nhà báo liên tiếp bị hành hung, cản trở tác nghiệp trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự manh động, coi thường pháp luật của một số đối tượng, cho thấy rõ hơn về bức tranh nghề nghiệp đầy vinh quang, nhưng cũng không ít thử thách và nguy hiểm


NHÀ BÁO VŨ VĂN TIẾN - TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ MẶT TRẬN:

Rào cản ngay trong mỗi nhà báo

Phía sau mỗi con chữ trên mặt báo là bao vất vả, gian nan và cả những thách thức, hiểm nguy và đầy cám dỗ. Có nhiều nhà báo sẵn sàng lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, phanh phui biết bao vụ tiêu cực, khuất tất, song vẫn chưa thật sự được bảo vệ an toàn. Sẽ không công bằng khi những nhà báo dũng cảm, dám đương đầu với tiêu cực, chống lại cái xấu và vun đắp cho cái mới lại phải chịu nhiều thiệt thòi. Không ít phóng viên bị trả thù thẳng tay do viết bài chống tiêu cực.

Nhìn nhận từ góc độ đạo đức nghề nghiệp, không thể phủ nhận có một bộ phận nhà báo hiện nay đang lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, kiếm tiền bất chính. Nhiều người sẽ vin vào lý do đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, hoạt động phát hành, quảng cáo suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các nguồn thu, khiến đời sống kinh tế của nhiều tờ báo và nhiều nhà báo khó khăn để lao đi kiếm tiền bằng mọi giá, đánh mất đạo đức nghề nghiệp, lương tâm và tự đánh mất chính mình... Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, họ luôn bị người làm nghề chân chính và xã hội lên án, đồng thời cũng sẽ bị chính nghề báo đào thải.

Thiết nghĩ, với phóng viên điều tra, chỉ có bằng kiến thức chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học và bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như sự động viên, chỉ đạo kịp thời của tòa soạn, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các phóng viên, tòa soạn mới có thể nuôi dưỡng nhiệt huyết để theo đuổi thể loại khó khăn nhất này của báo chí.

 

NHÀ BÁO NGUYỄN THUẬN HUẾ
ĐÀI PT-TH HÀTĨNH:

Kỹ năng tự bảo vệ là tối thượng

Trước mỗi vấn đề “nóng” cần điều tra, một mặt trái cần được phơi bày, thậm chí, một sự kiện nóng đang diễn ra... đương nhiên nhà báo không thể đứng ngoài cuộc, càng không thể là những anh hùng bàn phím, ngồi gõ, phán xét, suy diễn... Nhà báo phải lăn xả vào sự kiện.

Đương nhiên, để chuyển tải được hơi thở của vấn đề đó, và để đi đến cùng... mỗi người làm báo phải hiểu rằng nếu mình không khôn ngoan, không có nghiệp vụ điều tra, tiếp cận sự kiện, không tập hợp cho mình được một hệ thống các nguồn tin... thì rất có thể, những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc có thể xảy ra. Những điều này tưởng chừng đơn giản, là điều tất nhiên với mỗi nhà báo khi đã lựa chọn nghề này. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, và không phải ai cũng nhận thức hết được điều này.

Có khi chính nhà báo phải “xưng danh” để làm việc, nhưng cũng có khi phải biết “ẩn mình” vì những điều lớn hơn... Phải có cái nhìn dài hơi, và không phải lúc nào điều đang xảy ra cũng đúng như nó vốn thế, không phải lúc nào, nhà báo cũng thông tin toàn bộ và ngay lập tức vì yếu tố “mới, lạ” mà quên đi những vấn đề lâu dài.

Chỉ khi chính nhà báo đó phải nhận thức vấn đề với cái nhìn biện chứng, có khả năng bảo vệ mình, bảo vệ được nguồn tin của mình trên cơ sở tôn trọng sự thật, coi trọng lợi ích đại cục, lâu dài... mới có thể vững vàng hơn qua các sự kiện nóng, không bị những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc (kể cả do khách quan mang lại), có điều kiện đưa đến cho công chúng những thông tin chuẩn mực, có ý nghĩa phản biện, giúp xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn.



PGS, TS ĐỖ THỊ THU HẰNG
PHÓ TRƯỞNG KHOA BÁO CHÍ, HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN:

Hiểu rõ pháp luật để bảo vệ quyền tác nghiệp của mình

Quyền được hành nghề hợp pháp đã được ghi rõ trong luật pháp Việt Nam. Đặc biệt trong Luật Báo chí năm 2016 khẳng định rất rõ và có những điều khoản cụ thể.

Hoạt động báo chí về mặt pháp lý, quyền hành nghề hợp pháp được nhấn mạnh rất rõ ràng. Khi vai trò của báo chí ngày càng được đề cao, việc hiểu đúng, tôn trọng, thực thi quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo càng cần được quan tâm, bàn thảo kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

PHÓNG VIÊN ĐINH PHƯƠNG THÚY
TRUNG TÂM TIN, ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM:

Bản lĩnh trong nghề nghiệp

Rủi ro hay tai nạn nghề nghiệp luôn ẩn chứa trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo. Điều này xuất phát từ tính chất “nóng”, nhanh nhạy của thông tin mà nhà báo chuyển tải tới công chúng và những xung đột lợi ích với những đối tượng mà báo chí phản ánh, phanh phui, đặc biệt là trong lĩnh vực điều tra chống tham nhũng, tiêu cực. Khi phản ánh những đề tài nhạy cảm, phóng viên cần tiếp cận vấn đề đa chiều, nhiều góc độ, nhiều nhân chứng; Cần phải bám sát quá trình điều tra thực tế, lưu trữ băng ghi âm, ghi hình cụ thể, chân thực để làm bằng chứng khi cần thiết.

Đặc biệt, để tránh những rủi ro, nguy hiểm khi thực hiện những đề tài “nóng”, nhà báo cũng cần có bản lĩnh trong nghề nghiệp, tiếp cận sự việc một cách linh hoạt, nhanh trí, khiêm tốn, mềm mỏng và chuyển tải tới độc giả những thông tin chính xác nhất, khách quan nhất. Chính bạn đọc sẽ là lực lượng hỗ trợ bảo vệ nhà báo nếu tác nghiệp đúng, đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng và lợi ích cộng đồng

 

 

NHÀ BÁO PHẠM QUANG VINH
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA SÉC:

Trung thực, dũng cảm, khôn khéo và nhân văn

Tại sao phải trung thực? Khi phản ánh vấn đề “nóng”, “hot” các phóng viên thường bị yếu tố thời gian, yếu tố cạnh tranh và dư luận xã hội gây áp lực. Nếu không đủ bản lĩnh thì phóng viên có thế sử dụng khái niệm trung thực “một cách uyển chuyển”, bỏ qua khâu thẩm định thông tin, nâng tầm sự kiện quá mức cần thiết, “định hướng” thông tin theo ý kiến chủ quan, viết theo kiểu giật gân câu khách.

Tại sao phải dũng cảm? Khi viết về vấn đề “nóng” các phóng viên thường bị các đối tượng có liên quan gây sức ép, đe dọa hay mua chuộc. Không dũng cảm thì không thể theo đuổi đề tài “nóng” đến cùng.

Vì sao phải khôn khéo? Không đủ độ khôn khéo để giữ khoảng cách giữa sự dũng cảm với sự liều lĩnh, thách đố thì phóng viên không hoàn thành nhiệm vụ mà còn hứng chịu sự nguy hiểm cho bản thân.

Vì sao phải có tính nhân văn? Đề tài “nóng”, “nhạy cảm” đòi hỏi phóng viên phải có tính nhân văn cao từ cách đặt tít, nêu vấn đề, chọn từ ngữ và cách thể hiện. Nếu không, bài viết của mình có thể gây hiệu ứng ngược, trái với mục đích ban đầu của tác giả.

 

LUẬT SƯ BÙI XUÂN BÍNH
ĐOÀN LUẬT SƯ, TP. HÀ NỘI:

Không thể dùng một hành vi vi phạm pháp luật như một biện pháp nghiệp vụ

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên, nhà báo sẽ phải đối mặt với những hành vi cản trở tác nghiệp, do đó, mỗi người làm báo cần tự trang bị vững kiến thức về pháp luật, kỹ năng sống, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất những điều đáng tiếc có thể xảy ra đối với bản thân. Đặc biệt, những phóng viên điều tra, việc dấn thân là cần thiết, vì vậy cần phải biết tự bảo vệ bản thân, trong một số trường hợp không nên điều tra quá sâu về một vấn đề vì có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, phải biết chọn mức độ để dừng lại, công tác điều tra đã có cơ quan chức năng đảm nhận. Về nghiệp vụ, Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan quy định phóng viên, nhà báo có quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ báo chí để xác minh, thu thập thông tin. Tuy nhiên, các biện pháp này phải đúng pháp luật, không thể dùng một hành vi vi phạm pháp luật như một biện pháp nghiệp vụ


Theo Ngọc Thành, Thùy Dung, Cường Phạm, Ngọc Châm /Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng (01/08/2017-12:29)
  • Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam (01/08/2017-12:25)
  • Bàn giao Kênh truyền hình Quốc hội về Văn phòng Quốc hội (31/07/2017-13:33)
  • Sơ kết 6 tháng đầu năm, trao thưởng học sinh có thành tích xuất sắc (29/07/2017-12:49)
  • Tạo thuận lợi cho du khách Thanh Hóa đi du lịch Thái Lan và góp phần thúc đẩy giao thương (28/07/2017-15:15)
  • Tri ân các nhà báo đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tổ quốc (28/07/2017-7:56)
  • Báo Thanh Hóa trao quà Quỹ "Tấm lòng vàng" cho em Lê Quang Dũng (27/07/2017-20::29)
  • Chi hội nhà báo Báo Văn hóa & Đời sống đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2019 (27/07/2017-8:10)
  • Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy là Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận (26/07/2017-14:34)
  • Báo Thanh Hóa tri ân các anh hùng liệt sĩ và thăm, tặng quà các gia đình chính sách (26/07/2017-7:45)