Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)
    “Nghề phóng viên cho tôi tất cả mọi thứ, được sống và được làm điều mình thích- đó là hạnh phúc mà tôi nắm giữ được. Nghề nào cũng có sướng, có khổ riêng, với tôi, nghề viết làm giàu cho mình vốn kiến thức, sự quảng giao, mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp mang đến cho tôi niềm vui mỗi ngày”- Nhà báo Hồng Nga chia sẻ về niềm đam mê nghề nghiệp của mình.

Nhà báo Hồng Nga

+ Ở độ tuổi U50 mà vẫn trẻ trung, say sưa làm việc bất chấp tuổi tác như chị có vẻ khá hiếm trong làng báo. Phải chăng vì làm mảng văn hoá giải trí nên chị luôn giữ được sự tươi trẻ và yêu thích làm phóng viên?

– Chị nhận xét rất đúng. Hơn chục năm “lăn mình” vào mảng văn hóa giải trí ở Tạp chí Gia đình & Trẻ em, cho tôi niềm hứng khởi, đam mê vô tận với nghề cầm bút. Bởi mỗi lĩnh vực nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, mỗi ngày đều có thể phát hiện ra cái hay riêng, không trùng lắp, không lặp lại. Vì thế cuộc sống của những người làm báo chúng tôi luôn sống động và đầy hứng khởi…

+ Sự lười di chuyển, lười gặp gỡ, lười viết, lười chạy theo sự kiện… có khi nào xuất hiện trong chị không?

– Mỗi khi tham dự một sự kiện, hay gặp gỡ nhân vật nào đó, tôi cũng như những nhà báo khác luôn phải tư duy thấu đáo, “lục tung” các đường dây, chuỗi liên quan tới sự kiện hay nhân vật đó để tìm ra phát hiện mới chưa báo nào khai thác. Quá trình tìm hiểu thông tin ở thời công nghệ số chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ, có thể tìm hiểu từ “bác” Google, qua mạng xã hội, face book của cá nhân đó, hay qua những comment… Nhưng phải biết chắt lọc, đánh giá thông tin nào đáng tin cậy, để từ đó phát hiện ra đề tài mới cho bài viết của mình mang bản sắc riêng, sâu sắc, tin cậy và trung thực. Tôi đề cao nhất ở tính trung thực và khách quan của bài viết, và không thể quên tính giáo dục tích cực của thông tin đó mang lại có hữu ích, hay có thể đưa đến gợi ý nào đó cho bạn đọc… Đó luôn là điều tôi hướng tới. Tuy nhiên, nếu ai đó cậy vào “bác” Google mà lười di chuyển, lười gặp gỡ, lười bám sát sự kiện thì rất dễ vấp phải tình trạng đưa thông tin sai lệch, gây hiểu lầm, và điều tôi tối kỵ nhất chính là gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhân vật được phản ánh. Mỗi khi viết, tôi luôn nghĩ về việc viết ra điều này thì liệu có ảnh hưởng tốt hay xấu tới đối tượng phản ánh, nên hay không nên…

+ Là người dễ bị cuốn theo công việc, vậy chị có bí quyết gì trong cách sắp xếp công việc?

–  Làm nghề báo khó tránh khỏi việc bị cuốn theo công việc, nhưng đó lại chính là điều thú vị khiến tôi say sưa với nghề, tạo thành guồng quay liên tục mới mẻ và đặc biệt. Song tôi không coi viết báo là “phải” làm việc mà là “được” làm việc, được viết nên những điều mình tâm huyết, mình thích, để truyền cảm hứng tới bạn đọc. Tôi luôn “tích cóp”, dự trữ nhiều đề tài cho mình để sẵn sàng ngay khi cần tới, có những khi mình phải “nuôi” đề tài cả năm mới viết được, đến khi viết ra được thì cảm thấy vô cùng vui sướng. Nhưng cũng có khi gặp đề tài mới, không phải sở trường của mình, tôi lúng túng, không viết được ngay, nhiều khi đêm về “vắt tay lên trán” nghĩ cách tiếp cận, cách khai thác thế nào, mấy ngày sau, lúc sáng sớm, minh mẫn nhất là hay bật ra những ý tưởng hay. Lúc đó ý tứ tuôn ra rào rào, viết rất nhanh, và ra đúng cái mình mong muốn.

+ Với người viết báo, sợ nhất cảm giác “chai mòn”, mất cảm xúc sau quá nhiều năm tác nghiệp. Với chị thì sao?

– Trải qua năm tháng cách làm việc của mình cũng phải xoay chuyển, bắt nhịp với thời đại công nghệ. Ngày xưa phỏng vấn phải hẹn hò cà phê, đợi chờ lâu, giờ có thể phỏng vấn qua điện thoại, chát face book, zalo, hay voice chat, email,… vô cùng tiện lợi, nhanh chóng và đỡ tốn kém nữa. Tuy nhiên, gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp nhân vật vẫn là phương án hay nhất, giữ cho chính mình cảm xúc với câu chuyện và với nghề.

Nhà báo Hồng Nga tại Chùa Đậu

+ Thời đại công nghệ thông tin ngập tràn, một sự kiện xảy ra ngay lập tức trở thành sự kiện chung, ai cũng có thể biết tới. Vì thế tạo sự khác biệt cho bài viết của mình trở thành điều khó cho không ít phóng viên, nhất là phóng viên báo tuần. Chị đã tạo sự khác biệt cho những bài viết của mình như thế nào?

– Tôi viết bài mất khá nhiều thời gian, có thể nói là không viết nhanh được. Vì phải tìm hiểu vấn đề kỹ lưỡng, phỏng vấn nhân vật tìm ra những điều khác biệt ở họ, và tránh viết lại những thông tin các báo khác đã khai thác. Và phải trăn trở tìm ra sự khác biệt cho tạp chí, bởi làm báo tuần không thể đăng nhanh như báo mạng, song, giá trị của báo in ở độ sâu sắc, tin cậy, và có giá trị về lâu dài.

+ Tôi cho rằng, làm tạp chí cũng áp lực chẳng kém gì báo ngày và báo điện tử: thông tin không được cũ, nhạt, phải có chiều sâu… Chị thấy sao?

– Đúng như chị nói. Làm tạp chí như con mọn, vất vả ở chỗ làm sao vừa cập nhật thông tin kịp thời, vừa đảm bảo bài vở có chất lượng, hình ảnh đẹp để níu giữ độc giả, bởi báo in đang mất dần bạn đọc trước sự lấn lướt của báo mạng. Ta dễ bắt gặp hình ảnh ở đô thị người nào cũng cầm smartphone lên là đọc được bao nhiêu thông tin trên mạng. Nhưng tôi nghĩ, đọc báo in có sự thích thú riêng, bởi cái sự trực tiếp lật mở trang báo được trình bày chỉn chu, đẹp đẽ, bắt mắt, thu hút từ hình thức đến nội dung, và đảm bảo là thông tin thiết thực, tin cậy, hữu ích, và có giá trị bền vững với thời gian.

+ Guồng quay hàng ngày của chị có vừa khớp với nhịp độ của bản thân chị không?

– Tôi ước một ngày kéo dài 48 tiếng để có thể làm hết và trọn vẹn các công việc của mình. Tuy mệt vì làm ngày không đủ phải “cày đêm”, song đó là điều tôi mong muốn được làm, được cống hiến, nên dễ dàng quên hết mệt nhọc.

+ Bỏ lại đằng sau những áp lực công việc, những lo toan thường nhật, chị muốn có thời gian rảnh để làm gì?

– Dường như làm việc hăng say cho con người ta dồi dào năng lượng hơn thì phải! Thời gian rảnh tôi muốn được thưởng thức các chương trình văn hóa văn nghệ, xem phim, xem kịch, ca nhạc,… và những thú vui đó lại phục vụ cho công việc của mình.

Nhà báo Hồng Nga và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

+ Có khi nào chị nghĩ đến việc lùi lại, không làm phóng viên, chuyển sang làm biên tập hay một công việc ít di chuyển không?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thôi dừng lại nghề viết báo. Càng được đi nhiều càng thấy thích. Có lẽ vì cả hai bàn chân của tôi đều có nốt ruồi- số hay di chuyển rồi. Nghề báo và mọi thứ liên quan đến viết lách cứ tự nhiên đưa tôi đến báo chí như một mối duyên trời đã định. Tôi không thể ngồi yên một chỗ quá hai ngày bởi chân cẳng bồn chồn không chịu nổi, và phải lao ra đường với các sự kiện mới, những cuộc gặp gỡ mới, câu chuyện mới được khám phá.

Theo Linh Linh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Nghề báo: Vinh quang và tai vạ (03/08/2017-10:35)
  • Nỗi niềm phía sau trang báo (28/07/2017-15:09)
  • Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)
  • Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào? (28/06/2017-9:33)