Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Làm nghề là phải biết “dấn thân” (04/08/2017-18:11)
    (NLBTH) - Người theo nghề báo luôn phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn, khắc nghiệt, thậm chí không ít hiểm nguy. Và, với nghề báo nếu không “dấn thân”, không yêu nghề, thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và thành công.

Tác giả trong một lần tác nghiệp ở vùng cao xứ Thanh (ảnh do tác giả cung cấp)

Nhớ những ngày đầu đến với nghề báo tôi vẫn chưa hình dung phải làm như thế nào, nhưng tôi biết nghề báo có nhiều khó khăn và mình cần vượt qua. Điều đó thôi thúc tôi nỗ lực, tìm tòi, học hỏi để gắn bó với nghề. Và sau mỗi chuyến đi, sau những lần tác nghiệp tôi nhận ra nghề báo có những điều rất thú vị. Mặc dù có những chuyến đi nhọc nhằn, nhưng đều có ý nghĩa, cho mình những trải nghiệm, những cảm xúc mới mẻ…

Tôi vẫn nhớ một lần đi tác nghiệp tại hai bản người Mông thuộc xã Sơn Thủy huyện Quan Sơn vào cuối năm 2014. Từ trung tâm xã Sơn Thủy lên đến 2 bản Mùa Xuân và Xía Nọi chỉ hơn 4 km, song phải mất hơn 3 giờ đồng hồ vừa đi vừa đẩy con “ngựa sắt” trên con đường vắt vẻo sườn núi, nhiều đoạn lầy lội, hiểm trở, tôi và đồng nghiệp mới đến được hai bản Mùa Xuân và Xía Nọi. Thế nhưng, mọi nhọc nhằn, vất vả đều được xua tan sau cái bắt tay nồng đượm nghĩa tình và sự đón tiếp chân thành từ trưởng bản và người dân đối với những “lữ khách” lần đầu đến với bản Mông. Và, những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, về phong tục tập quán, về việc học của con trẻ, về đường giao thông… được chúng tôi lượm nhặt và chắp bút để “ý Đảng luôn hợp lòng dân”. Hay như cuộc hành trình “vượt triền dốc đứng” đến với Cao Sơn - là tên gọi chung của ba bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cũng ghi dấu nhiều trải nghiệm khó quên về sự khó khăn, vất vả của bản thân và đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp, về cuộc sống, tình người nơi miền “sơn cước”. Thực tế, trong “ngăn kỷ niệm” của người làm báo phải luôn thấm đẫm giọt mồ hôi khi đi giữa trời hè nắng gắt hay dầm mình trong mưa rét, trên những con đường trơn trượt, hiểm trở… Có như vậy, những “đứa con tinh thần” sau khi ra đời mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía độc giả.

Hơn nữa, ngẫm về điều Bác Hồ kính yêu từng dạy, trước khi viết nhà báo nên cân nhắc viết cái gì? viết cho ai? sau đó mới tính tới viết như thế nào? Như vậy, nhà báo phải viết đúng, viết trúng, viết vì mọi người chứ không phải viết vì bản thân, vì cuộc sống của mình. Hiện nay, khi mà cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ, những người làm báo cần có đủ lòng dũng cảm để từ chối những cám dỗ vật chất đời thường; không vì hám lợi mà né tránh sự thật, hay tiếp tay cho những việc làm sai trái. Một nhà báo tốt không chỉ biết giữ cho “tròn mình”, mà phải nhạy bén trong việc phát hiện vấn đề. Đồng thời, phải có bản lĩnh để “bắt mạch” cuộc sống, biết “sàng lọc” thông tin để tác phẩm báo chí có sức sống, lay động dư luận xã hội, được công chúng đồng tình ủng hộ. Hay nói khác hơn là bằng sự công phu, bằng trí tuệ và lòng say mê nghề nghiệp, nhà báo phải làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình để không phụ lòng tin, sự kỳ vọng của độc giả.

Với tôi, nhà báo đôi khi cũng giống như một diễn viên, phải biết vào nhiều vai khác nhau, từ một người nông dân, người đi buôn, thậm chí là một tay chơi khi thâm nhập vào đời sống xã hội… Nhờ vậy mà tôi đã “thoát thân” và ghi dấu ấn đầu tiên khi “dấn thân” vào nghề với tác phẩm “nuôi sâu - nghề gieo mầm hiểm họa”.

Có thể thấy, nhiệm vụ càng vất cả, vinh quang càng lớn lao, người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Đảng, Nhà nước và xã hội đã trao gửi niềm tin, trách nhiệm, những người làm báo nếu không “dấn thân”, không yêu nghề, thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và thành công.

Làm nghề báo tuy vất vả, nhọc nhằn, đầy nguy hiểm, nhưng cũng không ít niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Vui vì mỗi khi “đứa con tinh thần” ra đời nhận được sự động viên của đồng nghiệp, sự phản hồi của độc giả, dù khen hay chê đó đều là sự quan tâm, khích lệ để bản thân mỗi nhà báo cố gắng vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Hạnh phúc là đôi khi những nhân vật gương sáng điển hình được phản ánh còn dạy mỗi nhà báo bài học về lẽ sống và sự nỗ lực vươn lên. Và, vinh quang là được góp sức gánh vác trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Mỗi nghề đều có những đòi hỏi, khó khăn riêng. Để xứng đáng với sứ mệnh của mình mỗi người làm báo ở bất kỳ thời điểm nào cũng phải nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa với cái tâm của người cầm bút, với đạo đức nghề nghiệp và phải biết “dấn thân” hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Phong Sắc
(Báo Thanh Hóa)

 

Các tin khác:
  • “Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)
  • Nghề báo: Vinh quang và tai vạ (03/08/2017-10:35)
  • Nỗi niềm phía sau trang báo (28/07/2017-15:09)
  • Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)