Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Những bảo vật “gọi tên” văn hóa xứ Thanh
Bài 2: Ứng xử mẫu mực cho bảo vật trường tồn (14/08/2017-21:57)
    Các bảo vật quốc gia có thể ví như viên kim cương đa diện, mà dẫu nhìn ở khía cạnh nào, nó cũng lan tỏa ánh sáng rạng rỡ nhất. Chính vì lẽ đó, vinh danh phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ để các bảo vật vô giá không biến thàn hiện vật vô giá trị! Tin liên quan:

Học sinh tham quan bảo vật quốc gia trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Bảo vật quốc gia là sự hòa quyện độc đáo và tinh tế các yếu tố hình dáng, kích thước, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác, phương thức sử dụng. Đồng thời, mỗi bảo vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên... Song, dù hình thức và nội dung tư tưởng có khác nhau, thì tựu chung lại, mỗi bảo vật đều gìn giữ và truyền tải một hay nhiều thông điệp đậm tính nhân văn. Đó là quan niệm của con người về thế giới, về nhân sinh, về cuộc đời hay cụ thể hơn là về lịch sử, về nghệ thuật... Và, tất cả đều hướng đến các giá trị căn bản và hoàn hảo nhất của cái Chân - Thiện - Mỹ!

Việc vinh danh các giá trị văn hóa chân chính và vô giá ấy là một cách thức bảo vệ các bảo vật, tránh mọi sự hủy hoại của tự nhiên và của chính con người. Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày 3 bảo vật quốc gia là Kiếm ngắn núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang I và Vạc đồng Cẩm Thủy. Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia này, ông Hồ Tuấn Minh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Các bảo vật được trưng bày tại bảo tàng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Việc trưng bày, giới thiệu các bảo vật góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất xứ Thanh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đến du khách trong và ngoài nước. Từ đó, nhân dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc.

Mặc dù vậy, vẫn cần nhấn mạnh rằng, khi đã khoác lên một danh xưng mới, đồng nghĩa với việc giá trị của các bảo vật đã được nâng lên một tầm cao mới, thậm chí trở nên vô giá. Song, còn hơn cả một danh hiệu, các “di sản truyền thế” này phải được nhận sự trân trọng, cùng thái độ ứng xử mẫu mực. Đó là nhận thức đúng giá trị để có cách thức bảo tồn, gìn giữ sao cho nghiêm cẩn, khoa học, nhằm tránh hư hỏng, xâm hại từ các yếu tố khách quan và chủ quan, hay làm thay đổi yếu tố nguyên gốc vốn có của bảo vật; là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chung tay bảo vệ, để không biến những giá trị vô giá trở nên vô giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa – tinh thần hiện nay.

Theo quy định của Luật Di sản, thì “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt” và “Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia”. Vấn đề là làm thế nào để bảo vệ, bảo quản các bảo vật này theo “chế độ đặc biệt” trong khi các điều kiện bảo quản nghèo nàn? Vạc đồng Cẩm Thủy là bảo vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Sự độc đáo của bảo vật này không chỉ ở kích thước lớn và là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng thời Lê Trung hưng đã đạt đến độ hoàn chỉnh; mà còn bởi nó tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử và chỉ có vua chúa mới được đúc vạc. Thế nhưng, một ẩn số thú vị là bảo vật lại được đúc bởi một vị quan khâm sai. Trong khi Kiếm ngắn núi Nưa và Trống đồng Cẩm Giang I được trưng bày, bảo quản tương đối tốt, thì số phận của chiếc vạc đồng lại khá “long đong” khi chưa được giới thiệu chính thức đến công chúng. Nguyên nhân, như chia sẻ của vị Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, là do bảo vật có kích thước lớn, cồng kềnh, trong khi điều kiện kinh phí eo hẹp nên bảo tàng chưa thể bố trí được không gian trưng bày phù hợp. Do vậy, bảo vật này đang phải “nằm tạm” ngoài hành lang. Đây chẳng phải là chế độ bảo quản “đặc biệt” gì, nhưng với điều kiện hiện tại, dẫu có băn khoăn hay tiếc nuối thì bảo tàng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Có hiện vật được vinh danh bảo vật quốc gia là điều đáng tự hào, song cũng đặt lên vai các đơn vị trách nhiệm nặng nề trong việc bảo vệ, nhằm tránh hư hỏng, mất mát. Thế nhưng, do nhân lực hạn chế, lại không có biên chế đặc thù cho lực lượng bảo vệ, cho nên các bảo vật luôn được đặt trong tình thế đề cao cảnh giác. Trao đổi với ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh, được biết: Các bảo vật quốc gia tại di tích luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các tấm bia ký là những bảo vật được trưng bày lộ thiên, lại nằm rải rác tại nhiều địa điểm, xung quanh có nhiều cây cối, nên khó tránh khỏi sự tác động, ảnh hưởng từ môi trường, thời tiết và con người. Để các bảo vật không bị xâm hại, ban quản lý khu di tích đã xây lan can bảo vệ quanh các bia ký và tích cực tuyên truyền, nhắc nhở khách tham quan không chạm lên bia và rùa. Đồng thời, đơn vị cũng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, nhằm giảm thiểu tối đa các yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho di sản, góp phần gìn giữ giá trị trường tồn của các bảo vật.

Theo Khôi Nguyên/Báo Thanh Hóa điện tử

 

Các tin khác:
  • Bài 1: Tinh hoa miền di sản (14/08/2017-21:52)
  • Lãng du cùng Phạm Công Thắng (01/08/2017-13:41)
  • Thú vị mô hình “Thư viện sách sống” đầu tiên tại Việt Nam (31/07/2017-1338)
  • Khu nghỉ dưỡng duy nhất tại Việt Nam được CNN bình chọn là địa điểm cưới lý tưởng nhất thế giới (31/07/2017-13:35)
  • Tạp chí Argentina ca ngợi vẻ đẹp tà áo dài của Việt Nam (26/07/2017-14:36)
  • Khi nghệ sỹ để ngỏ cuộc đời (26/07/2017-7:48)
  • Hội trại thanh, thiếu niên phật tử Trúc Lâm lần thứ IV tại Hàm Rồng (17/07/2017-7:35)
  • Nhà văn, nhà báo của người Mường xứ Thanh (14/07/2017-8:43)
  • Lễ hội Chá Chiêng - nét văn hóa độc đáo của người Thái ở xã Trung Hạ (29/06/2017-9:31)
  • Lại gây tranh cãi việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê (07/06/2017-8:08)