Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Thể thao
Văn hóa ứng xử của người hâm mộ bóng đá (26/08/2017-18:13)
    Trận đấu sống mái giữa U22 Việt Nam và U22 Thái Lan có lẽ là đỉnh điểm của sự thất vọng cho người hâm mộ. Không những không thể cầm hòa, chúng ta đã hoàn toàn trắng tay trước người Thái với sai lầm và nóng vội của cầu thủ.

Đội tuyển đem theo nhiều kì vọng của người hâm mộ tại Seagames 29

Chúng ta nhận thất bại trên sân cỏ với những khuôn mặt thất thần của Xuân Trường, sự hối lỗi đến tột cùng đau khổ của Minh Long, sự tiếc nuối trong vô vọng của Tuấn Anh, Công Phượng, quyết định từ chức của HLV Hữu Thắng... Nhưng, chúng ta còn thua người Thái ở mặt trận khác, nơi mà lòng tin chỉ được lấy ra để lấy cớ cho những tham vọng vô địch của người hâm mộ.

Thắng làm vua...

Sau những trận đấu giao hữu, chiến thắng tại các cuộc đua tranh vé vào loại U23 châu Á hay mới đây là những mưa bàn thắng tại 2 trận đấu đầu tiên tại vòng bảng Seagames đã khiến không chỉ thành viên đội tuyển bóng đá nam vui sướng mà cả người hâm mộ cũng ngây ngất trong niềm tự hào dân tộc.

Trước, trong và sau mỗi trận đấu, người ta hô vang tên cầu thủ, nhiều cổ động viên nữ thậm chí còn tranh thủ từng giờ, từng phút để đến sân cổ vũ cho đội tuyển. Ai trong số họ cũng hi vọng và vui mừng khi cầu thủ ghi bàn, khi kết quả trận đấu là chiến thắng nghiêng về đội nhà. Người ta xum xoe, khen thưởng, bao nhiêu ngôn từ hoa mĩ cũng thể diễn tả hết được sự vui mừng và phấn khởi ấy. Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ: “Nhìn lứa cầu thủ này mới có hi vọng vào bóng đá Việt Nam”.

Trên các trang mạng xã hội do người hâm mộ tự lập, niềm vui lại càng được nhân lên gấp bội khi một vài  cầu thủ thân thiện đã đáp lại tình cảm cho người hâm mộ bằng cách gửi những hình ảnh “độc” và chia sẻ những thông tin chưa từng được hé lộ.

Với những cổ động viên nữ, việc được nhìn thấy các “đại Boss” – theo cách gọi của họ đối với những cầu thủ mà họ yêu thích thì những dịp sinh nhật, về nước thi đấu  hay thậm chí là vị sữa mà đại Boss thích đều là những động lực cho họ... xem bóng đá. Chỉ cần thấy cầu thủ nào đó ngồi trên khán đài, tay khẽ đưa lên làm một vài động tác vô thức và được ống kinh máy ảnh chú ý đến thì ngay lập tức, những lời khen ngợi không liên quan gì đến chuyên môn xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều Facebook cá nhân.

Người ta đặt niềm tin nhiều vào một thế hệ được coi là vàng 10 của bóng đá Việt Nam với những con người được ca ngợi là có những đường chuyền hoàn hảo, lối đá đầy chất nghệ và tư duy sắc bén. Họ gọi đó là kì vọng lớn của dân tộc, là những chiến binh vẻ vang nhất trên đấu trường khu vực đang dần biến giấc mơ vàng môn thể thao vua thành sự thật sau những năm tháng mòn mỏn đợi chờ.

...Thua làm giặc                                                          

Thế nhưng, sau trận hòa đáng tiếc giữa đội tuyển U22 Việt Nam trước U22 Indonesia, nhiều người đã có phần hoài nghi với chính sự kì vọng của mình. Họ xem hết trận đấu, tìm ra những lỗi sai của cầu thủ, và hiển nhiên, một cá nhân thiếu may mắn nhất đã bị dư luận trách móc không thương tiếc trên các diễn đàn mạng.

 Ngay khi trận đấu vừa ngã ngũ, nhiều người quá khích vào thẳng trang Facebook cá nhân của cầu thủ này thi nhau chỉ trích. Người ta thi nhau gọi cầu thủ cướp mất đi cơ hội chiến thắng của đội nhà là “chân gỗ”, là người chỉ thích hợp với đá bóng phủi ở các giải phong trào. Có lẽ lúc ấy, chỉ cầu thủ là nhận thấy sự bạc bẽo của của con đường mình theo đuổi khi chỉ cách đây không lâu, người ta gọi cậu là mảnh ghép hoàn hảo của lối chơi đầy kĩ thuật, là tiền đạo có triển vọng và tương lai của bóng đá Việt Nam.

 

Một lần nữa giấc mơ vàng Seagames của bóng đá nam lại trở nên xa vời (Ảnh: Dân trí)

Một lần nữa, sự mạt sát lại được đẩy lên cao, người ta không chỉ gay gắt, phẫn nộ với cầu thủ trên sân mà còn quy kết cho HLV Hữu Thắng những danh xưng khó nghe và có phần vô văn hóa. Công Phượng năm nào còn được tung hô với những mĩ từ hoa lệ bởi tài năng hiếm có trong làng túc cầu thì nay cũng thành Messi của Việt Nam một cách đầy mỉa mai khi đá hỏng quả phạt đền và trở thành tội đồ trong sự phẫn uất của nhiều người.

Không dừng lại ở đó, thủ môn của đội tuyển cũng bị chỉ trích hết sức gay gắt khi mắc phải những sai lầm đáng tiếc trên sân. Họ không chỉ chê bai khả năng của Minh Long, một nghi án bán độ đã được đưa ra và lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng. Có lẽ với mỗi cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ, mọi sự xúc phạm và vu khống không căn cứ đều để lại cho những nỗi đau đớn và tổn thương dai dẳng, nặng nề.

 Sự bất lực nghẹn ngào nơi đáy mắt của Xuân Trường khi trả lời báo chí, tấm ảnh  Minh Long bước đi nặng nề, một tay lấy khăn che mặt khi ra về và cả hình ảnh mẹ của cầu thủ này phải thay mặt con trai xin lỗi người hâm mộ giữa tâm bão dư luận đã thực sự phủ một nỗi buồn đặc quánh lên tất cả.

Chúng ta đã quá khao khát về một giấc mơ vàng cho bóng đá  nam, đó không chỉ là hi vọng của người hâm mộ mà còn là niềm tin, là lẽ sống của nhiều thế hệ cầu thủ. Thắng cuộc trong mọi trận đấu luôn là kết quả trông đợi của tất cả. Ở đó ta có quyền được tự hào, được tung hô và tin tưởng. Nhưng thất bại cũng là một điều khó có thể chấp nhận cho một sự chờ đợi quá lâu khi hàng thập kỉ trôi qua, khát khao cháy bỏng ấy vẫn mãi không thành hiện thực.

Như một đứa trẻ, nếu tuổi thơ ít chịu sự trừng phạt về thể xác và xúc phạm về tâm hồn thì lớn lên dù sức đề kháng có kém đến đâu vẫn luôn vươn mình cố gắng chinh phục ước mơ. Chúng ta thừa nhận đã tốn quá nhiều công sức cho những cuộc tập huấn, du đấu và giao hữu, chúng ta trách móc vì niềm tin như bị đánh cắp bất ngờ, chúng ta có quyền được đau khổ vì điều đó.

Thật đau khổ khi con cái thất bại khi trở về bên mẹ cha lại chỉ nhận thêm những đòn roi, lạnh nhạt, thậm chí chưa ra sân đã thua ngay trong tâm lí vì phải đối đầu với áp lực dư luận. Nếu còn tin, còn yêu vào thể thao nước nhà, hãy là những người hâm mộ có đẳng cấp văn hóa trong mắt bạn bè khu vực, đừng trở nên xấu xí với các bình luận chỉ cho sướng miệng của những “anh hùng bàn phím”.

Bởi, nếu đến con đẻ còn bị chính mình ghẻ lạnh, thì ta cũng chẳng thể nhìn sang con nhà hàng xóm giỏi giang để tặc lưỡi tiếc rẻ mãi cho con mình.

Theo Ngọc Huyền/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • U22 Việt Nam thua đậm Thái Lan: Thất bại từ sự ngộ nhận (25/08/2017-8:50)
  • Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và phát bắn 'nghiệt ngã' (23/08/2017-9:55)
  • Thể thao Thanh Hóa sẵn sàng chinh phục SEA Games 29 (07/08/2017-7:43)
  • Những môn thể thao nào sẽ mang "vàng" về cho Việt Nam ở SEA Games 29? (07/08/2017-7:41)
  • U22 Việt Nam tại SEA Games 29: Sức đâu chạy đường dài? (28/07/2017-15:13)
  • Xác định xong 16 đội bóng tham dự vòng chung kết U23 châu Á (24/07/2017-18:36)
  • World Cup 2018: Các nhà báo được miễn phí đi lại bằng tàu hỏa (22/07/2017-15:40)
  • Văn Thanh tin rằng U22 Việt Nam có cơ hội quật ngã Hàn Quốc (19/07/2017-8:29)
  • Bóng đá Việt Nam: 'Muốn vô địch SEA Games không được sợ một ai!' (09/07/2017-20:08)
  • Vì sao HLV Hoàng Anh Tuấn không dự SEA Games 29? (01/07/2017-10:54)