Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: Cần những giải pháp cấp bách, triệt để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường (28/08/2017-8:29)
    Tác phẩm Đoạt Giải A Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

Bài 1: Nhiều cơ sở chế biến nông, lâm sản vi phạm cam kết bảo vệ môi trường

Có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên dẫn đến
vi phạm Luật Bảo vệ môi trường ở HTX chế biến lâm sản Lang Chánh.
Trong ảnh: Hồ chứa nước thải của HTX.

Phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, không ít cơ sở này đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và sự phát triển bền vững.

Điểm danh “thủ phạm”

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 240 cơ sở chế biến nông, lâm sản. Bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vẫn còn không ít cơ sở thiếu “mặn mà” với công tác này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm dọc hai bờ sông Mã, sông Chu, sông Âm... hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư nhưng chất thải chưa được thu gom xử lý hoặc xử lý chưa triệt để gây sức ép đối với nguồn tiếp nhận, làm giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Một ví dụ vừa mới xảy ra gần đây nhất là tình trạng nước thải của HTX chế biến lâm sản Lang Chánh thuộc cụm công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến (Lang Chánh) làm cá tự nhiên trên sông Âm, đoạn qua xã Giao An (Lang Chánh) chết hàng loạt với số lượng lớn. Ngoài ra, hơn 140 con vịt của một hộ gia đình nuôi thả trên đoạn sông này cũng bị chết. Theo tìm hiểu, HTX chế biến lâm sản Lang Chánh chuyên sản xuất giấy vàng mã và bột giấy được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2010. Trong quá trình hoạt động, HTX này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên không thực hiện vận hành thường xuyên dẫn đến các chỉ tiêu như TTS, COD... trong nước thải của HTX vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Kết quả kiểm tra, phân tích mẫu nước thải tại thời điểm cá chết bất thường cho thấy, chỉ tiêu COD vượt 1,66 lần; chỉ tiêu độ màu vượt 1,74 lần; mẫu nước sông Âm có chỉ tiêu TSS vượt 1,09 - 1,36 lần; chỉ tiêu COD vượt 1,6-2,66 lần; chỉ tiêu CH4+ vượt 1,86 - 2,23 lần. Đáng nói là, năm 2014, HTX này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 47,5 triệu đồng.

Hay như nhà máy sản xuất tre đũa, giấy vàng mã thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại vận tải Tuấn Vinh đóng trên địa bàn xã Lâm Xa (Bá Thước), dù đã bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 3-2-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, thế nhưng sau nhiều tháng kể từ ngày quyết định xử phạt được ban hành, nhà máy vẫn không khắc phục hậu quả vi phạm mà tiếp tục có hình vi xả nước thải không qua xử lý xuống sông Mã với chỉ tiêu TSS vượt quá giới hạn cho phép 1,04 lần, chỉ tiêu sunfua vượt quá giới hạn cho phép 7,04 lần, chỉ tiêu coliforms vượt quá giới hạn cho phép 4.600 lần.

Thêm một ví dụ điển hình là trường hợp gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP Mía đường Hòa Bình và Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng chuyên sản xuất tinh bột sắn hồi tháng 5 vừa qua. Mặc dù không đứng chân trên địa bàn tỉnh, song việc xả nước thải không qua xử lý của 2 đơn vị này đã làm ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến hệ sinh thái sông Bưởi, huyện Thạch Thành khiến các loài tôm, cá tự nhiên, đặc biệt là cá nuôi lồng bè của người dân bị chết hàng loạt. Có thể thấy, việc cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp trên đã và đang “đầu độc” nguồn nước khiến môi trường tự nhiên suy giảm, đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Hình phạt đã đủ sức răn đe?

Trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản đòi hỏi phải có hệ thống và các biện pháp xử lý chất thải sau sản xuất một cách nghiêm ngặt. Chính vì vậy, chính quyền các địa phương cũng như ngành chức năng luôn đặt yêu cầu các dự án được phê duyệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo cơ sở pháp lý, có cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Thế nhưng, kết quả không được như mong muốn, nhiều cơ sở sau khi đi vào hoạt động, nước thải trong quá trình sản xuất, chế biến không được thu gom triệt để, để rò rỉ và thải trực tiếp ra môi trường xung quanh... Trước thực trạng trên, ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc tích cực và xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm môi trường. Hầu như năm nào, ngành chức năng của tỉnh cũng đều ban hành quyết định, văn bản xử phạt các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Trong mỗi quyết định xử phạt đều buộc các công ty, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục, đồng thời lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động kiểm tra những thông số ô nhiễm đặc trưng đối với nước thải. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn “phớt lờ” và cố tình xả thải chưa qua xử lý ra môi trường hoặc có xây dựng hệ thống nước thải thì chỉ nhằm “đối phó” với đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng. Vậy hình phạt đối với các công ty, doanh nghiệp sai phạm đã đủ sức răn đe hay công tác quản lý còn lỏng lẻo?.

Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 16 đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường với số tiền gần 200 triệu đồng. Mức phạt này không thấm tháp gì so với sự “hưởng lợi” của việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vì thế nhiều công ty, doanh nghiệp đã tìm cách “luồn lách” kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại 9 đơn vị, gồm: Công ty CP Giấy Lam Sơn (Nông Cống), Nhà máy sản xuất giấy vàng mã thuộc Công ty TNHH Duyệt Cường đóng trên địa bàn xã Xuân Phú (Quan Hóa), Công ty TNHH Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Như Xuân... Kết quả, cả 9 đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường; có 2/9 doanh nghiệp chưa đầu tư đầy đủ các công trình thu gom, xử lý môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, gồm: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa và Nhà máy sản xuất tre đũa, giấy vàng mã thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại vận tải Tuấn Vinh (Bá Thước); 8/9 doanh nghiệp thực hiện việc thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải sản xuất chưa bảo đảm theo quy định...

Với những cơ sở sản xuất cố tình “quên” xử lý chất thải như trong thời gian qua, thì vấn đề bảo vệ môi trường ở địa phương sẽ đi về đâu và cuộc sống người dân sẽ ra sao trước những thách thức từ ô nhiễm môi trường sống?. Thêm một lần nữa cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền địa phương và ngành chức năng để phát triển thực sự gắn với bảo vệ môi trường.





Bài 3: Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi - chính quyền buông lỏng, chủ cơ sở xem nhẹ

Hệ thống che chắn nhà thông khí trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh,
thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) bị hư hỏng nhiều, không phát huy tác dụng.

Những năm gần đây, từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của địa phương về phát triển kinh tế nói chung, chăn nuôi trang trại nói riêng đã có nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô theo hướng công nghiệp. Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế thì cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trong chăn nuôi.

Theo phản ánh của người dân thôn Liên Phô, xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân) về việc một số trang trại chăn nuôi lợn của xã Xuân Thành xả nước thải ra mương  thoát nước, gây ÔNMT, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân sống trong vùng, ngày 29-8 vừa qua, chúng tôi về tận nơi để tìm hiểu  sự việc. Tại đây, mặc dù vài ngày trước đó có mưa lớn, nhưng dòng nước vẫn đen ngòm, kèm theo đó là mùi tanh, hôi bốc lên nồng nặc. Bác Trịnh Quang Chánh, thôn Liên Phô cho biết: Nhà tôi cách mương thoát nước trên 10 m, cách trang trại chăn nuôi khoảng 30 m. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, gần như ngày nào cũng vậy, cứ vào thời điểm từ 8-9h và 14-15h khi các trang trại làm vệ sinh chuồng trại thì gia đình phải đóng cửa bởi nước thải chảy ra mương, gió đẩy mùi hôi thối bay thẳng vào trong nhà. Không chịu nổi, gia đình tôi phải xây thêm một phòng quay hướng khác để tiện cho việc ăn ở, sinh hoạt. Nguồn nước thải bị ô nhiễm lâu năm đã thẩm thấu, ngấm cả vào giếng nước, do vậy gia đình phải mua máy lọc nước để dùng, ao thả cá dù đã được kè xung quanh 2 lớp nhưng vẫn bị ô nhiễm, năm nào cá cũng bị chết. Còn bà Trần Thị Hoa, trưởng thôn cho biết: Trong thôn có gần 30 hộ bị ảnh hưởng nặng bởi nước thải và mùi hôi thối do một số trang trại chăn nuôi lợn của xã Xuân Thành gây ra. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ sống gần mương thoát nước và các trang trại, do vậy các hộ dân sống xung quanh đây đều phải mua máy lọc nước để sử dụng. Cùng với sinh hoạt bị đảo lộn, việc sản xuất của bà con trong thôn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do có một số diện tích trồng lúa gần mương thoát nước phát triển quá nhanh nên thường bị gãy đổ sớm, ảnh hưởng đến năng suất.

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Năng Lịch, Chủ tịch UBND xã Thọ Nguyên cho rằng, việc một số hộ dân của thôn Liên Phô bị ảnh hưởng do chăn nuôi trang trại của xã Xuân Thành gây ra là có và xã cũng báo cáo với các phòng, ban chức năng của huyện và làm việc với xã Xuân Thành tìm giải pháp khắc phục nhưng do kinh phí khó khăn nên chưa thể giải quyết được.

Còn tại huyện Nga Sơn, đã nhiều năm nay, người dân thôn Cần Thanh, xã Nga Hải phải sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do hai trang trại nuôi lợn công nghiệp với quy mô mỗi lứa khoảng 500 lợn của bà Nguyễn Thị Thơ và ông Nguyễn Văn Hiếu, làm chủ. Tại đây, hàng ngày các trang trại đã dùng quạt công nghiệp thông gió làm mát trang trại, nhưng cũng vì thế mà mùi hôi thối thổi vào khu dân cư; cùng với đó là hệ thống ao lắng nhỏ, không đạt tiêu chuẩn, không có bạt che... Trước tình trạng ÔNMT tại đây, cuối tháng 10-2015, UBND huyện Nga Sơn đã thanh tra, kết luận: Hai trang trại chưa có giấy phép khai thác nước ngầm và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, chưa có hồ sơ xác nhận việc hoàn thành các công trình xử lý môi trường theo nội dung đề án và cam kết đã được phê duyệt... Và gần đây nhất, cuối tháng 7- 2016, đoàn kiểm tra của UBND huyện tiếp tục làm việc với hai trang trại trên. Kết quả cho thấy một số nội dung theo yêu cầu của lần kiểm tra trước vẫn chưa được khắc phục, tình trạng ÔNMT tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

Ngoài ra, mới đây bà con thôn 9, xã Hoa Lộc và thôn 4, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) phản ánh hoạt động của một số trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp tại xã Minh Lộc ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trong vùng. Trước phản ánh của người dân, trong 2 ngày 22 và 23-8, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hậu Lộc đã tiến hành thanh tra đột xuất về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và việc thực hiện cam kết BVMT tại 12 trang trại trên địa bàn xã Minh Lộc. Kết quả thanh tra cho thấy do tình trạng quá tải của chất thải tại các bể bioga, bể điều áp, bể chứa, ao sinh học, cùng với sự xuống cấp của các trang trại nhưng không được các chủ trang trại tu sửa, khắc phục, dẫn đến phát tán mùi hôi ra môi trường, gây bức xúc cho dân cư trong vùng.

Thực tế cho thấy, hiện nay chăn nuôi lợn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh thường mang hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ (trừ một số trang trại được đầu tư xây dựng quy mô), số còn lại nằm gần các khu dân cư, quỹ đất nhỏ, hẹp không đủ diện tích xây dựng các công trình xử lý chất thải theo quy trình, không đảm bảo khoảng cách các khu dân cư... Vì thế mức độ ÔNMT do chăn nuôi gây ra đang trở nên báo động. Mặc dù phần lớn các trang trại chăn nuôi đã xây dựng công trình xử lý nước thải như bể biogas, bể lắng, ao sinh học... nhưng trong thực tế hệ thống xử lý nước thải của nhiều trang trại không đạt chuẩn. Đây chính là nguồn gây ÔNMT chính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân sống gần đó. Qua kết quả kiểm tra, giám sát môi trường hằng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường tại một số trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn các huyện cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu phân tích chất lượng nước thải như TSS, COD, BOD, NH4+, Tổng N, Tổng P và Coliform đều vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống xử lý chất thải

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 770 trang trại tập trung; 6.470 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động chăn nuôi của các trang trại, gia trại đã và đang tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi thì tình trạng ÔNMT do chất thải chăn nuôi cũng đang gia tăng, đặc biệt là việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT không được thực hiện nghiêm túc. Trong tổng số các trang trại trên hiện mới có 7,1% số cơ sở có hồ sơ, thủ tục về môi trường; 11,86% số cơ sở có hầm biogas để xử lý nước thải chăn nuôi; các cơ sở còn lại chưa có biện pháp xử lý hoặc biện pháp xử lý chưa đầy đủ.

Trước thực trạng trên, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện công tác BVMT trong các tầng lớp nhân dân; việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT, cam kết BVMT của các trang trại chăn nuôi, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp... Đồng thời thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các trang trại để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trang trại gây ÔNMT. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề phát hiện, xử lý các chủ trang trại gây ÔNMT của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở vẫn còn rất khiêm tốn, có nơi còn có biểu hiện buông lỏng, chủ yếu khi nào người dân bức xúc, phản ánh hoặc các cơ quan báo chí phát hiện đăng tải thì mới vào cuộc; nhiều chủ trang trại vẫn còn xem nhẹ công tác BVMT trong chăn nuôi... do đó tình trạng gây ÔNMT của nhiều trang trại vẫn tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn như tại huyện Hậu Lộc, theo ông Đồng Minh Quang, trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện thì qua kiểm tra 12 trang trại tại xã Minh Lộc vừa qua cho thấy tất cả các trang trại trên đều chưa có báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng đầu năm 2016 theo quy định; chưa có giấy phép khai thác nước ngầm và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; các chủ trang trại chưa kê khai, nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Cùng với các vi phạm trên, huyện chỉ đạo xã Minh Lộc phối hợp với Công ty CP Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương tạm dừng việc đưa lợn vào nuôi thả tại 12 trang trại sau lứa xuất chuồng trong tháng 9-2016 để thực hiện việc cải tạo, nạo vét... các hạng mục công trình.

Từ chỉ đạo của huyện Hậu Lộc cho thấy chính quyền địa phương (cấp huyện) cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xử lý, khắc phục triệt để sự cố ÔNMT đối với các trang trại chăn nuôi gây ÔNMT; đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với các chủ trang trại cố tình vi phạm Luật BVMT và các kết luận sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng; thường xuyên giám sát quy trình chăn nuôi, nhất là việc xuất, nhập và công suất nuôi, bảo đảm đủ các điều kiện chăn nuôi quy mô đã được phê duyệt.





Bài 4: Ô nhiễm môi trường làng nghề: Biết rồi, khổ lắm ...

Ô nhiễm môi trường làng nghề là bài toán nan giải? Trong ảnh: Làng nghề chế tác
đá (làng Mai) xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc.

Những hệ lụy từ sự phát triển làng nghề, trong đó nghiêm trọng hơn cả là vấn nạn ô nhiễm môi trường, đang như sợi dây vô hình trói chặt và kìm hãm sự phát triển của không ít làng nghề hiện nay...

“Mặt tối” làng nghề

Giữa thời mở cửa, khi “bánh xe kinh tế” lăn đến đâu là từng mảng lũy tre làng bị xé toang đến đấy, thì các làng nghề truyền thống cũng đứng trước nguy cơ tồn, vong. Không ít nghề đã dần mai một và biến mất, không ít làng nghề khủng hoảng hoặc sống lay lắt. Thế nhưng, cũng có không ít làng nghề đã bắt vào nhịp kinh tế mới mà tồn tại và phát triển đến ngày nay. Nhờ vào nghề, nhiều tên làng càng nức tiếng xa gần và sự sung túc cũng theo nghề mà về với người dân. Thế nhưng, phía sau cái phần tươi sáng ấy, “mặt tối” làng nghề, mà bức thiết, nóng bỏng và cấp bách hơn cả là vấn nạn ô nhiễm môi trường, đang khiến nhiều người không thể nhìn nó như một hiện tượng “đương nhiên phải thế” của làng nghề.

Con đường nối ngã 3 Nhồi (phường An Hoạch) đến địa phận xã Đông Hưng (TP Thanh Hóa) dài chừng 1 km, nhưng chật vật mãi chúng tôi mới di chuyển qua. Nắng nóng hun đốt khiến không khí đã hanh khô càng thêm khó chịu. Lẫn trong cái nắng nóng là bầu không khí vẩn đục của bụi đường, bụi đá và khói đen xì, đặc quánh mùi xăng dầu từ những chiếc xe trọng tải lớn không ngừng qua lại, cày nát nhiều khúc đường; cùng tiếng chát chúa, đinh tai của máy xẻ găm vào đá từ hàng chục xưởng sản xuất bám sát hai bên đường. Bối cảnh chẳng lấy gì làm vui tai, vui mắt ấy khiến người qua lại không khỏi có cảm giác vừa trải qua “cung đường cực hình”. Song, đó cũng chỉ là đôi nét dễ thấy nhất về hiện trạng môi trường của một trong những làng nghề đá mỹ nghệ nức tiếng xứ Thanh.

Xuôi về phía nam thành phố chừng vài cây số là làng nghề sản xuất, chế tác đá xã Quảng Thắng. Đi một vòng quanh làng, qua những khúc đường nhỏ hẹp, nham nhở đá dăm trộn lẫn với nước đọng, bụi đá, bùn đất và chạy dọc hai bên là những xưởng sản xuất đá khá yên ắng. Không khí làng nghề gợi lên cảm giác thiếu sinh khí bởi sự nhếch nhác, tạm bợ. Chưa hết, làng nghề này còn vướng phải không ít “vết đen” do tình trạng xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường, khiến nhiều hộ dân bức xúc đâm đơn kiện lên chính quyền.

Trò chuyện với người dân xung quanh khu vực làng nghề, chúng tôi thấy rõ sự cam chịu của họ. Sống trong tâm điểm của tiếng ồn và bụi bặm, cuộc sống bức bối, ngột ngạt, kêu ca lắm cũng chẳng thay đổi được gì, vậy nên họ đành “sống chung với lũ”.  Rồi cả những người thợ quanh năm lao động bằng đôi tay trần trụi, đôi mắt không được che chắn kỹ và đôi tai, lá phổi hẳn phải có sức chống chịu phi thường với bụi đá và tiếng máy. Cũng khó tránh khi mà nghề đã tồn tại cả trăm năm, nhưng dường như họ vẫn không thể vượt ra ngoài tư duy tạm bợ, có gì làm nấy, đến đâu hay đến đấy? Bởi vậy mà, những hệ lụy từ sự phát triển làng nghề, trong đó nghiêm trọng hơn cả là vấn nạn ô nhiễm môi trường, cứ như sợi dây vô hình trói chặt và kìm hãm sự phát triển của không ít làng nghề hiện nay.

Con số nhức nhối

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) toàn tỉnh hiện có 155 làng nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính tập trung, thu hút 74.870 lao động thường xuyên và không thường xuyên. Bức tranh tổng thể môi trường làng nghề - như đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – thật không lấy gì làm sáng sủa. Bởi, hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải chưa được thu gom xử lý hoặc chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, nước thải từ nhiều làng nghề thường có nồng độ ô nhiễm rất cao, khiến cho nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc và bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) về chất lượng môi trường nước ngầm tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh (từ 2011-2016), trong đó có làng nghề đá Yên Lâm (Yên Định), làng nghề đá Đông Hưng (TP Thanh Hóa), làng nghề tơ tằm Thiệu Đô (Thiệu Hóa), cho thấy: hàm lượng NH4+ tại phần lớn các điểm quan trắc đều vượt giới hạn cho phép (GHCP) từ 1,182 – 6,636 lần (riêng làng nghề tơ tằm Thiệu Đô năm 2016 vượt GHCP đến 6,636 lần); hàm lượng Coliform tại các vị trí quan trắc đều có thời điểm vượt GHCP từ 1,33-110 lần (riêng làng nghề tơ tằm Thiệu Đô năm 2013 vượt GHCP 110 lần)...

Bên cạnh đó, tỷ lệ các cơ sở hoạt động trong làng nghề xây dựng hệ thống xử lý khí thải là rất thấp, lại vận hành chưa hiệu quả, đã khiến cho môi trường không khí tại một số khu vực dân cư gần làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm về các chỉ tiêu bụi, NO2... Ngoài ra, chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất cũng chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để; tỷ lệ thu gom, xử lý mới chỉ đạt khoảng 60% (trong đó, khoảng 30% đưa đến nơi quy định của địa phương và 10% thải ra môi trường). Trong “danh sách đen” ô nhiễm môi trường làng nghề, những cái tên đầu bảng phải kể đến là nghề khai thác, sản xuất, chế tác đá (thuộc các xã: Đông Tân, Đông Vinh, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa); xã Yên Lâm (Yên Định); xã Hà Phong (Hà Trung); nghề chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, cơ khí, ươm tơ, thổ cẩm, mây tre đan... nằm rải rác khắp các huyện, thị trong tỉnh.

Còn nhiều lỗ hổng?

Câu hỏi đặt ra là, tại sao thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã âm ỉ từ lâu và ngày càng bức xúc, song đến nay vẫn chưa được và chưa thể kiểm soát? Trên thực tế, quản lý Nhà nước về làng nghề hiện có sự tham gia của từ 4 – 6 sở, ban, ngành, gồm: NN&PTNT, Công Thương, TN&MT, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc. Đó là chưa kể hệ thống chính quyền từ huyện, thị xã, thành phố đến tận xã, thôn, xóm. Rõ ràng là, mỗi làng nghề được đặt dưới sự quản lý của cả một hệ thống dọc ngang, trên dưới chằng chịt, với nhiều cấp, nhiều ngành, ấy thế nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn lọt mọi khâu quản lý. Vậy lỗ hổng này là do đâu?

Theo đánh giá của SởTN&MT thì cho đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng về bảo vệ môi trường làng nghề, căn cứ theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất. Việc áp dụng các quy định chung cho các loại hình sản xuất vào làng nghề thường không phù hợp hoặc khó áp dụng. Cũng theo quy định, vấn đề môi trường tại các làng nghề, trách nhiệm chủ yếu thuộc về UBND các cấp. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản mới dừng lại ở UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa thường xuyên, triệt để; đa số người dân làm nghề còn mù mờ về luật; công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, thủ công, thiếu vốn, thiếu mặt bằng, lại nằm xen trong khu dân cư... cũng là những nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường làng nghề.

Còn theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT, thì ô nhiễm môi trường làng nghề là hệ lụy của việc sản xuất tự phát, tràn lan,  chưa có sự quản lý, quy hoạch và định hướng phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề được nói nhiều, song đến nay vẫn chưa có các số liệu điều tra toàn diện, đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình xử lý và bảo vệ môi trường làng nghề. Qua trao đổi với đại diện đơn vị, chúng tôi được biết thêm một chuyện khá thú vị. Đó là, mặc dù đã có 90/155 làng nghề được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cấp Giấy công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống, nhưng hầu hết các làng đều “treo” và “nợ” tiêu chí môi trường. Điều này được lý giải là do Bộ NN&PTNT chưa quy định rõ môi trường như một “tiêu chí cần” trong Thông tư 116/2006/TT-BNN, để làm căn cứ xét công nhận!

 Lỗ hổng quản lý, lỗ hổng nhận thức và lỗ hổng pháp luật là ba trong số nhiều lỗ hổng đang tạo ra “hành lang thông thoáng” cho vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề nghiễm nhiên tồn tại và chưa thể xử lý triệt để.





Bài cuối: “Báo động đỏ” từ các bãi rác thải

Nước thải của một số trang trại chăn nuôi lợn ở xã Xuân Thành thường xuyên có mùi hôi thối, đen ngòm, chảy qua trước nhà ông Trịnh Quang Chánh, thôn Liên Phô, xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân). Ảnh: Lê Duy

Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được cải thiện thì cũng đồng nghĩa với nhiều vấn đề xã hội được phát sinh, đặc biệt là tình trạng xả rác thải sinh hoạt ngày một nhiều. Điều này khiến không ít bãi rác khu vực nông thôn rơi vào tình trạng “báo động đỏ”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân.

Thực tế buồn!

Nhận thấy tình trạng quá tải tại bãi rác thải Nga Văn sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, năm 2010 huyện Nga Sơn đã kêu gọi đầu tư thực hiện dự án xử lý triệt để rác thải. Theo đó, Công ty TNHH Việt Thắng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư dự án xử lý rác thải thành chất đốt công nghiệp và dân dụng tại bãi rác xã Nga Văn với quy mô 1,5 ha. Thế nhưng, không đầy 1 năm khởi động dự án với nhiều hạng mục chưa được hoàn thành công ty này đã tìm đường “rút”. Dự án không được thực hiện cũng đồng nghĩa với việc bãi rác thải không được xử lý và quản lý. Huyện Nga Sơn đã có định hướng dồn toàn bộ lượng rác lại, phủ mặt, chống rò rỉ khí ga và trồng cây xanh phục hồi môi trường. Song, điều đó chưa thể thực hiện được do quyền sử dụng đất tại dự án này vẫn thuộc về Công ty TNHH Việt Thắng. Trong khi tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường ở bãi rác Nga Văn chưa được giải quyết dứt điểm thì năm 2011 một bãi rác tại xã Nga Giáp được hình thành. Theo ghi nhận của chúng tôi tại bãi rác thải xã Nga Giáp, những đống rác đang được chất cao như núi, nhưng hằng ngày bãi rác này vẫn phải tiếp nhận thêm 45 – 50 tấn rác thải các loại. Hiện tại bãi rác này mới chỉ được phun hóa chất khử mùi chứ chưa có công nghệ xử lý phù hợp.

Không riêng gì huyện Nga Sơn, hầu hết những bãi rác thải ở các địa phương trong tỉnh, như: Tĩnh Gia, Thường Xuân, Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn... đều trong tình trạng ứ đọng từ nhiều năm nay và đang ngày càng “phình to”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Đặc biệt, do chưa chọn được giải pháp mang tính bền vững, hiện tại các bãi rác thải thuộc các địa phương trên đều thực hiện theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đốt thủ công, kể cả các dự án bãi chứa rác thải được hỗ trợ theo Quyết định số 3185 ngày 24-10-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, cũng còn nhiều dự án thực hiện không đúng thiết kế, không đúng quy trình. Rác thu gom về không được đổ đúng vị trí, đổ bừa bãi bên ngoài ô chôn lấp, không san gạt, đầm nén và phủ đất lên bề mặt; không hoặc ít sử dụng các chế phẩm khử mùi và hóa chất diệt côn trùng; hệ thống thu gom nước rỉ rác không có, hoặc bị hư hỏng... Do đó, dù thời gian đi vào hoạt động chưa lâu, song nhiều bãi rác đã bắt đầu gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như bãi chứa, chôn lấp rác thải Khu Đô thị cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) được đầu tư xây dựng năm 2013, hiện một số hạng mục như ô chôn lấp, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác đã bị hư hỏng; bãi chứa, chôn lấp rác thải thị trấn Thường Xuân và đô thị Cửa Đạt (Thường Xuân) chưa đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, mương thu nước mặt nên môi trường khu vực bãi rác đang bị ô nhiễm; bãi chứa và chôn lấp rác thải thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) đường nội bộ vào bãi rác là đường đất nên không vận chuyển được rác vào hố để chôn lấp và xử lý dẫn đến tình trạng đổ tràn trên mặt bãi, gây quá tải...

Thêm một thực tế nữa là số lượng các bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh được bố trí gần khu dân cư chiếm tỉ lệ khá cao, nên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của không ít hộ dân. Theo thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong số hơn 438 bãi rác trên toàn tỉnh có tới 168 bãi rác cách khu dân cư dưới 500 m; 242 bãi rác cách từ 500 – 1.000 m; 23 bãi rác cách từ 1.000 – 2.000 m, chỉ có 5 bãi rác cách khu dân cư trên 2.000 m. Cần một giải pháp xử lý rác thải đồng bộ ở các bãi rác khu vực nông thôn hiện nay không chỉ là mong muốn của chính quyền địa phương mà còn là nguyện vọng của đông đảo người dân. 

Cần giải pháp tối ưu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứ đọng, gây ô nhiễm ở các bãi rác thải khu vực nông thôn, trong đó phải kể tới việc nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể và quản lý chặt chẽ mà chỉ “loay hoay” chọn vị trí bãi chôn lấp, xử lý. Ngoài ra, sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong phân công quản lý giữa các cấp, các ngành, giữa các đơn vị tại địa phương dẫn đến việc không có đơn vị chịu trách nhiệm chính. Ai cũng thấy đó là “vấn nạn” nhưng chưa thực sự xắn tay vào làm, làm một cách nghiêm túc và bài bản. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay tổng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1.800 tấn/ngày, đêm. Trong đó, bình quân đầu người tại khu vực nông thôn lượng rác thải của mỗi người khoảng 0,3-0,6 kg rác/ngày. Con số này đã và đang khiến cho nhiều bãi rác khu vực nông thôn rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

Giải quyết vấn đề này không chỉ là trách nhiệm chung của xã hội, mà còn là chính ý thức cá nhân mỗi người dân. Đã đến lúc mỗi người dân ở nông thôn cùng với các cấp cơ sở thay đổi một cách nghiêm túc và có mục tiêu dài hạn về vấn đề xử lý rác thải. Trước tiên phải dần thay đổi ý thức vứt bỏ các loại rác một cách bừa bãi, nên phân loại rác ngay từ nguồn và phải xử lý sao cho bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện, Sở TN&MT đang tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, các địa phương cần kêu gọi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa công tác xử lý môi trường nói chung, trong đó tập trung ưu tiên vào xử lý rác thải; khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải triệt để...

Bảo vệ môi trường không chỉ là giải quyết yêu cầu trước mắt mà phải bảo đảm tính lâu dài. Do đó, chủ trương đầu tư cho các dự án xử lý rác thải ở khu vực thành thị nói chung, nông thôn nói riêng là hết sức cần thiết. Với nguồn kinh phí đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách tỉnh trong nhiều năm qua, chưa kể ngân sách huyện mà hiệu quả chưa được như mong muốn là một vấn đề cần phải xem xét lại. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các ngành liên quan cần sớm có giải pháp để “bài toán” rác thải nông thôn có lời giải.

Nhóm PV Văn hóa - Xã hội


 

Các tin khác:
  • Cần ngăn chặn tình trạng trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế (28/08/2017-8:26)
  • Loạt bài Hang Con Moong - Di sản văn hóa vô giá của nhân loại (28/08/2017-8:49)
  • Loạt bài: Phát triển đảng viên và chi bộ ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa (28/08/2017-8:09)
  • Loạt bài: Những tuyến sông không bình yên (28/08/2017-8:06)
  • Loạt bài: Phát triển du lịch làng nghề (28/08/2017-8:05)
  • Loạt bài: Sầm Sơn tai tiếng và nổi tiếng (28/08/2017-8:01)
  • Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn (23/08/2017-16:30)
  • Loạt bài: Nỗi lo sông Mã bị "bức tử" (23/08/2017-16:17)
  • Loạt bài: nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (23/08/2017-9:19)
  • Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)