Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Đánh giá toàn diện hệ thống giáo dục Việt Nam (02/09/2017-8:11)
    Sáng 31-8, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) Phan Thanh Bình đã có buổi tiếp, làm việc với Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Michael Croft tại Hà Nội về chuẩn bị xây dựng Đề án Báo cáo Giáo dục Việt Nam.

Thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Ảnh: baogialai.com.vn

Tham gia buổi tiếp và làm việc còn có đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đại diện Ngân hàng thế giới (WB), đại diện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cùng các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo kết quả nghiên cứu về “Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp thực hiện, khó khăn về nguồn nhân lực là một trong những trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam. Do vậy, để đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, Việt Nam cần có một đánh giá nghiêm túc, khách quan, toàn diện về chất lượng giáo dục để có những giải pháp đúng đắn, phù hợp.

Quang cảnh buổi làm việc.  

Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu về giáo dục ở Việt Nam hiện còn phân tán, rời rạc; các chuyên gia chưa được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm trong công tác đánh giá và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, chương trình đánh giá chưa có sẵn một khung ngân sách được phê duyệt, do vậy việc đánh giá và nhìn nhận những mặt hạn chế trong giáo dục và đào tạo tại Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế; rất cần sự hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức thế giới. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, hiện Ủy ban đang phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xây dựng một báo cáo đánh giá mang tầm hệ thống về toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam nhằm góp phần hình thành một tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới về toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam để có những chính sách giáo dục phù hợp.

Chia sẻ về những kế hoạch chi tiết để chuẩn bị báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, Ủy ban sẽ tập trung đánh giá về giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học) và giáo dục đại học (trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học) với định kỳ 2 năm 1 lần. Từ sau năm 2020 sẽ phấn đấu đánh giá đầy đủ tất cả các thành phần của giáo dục Việt Nam từ giáo dục mầm non, giáo dục sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh) và giáo dục thường xuyên.

Nhấn mạnh những ý tưởng, nguồn lực, sự giúp đỡ của UNESCO và các tổ chức quốc tế sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật để phục vụ công cuộc xây dựng, hoàn chỉnh sản phẩm đánh giá này, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình hy vọng trong thời gian tới, Đề án này sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình từ UNESCO cũng như các tổ chức quốc tế về nguồn lực tài chính, đội ngũ chuyên gia, hệ thống phương pháp và công cụ đánh giá…

Đánh giá cao những nội dung trao đổi của Ủy ban và cho rằng vấn đề giáo dục luôn là vấn đề trọng tâm với mọi quốc gia, nhất là với những quốc gia muốn chuyển mình sang nền kinh tế tri thức như Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft khẳng định, với tư cách là một thiết chế văn hóa-giáo dục toàn cầu, UNESCO sẽ nghiên cứu và nhanh chóng tổng hợp những ý kiến, bình luận mang tính chiến lược về vấn đề này gửi cho Ủy ban; cũng như sẵn sàng hỗ trợ về kinh nghiệm chuyên môn, hợp tác tổ chức những buổi làm việc sâu hơn, giúp Việt Nam xây dựng một báo cáo độc lập, chính thức đánh giá về toàn bộ hệ thống giáo dục trong nước.

Trao đổi tại buổi làm việc, Đại diện WB và Đại diện UNICEF cũng bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam thực hiện Báo cáo này. Bà Keiko Inoue – Điều phối chương trình phát triển nguồn nhân lực, vấn đề giới, việc làm của WB tại Việt Nam cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng thế giới sẽ tổ chức 1 sự kiện để quảng bá Đề án Báo cáo giáo dục này cũng như hỗ trợ về mặt kinh nghiệm, kỹ năng cho Việt Nam.

THEO TRÚC PHƯƠNG/ BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

 

Các tin khác:
  • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2017 (02/09/2017-8:07)
  • Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2017 - 2018 (02/09/2017-7:49)
  • Đảng bộ Thành phố Sầm Sơn kỷ niệm 70 năm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (02/09/2017-7:41)
  • 1 Bộ trưởng, 7 Thứ trưởng tham gia Tổ công tác của Thủ tướng (31/08/2017-16:24)
  • Tuyên truyền đối ngoại và khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài (31/08/2017-16:21)
  • Gia đình phóng viên Báo Infonet bị “khủng bố” bằng rắn (31/08/2017-15:12)
  • Trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 128 tân sinh viên khó khăn Bắc Trung Bộ (30/08/2017-22:05)
  • Trao sổ tiết kiệm tình nghĩa “Màu hoa đỏ” tặng gia đình chính sách huyện Tĩnh Gia (30/08/2017-22::02)
  • Cung cấp giải pháp hội nghị truyền hình trên điện toán đám mây (30/08/2017-16:22)
  • Xử lý các vướng mắc thủ tục hành chính trong tháng 9 (30/08/2017-15:13)