Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Bác Hồ & Nghệ thuật sử dụng nhân tài (02/09/2017-8:23)
    72 năm trước, năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời. Nhưng hậu quả của chế độ phong kiến, thuộc địa lâu dài để lại cùng thủ đoạn mới của kẻ thù khiến nước Việt Nam mới lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong bối cảnh đó, Bác Hồ và Đảng ta đã thông minh, sáng tạo, thậm chí “vật lộn” để nhanh chóng vượt qua mọi thách thức. Một trong những kế sách của Bác Hồ là việc chiêu tập nhân tài ở trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của kinh tế tri thức, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ quân giới xem một số loại vũ
khí do một nhà máy quốc phòng chế tạo. Ảnh tư liệu

Từ nhà khoa học…

Ngày 22/6/1946, Bác Hồ đến Paris với tư cách thượng khách của nước Pháp. Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) cùng một số trí thức Việt kiều vinh dự được yết kiến Bác, được Người ân cần chỉ bảo, kêu gọi trở về quê hương, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong số này có nhà khoa học Phạm Quang Lễ (sinh năm 1913) quê xã Hòa Hiệp (Vĩnh Long). Đó là một thanh niên tuấn tú, học giỏi, 7 năm liền được nhận học bổng tại 2 trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Ông đỗ tú tài bản xứ và tú tài Tây, năm 1933 sang Pháp du học.

Nơi xứ người, chỉ trong 4 năm ông theo học rồi tốt nghiệp hạng ưu kỹ sư và cử nhân tại 4 trường Đại học Bách khoa, Mỏ, Điện, và Học viện kỹ thuật hàng không. Ra trường, nhanh chóng lao vào công việc ở nhiều nhà máy, viện nghiên cứu… Đại tá Trần Dũng Trí, con trai trưởng ông Lễ kể: “Năm 1946 khi đang giữ cương vị kỹ  trưởng với mức lương 5.500 frances/tháng (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ) cùng cuộc sống đầy đủ. Nhưng ba tôi vẫn quyết định về nước theo Bác Hồ (1946) với tên gọi mới Trần Đại Nghĩa do Bác đặt cho cùng nhiệm vụ nặng nề lên chiến khu Việt Bắc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị cho bộ đội ta đánh giặc”

Với thành tích xuất sắc, Trần Đại Nghĩa được phong hàm Thiếu tướng đợt đầu tiên (1948); Anh hùng lao động (1952); Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) với cụm công trình sáng tạo ra súng bazoka, súng SKZ và đạn bay thời kháng chiến 9 năm nếm mật nằm gai để làm một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Vợ chồng Viện sĩ Trần Đại Nghĩa sinh được 4 con trai đều mang họ Trần do Bác Hồ đặt với mong muốn con cái nối nghiệp của ba: Trần Dũng Trí, Trần Dũng Triệu, Trần Dũng Trinh, Trần Dũng Trọng với hàm ý con cái có học, biết nghe lời, sống trong sạch bởi lòng tự trọng cao. Cả 4 con trai đều là sĩ quan quân đội cấp cao. Những năm kháng chiến ở thủ đô gió ngàn vốn nhiều khó khăn tưởng như khó vượt qua, trong bối cảnh ấy vị tướng, nhà khoa học họ Trần thường dặn dò con cái như triết lý cuộc đời: “Lúc trận mạc hay hòa bình nếu gặp khó khăn, gian khổ,các con hãy nghĩ đến Bác Hồ, Tổ quốc và Nhân dân thì sẽ vượt qua được hết, dù gian truân, vất vả đến mấy việc nước, việc nhà cũng đi đến nơi đến chốn”…

Bác Hồ vĩ đại là người hội đủ có chọn lọc trong bộ nhớ của mình “kim cổ TâyĐông”, nên nghệ thuật sử dụng người tài trong mọi thời kỳ của cách mạng để phục vụ đất nước theo cách “Ứng bất biến, dĩ vạn biến” cũng thật đa dạng, phong phú. Nhớ thời 9 năm kháng chiến trường kỳ, Bác Hồ dùng người tài trong việc phòng, chống tham nhũng hay đi sứ cho ta vô số điều hay, lẽ phải về đức tính kiên quyết chống tệ nạn xã hội hay tình nghĩa giữa người và người. Đó là suối nguồn trong “Muôn vàn tình thân yêu” của Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Cố Thiếu tướng Trần Tử Bình, nguyên Tổng Thanh tra quân đội, nguyên  Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc, tên thật là Phạm Văn Công, quê xứ Thanh, nhưng phiêu bạt về đất Phủ Lý, Hà Nam. Năm 1930 ông làm Bí thư Chi bộ, lãnh đạo cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân cao su Phú Riềng (Nam Bộ). Tòa đại hình Sài Gòn kết án ông tù khổ sai rồi nhanh chóng đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Tử Bình được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng trường Quân chính đầu tiên của nước nhà.

Năm 1948, Trần Tử Bình được phong hàm Thiếu tướng đợt đầu cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình… sau đó nhận chức Phó Tổng Thanh tra quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Công việc đầu tiên của ông là tham gia điều tra, tổ chức xét xử vụ tham nhũng lớn nhất đầu tiên trong quân đội, đó là vụ án Trần Dụ Châu (1950), đem lại niềm tin cho nhân dân và quân đội trước khi cuộc kháng chiến thần thánh chuyển sang giai đoạn tổng phản công.

Thời kỳ 1956, một số cán bộ cách mạng bị quy sai trong cải cách ruộng đất,  ông Bình kịp thời đến các tỉnh Yên Bái, Phúc Yên, Nghệ An… giải cứu người oan,  thậm chí có người chuẩn bị lên đoạn đầu đài, nhưng được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tuyên bố hủy bản án, rồi ông thay mặt Đảng xin lỗi họ, mời họ tiếp tục công tác. Những cán bộ tốt nhưng bị quy oan, về sau đều nói ông Bình là người sinh ra họ lần thứ hai, mặc dù trước đó họ không hề quen biết.

Đến “Đại tướng nông dân”…

Không ai khác, đó là Đại tướng Nguyễn Chí ThanhMọi người đều biết, Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị, nhà quân sự từng đánh đông, dẹp bắc. Thời kỳ miền Bắc XHCN dấy lên phong trào “Sóng duyên hải” (công nghiệp), “Cờ ba nhất” (Quân đội) và “gió Đại Phong” (nông nghiệp), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Đảng phân công chăm lo nền nông nghiệp nước nhà. Bởi thế mới xuất hiện cụm từ “Đại tướng nông dân”.

Khỏi phải bàn về công việc này, bởi vì ông ở trong dân mà ra, không bao giờ rời dân. Ngày đi chiến dịch Điện Biên, trên đường hành quân lên Tây Bắc khi qua con suối đầy nước, một chiến sĩ quân đội đi giầy, ngại lội suối nên bạo mồm nói với người đồng đội đi bên cạnh: “Này, tớ đi giầy nên nhờ cậu cõng tớ qua suối”. Không chần chừ, Đại tướng vui rồi nhanh chóng ghé vai cõng người chiến sĩ. Qua suối rồi người chiến sĩ mới biết người giúp mình là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trao đổi tình hình chiến sự
ở miền Nam ngày 5/7/1967. Ảnh tư liệu

Năm 1961 của thế kỷ trước, khi về hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) Tướng Thanh tìm đến một gia đình vừa thoát khỏi cảnh cố nông, liền hỏi: “Thế nào, trong nhà ta có những cái gì? Của cải ra sao cho xem chơi nào?”. Vợ chồng người nông dân thật thà nói: “Có chi mô. Hai vợ chồng, một cái nhà, một cái nồi, một mâm thau, mấy cái bát ăn cơm, một cái giường, một cái phản. Trong vườn có một gà mẹ mười con. Có chuồng nhưng không có lợn”.

Đại tướng cười rồi hỏi tiếp: “Nhà chỉ có vợ chồng, tại sao lại có giường, có phản. Thế tối ngủ chung hay ngủ riêng?. “Báo cáo, ngủ riêng vì có mang 8 tháng rồi”.  “À, thế thì được. Đó là hạnh phúc. Cầm lọ dầu gió lúc nào gấy (vợ) đẻ thì dùng”… Như thế đó, tình người, tình đời của vị Tướng giản dị mà ấm nồng tưởng như rơi lệ.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) trong bài viết: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bài báo Huyện ủy 5 không”, đăng Tạp chí Người Làm Báo số tháng 7/2017 cho hay: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đánh giá cao tác dụng của báo chí phục vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Về nghề nghiệp Đại tướng nói: Người viết “đẻ” ra được một bài tốn biết bao công sức. Thế mà cánh biên tập các báo tưởng mình “đẻ” ra dễ lắm… Tay này đến đặt bài, tay kia đến bảo xin anh bài nọ. Rồi nó trả cho mấy đồng nhuận bút, có khi quên luôn, mà mình thì mất ăn mất ngủ bao đêm. Quả thật thực bất bổ lao…

Rõ ràng, “Đại tướng nông dân” là người văn võ song toàn. Đất nước, quân đội có được những người như thế đâu phải dễ. Sau ngày Đại tướng ra đi về thế giới người hiền, cả nước tiếc thương.  Hàng năm, Bác Hồ đều nhắc ông Vũ Kỳ đón cả gia đình vị Đại tướng quá cố vào Phủ Chủ tịch dùng cơm với Bác, hỏi han chuyện trò ân tình.

Mùa Thu năm nay, ngày 2/9/2017 Nước Việt Nam mới tròn tuổi 72. Đó là tuổi kim cương ắp đầy hứa hẹn; đó cũng là ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi về thế giới người hiền tròn 48 năm. Tưởng nhớ, biết ơn Người trong thành kính, nhắc chuyện Bác Hồ dùng người tài phục vụ đất nước tuy đã lâu, nhưng tính thời sự vẫn như mới ngày hôm qua; đồng thời nhắc nhở ai đó nhớ dùng người tài chứ không phải dùng người nhà!

Theo Nguyễn Xuân Lương/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Khoá bồi dưỡng “Kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề dành cho báo in và tạp chí ”. (24/08/2017-8:42)
  • Chúng tôi làm giải trí nhưng luôn biết điểm dừng (21/08/2017-8:38)
  • Nhà báo tuần rừng cùng kiểm lâm (09/08/2017-11:15)
  • Báo chí đang tự tay giết chết niềm tin nơi độc giả? (07/08/2017-7:36)
  • Làm nghề là phải biết “dấn thân” (04/08/2017-18:11)
  • “Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)
  • Nghề báo: Vinh quang và tai vạ (03/08/2017-10:35)
  • Nỗi niềm phía sau trang báo (28/07/2017-15:09)
  • Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)