Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

(Bài 1): Sắp xếp trường, lớp học

Trước thực trạng số lượng học sinh đang có xu hướng giảm, còn nhiều điểm trường lẻ, nhiều trường tiểu học, THCS quy mô nhỏ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo ngành GD&ĐT cùng các địa phương thực hiện sắp xếp lại trường lớp học theo hướng sử dụng hiệu quả nhân lực giáo dục, nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục.

Chủ động, trách nhiệm từ mỗi địa phương

Nằm phía tây nam tỉnh Thanh Hóa, huyện miền núi Như Xuân có 18 xã, thị trấn nhưng có tới 183 thôn, bản nên trên địa bàn huyện có 55 điểm lẻ bậc học mầm non, 27 điểm trường tiểu học lẻ. Từ khoảng năm 2010 đến nay, học sinh theo học mầm non, tiểu học giảm dần, số lượng học sinh THCS cũng giảm mạnh. Giao thông cứng hóa nên  phụ huynh đưa con em đến nơi có cơ sở trường học khang trang hơn; một số điểm trường lẻ phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, huyện Như Xuân đã và đang sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo hướng xây dựng điểm trường mầm non liên thôn, sáp nhập trường tiểu học và THCS ở các xã: Yên Lễ, Tân Bình, Cát Vân, Thanh Hòa thành 4 trường Tiểu học và THCS. Qua đó bảo đảm quy mô trường học, định biên giáo viên trên lớp; giảm 16 cán bộ quản lý, kế toán, nhân viên.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân Lê Nhân Trí cho hay: Sau khi sáp nhập 2 trường tiểu học và THCS Yên Lễ, thời gian học tập, ra chơi ở 2 bậc học lệch nhau nên nhà trường duy trì giảng dạy, học tập bình thường tại 3 cơ sở. Sáp nhập trường, phòng máy tính, thiết bị học tập, thư viện, phòng truyền thống dùng chung, phát huy hiệu quả phục vụ giảng dạy, học tập. Ban Giám hiệu, các bộ phận chuyên môn theo dõi được cả quá trình rèn luyện, phấn đấu của học sinh; có giải pháp điều chỉnh hoạt động giảng dạy phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn để phân luồng học sinh từ bậc phổ thông. Với các điểm trường mầm non liên thôn phải  huy động thêm nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Ở các xã Đông Khê, Đông Anh, Đông Phú của huyện Đông Sơn số lượng học sinh giảm nên quy mô trường tiểu học chỉ có khoảng 10 lớp học, THCS có từ 4 đến 6 lớp học. Sau khi tham quan các mô hình ở tỉnh bạn và cân nhắc các phương án, huyện Đông Sơn sáp nhập trường tiểu học với THCS tại các xã nêu trên. Vốn tách ra từ bậc phổ thông cơ sở những năm 1980, các trường tọa lạc ở trung tâm xã, cách thôn xa nhất khoảng 3km, thuận lợi cho học sinh theo học.

Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Đông Khê Lê Bá Lực cho hay: Sau khi sáp nhập, nhà trường hoạt động nền nếp, ổn định, tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học này trường có 5 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chất lượng giáo dục đại trà xếp thứ 5 toàn huyện. Đang theo học lớp 8, học sinh Phạm Thị Ánh Đào ở đội 8, xã Đông Khê cho biết: Cách trường hơn 1km nên hằng ngày các em tự đi xe đạp đến trường học tập.  Khi học sinh tiểu học ra chơi, các lớp THCS vẫn học tập bình thường.

Hiện Trường tiểu học và THCS Đông Khê dư giáo viên nên 5 giáo viên tăng cường giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS: Đông Ninh, Đông Hoàng, Đông Yên, bảo đảm số tiết giảng dạy theo quy định và khắc phục hiện trạng thiếu giáo viên ở trường bạn. Giáo viên dạy tiếng Anh Nguyễn Thị Huyền bộc bạch: 2 nam giáo viên tăng cường dạy ngoại ngữ cho học sinh trường tiểu học và THCS Đông Ninh, ưu tiên đồng nghiệp nữ giảng dạy tại trường cũ. Phải di chuyển khoảng 5km trong ngày nhưng các thầy ý thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong bảo đảm quyền  học tập của học sinh, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn yêu cầu và kết quả bước đầu

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên gần 11.130 km2, dân số hơn 3,5 triệu người sinh sống ở miền núi, trung du, đồng bằng duyên hải. Mạng lưới trường lớp trong tỉnh phát triển đa dạng, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tăng dân số, bảo đảm quyền học tập của học sinh. Năm học 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh có 659 trường mầm non, 708 trường tiểu học, 633 trường THCS, 14 trường tiểu học và THCS, 6 trường THCS và THPT. Sau nhiều năm huy động trẻ em đến lớp, đến trường, hoàn thành phổ cập tiểu học, THCS; thực hiện chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, số lượng học sinh trong độ tuổi huy động giảm dần; nhiều người dân trong tỉnh đi làm ăn xa khiến cho dân số trong tỉnh giảm hơn 200 nghìn người thời điểm tổng điều tra dân số năm 2009. Cùng năm học này, toàn tỉnh có 716.936 học sinh mầm non và phổ thông theo học ở 25.078 lớp; giảm 19.965 học sinh, 1.425 lớp so với năm học 2010-2011. Trường tiểu học có quy mô dưới 9 lớp học là 120 trường và 188 trường THCS có quy mô dưới 8 lớp học. Số lượng trường quy mô nhỏ tăng do số lượng học sinh ở hầu hết các trường đều giảm, có nơi giảm mạnh; một số trường hạng 1, tụt xuống hạng 2 và 3. Mạng lưới cơ sở giáo dục không còn phù hợp, nhất là vùng miền núi có quá nhiều điểm trường, khu lẻ tọa lạc trên diện tích đất hẹp; nhiều cơ sở giáo dục chưa đủ diện tích sử dụng theo quy định chuẩn của Bộ GD&ĐT. Phòng học bộ môn ở các trường tiểu học thiếu nhiều, chỉ có 8,62% trường có phòng học Ngoại ngữ, gần 52% trường có phòng học Âm nhạc. Các trường THCS đạt chuẩn quốc gia có phòng học các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Tin học được trang bị thiết bị hiện đại nhưng quy mô dưới 12 lớp, thậm chí dưới 8 lớp học nên chưa khai thác hết công suất, hiệu quả đầu tư, thiếu nguồn bảo dưỡng thiết bị dạy và học. Trẻ em trong độ tuổi huy động đến nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc ở cơ sở giáo dục mầm non mới đạt 60%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao. Học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày mới đạt 60%; tỷ lệ học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học đạt thấp. Ở TP Thanh Hóa, một số trường có số lượng học sinh/lớp tăng gấp đôi, vượt quy định về diện tích, phòng học bộ môn, giáo viên bởi hiện tượng chạy trường, chạy lớp nên khó đạt chuẩn trong khi đó nhiều trường THCS được đầu tư đạt chuẩn quốc gia lại không tuyển sinh đủ chỉ tiêu hằng năm gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Thêm nữa, chất lượng giáo viên không đồng đều, nhiều trường tiểu học không đủ giáo viên dạy các môn năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học ảnh hưởng tới thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện, mũi nhọn, nâng cao chất lượng dạy và học. Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nảy sinh từ thực tiễn, hiện trạng nêu trên cùng yêu cầu bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực giáo dục nhằm tổ chức tốt hoạt động dạy và học ở các địa phương trong tỉnh.

 gd.JPG

Giáo viên sử dụng công nghệ chiếu hình trong truyền đạt tri thức cho học sinh.

Căn cứ Luật Giáo dục, các nghị quyết, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đề xuất của các địa phương cùng kết quả giám sát mạng lưới trường, lớp học, nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cuối năm 2015 được HĐND tỉnh thông qua Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có trong tỉnh đến năm 2020. Việc sắp xếp trường học xuất phát từ tình hình, điều kiện thực tế ở các địa phương và được triển khai theo lộ trình. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã sáp nhập 18 trường tiểu học thành  9 trường tiểu học; ghép 6 trường tiểu học với 6 trường THCS thành trường Tiểu học và THCS.

Bà Lê Thị Lê - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn cho biết: UBND huyện thành lập ban chỉ đạo sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học, rà soát hiện trạng quy mô trường lớp, đội ngũ, xây dựng tiêu chí, bình xét từ các trường, thành lập hội đồng bình xét, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên cấp huyện khách quan, minh bạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý, hoạt động chuyên môn. Chủ trương chung được quán triệt, thống nhất với cấp ủy, chính quyền xã; Ban giám hiệu nhà trường, trao đổi với các thành viên liên quan về dự kiến phương án sắp xếp, bố trí nhân sự, tạo thống nhất, đồng thuận cao rồi triển khai thực hiện. Ba năm qua, huyện Triệu Sơn đã sáp nhập 4 trường tiểu học, THCS ở Tân Ninh thành 2 trường cùng cấp học; ghép 2 trường tiểu học ở các xã Dân Quyền, Thọ Bình thành 1 trường. Kết quả Triệu Sơn giảm 4 trường, mỗi trường giảm 2 cán bộ quản lý, 2 nhân viên hành chính; các cán bộ quản lý giáo viên dôi dư thực hiện điều động, thuyên chuyển đến trường thiếu và bố trí giáo viên dạy liên trường. Sau khi sáp nhập, Trường tiểu học Dân Quyền, Tân Ninh không còn đạt chuẩn nên huyện, xã bố trí nguồn lực tập trung, huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để chỉnh trang trường lớp, xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu, đề nghị kiểm tra, công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học xã miền núi Thọ Bình vẫn duy trì hai khu học tập ở vị trí trường cũ vì cách nhau khoảng 4-5 km, tạo thuận lợi cho học sinh theo học tập. Sáp nhập trường, giảm được đầu mối trường học;  bảo đảm sĩ số học sinh học tập ở mỗi lớp học theo quy định; bố trí đủ định biên giáo viên theo lớp học ở mỗi bậc học. Cán bộ quản lý, giáo viên điều động, luân chuyển, bố trí dạy liên trường có vất vả hơn nhưng đội ngũ được sắp xếp theo hướng hợp lý, sử dụng hiệu quả, giảm biên chế và khu vực này không phải thành lập mô hình trường bán trú vì học sinh đi học xa quá 3km theo luật phổ cập.

Trong vòng bán kính 2 km gần trung tâm huyện lỵ Quảng Xương có tới 3 trường THCS, nên trường THCS thị trấn chỉ có 4 lớp học. Do vậy, từ năm học 2013 -2014 huyện sáp nhập Trường THCS thị trấn với THCS Quảng Tân, thành lập Trường THCS Lưu Vệ có quy mô hơn 450 học sinh, 13 lớp học, giảm 2 lớp học và bình quân hơn 35 học sinh/lớp. Ngoài ra có gần 60 học sinh các lớp năng khiếu bóng đá của tỉnh theo học nên Trường THCS Lưu Vệ hiện dạy 2 ca trong ngày. Đội ngũ giáo viên được sắp xếp gắn vị trí việc làm, cơ cấu bộ môn, giảm được 3 giáo viên hợp đồng, 1 cán bộ quản lý về làm chuyên viên phòng giáo dục, 1 nhân viên kế toán sang trường tiểu học thị trấn làm nhân viên hành chính. Kết quả ghi nhận là trường luôn bảo đảm chất lượng dạy và học, đạt tập thể lao động tiên tiến, được tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện và trong năm học này trường xếp tốp đầu các phong trào thi đua trong huyện, nhất là về thành tích giáo dục mũi nhọn. Học sinh được hưởng lợi nhiều hơn từ môi trường giáo dục toàn diện, cơ sở vật chất, trang thiết bị  đã đầu tư, giáo viên được sắp xếp theo định mức công việc, phù hợp năng lực, trình độ chuyên môn nên khích lệ động cơ rèn luyện, phấn đấu.



(Bài cuối): Sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục

Sắp xếp trường, lớp học được triển khai theo kế hoạch, lộ trình, thực hiện trên diện rộng đã góp phần tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Vào thời điểm chúng tôi khảo sát có điểm trường lẻ ở miền núi chỉ có 2 lớp tiểu học; có lớp chỉ có 6 học sinh học tập. Quy mô trường tiểu học, THCS không đủ 5 lớp mỗi bậc học nhưng vẫn phải bố trí đầy đủ giáo viên dạy các môn học cùng bộ máy cán bộ quản lý, nhân viên, bộ phận phục vụ hoạt động dạy và học gây lãng phí nguồn lực đầu tư, không sử dụng triệt để, hiệu quả nhân lực giáo dục. Một số trường THCS ở miền xuôi không đủ sĩ số 39 học sinh/lớp. Thừa giáo viên nên có biểu hiện “chia nhỏ” quy mô lớp học và lãnh đạo trường biện bạch: Quy mô bé nhưng dự báo số lượng học sinh tăng trong những năm tới hay thuộc phạm vi nghiên cứu, sáp nhập mở rộng địa giới hành chính thị trấn huyện lỵ.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa áp dụng định biên giáo viên/lớp theo sĩ số tuyệt đối ấn định cụ thể cho vùng, miền, buộc các địa phương chủ động sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, đội ngũ giáo viên. Tại huyện Thiệu Hóa, quy mô trường tiểu học, THCS chỉ có 4 đến 5 lớp học và điều kiện địa phương cho phép nên huyện đã sáp nhập 4 trường ở các xã: Thiệu Minh, Thiệu Tân thành 2 trường tiểu học và THCS. Theo đó, ngân sách, vốn huy động xã hội được bố trí tập trung cho xây dựng cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, gắn với đạt tiêu chí nông thôn mới. Nhiều năm nay huyện Thiệu Hóa không tuyển giáo viên mới, dù mỗi năm có hơn 30 giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, đồng thời yêu cầu các trường học trong huyện chấm dứt sử dụng hợp đồng ngắn hạn với 161 giáo viên; điều chuyển 52 giáo viên THCS xuống bậc tiểu học, 7 giáo viên tình nguyện xuống công tác tại các trường mầm non; điều động giáo viên dạy liên trường. Ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên chỉ đạt 1-3%, giờ tăng lên 6-7%, cơ bản đáp ứng nhu cầu  tổ chức các hoạt động chuyên môn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Ninh, huyện Triệu Sơn Trần Văn Cương cho hay: Sáp nhập trường, yêu cầu đặt ra là người làm công tác quản lý phải có kinh nghiệm, thực thi các giải pháp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhìn nhận, đánh giá con người chính xác, đúng năng lực để lọc lấy một bộ máy đi đôi với giải quyết dân chủ, minh bạch, công tâm, thấu lý, đạt tình với những cán bộ, giáo viên điều động, luân chuyển, bố trí dạy liên trường. Từ 48 cán bộ, giáo viên, sau sáp nhập trường một số cán bộ quản lý, giáo viên được huyện  bố trí công tác, điều động về các trường thiếu nên toàn trường hiện còn 32 cán bộ, giáo viên. Trình độ đội ngũ nâng cao, phân định rõ nhiệm vụ, đánh giá sát đúng chất lượng giảng dạy; công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động giáo dục tập trung hơn. Sau khi sáp nhập trường, cấp ủy, chính quyền xã, huyện hỗ trợ gần 800 triệu đồng chỉnh trang, xây dựng các hạng công trình nên trường tiếp tục được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ông Hồ Xuân Phương, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Yên Định cho hay:  Số lượng học sinh, quy mô các lớp tiểu học, THCS ở các xã: Quý Lộc, Yên Phú, Yên Ninh giảm mạnh, huyện ghép hai trường tiểu học ở xã Quý Lộc thành một trường; sáp nhập trường tiểu học với THCS, thành lập trường tiểu học và THCS ở các xã: Yên Phú, Yên Ninh. Trường tiểu học và THCS vốn tách ra từ trường phổ thông cơ sở trước đây, tọa lạc ở  trung tâm các xã nên khi ghép trường về khoảng cách di chuyển của học sinh không thay đổi. Sáp nhập trường tạo cơ sở cho bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên hợp lý, hiệu quả hơn. Trên cơ sở rà soát đội ngũ, số lượng học sinh, trường lớp, khoảng cách giữa các trường, xét nguyện vọng của giáo viên và căn cứ kết quả chấm điểm theo tiêu chí, huyện Yên Định bố trí giáo viên dôi dư làm nhân viên thiết bị thư viện, hành chính; phân công 65 giáo viên THCS dạy liên trường; điều chuyển 98 giáo viên THCS xuống công tác tại bậc tiểu học; chấp nhận cho một giáo viên chuyển xuống trường mầm non công tác. Giáo viên được bố trí công tác, giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo, đủ số tiết lên lớp nên sử dụng hiệu quả nhân lực, phát huy tốt năng lực, trình độ và hoạt động lãnh đạo, điều hành, đánh giá chuyên môn sâu sát hơn.

 4 b.JPG

Thầy và trò Trường THCS Định Hưng, huyện Yên Định trong tiết học tin học.

Tại xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, sau khi sáp nhập trường tiểu học và THCS, giáo viên dạy môn tiếng Anh có thể tham gia dạy cả 2 cấp học, bảo đảm dạy đủ số tiết theo quy định, quyền được học tập toàn diện của học sinh. Giáo viên dạy Tiếng Anh  Nguyễn Thị Mai cho hay: Sáp nhập trường, có thêm giáo viên nên cô không phải dạy tăng tiết; dành thời gian thỏa đáng cho việc soạn bài giảng, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao kiến thức ngoại ngữ. Hiện ngành Giáo huyện Đông Sơn cơ bản áp dụng chương trình giảng dạy chương trình ngoại ngữ mới và giáo viên giảng dạy phải có bằng B2 đạt chuẩn châu Âu.

Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Như Xuân, ông Hà Xuân Trường phân tích thêm: Sắp xếp trường lớp giảm đầu mối trường học, giảm cán bộ quản lý, nhân viên kế toán, hành chính, bớt một số chức danh kiêm nhiệm như Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn, lãnh đạo các tổ chuyên môn, kết quả giảm chi từ ngân sách. Nhu cầu chi cho giáo viên khoảng 100 triệu đồng/người/năm nên khi ghép 9 trường, thành lập 4 trường tiểu học và THCS, huyện Như Xuân giảm 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tương ứng tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ đồng/năm. Đội ngũ giáo viên được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, nhất là những giáo viên đặc thù ở THCS có thể hỗ trợ, tham gia giảng dạy bậc tiểu học và việc sắp xếp lại trường lớp, gắn với điều động, luân chuyển, bố trí giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm còn giảm sức ỳ trong đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học.

Phó phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ Thanh Hóa Nguyễn Văn Linh cho hay: Trước đây tỉnh phân bổ giáo viên theo số lượng lớp học nhưng nhiều huyện bố trí không đủ học sinh/lớp, nhất là sĩ số học sinh theo học ở các điểm trường lẻ, xa trung tâm thấp hơn quy định hiện hành. Thanh Hóa hiện quy định định mức  học sinh/lớp và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính của các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập theo Quyết định số 3185 QĐ/2016/UBND buộc các huyện phải tích cực sắp xếp lại quy mô trường, lớp học gắn với bố trí, sử dụng hiệu quả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các trường học. Theo đó, bậc tiểu học ở thành phố, thị xã phải bố trí 32 học sinh/lớp; đồng bằng, trung du, ven biển 29 học sinh/lớp; miền núi thấp 27 học sinh/lớp, núi cao 22 học sinh/lớp. Bậc THCS tương tự các khu vực nêu trên bố trí: 41 học sinh/lớp; 39 học sinh/lớp; 37 học sinh/lớp; 34 học sinh/lớp. Số lượng cán bộ quản lý, nhân viên hành chính áp dụng theo hạng trường, như trường tiểu học hạng 1 (miền núi có 19 lớp trở lên, trung du, đồng bằng từ 28 lớp trở lên) mới bố trí một hiệu trưởng, hai hiệu phó, ba nhân viên hành chính... Hiện nhiều huyện thanh lý hợp đồng, chấm dứt sử dụng lao động hợp đồng ngắn hạn, thực hiện ghép trường cùng cấp hoặc hai cấp học để sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên theo vị trí việc làm, định mức công việc, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ. Qua  báo cáo của các nhà trường, Phòng GD&ĐT, khảo sát của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa về mô hình trường phổ thông nhiều cấp học trong tỉnh cho thấy: Sau khi sáp nhập, ghép cấp tiểu học với THCS trên cùng địa bàn xã các hoạt động chuyên môn của nhà trường ổn định, tổ chức các phong trào thi đua hiệu quả. Hoạt động thao giảng, dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn được tổ chức thường xuyên, có chất lượng. Công tác quản lý học sinh thuận lợi, có sự theo dõi xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9. Ghép hai cấp học không ảnh hưởng nhiều đến học sinh, giáo viên do không thay đổi nhiều về địa điểm học tập; chất lượng giáo dục ở các nhà trường có chuyển biến tích cực, số lượng học sinh yếu kém giảm, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn và các nhà trường đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhiều năm nay Thanh Hóa không tuyển mới giáo viên, đội ngũ giáo viên dần được bố trí đủ theo cơ cấu bộ môn, khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên đặc thù. Sáp nhập, ghép trường còn khắc phục thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học, có điều kiện bố trí đủ các phòng phục vụ học tập như phòng bộ môn, phòng tổ chuyên môn, phòng thí nghiệm, phòng đoàn đội, y tế… gắn với sử dụng hiệu quả các trang, thiết bị, đồ dùng dạy học, khai thác triệt để công năng thiết kế. Các nguồn lực được bố trí tập trung nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học, tăng chi cho hoạt động nghiệp vụ, giảm chi cho giáo viên, nhân viên dôi dư.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng nhấn mạnh: Điều ghi nhận là mạng lưới trường lớp được bố trí hợp lý, thuận lợi cho học sinh đi học; quy mô đủ lớn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong nhà trường. Công tác quản lý nhà nước, quản lý giáo dục được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục. Giảm đầu mối trường học, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các trường học gắn với bố trí, sắp xếp lại đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu bộ môn, nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện tốt mục tiêu bậc học, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục. Căn cứ điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương trong tỉnh  tiếp tục sắp xếp trường lớp, học đi đôi bố trí, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo tinh thần Nghị quyết số  39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của BCH Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện hiệu quả  mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục và đào tạo. Theo lộ trình đến năm 2020, Thanh Hóa giảm được 122 trường học và sau thời điểm này nhân lực trong ngành giáo dục giảm 1.149 người; mỗi năm tiết kiệm được gần 60 tỷ đồng kinh phí trả lương, phụ cấp và chi phí hành chính cho các trường học.


Theo Mai Luận/Báo VH$ĐS


 

Các tin khác:
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)