Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017:
Đọc để thấy nông dân Việt ngày càng giỏi và giàu (09/09/2017-21:44)
    Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN) 2017 cho biết, sau khoảng 10 tháng kể từ khi phát động, Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017 đã nhận được tổng cộng gần 1.500 bài dự thi ở khắp mọi miền đất nước gửi về.
Trong gần 1.500 tác phẩm gửi về, Ban Tổ chức đã chọn ra 36 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo
. Ảnh: TQ

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017, gồm 5 thành viên đã tiến hành chấm sơ khảo. Theo đánh giá sơ bộ của Ban Sơ khảo, số lượng tác phẩm dự thi năm nay tăng đột biến so với các năm trước, với những mảng đề tài hết sức phong phú, đa dạng, thể hiện sự hấp dẫn riêng của một cuộc thi viết chuyên về gương nông dân điển hình xuất sắc.

Sức hút “bền vững” từ một cuộc thi viết

Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017 cho biết, sau 3 năm tổ chức thành công giải báo chí “Tự hào Nông dân Việt Nam”, tháng 3.2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động giải báo chí toàn quốc THNDVN (trước đây là cuộc thi viết).

Cơ quan tổ chức thực hiện, nhận tác phẩm dự thi gồm Báo NTNN, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam…, với mục đích nhằm phát hiện gương những nông dân điển hình, chủ doanh nghiệp là nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai...

Đánh giá về giải báo chí này, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức giải cho biết, hiện cả nước đang có khoảng 13 triệu hộ nông dân, trong đó có 10,5 triệu người là hội viên Hội Nông dân Việt Nam với gần 5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 1,5 triệu hộ có thành tích sản xuất - kinh doanh giỏi từ cấp tỉnh/thành phố trở lên. Trên khắp các vùng miền đất nước xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi, có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong lao động, sản xuất, kinh doanh, thu nhập từ hàng trăm triệu đồng tới hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

“Chính vì vậy, giải báo chí toàn quốc THNDVN sẽ góp phần đề cao, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo động lực nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền về tam nông trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Lợi nói.

Được biết, trong 3 lần tổ chức trước đó, Cuộc thi viết THNDVN đều nhận được gần 1.000 tác phẩm gửi về dự thi. Năm nay, số lượng bài dự thi tăng đột biến, lên gần 1.500 tác phẩm, do giải mở rộng chấm điểm các tác phẩm báo chí không chỉ ở Báo NTNN/Dân Việt, mà còn sử dụng các tác phẩm đã đăng ở các báo Trung ương và địa phương. Theo đó, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 368 tác phẩm từ các báo Trung ương, địa phương. Điều này phần nào cho thấy sức hấp dẫn của cuộc thi năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN,  Trưởng ban sơ khảo Giải Báo chí toàn quốc THNDVN 2017 cho biết: “Qua đánh giá sơ bộ, giải báo chí năm nay rất đa dạng về vùng miền. Các tác phẩm đã tập trung phản ánh gương nông dân điển hình từ miền núi, tới đồng bằng, miền biển, đáng chú ý là có không ít hình ảnh người nông dân đô thị đã được các tác giả phản ánh, ghi nhận sắc nét. Tuy sinh sống ở vùng đất chật người đông, nhưng họ vẫn say mê làm nông nghiệp, vẫn làm giàu dù đất đai nhỏ hẹp nhờ sự sáng tạo độc đáo, mạnh dạn thử nghiệm. Ngược lại, cũng có một số gương nông dân là cán bộ, kỹ sư đang hưởng mức lương cao ở các doanh nghiệp lớn nhưng đã “bỏ phố về quê” lội bùn, thức khuya dậy sớm chăm bẵm lợn gà chỉ vì… quá yêu nghề nông”.

Cũng theo ông Hoài, tiêu chí của giải là gương chân dung người thực, việc thực nhưng đối tượng phản ánh trong các bài dự thi năm nay rất phong phú, không chỉ bó hẹp ở một chân dung điển hình mà đó còn là những hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, những mô hình tổ - đội hợp tác, là những nhóm người cùng say mê làm nông nghiệp sạch đã bắt tay với nhau để đưa thịt lợn sạch, gà sạch, rau sạch đến người tiêu dùng.  

“Dù tập trung viết về gương điển hình nhưng ít có cuộc thi nào lại có nhiều tác phẩm hay, thể loại đa dạng như giải năm nay, từ bài phản ánh, đến phóng sự, ghi chép, bút ký. Văn phong, cách thể hiện của các tác giả cũng rất hấp dẫn và đầy chất thơ, chứ không bình bình, nhàm chán như hầu hết các bài viết về gương người tốt, việc tốt lâu nay. Có lẽ cũng do giải đã thu hút được sự tham gia của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như nhà văn Lê Thọ Bình, Văn Công Hùng…” – ông Hoài chia sẻ.

37 tác phẩm lọt chung khảo

Ông Hoài cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tác phẩm gửi về, Ban Tổ chức giải đã đánh giá, lựa chọn rất chặt chẽ. Ban Sơ khảo đã quyết định chọn 37 tác phẩm xuất sắc nhất để gửi lên Ban Chung khảo, trong đó có 20 bài đã đăng trên báo NTNN.

 Được biết, Ban Giám khảo năm nay có 7 thành viên và đều là những người có uy tín, tên tuổi trong làng báo, làng văn như ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (Trưởng ban Giám khảo), nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Trưởng ban giám khảo), nhà báo Trần Bá Dung (Phó Trưởng ban giám khảo), nhà văn Văn Chinh… Các tác phẩm sẽ được từng giám khảo chấm độc lập, công bằng dựa trên các tiêu chí: Tính phát hiện, hiệu ứng xã hội và văn phong (bút pháp).

Ông Hồ Quang Lợi cũng cho biết: “Qua việc tổ chức giải lần này, chúng tôi mong muốn sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, giải báo chí này cũng là một “sân chơi” cho các nhà báo thể hiện tay nghề, ghi nhận và tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động tuyên truyền về tam nông”.

Là người đã đi cùng cuộc thi từ những ngày đầu tổ chức, nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ: “Mặc dù đã có 3 năm liền tham gia Ban Giám khảo, nhưng năm nào cuộc thi cũng hấp dẫn tôi vì chất lượng bài dự thi rất tốt, cách thể hiện phong phú. Trong đó nhiều tác phẩm không những mang đầy đủ yếu tố của một tác phẩm báo chí, mà còn chứa đựng cả chất phóng sự, chất thơ nên đọc không hề nhàm chán. Thậm chí nhờ việc “thẩm định” các tác phẩm mà tôi đã học hỏi được ở những người nông dân không ít kinh nghiệm sống”.

Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam gồm các giải thưởng sau: 1 giải Nhất trị giá 40 triệu đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 3 giải Ba, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 5 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức có thể sẽ xem xét để tiến hành trao một số giải phụ khác.

Theo Minh Huệ/Báo Dân Việt

 

Các tin khác:
  • Chống tin tức giả mạo: Cuộc “đại chiến” vẫn tiếp diễn (08/09/2017-14:11)
  • Đỉnh cao cống hiến (05/09/2017-17:05)
  • Vì một “Tiếng nói Việt Nam” ngày càng lan tỏa, thuyết phục (04/09/2017-9:07)
  • Bác Hồ & Nghệ thuật sử dụng nhân tài (02/09/2017-8:23)
  • Khoá bồi dưỡng “Kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề dành cho báo in và tạp chí ”. (24/08/2017-8:42)
  • Chúng tôi làm giải trí nhưng luôn biết điểm dừng (21/08/2017-8:38)
  • Nhà báo tuần rừng cùng kiểm lâm (09/08/2017-11:15)
  • Báo chí đang tự tay giết chết niềm tin nơi độc giả? (07/08/2017-7:36)
  • Làm nghề là phải biết “dấn thân” (04/08/2017-18:11)
  • “Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)