Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Mai Hương: Một chất thơ mãnh liệt và đầy nữ tính (18/09/2017-12:10)
    Tôi đã giật mình khi đọc những câu thơ này của Mai Hương

 “Hãy ôm em như thuở ban đầu/ Hãy hôn em thật sâu, thật sâu/ Để em biết em vẫn còn con gái/ Và hãy làm cách nào tốt nhất/ Để đầu óc em choáng ngợp anh/ Để con tim em tràn đầy anh/ Không còn chỗ cho người đàn ông khác” (Hãy trói chặt tim em). Táo bạo. Mãnh liệt. Khao khát. Bản ngã. Tình đến lõi. Yêu đến lõi. Thúc bách. Đầy nữ tính. Thơ đã xô đổ được cái rườm rà, cái cầu kỳ, bóc được cái màu mè, trang điểm hào nhoáng để đi thẳng đến ruột chữ, hồn chữ. Chính những câu thơ này đã lôi cuốn tôi đọc ngay, đọc hết tập thơ “Khúc tự ru” (NXB VH 2016) vừa được Mai Hương tặng. Từ “Đốm lửa nhỏ” (NXB Thanh Hóa 2007) đến “Khúc tự ru” không phải là dài. Mới một bậc thang đã có sự khác biệt. Chững chạc. Tự tin. Nhiều bài thơ cấu trúc vững chãi, chặt chẽ. Nó phát đi tín hiệu cho thấy Mai Hương thay đổi căn bản cách nghĩ, cách cảm, cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Hiệu quả thơ mạnh hơn, sâu hơn.

Người đọc cảm nhận được có một bước ngoặt tâm lý, biểu cảm, nhận ra được thế mạnh, sở trường của thơ Mai Hương.  “Khúc tự ru” tồn tại hai nửa tư duy, hai nửa bút pháp, hai nửa cấu trúc nghệ thuật.  

Một nửa dịu dàng, êm đềm, đẹp đẽ, chau chuốt, đậm phong cách cổ điển. “Vạch thời gian”, “K14 thân yêu”, “Ngày gặp mặt”, “Mùa tàn hương”, “Ước mơ của Chích Bông”, “Về Nga Sơn”... là những bài thơ thuộc tuýp nhẹ nhàng, duyên dáng, lấp lánh câu chữ. Thơ ấm áp, trong trẻo, ngọt ngào. Soi vào đó thấy hồn thơ trời yên biển lặng: “Trái dưa ngọt tự bao giờ/ Mà sao níu đảo vào bờ xe duyên” (Về Nga Sơn). Hay những câu “Con vẫn ngủ, môi hé cười hương sữa/ Giấc mơ ơi xin len nhẹ trong hồn/ Gió khẽ hát ru đều qua khung cửa/ Bàn phím ươm mầm bật sáng những chồi xanh” (Chuyện nhà nông). Thi sĩ không? Thi sĩ lắm. Công phu dụng chữ không? Công phu lắm. Ấy thế mà người đọc vẫn thấy thiếu một cái gì như muối, như sóng, như sự cào cứa. Chùm bài viết về biên giới hải đảo, lính chiến đấu, doanh nhân có nhiều khổ thơ đáng yêu “Triệu nhánh san hô kết thành rừng hoa đá/ Cây bàng vuông đan trời xanh qua mắt lá/ Chuông chùa ngân hòa tiếng hát chào cờ” (Nơi ấy là Tổ quốc); “Bàn tay cuốc cày một thuở đồng chiêm/ Bàn tay từng lấm lem khoai lùi ngô nướng/ Vẫn ấm tình người tình đất quê hương” (Bàn tay ấy). “Cơn đại hồng hỏa liếm cả vạt rừng non mới nhú/ Những nhà máy bức tử những dòng sông” (Truyện cổ tích ba nghìn năm về trái đất), rồi “Máu đổ xuống cho màu cờ chói lọi/ Lòng mẹ đau, núm ruột ở Trường Sa” (Nếu biển Đông chỉ duy có bão)... Hỏi thơ như thế có được không? Ai bảo không được. Nó được trong yêu mến, hy vọng, trong sự chờ đợi chín.

Một nửa “Khúc tự ru” mang sắc thái dữ dội, tung phá, quyết liệt, không ngại va quệt, tha hồ cho con chữ bộc lộ tận cùng ý nghĩ. “Trái tim không biết nói”, “Nếu”, “Chẳng nợ duyên”, “Xin trả lại”, “Đừng Đan Kô”, “Bóng đè”, “Rồi một ngày tôi chợt nhận ra”, “Có còn gọi là yêu”, “Hãy trói chặt tim em”, “Đất lạnh”... là những bài thơ thuộc tuýp dữ dội, tung phá. Tôi không chú ý lắm đến nỗi đời, nỗi người, sự đứt gãy tâm lý đời thường trong “Khúc tự ru”. Cái đau đớn ngoài đời chưa phải là yếu tố duy nhất, quan trọng nhất thay đổi được hồn thơ, phong cách thơ. Tôi chú ý đến sự bứt phá về thơ trong “Khúc tự ru”. Cái lớn của nhà thơ, không phải là thể hiện được bao nhiêu uẩn khúc cuộc đời, đưa được bao nhiêu va đập ấy vào thơ, mà phải thể hiện được sự chinh phục, làm chủ, sáng tạo ngôn ngữ, vượt lên mình, thể hiện tính cách thơ thế nào. Cái đau đớn, dằn vặt về câu chữ, sự tìm tòi, khát khao cái mới, tạo lập được cái riêng nó còn đau đớn hơn nhiều. Chính điều đó khẳng định tên tuổi, thương hiệu nhà thơ. Đó là nội lực, nghị lực nhà thơ, con đường nhà thơ.

Ở một số bài thấy Mai Hương có thế mạnh về tư duy trực cảm, ngôn ngữ trực cảm. Những câu thơ bật thẳng từ con tim khối óc của Mai Hương: Đắng, ngọt, chát, chua, thơ cứa ngay vào đầu lưỡi không cần phải bóc lớp vỏ xiêm áo phấn son làm duyên câu chữ. Người chưa trải nghiệm, chưa va chạm, chưa nếm nỗi đau đọc những câu thơ của Mai Hương, một là phản ứng rất quyết liệt, hai là bị sốc. “Rồi một ngày tôi chợt nhận ra/ Mình đang nghĩ tới người đàn ông khác/... Bạn đời tôi giống như người ở trọ/ Đi hết nửa đời mà chẳng thể sẻ chia/ Tôi cô độc trên hành trình hôn thú” (Rồi một ngày tôi chợt nhận ra). Thơ Mai Hương là tiếng nói bình đẳng giới đích thực trong xã hội. Ta thấy rõ nhất là bình đẳng về quyền bộc lộ cảm xúc, chính kiến, quyền phát ngôn yêu ghét trung thực từ trái tim mình. Cái dịu dàng cam chịu, ủy mỵ, ngoan ngoãn trong giam cầm giả dối, cái bất hạnh được thay thế bằng sự bứt phá, tự quyết định số phận, con đường đi của chính mình. Đành rằng  đôi lúc không dễ dàng, nó trì níu khủng khiếp trong lòng “Như bóng ma cứ đè xuống bóng mình” (Bóng đè). Có lúc phải thốt lên “Tình yêu ơi sao mi giật lên từng cơn bão tố/ Vạn chiếc lá hình con tim tan tác đớn đau!” Mai Hương không làm thơ cho dư luận, không theo dư luận, không chiều dư luận, càng không tránh né dư luận. Mai Hương làm thơ cho nỗi niềm mình, cho riêng tư mình, và cả cho nỗi đau nhân thế. Trong thơ ca Việt Nam đương đại, đây không phải lần đầu tiên trái tim con gái quẫy đạp, vùng dậy đòi được thể hiện chính mình, nói tiếng nói máu thịt mình. Mấy chục năm trước đã có một số cây bút trẻ nổi tiếng “nổi loạn” về chủ đề này. Nhưng đọc Mai Hương ta không thấy cũ. Bởi Mai Hương thể hiện cá tính, bản lĩnh, ngôn ngữ riêng “Xin trả lại những gì là kỷ niệm/ Suốt đời này chẳng thể thuộc về nhau/ Xin trả lại, người ơi xin trả lại/ Quên là quên, đừng níu, trái tim đau” (Xin trả lại).

Khi nói về một vấn đề xã hội của thời đại, tư duy trực cảm của Mai Hương cũng rất sắc bén “Chiếc khăn đẫm máu trộn bùn/ Lau rồi vắt, rồi lau, rồi vắt/ Các anh nằm.. lạnh ngắt... mẹ đau” (Đất lạnh). Hình như bài nào, chỗ nào đụng đến bức xúc, dồn nén, đụng đến phát biểu trực tiếp quan điểm , ý thức, lẽ sống, nhân cách của mình là Mai Hương gây ấn tượng mạnh.

Điểm nổi bật nhất của thơ Mai Hương là nói thẳng, không vòng vo, không rườm rà. Bảy mươi chín bài trong tập “Khúc tự ru” dù ngắn, dài, dù lục bát, tự do đều thể hiện rõ tác giả cố gắng đến mức cao nhất khả năng chọn lọc ngôn ngữ, hình ảnh. Có bài thơ, Mai Hương giấu được cảm xúc, không cầm đèn chạy trước ngôn ngữ, mọi thứ đều để cho ngôn ngữ, hình ảnh thơ tự nói: “Vào cuộc chiến/ Người lính nào cũng giơ khiên trước ngực/ Nhìn kẻ thù trước mặt để tấn công/ Chẳng thể ngờ/ Có một ngày vết sẹo đầy lưng” (Vết sẹo). Ngắn, gọn, xúc tích. Sự luyện lọc, chưng cất, kiệm lời, kiệm chữ biểu hiện rất cao.

Người làm thơ cần rất nhiều thứ phát hiện. Nhưng quan trọng nhất, cần thiết nhất là phát hiện ra năng lực mình, sở trường mình, cái mạnh nhất của mình. Tôi tin Mai Hương nhanh chóng phát hiện ra mình, cái mạnh của mình, sở trường của mình. Có thể tập thơ sau, nhiều bài thơ của Mai Hương không chỉ làm cho tôi mà làm cho nhiều bạn đọc tiếp tục giật mình về sự bứt phá.

. Nguyễn Minh Khiêm

 

Các tin khác:
  • Dù 2.000 đồng cũng phải hợp lý (16/09/2017-14:43)
  • Thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi ở khách sạn: Vẫn chưa có hồi kết (16/09/2017-14:39)
  • Những điểm du lịch nhất định không thể bỏ qua trong tháng 9 (08/09/2017-14:16)
  • Những bộ phim Việt về nghề làm báo (07/09/2017-8:17)
  • Bảo tàng nghìn tỷ, “Bội thực” sao vẫn muốn xây mới? (06/09/2017-7:56)
  • “Thanh Hóa đẹp tươi” (05/09/2017-16:27)
  • Ra mắt cuốn tự truyện đi tìm công lý cho nạn nhân da cam (31/08/2017-16:18)
  • Chương trình nghệ thuật “Tự hào Tổ quốc Việt Nam” lần thứ 2 (31/08/2017-12:22)
  • Giá trị - tiêu chí cao nhất để tôn vinh (30/08/2017-22:07)
  • Rạp chiếu phim mới ra mắt trở thành điểm vui chơi thu hút giới trẻ (30/08/2017-15:08)