Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Sự ỷ lại và giao dịch (18/09/2017-12:13)
    Trong những ngày qua, khi hàng cây cổ thụ cuối cùng trên đường Kim Mã bị đốn hạ và di dời đến nơi khác, chúng ta chưa thấy sự phản ứng quyết liệt nào từ phía người dân. Nguyên nhân do đâu?

Cây xanh đổ ngổn ngang trên đường phố trước khi bão đổ bộ vào Huế (ảnh: Dân trí)

Chặt cây xanh để xây dựng tuyến đường sắt trên cao, cấm xe máy để giảm lượng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường hay kiên quyết xử lí những hành vi vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ của CSGT là những vấn đề đã cũ.

Dư luận bàn tán, tranh cãi và phán xét chưa có hồi kết. Suy cho cùng bất kể sự thay đổi nào đều là những cái giá phải đánh đổi để phát triển. Tiếc nuối những lợi ích tức thời đồng nghĩa đang thỏa thuận ngầm cho một sự tụt lùi tai hại trong tương lai.

Là một trong số những nước luôn phải đón nhận số lượng thiên tai hằng năm lớn trong khu vực, Việt Nam không thể có những biện pháp nào tối ưu hơn ngoài việc tự hạn chế hậu quả của nó ngay trong khả năng của mình.

Chúng ta hẳn vẫn chưa thể quên được những cành cây lớn đè bẹp xe ô tô sau cơn bão, gây thương vong về người sau mỗi đợt giông lốc lớn và làm các hoạt động ngưng trệ do cây đổ khiến mạng lưới điện xung quanh bị ảnh hưởng.

Một đất nước đang phấn đấu từng bước hiện đại không thể để xảy ra những sự thiệt hại vô lí đến như vậy. Chúng ta không thể vin vào việc trú nắng, mưa hay mưu sinh dưới hàng cây mát để từ chối sự đầu tư thích đáng cho giao thông mà mục đích duy nhất chỉ để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại và sinh sống.

Nếu cây xanh là câu chuyện của đô thị lớn gây nhiều tranh cãi nhất trong suốt nhiều năm qua thì việc cấm xe máy trong khu vực nội thành Hà Nội lại liên quan đến vấn đề dân sinh gây nhiều băn khoăn nhất.

Với những người trẻ, việc cấm xe máy không phải là điều quá sửng sốt, bởi nếu nhìn sang những nước lân cận phát triển, việc cho sử dụng xe máy tràn lan là thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lí và đi ngược lại sự tiến bộ chung.

Theo một điều tra gần đây, có đến khoảng 90% số người Hà Nội được hỏi đồng ý cấm xe trong nội thành. Tuy nhiên, với lao động tỉnh lẻ, việc không còn duy trì phương tiện này sẽ khiến họ gặp không ít khó khăn.

Nhiều người lao động tự do sẽ bị thất nghiệp và đồng nghĩa với đó là việc khó đảm bảo cho sự ổn định trong cuộc sống của họ. Thế nhưng, xét cho cùng, việc duy trì xe máy trong một thời gian dài không thể hiện được quyết tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà chúng ta đã đặt ra từ lâu.

Việc giải quyết triệt để xe máy trong nội thành là điều thiết yếu để từng bước đồng bộ quá trình hiện đại hóa giao thông đường bộ. Bởi, còn lấy đói nghèo để làm lá chắn cho sự rụt rè, không dám thay đổi, ta chỉ có thể mãi là quốc gia biết hài lòng với sự tụt hậu và nghèo nàn.

Những ngày qua, một sự thỏa thuận “ngầm” lại thể  hiện sự coi thường pháp luật đã được phanh phui khi những hình ảnh 3 CSGT “làm luật” với người dân vi phạm ở TP. HCM bị đưa lên mặt báo.

Rất nhiều người tỏ ra hả hê, họ thỏa mãn với việc “đối tác” may mắn của họ trong những vụ vi phạm bị phanh phui trước dư luận.

Với những người khác, sự việc này chỉ như muối bỏ bể vì ở đâu cũng có tệ nạn này chứ không riêng gì TP.HCM, số khác lại cho rằng: nếu CSGT làm đúng luật, nhiều đối tượng, nhất là các chủ xe đường dài sẽ... phá sản.

Đành rằng mưu sinh là công việc của tất cả, khi phạm luật, người vi phạm muốn được giải quyết nhanh, vậy là họ ngầm đặt ra với nhau một giao dịch trên cơ sở "thuận mua vừa bán". Bởi, không ai có quyền được kiểm tra và rút tiền từ trong ví của bạn chuyển sang ví họ nếu không có sự đồng ý của bạn.

CSGT được cho là đã “làm luật” với người dân  tại TP.HCM (ảnh: Tuổi trẻ)

Lâu nay, chúng ta quen với nếp sinh hoạt của sự tùy tiện, phán xét và dễ hài lòng. Chúng ta ngại xếp hàng vì bản tính nóng vội và càn cựa tiểu nông.

Đó là lí do đến bệnh viện, chúng ta dễ bị “cò” móc túi, ra đường phạm luật bị xử phạt thì dùng các mối quan hệ và tiền bạc để giải quyết vấn đề. Thuận mua vừa bán theo ý chúng ta, nhưng vừa thực hiện xong “giao dịch” thì không ít người chửi đổng lên.

Họ cảm thấy bị lừa dối? Chính lối sống không tôn trọng kỉ luật và thiếu kiên nhẫn đã khiến chúng ta ngủ mơ trên những bậc thang lưng chừng giữa hiện đại và lạc hậu mà vẫn nuôi trong mình suy nghĩ bình chân như vại rằng: Thay đổi chỉ là của Nhà nước!

Trung Quốc, Singapore hay nhiều quốc gia khác đều trải qua một quá trình chuẩn bị kĩ lưỡng cả về vật chất và tinh thần. Biết xấu hổ về những yếu kém và không dễ hài lòng với thành quả trước mắt chính là những điều cần thiết để thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược cho sự tăng trưởng hài hòa của quốc gia.

Bao giờ thoát được sự ỷ lại và không bằng lòng với những giao dịch “bẩn”, khi đó chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một đất nước phát triển, văn minh và thịnh vượng.

Theo Ngọc Huyền/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Những con số chỉ mới nghe qua đã thấy… rụng rời! (16/09/2017-14:50)
  • Đừng khiến trẻ phải rời trường vì lạm thu! (14/09/2017-8:37)
  • Nguy cơ bất ổn kinh tế (13/09/2017-16:12)
  • Siết chặt quy định đối với ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe (12/09/2017-10:03)
  • Thiệt hại tiền tỷ vì sử dụng phần mềm bất hợp pháp (11/09/2017-14:53)
  • Giáo dục liêm chính cho cán bộ (11/09/2017-8:34)
  • Bệnh viện lo thành con nợ (09/09/2017-21:36)
  • Đóng cửa trường đại học đào tạo không phù hợp nhu cầu (08/09/2017-8:17)
  • Loại dần thủ tục hành dân (07/09/2017-17:04)
  • Người lao động nên thận trọng khi nhận BHXH một lần (07/09/2017-17:02)