Thứ sáu, ngày 19/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Phát triển đảng viên vùng biển và những vấn đề đặt ra (21/09/2017-8:19)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Bài 1: Nhiều khó khăn, thách thức

Bí thư chi đoàn thôn Tiên Trang, xã Quảng Lợi (Quảng Xương) Lê Khắc Tân gương
mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế.

Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế ở vùng biển tỉnh ta những năm gần đây, việc phát triển đảng viên mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt và công tác lãnh đạo ở cơ sở.

Thiếu nguồn kế cận

Những năm gần đây, nguồn phát triển đảng viên ở vùng biển tỉnh ta chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), dân quân tự vệ. Tuy nhiên, lực lượng này đang ngày càng “rơi rụng” dần khiến công tác phát triển đảng viên mới của nhiều chi bộ, đảng bộ gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ huyện Quảng Xương có 6 xã vùng biển. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, có 4/65 chi bộ nông thôn của 6 đảng bộ xã vùng biển (chi bộ thôn Bắc, thôn Tiến, thôn Hải thuộc Đảng bộ xã Quảng Nham và chi bộ thôn 16 thuộc Đảng bộ xã Quảng Lưu) 5 năm liên tục không kết nạp được đảng viên mới. Đến tháng 6-2017, 4/4 chi bộ đã bồi dưỡng được từ 1-2 quần chúng ưu tú để chuẩn bị kết nạp Đảng. Đồng chí Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Quảng Lưu Phạm Sỹ Hùng chia sẻ: Quảng Lưu hiện có gần 500 ĐVTN nhưng chỉ khoảng 270 ĐVTN sinh hoạt ở địa phương, còn hầu hết đều đi học, đi biển hoặc đi làm ăn xa. Tình trạng này “làm khó” các cấp ủy đảng trên địa bàn trong việc đào tạo nguồn quần chúng để kết nạp Đảng.

Cũng có chung thực trạng, những năm gần đây, nguồn kết nạp đảng viên ở xã vùng biển Hoằng Đông (Hoằng Hóa) đang có xu hướng giảm dần. Toàn đảng bộ có 17 chi bộ trực thuộc, trong đó có 14 chi bộ nông thôn, nhưng nhiệm kỳ 2010-2015 chỉ kết nạp được 47 đảng viên mới. Năm 2016 và 7 tháng năm 2017, con số này có “nhỉnh” hơn với 9 quần chúng được kết nạp và đang phấn đấu đến cuối năm kết nạp thêm 3 đồng chí. Tuy nhiên, đa số các đảng viên được kết nạp tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối cơ quan, trường học. Ở các chi bộ nông thôn vùng biển, tỷ lệ kết nạp đảng viên thấp và có xu hướng giảm dần. Vấn đề tạo nguồn kết nạp Đảng cho những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn, bởi hiện tại số lượng ĐVTN của địa phương không còn nhiều. Theo thống kê, hiện xã Hoằng Đông có khoảng 40% lực lượng ĐVTN thoát ly khỏi địa phương để đi làm ăn xa hoặc theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc. Chính điều này đang làm mỏng dần lượng quần chúng có đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Đây cũng chính là những trăn trở của đồng chí Nguyễn Duy Thiệu, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Nga Điền (Nga Sơn) khi trao đổi với chúng tôi về công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn. Với chỉ khoảng 35% ĐVTN đang sinh hoạt tại địa phương, nhiều chi bộ nông thôn của Nga Điền đang rất chật vật trong việc tạo nguồn quần chúng ưu tú kết nạp Đảng. Tỷ lệ đảng viên mới kết nạp có xu hướng giảm dần theo các năm. Ví như năm 2016, đảng bộ kết nạp được 9 đảng viên mới, thì 7 tháng năm 2017, số đảng viên mới kết nạp của đảng bộ chỉ có 3 đồng chí. Thậm chí nhiều chi bộ một vài năm trở lại đây gần như không kết nạp được đảng viên mới như chi bộ 4, chi bộ 5 và chi bộ 6...

Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều chi bộ vùng biển, lãnh đạo cấp ủy các cấp đều thừa nhận: Việc tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa phương đang thực sự là vấn đề nan giải. Tìm được quần chúng ưu tú đã khó nhưng bồi dưỡng, giữ chân để đưa được họ vào đứng trong hàng ngũ của Đảng còn khó hơn. Bởi thực tế có quần chúng ưu tú đã tham gia đi học lớp cảm tình Đảng nhưng sau đó vì nhiều lý do đã xin rút gây khó khăn cho cơ sở. Bên cạnh đó, yêu cầu trình độ người vào Đảng trong Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng là khá cao đối với các chi bộ vùng biển vì phần lớn những người có trình độ học vấn thì đã làm việc tại các cơ quan Nhà nước, số còn lại thường chưa tốt nghiệp THCS, không đủ điều kiện để bồi dưỡng kết nạp Đảng; những người đủ điều kiện theo quy định, lại không có việc làm ổn định, phải đi nơi khác tìm việc hoặc ít tham gia công tác xã hội.

Rõ ràng, không riêng gì các chi bộ vùng biển ở Quảng Lưu, Hoằng Đông, Nga Điền đang đứng trước tình trạng cạn dần nguồn quần chúng kết nạp Đảng, mà gần như đây là tình trạng chung của hầu hết các địa phương vùng biển tỉnh ta. Theo đồng chí Trương Văn Đào, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoằng Hóa, lý do thực trạng này là hầu hết ĐVTN sau khi tốt nghiệp THPT đều thoát ly khỏi địa phương đi học tập và làm ăn ở nơi khác; một số ở lại địa phương thì hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp hoặc chưa có ý thức phấn đấu vào Đảng. Không ít chi bộ chưa quan tâm đến bồi dưỡng mà chỉ chú ý tìm trong quần chúng những người đủ tiêu chuẩn để kết nạp, hoàn thành chỉ tiêu trên giao. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là khu vực vùng biển còn có lúc, có nơi chưa thực sự tạo sức hút đối với quần chúng, do đó mới xảy ra tình trạng có không ít chi bộ vùng biển nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên. Đơn cử như huyện Hoằng Hóa, với 80 tổ chức cơ sở đảng, từ năm 2010 trở về trước, bình quân hàng năm Hoằng Hóa chỉ kết nạp được 207 đảng viên (năm 2008 kết nạp 183 đảng viên, năm 2009 kết nạp 223 đồng chí, năm 2010 kết nạp 217 đồng chí).

Xu hướng “già hóa”

Khan hiếm nguồn kết nạp Đảng, chất lượng đảng viên chưa được chú trọng sẽ dẫn đến xu hướng “già hóa” đảng viên ngày một tăng là điều tất yếu và đang là hạn chế trong phát triển đảng viên ở vùng biển. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn. Ở nhiều chi bộ, đảng bộ, độ tuổi trung bình của đảng viên là trên 50, thậm chí trên 60 và đảng viên cao tuổi luôn chiếm phần đông. Tại Đảng bộ xã Nga Điền (Nga Sơn), đảng viên trên 60 tuổi chiếm tới 21%, trong khi đó đảng viên dưới 30 tuổi chỉ chiếm vỏn vẹn 14%; Đảng bộ xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa), đảng viên trên 50 tuổi chiếm 40,4%, đảng viên dưới 30 tuổi chỉ có  21,4%; Đảng bộ xã Quảng Nham (Quảng Xương), số đảng viên có tuổi đời dưới 30 chỉ chiếm 9,6% nhưng trên 50 tuổi chiếm đến 31%. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh mặt tích cực của đội ngũ đảng viên cao tuổi là có lập trường chính trị vững vàng, luôn giữ được sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với dân, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng, đa phần đảng viên cao tuổi lại thiếu sự nhạy bén, linh hoạt trong việc tham gia, đi đầu trong phát triển kinh tế, như: Trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Trong khi tỷ lệ đảng viên trẻ trực tiếp sản xuất và tham các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở các xã vùng biển thấp, dẫn đến nguồn kế cận lâu dài của đội ngũ cán bộ xã, thôn thiếu hụt. Một bộ phận trưởng thôn, trưởng chi hội các đoàn thể là người ngoài đảng nên làm giảm vai trò lãnh đạo của chi bộ nông thôn vùng biển.

Tạo nguồn phát triển đảng viên đã khó, giữ đảng viên ở lại tham gia hoạt động tại địa phương còn khó hơn. Địa bàn vùng biển nói riêng, khu vực nông thôn nói chung hiện nay có hiện tượng sinh viên, thanh niên trong thời gian chưa xin được việc làm thì tạm về quê sinh hoạt Đoàn và được địa phương quan tâm tạo điều kiện bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng; sau khi tìm được công việc phù hợp, họ đi khỏi quê hương. Vì vậy, có tình trạng nhiều chi bộ hằng năm vẫn phát triển được đảng viên nhưng không “giữ chân” được đảng viên mới kết nạp, dẫn đến tình trạng “lão hóa” đội ngũ đảng viên cơ sở. Đây cũng là “nút thắt” đang làm khó cấp ủy phố Lập Công, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) trong công tác xây dựng Đảng những năm gần đây. Đồng chí Nguyễn Bá Cường, bí thư chi bộ phố Lập Công, cho biết: Chi bộ có 53 đảng viên nhưng có đến gần 2/3 đảng viên nằm trong độ tuổi 50-60, 1/3 đảng viên trên 60 tuổi. Việc chi bộ vừa ít đảng viên lại phần đông là đảng viên hưu trí, cao tuổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo cũng như việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ.

 Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn, nhất là ở khu vực vùng biển.  Thiếu nguồn kế cận, xu hướng “già hóa” đảng viên đang đặt ra yêu cầu bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trẻ, có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm. Vì thế, để việc phát triển Đảng ở các xã vùng biển mạnh cả về số lượng và chất lượng, cần phải có những đột phá, đổi mới mạnh mẽ... Làm được như vậy sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, thực hiện hiệu quả bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở khu vực vùng biển hiện nay.




Bài 2: Bảo đảm số lượng, cơ cấu, nâng cao chất lượng đảng viên

Chi bộ khai thác thủy sản (Đảng bộ phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) đại hội
chi bộ. Ảnh: Lê Hà

Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở, một tổ chức cơ sở đảng mạnh thì trước hết phải có lực lượng đảng viên mạnh. Khi kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên sẽ tác động trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do vậy, đòi hỏi cấp ủy mỗi địa phương, đơn vị phải quyết liệt trong chỉ đạo, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm nâng cao chất lượng gắn với đào tạo, bồi dưỡng để đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Chủ động trong tạo nguồn

Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi (Quảng Xương) khẳng định: Giải pháp mà đảng bộ xã đưa ra là bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế trên địa bàn, ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, đảng ủy xã còn giao cho cấp ủy xã, trưởng các đoàn thể chính trị và chi ủy thôn phải có trách nhiệm gặp gỡ, trao đổi tâm tư, tình cảm, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), hội viên, nhất là các cháu sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có lòng say mê, nhiệt huyết, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng để dìu dắt, không thành kiến bằng cách giao nhiệm vụ phụ trách, bố trí các chức danh kiêm nhiệm ở thôn, xã để quần chúng ưu tú có môi trường thể hiện năng lực bản thân, động cơ phấn đấu vào Đảng. Đó là các chức danh, như: Phó bí thư đoàn kiêm nhiệm cán bộ đài truyền thanh, phó chủ tịch MTTQ kiêm nhiệm thường vụ hội nông dân, xã đội phó kiêm nhiệm cán bộ văn hóa thông tin... Với cách làm này, nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ xã Quảng Lợi đã từng bước gỡ được “nút thắt” trong công tác phát triển đảng viên. Nhiệm kỳ này, Đảng bộ Quảng Lợi phấn đấu kết nạp 50 đảng viên, tính đến nay, đã kết nạp được 18 đảng viên (nhiệm kỳ 2010-2015 kết nạp 37 đảng viên). Riêng 3 chi bộ vùng biển/7 chi bộ nông thôn rất khó khăn trong công tác tạo nguồn, đến nay, mỗi chi bộ phát triển ít nhất 1 đảng viên, trong đó có đảng viên là ĐVTN tốt nghiệp cao đẳng, đại học lập nghiệp tại quê hương.

 Đồng chí Lê Khắc Tân (sinh năm 1988), thôn Tiên Trang, bí thư chi đoàn thôn cho biết: Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, em làm thuê cho một số xưởng cơ khí để có kinh nghiệm về quê lập nghiệp mở cơ sở riêng. Thời gian đầu em chưa tích cực tham gia công tác xã hội, nhưng được các cô chú, anh chị đi trước định hướng, dìu dắt, em nhận thấy công việc xã hội bổ trợ rất nhiều cho việc kinh doanh của mình. Nay cả 2 xưởng cơ khí đang tạo việc làm cho 7 lao động là ĐVTN với mức thu nhập 6,5 triệu đồng/người trở lên/tháng, nhưng quan trọng hơn, bản thân em được rèn luyện, nâng cao hiểu biết và nhận thức đúng đắn hơn. Hiện em đã hoàn thành hồ sơ và chờ xét kết nạp Đảng trong tháng 9 này.

Đảng bộ xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) lại có cách làm khác. Đảng bộ đề ra nghị quyết chuyển đổi ngành nghề, nhằm giảm bớt số thuyền có công suất nhỏ làm nghề khai thác ở ven bờ và tuyến lộng, phát triển nghề khai thác xa bờ; định hướng, tạo điều kiện cho các ngư dân trẻ (trong đó có đảng viên) đi tham quan, học tập mô hình và phát triển thêm nghề mới, ưu tiên nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; tuyên truyền, vận động quần chúng ưu tú, nhất là 4 chi bộ vùng biển của xã có người công giáo tích cực tham gia các phong trào để tìm nhân tố tích cực, bố trí người công giáo vào các chức danh cán bộ chủ chốt để hiểu và làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cộng đồng ở khu dân cư; giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho các chi bộ, không để thôn trắng đảng viên, trắng chi đoàn và coi đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, tỷ lệ kết nạp Đảng của Đảng bộ xã Hải Thanh luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Hàng năm kết nạp 9 đảng viên, riêng chi bộ thôn Xuân Tiến (chi bộ vùng giáo khó kết nạp đảng viên) đã kết nạp được 2 đảng viên.

Ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên nhằm tăng thêm sức mạnh cho Đảng, bảo đảm cơ cấu, tính liên tục, từng bước trẻ hóa đội ngũ đảng viên đang là giải pháp quan trọng được cấp ủy các cấp trong tỉnh nói chung, các đơn vị vùng biển nói riêng chú trọng và giao cho các tổ chức chính trị bám sát chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên. Qua các phong trào, như: Hỗ trợ ĐVTN lập thân, lập nghiệp; nhận công trình phần việc; giúp nhau phát triển sản xuất..., đã phát hiện được nhiều nhân tố mới, tích cực, năng động có bản lĩnh, năng lực thật sự xuất sắc, hết lòng vì tập thể để giới thiệu cho chi bộ, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ của những người có uy tín cao trong cộng đồng tham gia vào công tác phát triển đảng viên. Với cách làm này, nguồn kết nạp đảng viên không chỉ tập trung vào đối tượng ĐVTN mà có cả nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ. 6 tháng đầu năm 2017, huyện Quảng Xương kết nạp 134 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên mới là sinh viên tốt nghiệp về lập nghiệp tại địa phương; huyện Tĩnh Gia kết nạp 140 đảng viên, trong đó có 80 đồng chí là nữ, 90 ĐVTN, 5 đảng viên là người theo đạo; Nga Sơn kết nạp mới 115 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên là người theo đạo...

Coi trọng chất lượng kết nạp đảng viên

Thanh Hóa có 6 huyện, thành phố ven biển, gồm: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn với hơn 54.000 đảng viên. Số lượng đảng viên đông, nhưng chất lượng đảng viên mới là vấn đề đòi hỏi cấp ủy các cấp chú trọng. Vì đây là điều kiện để các đảng bộ xã, thị trấn vùng biển của tỉnh phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Các đảng bộ xã vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa đều thống nhất phương châm: Đẩy mạnh phát triển đảng viên bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng. Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị ở cơ sở, một tổ chức cơ sở đảng mạnh thì trước hết phải có lực lượng đảng viên mạnh, có đầy đủ tố chất nhiệt tình, đạo đức, năng lực, trình độ, trách nhiệm... Khi kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên sẽ tác động trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Lý giải về điều này, đồng chí Vũ Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Nga Tiến (Nga Sơn) cho biết, đảng ủy xã rất coi trọng chất lượng đầu vào của đảng viên. Bởi lẽ, đảng viên là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, là người nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đề xuất với chi bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nên đảng viên phải là người trách nhiệm, nhiệt tình, có năng lực. Năm 2015 trở về trước, bình quân hàng năm đảng bộ xã kết nạp từ 10 đến 12 đảng viên, nhưng đến năm 2016, xã chỉ kết nạp được 4 đảng viên, lý do không phải thiếu nguồn mà đảng ủy xã đều thống nhất lựa chọn những quần chúng thực sự ưu tú, có động cơ phấn đấu vào Đảng để cống hiến.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”. Đây cũng là một trong những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tinh thần của nghị quyết, thời gian qua, các đảng bộ vùng biển tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên. Theo đó, cấp ủy các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình của các tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, như: Đảng bộ huyện Hoằng Hóa ban hành Nghị quyết 06 về phát triển đảng viên mới; Quảng Xương tổ chức thảo luận 2 chuyên đề về phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; TP Sầm Sơn đang xây dựng đề án phát triển đảng viên thôn, phố...

Với nhiều giải pháp quan trọng, nhưng công tác tạo nguồn phát triển đảng viên các đơn vị vùng biển không đồng đều, có đơn vị vận dụng linh hoạt, cách làm sáng tạo, nhưng cũng còn đơn vị lúng túng trong chỉ đạo tạo nguồn phát triển Đảng. Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên ở địa phương, đồng chí Mai Đức Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tĩnh Gia cho rằng: Chi bộ phải là nơi phát hiện, nuôi dưỡng, tạo nguồn, phân công nhiệm vụ tại thôn để quần chúng có điều kiện phấn đấu; cấp ủy quan tâm, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là các đối tượng cảm tình Đảng, bảo đảm các đối tượng này luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, không bị lung lay trước các tác động bên ngoài. Cùng với  đó, mỗi đơn vị phải bám sát nhiệm vụ chính trị có  kế hoạch và lộ trình thực hiện.

Đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng Huyện - cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, Ban đã tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt quy định của Trung ương về công tác kết nạp Đảng. Đó là một quá trình gồm nhiều khâu, nhiều bước chặt chẽ, nghiêm túc: Từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức. Trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng phải được quan tâm, chú trọng nhất. Có làm tốt khâu tạo nguồn, bồi dưỡng tốt thì mới bổ sung được cho Đảng những người ưu tú, tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Trong công tác tạo nguồn, cần mở rộng nguồn nhưng chú trọng các đối tượng học sinh, sinh viên, ĐVTN, công nhân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số... Sau khi kết nạp, công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra phải được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, bảo đảm đảng viên sau khi vào Đảng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu, tiền phong đi đầu; kịp thời loại bỏ những đảng viên không đủ tiêu chuẩn. Có như vậy chất lượng đội ngũ đảng viên mới luôn được giữ vững; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mới được ngăn chặn. Tuy nhiên, một số bí thư chi bộ ở cơ sở cho rằng, cấp trên cần quan tâm hơn đến chế độ, chính sách đối với cán bộ thôn xóm, nhất là vùng đặc thù để khơi dậy lòng nhiệt thành, sức cống hiến và sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ; khuyến khích sự suy nghĩ sáng tạo, tạo điều kiện cho cán bộ trở thành người lãnh đạo và nhà quản lý giỏi.

Theo Phan Nga và Lê Hà/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu (21/09/2017-8:07)
  • Khó khăn nguồn đảng viên kế cận tại các chi bộ nông thôn (21/09/2017-8:00)
  • Gió ngàn Ta Leo (21/09/2017-7:49)
  • Vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh (15/09/2017-8:24)
  • Thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong thời kỳ mới (13/09/2017-7:59)
  • Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng (06/09/2017-14:57)
  • Qua hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (06/09/2017-14:53)
  • Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (06/09/2017-14:40)
  • Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)
  • Một chi bộ 15 năm liên tục đạt danh hiệu vững mạnh trong sạch (06/09/2017-14:34)