Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Những trưởng bản 8X nơi biên giới (25/09/2017-8:52)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng
Anh Ngân Văn Hồi, Trưởng bản Thủy Chung, xã Sơn Thủy (Quan Sơn)
chăm sóc rừng luồng của gia đình.
 

Đảm nhận chức vụ từ khi tuổi đời còn trẻ, những trưởng bản 8X ở các địa phương nơi biên giới phía Tây của tỉnh đã tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chống xâm canh, xâm cư, hạn chế tình trạng di cư tự do, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ bình yên nơi biên giới.

Trưởng bản Mông năng động

Trong chuyến công tác lên bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện vùng cao biên giới Mường Lát, giữa buổi trưa nắng nóng, chúng tôi bắt gặp chàng trai trẻ đang đi đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, anh là Thao Văn Xá, sinh năm 1989, Trưởng bản Pù Đứa. Anh Xá cho biết: Ở đây vào buổi trưa hoặc buổi tối bà con dân bản về nhà nghỉ mới gặp và vận động được, còn bình thường mọi người đi làm nương, rẫy. Thao Văn Xá sinh ra trong gia đình dân tộc Mông đông anh em, bố mẹ làm nương rẫy, trồng ngô, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thế nhưng vẫn tạo điều kiện cho Xá xuống thị trấn học hết THPT. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, Xá lên đường nhập ngũ vào Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Trong môi trường quân ngũ, Xá luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, bồi dưỡng và anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 2010, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Xá trở về quê hương lập nghiệp. Là một đảng viên trẻ, năng động, Xá tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương và tạo được uy tín đối với nhân dân trong bản. Sau một thời gian phấn đấu, anh được bà con trong bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Pù Đứa. Ở cương vị mới, Xá tiếp tục thực hiện công việc không biết mệt mỏi. Để giúp người dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu trong tang ma, cưới hỏi; chăm lo phát triển kinh tế, Xá đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động để người dân làm theo. Ngoài ra, Xá còn tập trung phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo để bà con dân bản noi theo.

Bản Pù Đứa có 53 hộ với 380 nhân khẩu là đồng bào Mông sinh sống. Từ năm 1965, bộ đội Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã vượt núi, băng rừng lên đỉnh núi Pù Ngố vận động đồng bào chuyển về bản Pù Đứa sinh cơ, lập nghiệp và khai hoang được 8 ha lúa nước, 70 ha lúa nương. Bình quân mỗi hộ có hơn 1,3 ha đất trồng lúa nên cái đói ở đây không còn nữa. Toàn bản có 200 con trâu, bò và 300 con lợn; 70 xe mô tô và cơ bản nhà nào cũng có tivi. Trưởng bản trẻ Thao Văn Xá, tâm sự: Ban đầu mới đảm nhận vai trò trưởng thôn, mình cảm thấy lo lắng, sợ vì trẻ tuổi quá nói người dân trong bản không nghe theo. Được sự động viên, ủng hộ của già làng, những người có uy tín và gia đình đã giúp mình có thêm nghị lực, quyết tâm phấn đấu. Mình hiểu rằng, muốn bà con dân bản nghe và làm theo thì mình phải là người đi đầu trong mọi việc, phải gần bà con hơn.

Già làng Thao Văn Nhia, người có uy tín ở bản Pù Đứa, cho biết: Thao Văn Xá tuy trẻ tuổi nhưng đã làm được nhiều việc tốt cho dân bản nên được bà con quý trọng, tin yêu. Cách đây khoảng 4-5 năm người dân trong bản nghe theo xúi giục của kẻ xấu ở ngoại biên, định di cư ra ngoài Bắc. Nắm được tình hình, trưởng bản đã cùng với cán bộ biên phòng thuyết phục bà con không đi theo người xấu. Đến nay, trong bản không còn tình trạng di cư tự do, bản Pù Đứa đã có nhiều thay đổi, cuộc sống dân bản ấm no.

31 tuổi, 8 năm làm trưởng bản

Không những là một trưởng bản năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của địa phương, anh Ngân Văn Hồi, sinh năm 1987, dân tộc Thái, Trưởng bản Thủy Chung, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn còn được nhiều người dân trong bản, trong xã biết đến như một tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng trở về, anh được người dân trong bản tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Thủy Chung, khi anh mới 22 tuổi. Là một cán bộ trẻ, anh luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và những người có uy tín trong bản về cách vận động, tuyên truyền để bà con trong bản đoàn kết, chung sức, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Anh Hồi luôn tâm niệm, là một người cán bộ phải luôn mẫu mực, có uy tín, nói để dân nghe và dân tin. Trưởng bản thì phải biết làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo để bà con noi theo. Anh Ngân Văn Hồi, cho biết: Ban đầu vợ chồng ra ở riêng chỉ có 2 ha luồng, 1 sào lúa nước, cuộc sống khá khó khăn. Với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng, anh đã tập trung cải tạo, chăm bón rừng luồng. Do thâm canh đúng kỹ thuật, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ Dự án phục tráng rừng luồng, nên rừng luồng của anh quanh năm xanh tốt. Giờ đây, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Hồi thu 60 triệu đồng lãi. Ngoài ra, anh còn đầu tư hơn 10 triệu đồng xây bể xi măng rộng 50m2 dẫn nước từ suối về nuôi cá nước ngọt. Với kinh nghiệm của mình, anh Hồi đã vận động bà con thay đổi hình thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác đồi rừng. Nhờ đó, anh đã tạo được niềm tin cho bà con, giúp nhiều hộ gia đình xóa được đói, giảm được nghèo.

Không chỉ tiên phong trong việc phát triển kinh tế gia đình, anh Hồi còn là một trưởng bản năng động, gương mẫu trong mọi công việc của bản. Trong các buổi họp bản, anh luôn chủ động đưa ra những gợi ý cho nhân dân phát biểu thảo luận dân chủ, tham gia góp ý cho lãnh đạo thôn... Vì vậy, các cuộc họp bản đều được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia các phong trào do địa phương phát động. Qua đó, phát huy được tính đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong bản; mọi gia đình đều biết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Bản Thủy Chung có 48 hộ, 262 khẩu, 100% là đồng bào Thái sinh sống; đến nay, đời sống của người dân trong bản ngày một đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Nhận xét về những “lãnh đạo 8X” ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nơi biên giới của tỉnh, đồng chí Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Đảng viên trẻ tham gia làm trưởng bản ở các địa phương miền núi của tỉnh, đây là đội ngũ tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các đề án chính sách về dân tộc miền núi thông qua các lớp tập huấn về triển khai thực hiện ở bản. Phần lớn họ có trình độ văn hóa và trải qua rèn luyện ở môi trường quân ngũ, năng động, tham gia khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tích cực bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn đoàn kết các dân tộc hai bên biên giới Việt - Lào.

Theo Lê Hợi/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Phát triển đảng viên vùng biển và những vấn đề đặt ra (21/09/2017-8:19)
  • Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu (21/09/2017-8:07)
  • Khó khăn nguồn đảng viên kế cận tại các chi bộ nông thôn (21/09/2017-8:00)
  • Gió ngàn Ta Leo (21/09/2017-7:49)
  • Vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh (15/09/2017-8:24)
  • Thực hiện nghiêm công tác bổ nhiệm cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong thời kỳ mới (13/09/2017-7:59)
  • Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng (06/09/2017-14:57)
  • Qua hơn hai năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (06/09/2017-14:53)
  • Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (06/09/2017-14:40)
  • Phát triển Đảng viên vùng đồng bào công giáo (06/09/2017-14:36)