Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
“Đổ máu” vì tin đồn trên mạng xã hội (26/09/2017-8:53)
    Ngày 22/7/2017, bà Lê Thị B. (40 tuổi, trú ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị P. (52 tuổi, ngụ huyện Ứng Hòa, Hà Nội), thành viên HTX tình thương Sơn Tây, đến xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm.

Ô tô của hai người đàn ông bị đốt cháy rụi ở xã Lạc Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương) do bị nghi ngờ thôi miên cướp tài sản. Ảnh: TL

Khi đang hỏi chuyện một cháu bé, họ bị một số người địa phương tri hô rằng họ đang dụ dỗ trẻ em để bắt cóc. Một người hô lên và rất nhiều người nghe thế là nhào ra vây đánh hai phụ nữ khiến họ phải nhập viện.

Bắt người, đánh đập, hủy hoại tài sản vì... tin đồn

Trước đó, sáng 13/7, một phụ nữ đi bán thuốc dạo tại phường Nghi Thủy (Cửa Lò, Nghệ An) bị một người dân địa phương dọa báo công an vì “nơi đây cấm bán hàng rong”. Người phụ nữ bỏ chạy. Thấy vậy, một số người dân cho rằng người này bắt cóc trẻ em nên hô hoán vây bắt. Dù trời mưa to nhưng hàng trăm người vẫn kéo đến đòi đánh “kẻ bắt cóc”.

Lực lượng công an sau đó phải có mặt để giải vây, đưa người phụ nữ về trụ sở làm rõ sự việc. Hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến trụ sở công an, nhiều người quay video tung lên mạng xã hội kèm thông tin “bắt được kẻ bắt cóc trẻ em bỏ vào bao tải”.

Không chỉ bắt người, đánh đập tàn nhẫn, có nơi cũng chỉ vì tin đồn bắt cóc đã vô cớ hủy hoại tài sản người khác. Tối 20/7, người dân ở xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) đốt rụi chiếc ô tô Toyota Fortuner của anh Trịnh Mạnh Hải (ngụ huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) vì nghi ngờ anh này thôi miên cướp tài sản của một phụ nữ bán đồ gỗ trên địa bàn. Theo anh Hải, khi bà chủ hiệu đồ gỗ hô hoán “bị thôi miên, cướp tài sản”, hàng trăm người dân đổ đến đòi đánh anh. Nếu lực lượng công an địa phương không ra sức bảo vệ, không chỉ chiếc ô tô tiền tỉ của anh Hải bị đốt cháy mà tính mạng của anh này cũng bị đe dọa.

Công an sau đó khẳng định không có căn cứ về việc “thôi miên, cướp tài sản”, người phụ nữ hô hoán bị “thôi miên” được cơ quan y tế giám định, kết luận sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đáng chú ý, ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng công an xã, huyện đã có mặt tại hiện trường để bảo vệ nạn nhân, nhưng không thể ngăn cản hàng trăm người dân quá khích đốt cháy chiếc ô tô. Những vụ việc phạm pháp nghiêm trọng ấy không phải cá biệt vì nó liên tiếp xảy ra trên nhiều địa bàn trong thời gian qua. Hầu hết các vụ việc sau khi cơ quan chức năng làm rõ, chỉ xuất phát từ những tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội...Vì sao có tình trạng ấy?

Mạng xã hội là môi trường tiếp tay cho tin đồn phát triển mạnh hơn, gây ra nhiều hệ lụy

Tin đồn thời mạng xã hội

Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, hành vi đánh người và hủy hoại tài sản là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Không ai có thể nhân danh bất cứ lý do gì để “tự xử” thay pháp luật. Chúng ta lên án những hành động như thế, nhưng ở góc độ xã hội, hiện tượng ấy cũng cần được lý giải để tìm các giải pháp ngăn chặn.

Các chuyên gia xã hội cho rằng, những thông tin bắt cóc trẻ em gần đây lan truyền trên mạng rất nhiều. Và kèm theo những bình luận, đồn đoán ác ý của một số kẻ cố tình “câu like”, những thông tin ấy gây ra phản ứng tiêu cực.

Khi người dân hoang mang, bất an, họ đã hành xử sai trái. Trong bối cảnh nhiều sự việc trắng đen, sai đúng chưa rõ ràng, thông tin mù mờ thật giả, thậm chí xuất hiện trên cả báo chí chính thống, thì lằn ranh giữa sự cảnh giác và hoài nghi, giữa tự vệ và bạo lực, giữa đúng và sai... đều rất mong manh.

Tất cả là do thiếu thông tin chính thống giữa lúc tin đồn thất thiệt có sức lan tỏa quá nhanh, quá nguy hiểm.

Hiện nay, dù chúng ta có nhiều biện pháp quản lý, song do các mạng xã hội phổ biến vốn là dịch vụ từ nước ngoài và người dùng nick ảo còn nhiều nên khó có cách ngăn ngừa triệt để tình trạng tung thông tin thất thiệt lên mạng xã hội.

Thực trạng này một lần nữa cho thấy, vai trò của công tác tuyên truyền chính thống để người dân cùng tự giác tham gia bảo vệ trật tự an toàn xã hội một cách đúng pháp luật đang đặt ra cấp thiết.

Nâng cao năng lực truyền thông

Tin đồn là hình thức tin tức giả được đưa ra không dựa trên sự thật khách quan, hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, dẫn dụ công chúng nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch hoặc hoàn toàn trái với sự thật.

Mạng xã hội là môi trường tiếp tay cho tin đồn phát triển mạnh hơn khi “cư dân mạng” - vô tình hay cố ý - nhân rộng thông tin, bình luận, chủ động rút bớt, thêm thắt, nhấn mạnh, hay sắp xếp lại nguồn tin ban đầu.

Tin đồn có thể được cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích, hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông do thiếu kiểm chứng thông tin hoặc phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin.

Nhà nước đã có nhiều giải pháp quản lý thông tin trên môi trường mạng xã hội bằng pháp luật, giáo dục, kỹ thuật. Và các cơ quan báo chí cũng nỗ lực dẫn dắt dư luận, định hướng công chúng đến những tình cảm tích cực, những hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng...

Tuy nhiên, so với mong muốn, những giải pháp ấy vẫn chưa đủ. Thiết nghĩ, hiện nay, cần tổ chức các hình thức giáo dục để nâng cao năng lực truyền thông cho công dân như đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông một số tiết về cách làm truyền thông và sử dụng truyền thông; đưa các hình thức bồi dưỡng kỹ năng dùng truyền thông xã hội cho các nhóm cộng đồng nhằm giúp người sử dụng mạng xã hội biết khai thác công cụ này một cách có trách nhiệm, có đạo đức và tuân thủ pháp luật.

Trên môi trường mạng xã hội, khi tiếp nhận thông tin, chúng ta phân biệt các loại tin tức qua các yếu tố: Thông tin ấy phục vụ ai? Phương thức thu thập và xử lý thông tin ấy như thế nào: có xác minh độc lập, có công bằng khách quan, có trả tiền để được thông tin hay không? Ai là người thực hiện thông tin ấy? Nguồn tin là ai, cơ quan tổ chức nào? Tác động, kết quả của thông tin ấy ra sao?

Trên nhiều mạng xã hội hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng các nút biểu cảm và hoạt động như like, love, angry hoặc share, retweet... Tham gia truyền thông xã hội đôi khi không cần phải đăng ảnh, video, viết thông điệp mà chỉ là một hành vi bấm nút “like” chọn nút “share”. Hành vi thích, chia sẻ của chúng ta - nếu không suy nghĩ chín chắn - có thể vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, thông tin có hại.

Vì thế, trước khi tham gia ứng xử trên môi trường mạng xã hội, chúng ta luôn đặt ra các câu hỏi: Thông tin ấy có gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo không? Thông tin ấy có tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc không? Thông tin ấy có tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định không? Thông tin ấy có xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nào không?

Theo Phan Văn Tú/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Thu cả chục nghìn tỷ, Quỹ bảo trì đường bộ tù mù chuyện chi? (26/09/2017-8:51)
  • Quyết giảm “gánh nặng”... họp! (25/09/2017-8:06)
  • Lạm dụng xã hội hóa (21/09/2017-21:41)
  • Phụ huynh khẩn thiết đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh (20/09/2017-8:16)
  • Thực lực, thực tài thì cần gì bằng cấp “không đúng qui định” (20/09/2017-8:15)
  • Đầu năm học mới: Phải trả lại những khoản lạm thu (19/09/2017-15:49)
  • Cán bộ sai phạm, người đứng đầu “vô can” là chưa ổn (18/09/2017-12:17)
  • Sự ỷ lại và giao dịch (18/09/2017-12:13)
  • Những con số chỉ mới nghe qua đã thấy… rụng rời! (16/09/2017-14:50)
  • Đừng khiến trẻ phải rời trường vì lạm thu! (14/09/2017-8:37)