Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Chặn bằng giả, níu niềm tin! (28/09/2017-22:58)
    Dùng bằng giả, “chạy” bằng cấp từ lâu đã bị xem là “vấn nạn” nhức nhối. Nhưng lạ một điều càng hô hào loại bỏ, “vấn nạn” này lại càng… gia tăng và những “tội phạm” sử dụng bằng giả vẫn nghênh ngang tự đắc với đời. Khi sự dối trá còn đất sống thì niềm tin trở thành cái gì đó quá đỗi xa xỉ.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Trăm năm trước, trong bài “Vịnh Tiến sĩ giấy” cụ Nguyễn Khuyến đã từng viết: “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/Nét son điểm rõ mặt văn khôi”. Chỉ một “mảnh giấy” mà cũng đủ làm rạng rỡ mặt mày. Vinh thân, phì gia cũng từ mảnh giấy con con ấy mà ra.

Còn ngày nay thì sao?

500 phôi bằng cấp các loại, cùng hàng trăm loại giấy tờ, bằng cấp giả của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên cả nước là tang vật trong một đường dây làm bằng giả bị Công an Hà Nội phanh phui hồi tháng 5/2017.

18 năm là số năm tồn tại của tấm bằng đại học của bà Nguyễn Thị Nga  – Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên. Từ  tháng 9/2017, tấm bằng cử nhân chính quy được cấp cho bà Nga đã bị ông Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội kí quyết định thu hồi vì bà này dùng bằng cấp 3 giả.

10 triệu đồng – Số tiền ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch xã Chu Phan (Mê Linh, Hà Nội) bỏ ra để mua được một tấm bằng cử nhân tại chức loại khá của trường Đại học Lao động – Xã hội.

21 tháng – là số thời gian để ông Nguyễn Xuân Anh học xong tiến sĩ ở Mỹ. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Ông Nguyễn Xuân Anh đã “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm”. Cụ thể, tấm bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Liệt kê ra như vậy để thấy, lớn như lãnh đạo thành phố trực thuộc trung ương, nhỏ như chức quan “bật mã ôn” ở xã… ai cũng có nhu cầu “làm đẹp” chính mình. Còn gì đẹp hơn vẻ đẹp của tri thức, nhất là khi nó được thể hiện đàng hoàng trong hồ sơ cán bộ.

Thử tưởng tượng 500 phôi bằng thu ở Hà Nội mà ra đường trót lọt, như vậy sẽ có 500 cá nhân có hồ sơ đẹp, đủ điều kiện để trèo cao, luồn sâu vào hệ thống các cơ quan, tổ chức, đàng hoàng ngồi làm việc và ban phát công bằng như bà Thẩm phán Nguyễn Thị Nga. Nhưng thành quách nguy nga tráng lệ có nghĩa lý gì khi được xây trên nền dối trá, mục ruỗng?

Nạn dùng bằng giả đã có từ lâu. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể nói nó bắt nguồn từ thói dối trá, đạo đức giả của cá nhân có nhu cầu. Chính sự “cẩu thả” của những người trực tiếp xét duyệt hồ sơ, tiếp nhận cán bộ đã tiếp tay cho những kẻ dối trá này. Thậm chí, không loại trừ việc hai đối tượng này cấu kết để phù phép, cộng sinh trong môi trường tha hóa, biến chất.

Thói hiếu danh thể hiện qua bằng cấp còn thể hiện một thực trạng đáng buồn của tâm lý xã hội, đó là nặng về chạy bằng cấp hơn là tiếp nhận kiến thức có thật, có ích cho chính mình. Thay vì hao tâm, tổn sức cho nghiên cứu, học hành, chỉ cần bỏ tiền là sẽ có ngay. Không tốn một giọt mồ hôi.

Đương nhiên, đã là thông lệ, bỏ tiền ra mua thì phải thu hồi vốn. Ngoài việc lợi dụng vị trí có được bằng giả để trục lợi thì làm gì còn cách nào khác để thu hồi vốn ấy.

Trong khi đó, khi các cơ chế giám sát chưa đủ chặt chẽ và minh bạch thì cơ chế xử lý lại khá nhẹ nhàng. Có một thực tế là những kẻ xảo trá, dùng bằng cấp giả khi bị phát hiện thì hình thức kỷ luật cao nhất cũng chỉ là cách chức, buộc thôi việc. Khi nền tảng đạo đức lung lay thì cần siết chặt các chế tài pháp luật.

Con tàu lớn đắm giữa biển khơi có khi chỉ vì một cái đinh tán han rỉ. Nhân dân mất niềm tin vào hệ thống chính trị có khi chỉ vì một vài cá nhân dối trá. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Những người chịu trách nhiệm trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan hành chính công dứt khoát phải là những người có đủ năng lực, nghiệp vụ và đạo đức. Chúng ta cần những ông tiến sĩ thật chứ không phải thứ đồ chơi của trẻ con mỗi độ Trung thu. Chặn bằng giả vì thế, không chỉ là chuyện cái bằng, mà là câu chuyện níu giữ niềm tin!

Theo Hoàng Lan/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Nóng hổi câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng (27/09/2017-22:21)
  • “Đổ máu” vì tin đồn trên mạng xã hội (26/09/2017-8:53)
  • Thu cả chục nghìn tỷ, Quỹ bảo trì đường bộ tù mù chuyện chi? (26/09/2017-8:51)
  • Quyết giảm “gánh nặng”... họp! (25/09/2017-8:06)
  • Lạm dụng xã hội hóa (21/09/2017-21:41)
  • Phụ huynh khẩn thiết đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh (20/09/2017-8:16)
  • Thực lực, thực tài thì cần gì bằng cấp “không đúng qui định” (20/09/2017-8:15)
  • Đầu năm học mới: Phải trả lại những khoản lạm thu (19/09/2017-15:49)
  • Cán bộ sai phạm, người đứng đầu “vô can” là chưa ổn (18/09/2017-12:17)
  • Sự ỷ lại và giao dịch (18/09/2017-12:13)