Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Không quản được thì... bỏ (03/10/2017-9:29)
    (NLBTH0 - Có lần bé nhà tôi hỏi: Ở bảo tàng có nhiều xác chết lắm hả bố! Tôi khen nó hiểu biết dù mới học tiểu học. Nhưng sau khi tán dương lại thấy không yên tâm. Chả lẽ nó đã hiểu cặn kẽ, biết bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật đã hoàn thành công năng, sứ mệnh lịch sử?
Những giờ học ngoại khóa của học sinh ở bảo tàng như thế này chưa được nhiều
nhà trường tổ chức (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Tôi kiểm tra lại xem có đúng nó hiểu như thế thật không, rồi giật mình.

Chả là có bạn trong lớp đề nghị cô giáo cho đến bảo tàng, bởi thấy trên chương trình truyền hình giới thiệu bảo tàng là một điểm đến trong chương trình học ngoại khóa, nhưng cô giáo bảo ở đó toàn xác chết ấy mà, đến làm gì - bé nhà tôi kể lại.

Nghe đến “xác chết” trẻ em thường sợ, tiêu tan luôn suy nghĩ.

Những cái đầu non nớt và trung thực, chúng cần sự giải thích rõ ràng, cặn kẽ, để hiểu thế nào là "xác chết" trong bảo tàng, chứ không phải là cách nói nửa vời, như sự hù dọa.

Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhiều năm nay có nội dung học sinh tham gia chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử - văn hóa, và bảo tàng là nơi chúng cần đến để hiểu thêm về lịch sử - văn hóa địa phương, nhưng chúng đã không được đến.

Không phải những đứa trẻ kia không thích, mà bởi giáo viên không quản được, lo sợ chúng sẽ gây ra những phiền phức cho nhà trường, cho mình, nên đành ở trường, chấp nhận “học chay” cho an toàn. Bảo tàng đã có chủ trương mời học sinh đến thăm bảo tàng miễn phí, nhưng chưa nhiều nhà trường hưởng ứng. Một số cán bộ ở bảo tàng kể về điều đó bằng một nỗi niềm, sự thất vọng của những người đã tâm huyết sưu tầm, bảo quản, trưng bầy hiện vật, nhưng chưa phát huy được tác dụng. Đưa học sinh đến tham quan bảo tàng biết là cần, nhất là trong giáo dục truyền thống, nhưng bởi chưa có sự hy sinh về thời gian, công sức của người quản lý chúng, nên bảo tàng gần đấy, có khi chỉ cách trường học chưa đến cây số, nhưng vẫn xa xôi.

Nghỉ hè nhà trường không quản lý học sinh, là thời gian phù hợp để những đứa trẻ đến bảo tàng. Nhưng nhiều phụ huynh vừa bận đi làm, lại giống giáo viên, cũng lo sợ sẽ quản lý những đứa trẻ hiếu động như thế nào khi ở bảo tàng hiện vật rất dễ hư hỏng, không được sờ nắm...

Mỗi khi rỗi người lớn thường có thói quen đưa con trẻ đi ăn uống, shopping ở siêu thị..., chứ vào bảo tàng thấy nó thế nào, chưa quen được. Bảo tàng vắng khách càng thêm thưa vắng bởi tư duy có phần ích kỷ của người lớn.

Một thiết chế văn hóa với nguồn kinh phí đầ tư lớn, nhưng bởi suy nghĩ không quản được nên bỏ cho lành, khiến nhiều trẻ em đang trở nên xa lạ với nơi chúng đáng được đến, đến nổi trong đầu chúng vẫn là suy nghĩ: “Ở bảo tàng kinh nhờ, toàn xác chết!”.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Quẩn quanh niềm vui ngắn hạn (02/10/2017-16:39)
  • Thông tin ảo, bức xúc thật, và sự thấu hiểu? (28/09/2017-23:06)
  • Thay đổi tư duy để bảo tàng “sống” khỏe (27/09/2017-22:27)
  • Ồn ào những tấm lòng vàng... (25/09/2017-8:15)
  • Câu hỏi mùa trung thu (21/09/2017-21:50)
  • Thoát nước “thất thủ” và câu hỏi trách nhiệm (18/09/2017-12:22)
  • Nâng cấp hạ tầng cần gắn với việc “thông tắc” ý thức (16/09/2017-15:06)
  • Chế tài mạnh cần có quyết tâm cao (15/09/2017-8:17)
  • Khát vọng sức mạnh nhưng không thể tùy tiện (12/09/2017-10:08)
  • Cần cởi bỏ tư duy... trang sức (11/09/2017-14:54)