Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn ở khu dân cư
Cần những giải pháp đồng bộ (05/10/2017-14:32)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó
khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi. Ảnh: Trần Hằng

Nội dung, hình thức sinh hoạt đơn điệu, nghèo nàn là thực trạng đã và đang diễn ra tại các chi đoàn trên địa bàn dân cư. Thực trạng này được các cấp bộ đoàn đề cập trong chương trình hành động hằng năm ở từng đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, việc tìm giải pháp khắc phục vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Sinh hoạt đơn điệu, hoạt động nghèo nàn

Đoàn xã Nga Hưng (Nga Sơn) có khoảng 400 đến 500 đoàn viên, sinh hoạt ở 7 chi đoàn địa bàn dân cư và 3 chi đoàn khối trường học. Được đánh giá là đoàn cơ sở vững mạnh, tuy nhiên, các đợt sinh hoạt định kỳ chỉ có khoảng trên 50% số đoàn viên tham gia. Mặc dù hoạt động có phần nổi bật hơn các đoàn xã khác, nhưng hình thức, nội dung sinh hoạt vẫn còn cứng nhắc, chưa có những mô hình hoạt động lôi cuốn đoàn viên. Hoạt động đoàn hàng tháng chủ yếu xoay quanh việc triển khai kế hoạch hoạt động của đoàn cấp trên, tuyên truyền các chủ trương của xã và tổ chức một số hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao.

Cũng như đoàn xã Nga Hưng, đoàn xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) được xếp loại vững mạnh, nhưng nơi đây lại không duy trì được việc tổ chức sinh hoạt định kỳ. Thường thì 2 - 3 tháng mới sinh hoạt một lần hoặc khi nào có việc thì bí thư đoàn xã thông báo cho các chi đoàn thôn, xóm tự tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) để triển khai công việc. Anh Trần Đức Nhâm, bí thư đoàn xã Hưng Lộc chia sẻ: Việc tổ chức sinh hoạt đoàn ở khu dân cư chủ yếu “theo mùa”, như: Tháng Thanh niên, Mùa hè tình nguyện... Vì đặc thù công việc của mỗi bạn khác nhau nên thời gian rảnh rỗi cũng khác nhau. Mặt khác, một số ĐVTN đi làm ăn xa, một số đoàn viên đã có gia đình nên không còn mặn mà với các hoạt động của chi đoàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng trên không chỉ tồn tại ở một vài đoàn cơ sở mà đang phổ biến ở rất nhiều tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh. Việc duy trì sinh hoạt đoàn hàng tháng không được thực hiện thường xuyên, thậm chí có đoàn cơ sở mỗi năm chỉ sinh hoạt  một vài lần, trong khi theo quy định của Điều lệ Đoàn, mỗi tháng các chi đoàn phải tổ chức sinh hoạt 1 lần. Thực tế này đã khiến cho hoạt động đoàn thiếu tính liên tục, không tạo nên sự kết nối giữa tổ chức đoàn và ĐVTN. Bên cạnh đó, dễ dàng thấy sinh hoạt đoàn tại các đoàn cơ sở hiện nay đa phần theo kiểu một chiều, chưa có sự tương tác giữa tổ chức đoàn và ĐVTN. Hay nói cách khác, tổ chức đoàn chỉ mới đề ra nhiệm vụ thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức, còn chức năng quan trọng là định hướng giáo dục, đồng hành cùng thanh niên chưa được quan tâm thỏa đáng.

Phải tự “làm mới mình”

Còn nhớ những năm trước đây, các cấp bộ đoàn thường đề ra chỉ tiêu thu hút ĐVTN cho các đơn vị trực thuộc với những con số cao ngất ngưởng. Điều này vô tình tạo áp lực chỉ tiêu, chạy theo thành tích với những báo cáo thiếu xác thực của các đơn vị. Nhận thấy những bất cập trên,  thời gian gần đây Tỉnh đoàn đã đề ra một số giải pháp mới để thu hút đoàn viên. Để nâng chất lượng hoạt động đoàn trên địa bàn khu dân cư, theo anh Phan Thanh Dũng, Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân: “Các đoàn cơ sở cần chú trọng đến chất lượng hoạt động là chính, không chạy theo số lượng; tập trung xây dựng đoàn viên nòng cốt để phát triển phong trào đoàn, tổ chức tập huấn cho bí thư chi đoàn thôn, xóm, tăng cường cán bộ ở các đoàn cơ sở trực tiếp xuống chi đoàn địa bàn dân cư để hỗ trợ”.

Giải pháp được đưa ra, nhưng việc nâng chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc xóa hội viên ảo. Vấn đề đặt ra là mỗi chi đoàn phải tự “làm mới mình” về cả nội dung lẫn cách thức sinh hoạt. Trong đó, từng con người trong chi đoàn phải thể hiện vai trò là những hạt nhân nòng cốt, mà trước hết là vai trò thủ lĩnh của bí thư đoàn. Người làm công tác đoàn hiện nay, nhiệt tình là chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự sáng tạo, nhạy bén, biết đề ra những nội dung, hình thức sinh hoạt mới mẻ, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và gần gũi, sâu sát với đời sống của ĐVTN. Bên cạnh đó, để vực dậy phong trào, một yêu cầu đặt ra là nội dung sinh hoạt phải đa dạng, những mô hình phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi ĐVTN. Nội dung tập trung theo chủ đề, chủ điểm, được ĐVTN quan tâm như vấn đề khởi nghiệp, xây dựng đời sống gia đình, tình yêu và hôn nhân...

Tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để họ cống hiến cho quê hương. Do đó, một khi tổ chức đoàn có thể xây dựng được những mô hình tư vấn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, lợi ích của tổ chức đoàn gắn liền với lợi ích của thanh niên, góp phần vào sự phát triển của địa phương thì việc thu hút thanh niên đến với tổ chức đoàn, hội không còn là chuyện khó. Hiện nay, tổ chức đoàn ở địa bàn dân cư cần đóng vai trò là “cầu nối” tập hợp thanh niên cùng ý tưởng thành lập các mô hình kinh tế, tổ hợp tác để ĐVTN có việc làm, ổn định cuộc sống gia đình.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Hầu hết các cán bộ đoàn cơ sở, ĐVTN, các bí thư chi đoàn khu dân cư mà chúng tôi gặp đều có chung nhận định: Chất lượng hoạt động của chi đoàn khu dân cư phụ thuộc vào sự năng động, quyết tâm vượt khó của đội ngũ bí thư chi đoàn. Ngoài năng lực công tác đoàn, cán bộ đoàn cấp trên cần đến với thực tế hoạt động của chi đoàn cơ sở hơn, để cùng sinh hoạt, cùng thấy những khó khăn của cơ sở; cần loại bỏ kiểu làm việc “chuồn chuồn đạp nước” để rồi không hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương  quan tâm đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên để  ĐVTN yên tâm gắn bó, tham gia hoạt động đoàn. Bên cạnh đó, vai trò của cấp ủy cơ sở rất quan trọng đối với hoạt động của chi đoàn. Nếu ở đâu cấp ủy  cơ sở quan tâm cùng với sự nhiệt tình, năng động của đội ngũ cán bộ đoàn thì hoạt động chi đoàn ở khu dân cư đó có hiệu quả, việc tập hợp thanh niên tham gia hoạt động đoàn trở nên sôi nổi, vững mạnh.

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn ở khu dân cư, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo ban thường vụ các huyện đoàn, thị đoàn, thành đoàn và đoàn trực thuộc đổi mới mô hình tiếp nhận đoàn viên về sinh hoạt tại địa bàn nơi cư trú, ký kết các chương trình phối hợp để tăng cường thông tin liên lạc giữa ban chấp hành chi đoàn nơi công tác và chi đoàn nơi cư trú; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, trong đó coi trọng công tác chọn lựa đội ngũ cán bộ đoàn ở khu dân cư, xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên cốt cán, nòng cốt trong các phong trào thanh niên, có sức ảnh hưởng đối với thanh niên; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ đoàn, hướng đến bồi dưỡng cho cán bộ đoàn hoàn thiện các kỹ năng tập hợp, thu hút thanh niên, giúp cán bộ đoàn gần gũi với ĐVTN và tập hợp thanh niên hiệu quả. Khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động của chi đoàn địa bàn dân cư; xây dựng các giải pháp để sắp xếp, tổ chức lại quy mô hoạt động chi đoàn cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn, đặc biệt trong khu vực dân cư  hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết. Muốn thực hiện thành công, một trong những yếu tố hàng đầu là đội ngũ cán bộ đoàn chủ chốt cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả, đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ hoạt động của ĐVTN khu vực dân cư. Cấp ủy, chính quyền cần tích cực lãnh đạo tạo điều kiện, giúp đỡ tổ chức đoàn thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia vào các hoạt động, phong trào của đoàn, giúp họ lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Theo Trần Hằng/Báo Thanh Hóa


 

Các tin khác:
  • Tâm huyết của người chiến sỹ quân hàm xanh kết nạp 107 đảng viên người dân tộc Mông (05/10/2017-14:29)
  • Thực hiện sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện (02/10/2017-14:36)
  • Xây dựng thôn, bản nông thôn mới ở miền núi: Khi “ý đảng hợp lòng dân” (25/09/2017-8:59)
  • Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát (25/09/2017-8:56)
  • Những trưởng bản 8X nơi biên giới (25/09/2017-8:52)
  • Phát triển đảng viên vùng biển và những vấn đề đặt ra (21/09/2017-8:19)
  • Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu (21/09/2017-8:07)
  • Khó khăn nguồn đảng viên kế cận tại các chi bộ nông thôn (21/09/2017-8:00)
  • Gió ngàn Ta Leo (21/09/2017-7:49)
  • Vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh (15/09/2017-8:24)