Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nỗi lo... phóng viên, cộng tác viên thường trú (Kỳ 2) (11/10/2017-8:16)
    Nhìn từ đời sống báo chí truyền thông hiện nay có thể thấy, không ít cơ quan báo chí chưa thực sự chú trọng khâu tuyển phóng viên thường trú.
Không ít cơ quan báo chí chưa thực sự chú trọng khâu tuyển phóng viên thường trú.
Ảnh minh họa

Điều đáng lo ngại là có hiện tượng, một số phóng viên thường trú không sống bằng lương và nhuận bút, mà được “thả” tự kiếm tiền bằng nhiều cách như “xin xỏ”, “vòi vĩnh”, “viết thuê”, thậm chí cả “đánh hội đồng”...

Khi doanh nghiệp không “chơi đẹp”...

Tình trạng “phóng viên A, phóng viên B, trước đây ở địa phương đã có những vi phạm đạo đức, nghề nghiệp, bị báo địa phương kỷ luật, các đồng nghiệp tẩy chay, rồi một ngày đẹp trời bỗng dưng trở thành phóng viên thường trú, đại diện của báo này, tạp chí kia ở địa phương. Một số người trong số họ cũng cắp cặp đi dự hội nghị tại địa phương, xin tài liệu đàng hoàng, khiến không ít người thấy “phản cảm”, làm ảnh hưởng tới hình ảnh người làm báo chân chính.

Hàng ngày, họ như những “con kền kền” đánh hơi trên báo, trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về một vài doanh nghiệp, tổ chức đang bị thanh tra. Những lời mời chào quảng cáo bằng thư, điện thoại được gửi tới đối tượng cùng những lời bóng gió đe dọa phanh phui trên báo, hoặc đưa ra lời hứa hẹn giúp doanh nghiệp thoát nạn bằng cách đăng các bài báo gỡ tội. Thông thường, họ rất nhã nhặn, song nếu gặp sự từ chối, họ sẵn sàng “nổi đóa”. Để “thị uy” các cơ sở, đơn vị, các phóng viên, cộng tác viên thường được giới thiệu là “phóng viên điều tra”, “đến điều tra sai phạm theo đơn thư bạn đọc”, “xác minh thông tin sai phạm về tài chính xảy ra tại đơn vị trong thời gian dài”...

Số phóng viên này, có nhiều người không phải là phóng viên chính thức, mà chỉ là cộng tác viên, được cấp giấy giới thiệu, một mặt đi lấy tin viết bài, mặt khác (thậm chí là nhiệm vụ chính) là “làm kinh tế cho báo”, làm được đến đâu thì hưởng hoa hồng đến đó.

Nguyên nhân trực tiếp là do một số báo có phóng viên, văn phòng thường trú các tỉnh, nhưng chưa hoặc không quan tâm được đến lương thưởng, chế độ, quản lý thiếu chặt chẽ, gần như thả nổi anh em muốn làm gì thì làm. Nhưng còn có một nguyên nhân khác, liên quan đến vấn đề kinh tế báo chí, khá phổ biến trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” của một số tờ báo đã được chia sẻ theo đầu người, trở thành áp lực nặng nề cho các cán bộ, phóng viên của họ, trong đó đương nhiên có cả bộ phận phóng viên thường trú.

Được biết, có báo giao chỉ tiêu khai thác quảng cáo cho phóng viên của họ rất cao. Điều này dẫn đến tình trạng các phóng viên tự sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo. Cũng có cả tình trạng xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, một số phóng viên, cộng tác viên thường trú liên kết với nhau, “đánh hội đồng” những cơ sở, doanh nghiệp nào “không biết điều”, “không chơi đẹp” với “anh em báo chí”.

Thanh lọc môi trường truyền thông

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 3/7/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã phối hợp các địa phương kiểm tra một số Văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí và đã có đề nghị chấn chỉnh một số sai phạm. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm.

Để chấn chỉnh tình trạng trên phải bắt đầu từ cơ quan quản lý báo chí hay cơ quan chủ quản? Không ai khác, cơ quan chủ quản của các văn phòng, phóng viên thường trú phải chịu trách nhiệm trước hết về những đứa con “hữu sinh vô dưỡng”của mình.

Tại Hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí ngày 10/8 ở Hà Nội, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, cơ quan chủ quản có vai trò quan trọng với quá trình hoạt động báo chí của cơ quan báo chí, ngay từ việc xác định tôn chỉ, mục đích, phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí để đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép thành lập. Việc một số nhà báo, phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí, không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo.

Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới báo chí. Tuy nhiên, trước hết mỗi nhà báo cần phải giữ mình trước những cám dỗ, rèn luyện bản lĩnh để “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” khi tác nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi các luồng thông tin đang ngày càng khó kiểm soát, việc đẩy mạnh xử lý sai phạm để làm trong sạch nền báo chí, ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng hơn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

 

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-tho.jpg

NHÀ BÁO QUANG THỌ
PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ BÁO NHÂN DÂN TẠI QUẢNG NINH:

Nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm nghề nghiệp của mình

Trong những tháng năm làm báo đã rèn luyện cho tôi có được bản lĩnh vững vàng, cho dù tác nghiệp ở môi trường nào. Tôi tin rằng, độc giả sẽ không chấp nhận những nhà báo tự cho mình có quyền muốn “uốn” cây bút thế nào cũng được, bởi lúc đó họ sẽ tự đánh mất mình, đánh mất cái uy và quyền lực của người cầm bút. Làm báo cũng giống như mọi nghề trong xã hội, cần bắt đầu từ cái tâm và cái đức của người cầm bút. Cái tâm chính là đạo đức nghề nghiệp. Người cầm bút mà cái tâm không trong sáng thì từ hành động, lời nói đến trang viết sẽ lệch lạc vì những mục đích cá nhân, bán rẻ nhân cách của mình.

Phóng viên thường trú luôn phải nhận thức rõ khi tác nghiệp cũng như khi viết báo bao giờ cũng đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu, tự khẳng định mình bằng các tác phẩm báo chí và kiên quyết chống tinh thần “địa phương hóa”, thái độ thỏa mãn trong bài viết theo kiểu chỉ nêu những thành tích, mặt tích cực của địa phương thường trú, có thái độ bao che, bênh vực cho những việc làm tiêu cực của tập thể, cá nhân tại các địa phương.

 

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-nghia.jpg

NHÀ BÁO TRẦN VĂN NGHĨA
ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TỈNH GIA LAI:

Tăng cường quản lý Nhà nước về hội viên, nhà báo

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 24 cơ quan báo chí địa phương, báo chí Trung ương, Hội, Ngành - đoàn thể có phóng viên và Văn phòng thường trú đã làm tốt công tác tuyên truyền thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; quảng bá hình ảnh Gia Lai với cả nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp hoạt động không đúng quy định pháp luật về báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như: Đưa thông tin thiếu tính xây dựng, thông tin sai sự thật đã khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng uy tín của đội ngũ các nhà báo chân chính.

Những việc làm vi phạm pháp luật và đạo đức của một số phóng viên đã gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Thậm chí, một số nhà báo, phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí” hoặc nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là để nhũng nhiễu doanh nghiệp...

Hội Nhà báo, “ngôi nhà chung” của những người làm báo trong tỉnh cần phải tổ chức quán triệt đầy đủ không chỉ cho cán bộ, phóng viên, những người làm báo chuyên nghiệp mà còn cho đội ngũ cộng tác viên về Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý Nhà nước về hội viên và nhà báo; các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú phải thực hiện đúng những quy định do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh đề ra. Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai sẽ đi đầu trong công tác giáo dục, bồi dưỡng đi đôi với kiểm tra hội viên. Đó chính là công việc cấp thiết và thường xuyên hiện nay.

 

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/noi-lo-phong-vien-cong-tac-vien-thuong-tru-mr-bao.jpg

NHÀ BÁO DƯƠNG TÔN BẢO
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO KON TUM:

Nâng cao tinh thần tự giác

Trong nhiều năm qua, tỉnh Kon Tum không có tình trạng phóng viên thường trú tại tỉnh hoặc nhà báo của địa phương vi phạm Luật Báo chí; có những hành vi lợi dụng nghề nghiệp để tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật...

Để đạt được kết quả này là do hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức giao ban báo chí định kỳ, mời đầy đủ đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương và phóng viên thường trú, cơ quan đại diện báo chí của Trung ương tham dự, qua đó cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo đã vận động và các phóng viên thường trú đều tự giác tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh trong Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo, đồng thời Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức cho toàn thể Hội viên học tập Luật Báo chí năm 2016, phổ biến quán triệt và thường xuyên phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhắc nhở nhà báo, hội viên thực hiện nghiêm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam cho toàn thể Hội viên và nhà báo thường trú tại tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thông báo cho UBND các huyện, thành phố, các sở, ban ngành của tỉnh danh sách các phóng viên các cơ quan báo chí khác đăng ký tác nghiệp không thường xuyên tại tỉnh để theo dõi, quản lý...

Theo Ngọc Thành - Thùy Dung/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Nỗi lo... phóng viên, cộng tác viên thường trú (Kỳ 1) (11/10/2017-8:13)
  • Đình bản 3 tháng báo Sức khỏe Cộng đồng (09/10/2017-8:02)
  • Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo trẻ Lai Châu (06/10/2017-20:03)
  • Sáp nhập Tạp chí Tia Sáng vào Báo Khoa học Phát triển (06/10/2017-20:01)
  • Không để tình trạng mạng xã hội dẫn dắt báo chí (06/10/2017-7:54)
  • Ra mắt trang tin phongvien.vn (05/10/2017-23:09)
  • Ghi nhận đường hỏng, phóng viên bị đe dọa (05/10/2017-11:38)
  • Đào tạo biên tập viên báo chí trong môi trường truyền thông số (04/10/2017-22:58)
  • Tăng cường chấn chỉnh hoạt động báo chí trên địa bàn Thanh Hóa (04/10/2017-8:14)
  • “Nạn” sao chép trên báo mạng điện tử (03/10/2017-20:46)