Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Triển khai các giải pháp ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra (12/10/2017-8:22)
    Tối 11/10, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
chủ trì cuộc họp
 

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Vụ Đê điều (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh... cùng tham dự.

Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã báo cáo tình hình mưa lũ do áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gây ra, những thiệt hại nặng nề cũng như công tác triển khai ứng phó.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ ngày 9 đến ngày 11-10, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm. Lượng mưa lớn nhất đo được tại Bát Mọt (Thường Xuân) là 599 mm, Lý Nhân (Yên Định) là 490 mm, Cửa Đạt (Thường Xuân) là 474,5mm... Hiện nay, mực nước sông Cầu Chày, sông Bưởi, sông Chu, sông Mã... vẫn đang tiếp tục dâng cao.

Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức sơ tán dân sinh sống ở khu vực trũng, thấp, nguy cơ sạt lở cao, với tổng số 7.351 hộ.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 17h ngày 11-10, toàn tỉnh có 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích, 39 nhà sập hoàn toàn, 6.103 nhà bị ngập, 9 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Có 423 ha lúa bị ngập; 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi; 5.541 ha ngô bị ngập, đổ, gãy; 573 ha mía bị thiệt hại; 14.537 ha rau màu bị ngập, hư hỏng; 142 ha cây ăn quả bị ngập; 1,5 ha cây công nghiệp bị đổ, gãy; hơn 4.789 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 1.128 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 6 đập dâng nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 6 đập đất bị sạt lở; 7 hồ nhỏ và 514 m bị sạt lở; 119 m kênh mương sạt lở, hư hỏng; 5 cống bị hư hỏng; 311 m đê bị vỡ, sạt lở. Quốc lộ 217 bị sạt lở 1.200m3... đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở hàng nghìn m3; 25 cột điện bị đổ.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho rằng, công tác di dân ở các huyện miền núi còn bị động, lúng túng; chính người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là. Đây là vấn đề cần được tuyên truyền và khắc phục kịp thời. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề nghị các ngành, các địa phương phải chuẩn bị phương án phòng tránh thiệt hại mưa lũ theo các mức dự báo.  Các địa phương phải chủ động trong công tác di dân. Với hồ Cửa Đạt, mực nước hồ đang xuống nhanh, cần lưu ý hạ mức xả lũ để bảo đảm cho vùng hạ du; hồ sông Mực chưa cần thiết phải xả lũ. Về hệ thống đê điều, theo phân cấp, Chi cục Đê điều và Phòng tránh lụt bão đốc thúc các địa phương phải tổ chức trực canh 24/24h... Riêng vấn đề thiệt hại về người, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, cho biết: Trong các trường hợp tử vong, có một số trường hợp có nguyên nhân chủ quan như: Đi đánh cá bằng kích điện, cố tình đi qua các tràn khi mực nước lên cao và đang chảy xiết, đi vớt củi trong nước lũ... Do đó các địa phương lưu ý tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến ghi nhận tinh thần chủ động ứng phó với bão lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành, các địa phương. Đồng chí yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành liên quan, các địa phương rà soát lại giải pháp di dân, các phương án hậu cần, không được chủ quan, lơ là, tìm cách giảm thiệt hại mưa lũ ở mức thấp nhất. Công tác trực, gác canh đê cần được tập trung cao độ, tránh không để tình trạng xảy ra sự cố đê. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh tập trung cao, huy động lực lượng, phương tiện, triển khai việc di dân ở các triền sông một cách nhanh nhất, tuyệt đối không để hộ dân nào ở lại. Nếu  để xảy ra chết người ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.

Với vùng miền núi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để di dân đến nơi an toàn; tại địa điểm mới, các địa phương và UBND tỉnh bảo đảm lương thực, nước uống tối thiểu trong 3 ngày cho nhân dân. Các lực lượng hỗ trợ của tỉnh rà soát lại số xuồng, thuyền, bè để có phương án sẵn sàng ứng phó khi có đề nghị chi viện. Ở những khu vực nguy hiểm, có thể cho học sinh nghỉ học,  bố trí thời gian học bù sau. Tại tất cả ngầm, tràn, suối nguy hiểm, phải có biển báo nguy hiểm, có lực lượng trực gác.

Về hồ đập, hiện mực nước cơ bản đã đạt hoặc vượt ngưỡng thiết kế nên các đơn vị thủy nông phải tổ chức vận hành theo thẩm quyền quy định. Phải tập trung lực lượng canh gác và sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh ở các hồ đập. Riêng hồ Cửa Đạt, cho giảm dần lượng xả nước xuống vùng hạ du, chỉ xả bằng lượng xả hồ Hủa Na (Nghệ An) xả về. Với các cống điều tiết nước trên địa bàn tỉnh, phải có sự điều hành theo quy trình mà UBND tỉnh  đã phê duyệt. Toàn bộ hệ thống đê điều, phải được duy trì tuần tra, canh gác 24/24h, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố ngay từ giờ đầu; đặc biệt chú ý những điểm đã xảy ra sự cố những năm trước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chuẩn bị nước đóng chai, lương khô, mì tôm để sẵn sàng hỗ trợ cho nhân dân vùng ngập lụt. Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Y tế chuẩn bị thuốc xử lý vệ sinh môi trường khi nước rút. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị phương án khôi phục sản xuất vụ đông, trong đó có phương án hỗ trợ giống, vật tư để bà con tái sản xuất ngay sau khi nước lũ rút.

Theo PV/Báo Thanh Hóa

 

Các tin khác:
  • Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương (12/10/2017-8:15)
  • Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động xây dựng hội CCB trong sạch, vững mạnh (12/10/2017-7:00)
  • “Làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” . (11/10/2017-16:49)
  • “Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy: Chắc chắn phải có sự hy sinh (11/10/2017-8:11)
  • Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (09/10/2017-7:58)
  • Sửa Nghị định bịt kẽ hở cổ phần hóa (09/10/2017-7:53)
  • Tăng cường giao thương, mở rộng kết nối để tiêu thụ sản phẩm (07/10/2017-21:53)
  • Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ tiêm thuốc an thần vào heo (06/10/2017-19:59)
  • Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa gặp mặt doanh nghiệp tại thành phố Heidelberg, CHLB Đức (06/10/2017-14:23)
  • Chính phủ yêu cầu xóa bỏ ít nhất 1/3 điều kiện kinh doanh (05/10/2017-23:12)