Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo và “thợ viết” (13/10/2017-7:44)
    “Nhà báo” là một danh từ nghề nghiệp chỉ những người thường xuyên lấy công việc viết báo là sự nghiệp trong cuộc đời mình.
Để trở thành “nhà báo” theo đúng nghĩa trong sáng của nó là cả một quá trình rèn luyện,
trau dồi cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ,
phương pháp và tác phong của người cầm bút

Nhìn từ góc độ xã hội, “nhà báo” còn là một danh hiệu nghề nghiệp bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cũng như nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo... và nói chung những ai làm nghề có gắn với từ “nhà”đều là những người tâm huyết, gắn bó sống chết với nghề, tận tâm, tận lực sáng tạo và cống hiến hết mình cho đất nước và xã hội.

Sáng tạo của nhà báo

Một trong những tiêu chí cơ bản nhất để nhận diện, phân biệt anh có phải là nhà báo thực thụ hay không chính là quá trình lao động sáng tạo. Trên thực tế, các công việc liên quan đến hoạt động trí tuệ đều yêu cầu, đòi hỏi con người ta có ý thức và tinh thần sáng tạo, vì có sáng tạo mới tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động cao. Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng, vai trò của báo chí và người làm báo, sự sáng tạo sẽ là yếu tố bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của mỗi tờ báo nói chung và bản thân mỗi nhà báo nói riêng.

Nhà báo có ý thức và tinh thần sáng tạo là người biết dấn thân, tự đổi mới và bứt phá chính mình trên từng trang viết; không bao giờ bằng lòng với những gì đã có, đã đạt được mà luôn luôn cầu thị, thường xuyên trau dồi ý chí phấn đấu, rèn luyện ngòi bút, tích cực sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hay để phục vụ công chúng.

Đối với nhà báo có ý thức sáng tạo, từ việc sử dụng ngôn ngữ, câu từ đến kết cấu, bố cục bài viết không chỉ bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ, thống nhất về quy phạm, mà ý tứ, văn phong, văn vị, văn khí, văn sắc luôn có sự biến đổi linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, tạo sức hút như “ma lực” hấp dẫn đối với công chúng. Tính sáng tạo của người cầm bút còn thể hiện ở con mắt tinh tế, nhạy cảm trong phát hiện, khai thác đề tài; sắc sảo trong lập luận, lý giải, phân tích, bình luận và định hướng vấn đề và khả năng chuyển tải ý định nội dung một cách khéo léo, sinh động.

Người viết báo sáng tạo còn biết “tác chiến” trên nhiều thể loại đa dạng, phong phú mà không “đóng khung, bó hẹp” trong phạm vi, giới hạn của một vài thể loại báo chí thông thường mà một cây bút “tầm tầm” cũng có thể thể hiện “thông đồng bén giọt” được. Tuy nhiên, dù có tính sáng tạo đến đâu cũng phải tuân theo một khuôn phép “bất biến”, đó chính là tôn trọng và bảo đảm tính khách quan, sự thật của vấn đề, sự kiện, nội dung đề cập, tuyên truyền, phản ánh; không lạm dụng, lợi dụng khả năng “thiên biến vạn hoá” của ngòi bút để làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt và phẩm chất trung thực của người làm báo.

Cái tài của nhà báo thể hiện rõ nét và sinh động nhất ở khả năng sáng tạo, nhưng sự sáng tạo đó cần đặt trên nền tảng của một lập trường cách mạng đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức công dân cao cả và đạo đức nghề nghiệp lành mạnh. Tính sáng tạo sẽ góp phần làm nên nhân cách, vị thế, uy tín của nhà báo và “thương hiệu” của người cầm bút cũng từ đó mà lan tỏa, thấm sâu trong trái tim và ký ức công chúng; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm của tòa soạn và thúc đẩy cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, tiến bộ.

Tính sáng tạo của người cầm bút còn thể hiện ở con mắt tinh tế, nhạy cảm trong phát hiện,
khai thác đề tài

Những bài báo đơn điệu, thiếu sức sống

Khác với “nhà báo”, những người cầm bút chỉ biết phản ánh những thông tin đơn giản, đơn thuần mà không chịu khó tăng cường đầu tư công sức, trí tuệ để viết nên những tác phẩm báo chí tốt thì họ được gọi là “thợ viết”.

Cũng như “thợ xây”, “thợ mộc”, “thợ lò rèn” và nói chung những người làm nghề có gắn với từ “thợ”, yếu tố sáng tạo không được chú trọng thường xuyên vì mục đích công việc chính của họ là làm ra những sản phẩm giống nhau và thông qua lao động thủ công, cơ bắp là chủ yếu.

“Thợ viết” thường là người ít suy nghĩ, thiếu tìm tòi, không quan tâm rèn luyện ngòi bút ngày càng thêm “sáng và sắc”, không siêng năng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ. Biểu hiện dễ nhận thấy ở các “thợ viết” là dựa vào “báo cáo, văn bản” để viết bài; nội dung thông tin, tuyên truyền, phản ánh không sinh động, phong phú; hình thức thể hiện xuôi chiều, khả năng diễn đạt đơn điệu và “chất văn”, “chất báo” trong tác phẩm nghèo nàn, hạn chế.

“Thợ viết” khó có thể sống lâu trong trí nhớ công chúng vì sản phẩm của họ vẫn “ra lò” đều đặn, mà bài nào cũng “rưa rứa, từa tựa” như nhau. Viết như thế thì làm sao có thể tạo nên một cá tính, một phong cách đặc trưng của người cầm bút? Người làm báo nếu chỉ “ăn theo, nói leo” vấn đề, sự kiện mà không có chính kiến bằng ngòi bút sáng tạo của mình thì chả khác mấy anh “thợ viết” hàng ngày “làm công, ăn lương” đơn điệu mà thôi!

“Nhà báo” và “thợ viết” cũng là người cầm bút, nhưng họ khác nhau ở thái độ, ý thức, tinh thần, trách nhiệm, khả năng làm việc và chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Nhà báo đích thực sẽ sáng tạo ra nhiều tác phẩm báo chí chân chính để phục vụ công chúng. Ngược lại, “thợ viết” là người “chắp bút” đơn thuần và cho ra đời những bài báo tuy “tròn trịa” về ngữ pháp, câu cú song nội dung “nhàn nhạt, hời hợt” và ít có ý nghĩa, giá trị. Vì vậy, phấn đấu để trở thành “nhà báo” theo đúng nghĩa trong sáng của nó là cả một quá trình rèn luyện, trau dồi cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp và tác phong của người cầm bút./.

Theo Thiện Văn/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Trao giải báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân 2017 (13/10/2017-7:42)
  • Nhà báo Đỗ Phượng - một cây bút được nể trọng (13/10/2017-7:40)
  • Báo chí và mạng xã hội nhìn từ góc độ đạo đức nghề nghiệp người làm báo (13/10/2017-7:36)
  • Thế giới không phẳng và những “bẫy câu view” vô đạo đức (12/10/2017-10:15)
  • Sập cầu tại Yên Bái, một phóng viên TTXVN bị nước cuốn mất tích (12/10/2017-8:12)
  • Nỗi lo... phóng viên, cộng tác viên thường trú (Kỳ 2) (11/10/2017-8:16)
  • Nỗi lo... phóng viên, cộng tác viên thường trú (Kỳ 1) (11/10/2017-8:13)
  • Đình bản 3 tháng báo Sức khỏe Cộng đồng (09/10/2017-8:02)
  • Ra mắt Câu lạc bộ Nhà báo trẻ Lai Châu (06/10/2017-20:03)
  • Sáp nhập Tạp chí Tia Sáng vào Báo Khoa học Phát triển (06/10/2017-20:01)