Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đánh giá tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ (17/10/2017-7:54)
    Ngày 16.10, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã họp để đánh giá tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, phó Bí thư Tỉnh uỷ; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh.

Trong đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, mặc dù tỉnh đã chủ động, quyết liệt và chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó, tuy nhiên, do lượng mưa trong các ngày từ 9 – 11/10 trên địa bàn tỉnh quá lớn. Tổng lượng mưa phổ biến từ 300 – 400mm, có nơi lên đến 500, 600 mm như Lý Nhân, Cửa Đạt, Bát Mọt… Mực nước các sông ở Thanh Hoá đều báo động 3 và trên mức báo động 3; tất cả các hồ, đập đều vượt ngưỡng thiết kế. Do vậy, Thanh Hoá đã bị lũ, lụt trên diện rộng. Nhiều địa phương đã bị ngập lụt nặng nề và cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tỉnh đã phải di dời trên 18.500 hộ dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đến ngày 16/10, vẫn còn hàng trăm hộ dân ở các huyện trong tỉnh bị cô lập. Trên địa bàn tỉnh có 16 người chết, 05 người bị thương và 5 người mất tích. Nhiều tuyến đường giao thông, cầu cống bị hư hỏng nặng nề; nhiều tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng; Diện tích vụ đông và nuôi trồng thuỷ sản bị mất trắng.

Tại hội nghị, sau khi nghe các đại biểu thảo luận đánh giá tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới, những thiệt hại mà tỉnh phải gánh chịu, kết quả công tác khắc phục hậu quả về đê điều, đường giao thông, cầu cống, công trình thuỷ lợi đến thời điểm hiện tại, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định: Đợt áp thấp từ ngày 9 – 12/10 vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hoá và tỉnh bị thiệt hại rất nặng nề.  Đợt mưa lần này, lượng mưa ở nhiều địa phương lớn hơn 2007 – năm xảy ra trận lũ lịch sử. So với đỉnh lũ năm 2007, đỉnh lũ ở sông Yên vượt 1,96m ; sông Cầu Chày vượt 1,26m. Rất may là tất cả các điểm đê gặp sự cố trong trận lũ năm 2007 đều đã được Trung ương cho đầu tư, sửa chữa. Tuy nhiên, trận lũ lụt lần này vẫn làm cho nhiều tuyến đê quan trọng của tỉnh bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn bị vỡ, đe dọa đến an toàn đê.

Do vậy, các ngành chức năng phải nhanh chóng tổng hợp số liệu, báo cáo Chính phủ quan tâm, xem xét, hỗ trợ kịp thời để Thanh Hoá xử lý khẩn cấp những sự cố vừa xảy ra, đảm bảo các tuyến đê an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Đồng chí Bí thư đánh giá: Trong đợt ứng phó với áp thấp lần này, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khá tốt nên giảm thiểu được thiệt hại. Đồng chí đặc biệt ghi nhận sự điều hành linh hoạt trong việc xả lũ hồ Cửa Đặt và biểu dương sự chủ động, trách nhiệm của các huyện trong ứng phó với lũ lụt và khắc phục các sự cố, đặc biệt là huyện Thọ Xuân. Đồng chí đánh giá cao quyết định kịp thời của lãnh đạo tỉnh; sự hy sinh tài sản của Công ty miền Tây và Công ty Tiến Đạt trong việc đánh chìm chiếc máy ủi, hàn khẩu ngay miệng cống Quang Hoa, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân xử lý hiệu quả sự cố vỡ đê sông Cầu Chày, nếu không thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ biểu dương Quân đội, Công an, Biên phòng đã huy động tối đa lực lượng, trực 24/24 tập trung ứng phó với lũ lụt, cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong các vùng bị lũ lụt, chia cắt và hiện tại đang hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực, ứng phó hiệu quả mưa lũ. Phê bình, kiểm điểm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ trương của tỉnh là các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong thời gian từ 5 – 7 ngày tới phải khắc phục cơ bản hậu quả lũ lụt để đưa tất cả các hoạt động của tỉnh trở lại bình thường.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Thanh Hoá bị thiệt hại rất lớn về người. Vì vậy, phải tập trung huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích. Các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát với các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích và đảm bảo mọi chế độ cho các hộ. Những vùng còn bị ngập, bị cô lập phải đảm bảo nước uống, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, tuyệt đối không để người dân nào bị đói.

Đối với những địa phương nước đã rút, phải lãnh đạo, chỉ đạo, vận động từng người dân trong vùng bị ngập úng tự làm sạch gia đình mình, ngõ xóm mình và huy động các tổ chức đoàn thể hỗ trợ bà con nhân dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Tỉnh sẽ cung cấp đầy đủ thuốc men, hoá chất để các địa phương xử lý môi trường.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại về cơ sở hạ tầng để tập trung khôi phục. Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đê, điều, kè cống, đường giao thông bị sạt lở báo cáo Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục. Các ngành khác nhanh chóng thống kê chính xác thiệt hại để báo cáo Trung ương tổng hợp, xử lý. Yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường kiểm tra các điểm sạt lở nếu liên quan đến việc khai thác cát sẽ xử lý nghiêm khắc. Hiện tại, phải dừng tất cả các hoạt động khai thác cát trên địa bàn để tập trung khắc phục các sự cố.

Tiếp tục phân công các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, các Phó Chủ tịch UBND đi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 trong thời điểm này. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; có kế hoạch điều phối các đoàn cứu trợ hợp lý để mọi người dân đều nhận được lượng thực, thực phẩm và quà hỗ trợ trong lúc khó khăn, thiếu thốn.

Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương về chính sách hỗ trợ người thiệt mạng, bị thương, mất tích trong mưa lũ và một số chính sách về hạ tầng, khôi phục sản xuất… Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được lợi dụng tình hình lũ lụt để trục lợi, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc./.



Theo Việt Hà - Đức Tình/Đài PTTH Thanh Hóa

 

Các tin khác:
  • Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng tiếp, làm việc với đoàn doanh nghiệp Singapore (17/10/2017-7:40)
  • Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tạiThanh Hóa (16/10/2017-7:39)
  • Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ tại Nông Cống (14/10/2017-21:04)
  • Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt (13/10/2017-20:52)
  • Bão số 11 đổi hướng và có khả năng sẽ mạnh lên cấp 13 (13/10/2017-20:47)
  • Nói chuyện chuyên đề về sức khỏe, vẻ đẹp và sự tinh tế (13/10/2017-11:21)
  • Đề nghị tổng rà soát tiêu chuẩn, bằng cấp khi bổ nhiệm cán bộ (12/10/2017-10:19)
  • “Kỷ luật cán bộ không khỏi đau xót nhưng rất cần thiết” (12/10/2017-10:16)
  • 51 người chết và mất tích vì mưa lũ kinh hoàng (12/10/2017-10:12)
  • Triển khai các giải pháp ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra (12/10/2017-8:22)