Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thanh Hóa:
Cần sự đồng thuận để tinh gọn bộ máy (06/11/2017-8:38)
    (NLBTH0 - Toàn tỉnh hiện có 5.971 thôn, tổ dân phố, và mỗi thôn, tổ dân phố có bình quân 10 cán bộ hoạt động không chuyên trách.
Cán bộ thôn, bản xuống địa bàn họp cùng dân (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Đáng nói, trong số đó có tới 3.733 thôn, tổ dân phố, chiếm tới 62,5% chưa đạt tiêu chí dân cư theo quy định tại Thông tư số 04/2012TT-BNV của Bộ Nội vụ. Có thôn chỉ có 13 hộ với 71 nhân khẩu nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể, tổ chức xã hội.

Thực trạng này không chỉ gây khó khăn trong huy động nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gây ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới, mà còn không tạo được sức mạnh trong cố kết cộng đồng, trong xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các phong trào thi đua, từ đó dễ làm mất đi truyền thống lịch sử - văn hóa, tính cạnh tranh.

Phải khẳng định, hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hạn chế từ sự dàn trải này là không hề nhỏ. Đó là khó khăn trong lãnh đạo, điều hành, áp lực lên ngân sách cũng như sức đóng góp của dân để nuôi bộ máy.

Yêu cầu sáp nhập thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn không chỉ để quản lý tốt hơn, còn tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, sinh hoạt, tăng tính cạnh tranh, sự cố kết trong thực hiện các phong trào thi đua...

Ngày 18/9/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Tiếp đó, ngày 25/10/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn với mục tiêu giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố, tương ứng 20% so với hiện nay. Đây là quyết tâm lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh phải nỗ lực thực hiện để dân hiểu, cán bộ thông.

Các chức danh kiêm nhiệm ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp, với nhiều người là khoản thu nhập ổn định. Trưởng thôn, tổ dân phố cũng ít nhiều có tiếng nói trong xác nhận vào các đơn, nguyện vọng của dân hay tham gia vào giải phóng mặt bằng, triển khai các chế độ, và ở góc độ nào đó, nó được xem như đặc quyền. Sáp nhập, tinh gọn bớt thôn, tổ dân phố sẽ khiến nhiều người mất thu nhập, không còn đặc lợi. Nếu không tuyên truyền tốt để họ nhận ra cái lợi lớn cho tỉnh, cho sự phát triển, thì khó để có sự hy sinh.

Chỉ tạo được thống nhất cao về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân mới tinh gọn được bộ máy cơ sở, và cách thức phù hợp chính là đẩy mạnh công tác dân vận, đa dạng hình thức tuyên truyền.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Nhìn vào án phạt để điều chỉnh (03/11/2017-7:52)
  • Xin đừng chạy theo thứ phú quý phù du (31/10/2017-8:09)
  • Siết lại việc kiểm tra kê khai tài sản (29/10/2017-19:25)
  • Vụ công dân nhắn tin đe dọa nhà báo: “Mù” luật và hệ lụy (27/10/2017-7:52)
  • Mong làn gió mới sớm lan tỏa (24/10/2017-8:03)
  • Tháo “ngòi nổ” từ cơ sở làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (23/10/2017-8:03)
  • Phải xem là việc của mình, trách nhiệm của mình (20/10/2017-8:54)
  • Giảm bộ máy, giảm áp lực - “Làn gió mới” từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) (16/10/2017-7:43)
  • Đằng sau bức ảnh (14/10/2017-22:21)
  • Không để rượu, bia đi vào “vết xe đổ” của thuốc lá (09/10/2017-8:07)