Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tọa đàm “Nhận diện suy thoái, ‘tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông” mang đậm tính lý luận và thực tiễn về con đường đi lên CNXH (07/11/2017-10:19)
    Chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017), Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Người làm báo, Báo Nhà báo và Công luận vừa tổ chức tọa đàm “Nhận diện suy thoái và "tự chuyển hóa” qua báo chí truyền thông”.

Buổi Tọa đàm diễn ra sôi nổi.  Ảnh: Sơn Hải

Cuộc tọa đàm mang đậm tính lý luận và thực tiễn về con đường đi lên CNXH, khẳng định giá trị lịch sử, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với thế giới và Việt Nam cũng như tương lai nhân loại. Nhận diện suy thoái , “tự chuyển hóa” của một bộ phận đảng viên, những hệ lụy và nguyên nhân của suy thoái, “tự chuyển hóa”. Đề xuất các giải pháp quan trọng chống suy thoái, “tự chuyển hóa”...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi  đã khai mạc Tọa đàm như sau:

Cuộc tọa đàm lần này góp phần khẳng định các giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhận diện sâu thêm về những thăng trầm của lịch sử trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.” Thông qua đó, các đại biểu phê phán nhận thức lệch lạc, chệch hướng, tôn sùng chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân của một số cán bộ đảng viên thông qua các tác phẩm báo chí truyền thông, góp phần cùng toàn Đảng xây dựng quyết tâm chống “giặc nội xâm,” xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, tạo bước đột phá mới trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược, củng cố được niềm tin của nhân dân...”

Gần 30 tham luận được trình bày tại tọa đàm, chuyển tải được nhiều nội dung thông tin, thông điệp đến với các cấp lãnh đạo và nhân dân, góp phần nhận diện sâu thêm về chân lý của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội; đồng thời chỉ rõ những khó khăn, thử thách của khúc quanh lịch sử mà Chủ nghĩa xã hội đang phải đối mặt. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để bài trừ tệ nạn tham nhũng, quét “giặc nội xâm,” đề cao việc sửa lỗi hệ thống, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, sửa sai triệt để trong công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt, cần đột phát triệt để thực thi dân chủ...

Ông Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người Vùng dân tộc và miền núi khẳng định:

 “Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho là rất đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhưng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội lại gặp rất nhiều khó khăn. Niềm tin trong nhân dân đang dần suy giảm. Là một người đã từng tham gia nghiên cứu, tham gia quản lý xã hội ở một lĩnh vực nhất định, tôi cũng như rất nhiều học giả khác, nhiều cán bộ đảng viên khác cũng rất buồn lòng trước thực trạng này. Chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận lại. Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ được mấy chục năm, với thời gian không dài để thử nghiệm một mô hình mới, tất nhiên nó sẽ gặp không ít khó khăn. Điều quan trọng nhất của Đảng, Chính quyền và nhân dân ta là trước những vấp ngã ấy cần dũng cảm nhìn ra nó để tìm cách khắc phục, giúp nó đi đúng quỹ đạo.

Chúng ta trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê Nin là đúng, nhưng khi vận dụng vào trong hoàn cảnh của nước ta, cần phải xem xét hoàn cảnh cụ thể. Bác Hồ đã từng có một chỉ dẫn: Cơ sở lịch sử của Chủ nghĩa Mác là gi?  Cơ sở lịch sử của Chủ nghĩa Mác là Phương Tây, Phương tây chưa phải là tất cả, cần phải bổ sung chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông.

Trên thực tế, khi áp dụng mô hình XHCN của Liên Xô và các nước Đông Âu vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, không thể rập khuôn máy móc, áp dụng giáo điều. Tôi cho rằng tất cả mọi vấn đề phải bắt đầu phải giải quyết từ Lý thuyết phát triển, từ Mô hình, thể chế, chế độ sở hữu, quản trị xã hội…”

Nhà báo - TS Nhị Lê -  Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh:

“Gần đây, ở nước ta, nhân những vụ gây rối mang màu sắc chính trị ở nơi này nơi khác, một số người mệnh danh là “dân chủ” được thể bới lại và tung hê lên vấn đề đa đảng hòng đánh lừa hoặc lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin theo ý đồ chính trị đen tối của chúng, về cái gọi là dân chủ và đa đảng.

Họ nói là, "chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền dân chủ chân chính được"(?); rằng, "ở Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng như nước ngoài họ đã từng làm"(?). Thậm chí có người "tát nước theo mưa" làm ra vẻ “uyên bác”, “đánh tráo lịch sử" kiểu ngài Ơ. Đuy-rinh, diễn trò "đảo lộn khoa học”  nhằm mưu đồ làm “con ngựa gỗ thành Tơ-roa”, "theo đóm ăn tàn"... bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và phủ nhận vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng, qua việc  cái gọi là “khuyến nghị” tập thể, nhưng kỳ thực là, mưu toan xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013, nhằm lật đổ Đảng(?). Có thật trên thế giới, muốn có dân chủ thì phải đa đảng không?

Không! Thực tế đang chống lại họ. Chẳng hạn, ở Mỹ, dù ở mức độ này khác, nhưng ai cũng thấy rằng, suốt hơn 220 năm qua, kể từ khi nước Mỹ ra đời, trong bối cảnh rất nhiều đảng, nhưng thực chất chỉ có hai đảng - Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ - hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản lũng đoạn thay nhau cầm quyền. Tuy là hai đảng nhưng không ai có thể tìm thấy sự khác nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa chúng, và nếu có khác chăng thì chỉ ở tên gọi và một số chính sách rất nhỏ mà thôi. Trong lúc đó, Đảng Cộng sản Mỹ - với lịch sử hơn một trăm năm, người đại diện và đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của hàng triệu công nhân Mỹ và những lý tưởng cao đẹp - có những thời kỳ bị loại ra ngoài vòng pháp luật, các đảng viên của Đảng luôn bị đe dọa, ám sát và bị khủng bố. Và ngày nay, luật pháp Mỹ đã “khoanh tròn” hoạt động của Đảng Cộng sản Mỹ trong không gian chính trị nhỏ bé và ngột ngạt nên chẳng có cơ may phát triển, còn nói gì đến cái gọi là dân chủ trong việc đấu tranh giành vị trí cầm quyền. Phải chăng đó là dân chủ, là sự "thuận lý"? Ấy là chưa kể đến hàng loạt thủ đoạn tinh vi, bẩn thỉu: mua chuộc, đe dọa, ám sát lẫn nhau giữa hai đảng đó nhân những cuộc bầu cử, vận động chính trị.

Nếu  họ cho rằng, phổ thông đầu phiếu là một trong những biểu hiện cao nhất của nền dân chủ, thì thật khó hiểu khi việc xác lập tư cách cử tri cũng là một cuộc vật lộn, tranh đấu thậm chí đẫm máu ở các nước tư bản. Hẳn ai cũng biết, ở Anh - năm 1928; Pháp - 1944; I-ta-li-a - 1945; Tây Ban Nha - 1970; Thụy Sĩ - năm 1971, còn ở Mỹ đến năm 1920, phụ nữ ở các nước này mới có quyền đi bầu cử. Nói rằng, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân thì quyền đó ở chỗ nào? Phải chăng như thế là dân chủ? Điều mà họ cho là "thuận lý" khi nói tới chế độ tam quyền phân lập là cơ chế bảo đảm cho nền dân chủ, song thực tế thì sao?

Có thể thấy ngay, ở các quốc gia vừa nêu trên, nhà nước tam quyền nhưng không ở nơi đâu có sự phân lập hoàn toàn. Không ai có thể nhớ nổi các tổng thống đã bao lần phủ quyết các dự luật của quốc hội. ở nhiều nước khác, tổng thống, thậm chí cả thủ tướng có quyền tuyên bố giải tán quốc hội, khi thấy nó trái với mình. Quyền ra dự luật chỉ thuộc thẩm quyền các nghị sĩ chứ đâu thấy quyền đó ở các tổ chức chính trị và xã hội. Đương nhiên, người công dân thì bị "bỏ qua" hẳn trên lĩnh vực này. Phải chăng, lý tưởng của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân được hiểu và làm như thế mới là "thuận lý", là dân chủ đích thực? Và nếu được xem là dân chủ thì tại sao các bộ máy của nền dân chủ phương Tây nhiều khi đã phải đầu hàng các thế lực ma-phi-a, các thế lực lũng đoạn nhà nước, các thế lực khủng bố và thủ tiêu các quyền dân chủ và quyền con người; nhưng lại làm tốt nhất trong việc xử những người vô tội, kiên tâm, dũng cảm đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội?

Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, do những sai lầm, đảng cộng sản ở đó tan rã, và người ta đã quay sang buông xuôi, chấp nhận và đi vào con đường cổ vũ đa nguyên chính trị, đa đảng, nhưng vẫn không thoát khỏi sự khủng hoảng trầm trọng toàn diện. Có lẽ đại đa số nhân dân lao động Đông Âu và Liên Xô là người thấm thía sâu sắc thế nào là dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và dân chủ đa đảng. Những vụ xô xát đổ máu bùng lên. Những cuộc bài xích, đe doạ, truy đuổi những người cộng sản liên tiếp xảy ra. Tất cả các lực lượng đối lập với Đảng cộng sản đều đồng thanh rằng, con đường dân chủ tốt nhất là để nhân dân lựa chọn đại biểu của mình trong hệ thống nhà nước. Song ở đâu, những người cộng sản thắng thế và đắc cử thì lập tức ở đó rộ lên sự chống phá, thậm chí cả đe doạ, khủng bố những người cộng sản. Thì ra, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nghĩa với việc mở rộng dân chủ; không có nghĩa là mọi người dân, mọi tầng lớp đều có quyền tham gia quản lý nhà nước. Toàn bộ những việc làm này được người ta che đậy bằng khẩu hiệu "dân chủ", "nhân quyền", được tụng ca "dân chủ thắng thế"(!). Hoá ra, tất cả đều chỉ là "những thủ đoạn chính trị tầm thường, những trò bịp bợm". Có lẽ chính trường một số nước ở châu Âu gần đây là bài học tốt nhất về dân chủ cho những ai khát khao dân chủ thấy thế nào là dân chủ xã hội chủ nghĩa do một đảng lãnh đạo và thế nào là dân chủ đa đảng. Đó là sự phong phú và sinh động của "nền dân chủ đích thực" dưới thể chế đa đảng mà ai đó vẫn hằng ca ngợi không tiếc lời?

Nhìn trên bình diện quốc tế, nếu hiểu một cách sơ giản rằng, đỉnh cao của sự phát triển dân chủ là quyền tự quyết dân tộc, thì tại sao ngay cả những quốc gia hằng rêu rao và tự cho mình là dân chủ lại đem quân xâm chiếm các nước khác, dùng đủ thủ đoạn để khống chế, cô lập, cột chặt số phận các quốc gia, dân tộc khác vào “cỗ xe lịch sử” của mình? Chỉ hai thập kỷ này, phải chăng một số ít “nước lớn dân chủ” đã khởi hấn tối thiểu  20 cuộc “can dự” như thế, hoặc bằng kinh tế hoặc bằng quân sự, hàng chục cuộc can thiệp ngấm ngầm làm cho bầu cử rối loạn, khuynh đảo kinh tế ở các nước lục địa châu Phi, châu Mỹ La-tinh, hàng chục xảo thuật ;”mua chuộc”, “giương đông kích tây” để các nước gây thù oán, đâm chém lẫn nhau, các nền độc lập của các quốc gia bị đặt trong tình trạng “trứng để đầu đẳng”,  thì đó lại là dân chủ ư?.

Mặc dù sự khái lược trên chưa thật đầy đủ về tính chất các nền dân chủ ở các nước đa nguyên đa đảng, nhưng cũng đủ cho thấy rõ ràng rằng quy mô, tính chất, mức độ và trình độ dân chủ không bị quyết định bởi thể chế đa đảng hay một đảng. Nếu như vậy thì vấn đề một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo xã hội Việt Nam hiện nay, thử hỏi có gì là nghịch lý đối với việc xây dựng và thực thi nền dân chủ ở Việt Nam? Nhân đây, cũng được nói thêm lần nữa, rằng, ở Việt Nam, ngay năm 1945, nghĩa là sau khi Việt Nam giành được độc lập từ tay thực dân, đã từng có rất nhiều đảng trên chính trường tranh quyền lãnh đạo đất nước, cho tới tận những năm 90 của thế kỷ XX. Và, các đảng này, qua sự sàng lọc của thực tiễn và sự lựa chọn của nhân dân, hoặc tự rút lui hoặc bị đào thải khỏi vũ đài lịch sử. Và, hiện nay, chỉ còn duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.  Còn dân chủ ở Việt Nam, lúc bấy giờ, ít ai không biết. Vì thế, một đảng hay nhiều đảng không hoàn toàn quyết định quy mô, tính chất hay trình độ  của nền dân chủ. Thậm chí nhiều đảng có nguy cơ làm rối loạn nền dân chủ quốc gia, đe dọa số phận dân tộc, như bất cứ ai cũng thấy, đang diễn ra ở một số nước hiện nay.

Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại, nó mang giá trị chung của nhân loại. Nhưng trên con đường vươn tới khát vọng đó nó bị chi phối bởi các đảng chính trị và mang dấu ấn của điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Các con đường vươn tới dân chủ, do đó cũng khác nhau. Việc một đảng duy nhất ở Việt Nam hay nhiều đảng ở các nước khác trong thực thi dân chủ là lẽ bình thường, tùy thuộc vào mỗi nước. Chúng ta không kỳ thị, bài xích. Nhưng, chúng ta không dung thứ bất cứ sự rập khuôn, bắt chước hay sự áp đặt nào, vì như thế là thất bại. Chúng ta càng không chấp nhận việc lợi dụng cái gọi là dân chủ để làm rối loạn tình hình, làm méo mó hoặc thui chột quyền dân chủ của nhân dân, vi phạm độc lập chủ quyền và quyền tự quyết của mình và của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Ấy cũng chính là dân chủ nhất. Làm trái thế, là vi phạm dân chủ, là phi dân chủ. Đó là quy luật.

Nên, thiển nghĩ, không phải chuyện cứ tưởng muốn nhiều dân chủ thì cần phải nhiều đảng một cách hình thức và ô hợp, Ấy cũng chính là dân chủ nhất rồi a dua, phụ họa, như cách hiểu, cách nghĩ và hành xử của một số người vĩ cuồng ở ta, suốt mấy năm qua và kéo tới tận hôm nay”

TS Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng Khoa Tuyên truyền Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhấn mạnh:

“Mỗi thể chế dù đa đảng hay một đảng đều có mặt tích cực và hạn chế của nó. Điều này không phải nói theo kiểu dung hòa, ba phải, mà xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là quy luật về sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Còn lẽ thông thường, trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, tuyệt mĩ cả, được cái này lại mất cái khác thế thôi, vấn đề là anh lựa chọn thể chế nào. Vì vậy, theo tôi nghĩ các nhà lý luận, các chính khách nên bớt tranh cãi đi, bởi ai cũng có lý do của mình, cãi nhau liệu đến bao giờ mới thôi?  Mặc cho các vị cứ tranh cãi, còn người dân họ có cái lý riêng của mình. Đối với nhân dân, thể chế nào mang lại cho họ cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn thì đó là tốt và ngược lại, đơn giản vậy thôi.

Trong kháng chiến, Đảng ta chiến đấu, hy sinh để mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn nên được dân yêu, dân tin, chấp nhận thể chế  một đảng cầm quyền. Nhưng khi nắm được quyền lực thì những mặt khiếm khuyết của thế chế này như MC vừa liệt kê mới bộc lộ ra và  ngày càng trầm trọng. Điều đó khiến lòng dân không vui và niềm tin yêu vào Đảng bắt đầu giảm sút.  Và chiều theo ý số đông, một số người hay chữ  mới nâng tầm lên thành lý luận về  khuyết tật của thể chế một đảng cầm quyền và  đưa ra các kiến nghị cải cách thể chế chính trị mà thực chất là tìm lý do để bác bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng ta.

Tôi biết họ cũng thừa hiểu thể chế nào mà chả có cái hay, cái dở nên chúng ta chẳng việc gì phải sợ các ý kiến này, thậm chí nên khuyến khích họ nói, càng rõ càng tốt để ta biết mà khắc phục những khuyết tật cố hữu của nó để mình ngày càng tốt hơn. Cái đáng sợ hơn là niềm tin yêu của dân vào Đảng đang giảm sút vì mặt tốt thì ngày càng ít mà mặt xấu thì ngày càng nhiều.  Đó mới là vấn đề đáng báo động, là nguy cơ đe dọa đền sự tồn vong của Đảng và chế độ, bởi đẩy thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân. Muốn làm cho dân yêu thể chế một đảng cầm quyền, chẳng có cách nào khác là phải làm cho đời sống vật chất, tinh thần của dân ngày càng tốt hơn và hình ảnh của Đảng phải đẹp hơn trong mắt nhân dân.

Tôi nghĩ Đảng ta đã biết rất rõ điều này bởi nó đã được khẳng định trong nghị quyết ĐH XII và cụ thể hơn ở NQTW IV khóa XII vừa rồi. Quan trọng là chúng ta có đủ quyết tâm chính trị để phát huy ưu điểm và kiềm chế, khắc phục những hạn chế bất cập của thể chế một đảng cầm quyền ở đất nước chúng ta hay không mà thôi.

Có thể nói những ý kiến của các chuyên gia tại buổi toạ đàm là hết sức tâm huyết, mang đậm tính lý luận và thực tiễn về con đường đi lên CNXH, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng vào Đảng, sự nghiệp cách mạng. Đó là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay”.

Minh Thư/Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Tiếp tục “thổi lửa” đam mê cho các nhà báo nữ trên địa bàn (04/11/2017-21:24)
  • Hội thảo 'Báo chí làm gì để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII' (02/11/2017-11:42)
  • Thủ tướng phê duyệt phát triển VietnamPlus là báo đối ngoại quốc gia (01/11/2017-8:09)
  • Báo điện tử Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử dừng hoạt động (31/10/2017-8:04)
  • Bộ Công an có thêm 1 cơ quan báo chí (27/10/2017-10:47)
  • Đa dạng các “sân chơi” nghiệp vụ để hội viên rèn luyện, phấn đấu (26/10/2017-12:19)
  • Hội nghị về công tác thông tin đối ngoại cho phóng viên, biên tập viên (26/10/2017-12:13)
  • Nhiều tờ báo mua giấy phép, tự xoay xở tài chính nên dễ có tiêu cực (25/10/2017-21:51)
  • Làm thế nào tránh "con dao 2 lưỡi" của mạng xã hội? (25/10/2017-21:38)
  • Báo chí thời công nghệ 4.0 (25/10/2017-21:15)