Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Ẩm thực - đọc sách, và nghịch lý từ sự tiếp nhận (07/11/2017-10:29)
    (NLBTH) - Quán ăn ngày một nhiều hơn, trong khi một số dịch vụ văn hóa lại teo lép đi. Sự tiếp nhận của con người bằng hai con đường chính, qua miệng và bằng mắt. Miệng ngày càng vất vả hơn, mắt lại đơn điệu đi.
Nhiều quán cà phê sách được đầu tư công phu với mong muốn bắc cầu văn
hóa đọc cho độc giả nhưng cơ bản vẫn vắng khách
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Tôi thích sách, và ở thành phố Thanh Hóa có nơi tôi thường đến - đó là nhà sách Nguyễn Văn Cừ - một thương hiệu văn hóa nổi tiếng cả nước, gần như sách gì trên thị trường có chuỗi nhà sách này đều bán. Không đủ tiền mua, có thể đến để “đọc chùa”. Nhưng giờ thì không thể, sự đìu hiu của nhà sách ở ngay vị trí đắc địa trên con phố đông đúc đã khiến nhà đầu tư phải ngậm ngùi đóng cửa.

Ở thành phố Thanh Hóa còn có quán cà phê sách trên đường Phan Bội Châu thu hút nhiều người. Tưởng như sự kết hợp "2 trong 1" này sẽ góp phần vào việc chấn hưng văn hóa đọc, nhưng có đến mới thấy khách vào uống cà phê là chính, bởi ở đó thuận tiện đậu xe, nhiều người thì ngồi chờ con vì quán gần trường học, sân vận động, chứ thực bụng đến uống cà phê và đọc sách thì không nhiều. Họ chỉ lục chồng sách cũ bằng sự tò mò, thi thoảng có đứa trẻ cầm cuốn sách lên nhưng cũng sớm phải kết thúc để đi về với người lớn.

Tôi là người hoài cổ, lần nào đi qua hiệu sách nhân dân cũ cũng thấy nao lòng. Có huyện hiệu sách nhân dân còn lại cái tên trong một góc khuất và xập xệ nào đó, có huyện mất hẳn. Đất của hiệu sách được cho thuê hoặc đấu giá để chuyển đổi mục đích, trong đó có dịch vụ ẩm thực.

Một số liệu gần đây cho thấy, ở nước ta mỗi năm một người đọc chưa đến một cuốn sách, nhưng cả nước lại chi đến 3 tỷ đô la cho uống bia, chưa tính rượu. Mỗi lần đi trên phố nghe tiếng dô bên bàn nhậu, rồi nghĩ đến những cửa hàng sách đìu hiu, khó để nói là vui theo nhịp độ sống. Sách điện tử bây giờ sẵn nhưng độ tin cậy không cao. Thú vui đọc sách truyền thống với những bộ sách kinh điển vẫn còn ở nhiều người, nhưng rất khó để tìm kiếm. Không phải lúc nào họ cũng có thể đến thư viện, và thư viện không phải đều sẵn.

Nhiều lần sinh hoạt trong không gian chung với người nước ngoài, thấy họ cũng ngồi uống nhưng trên tay họ thường có cuốn sách, còn người Việt là chiếc điện thoại. Cách ứng xử của nhiều người Việt đang làm cho tỷ lệ béo phì của người dân ngày một tăng, trong khi số lượng những bài thi liên quan đến kiến thức xã hội của học sinh bị điểm liệt thì nhiều hơn.

Sự tiếp nhận của con người đang cho thấy nghịch lý đáng buồn.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Cần sự đồng thuận để tinh gọn bộ máy (06/11/2017-8:38)
  • Nhìn vào án phạt để điều chỉnh (03/11/2017-7:52)
  • Xin đừng chạy theo thứ phú quý phù du (31/10/2017-8:09)
  • Siết lại việc kiểm tra kê khai tài sản (29/10/2017-19:25)
  • Vụ công dân nhắn tin đe dọa nhà báo: “Mù” luật và hệ lụy (27/10/2017-7:52)
  • Mong làn gió mới sớm lan tỏa (24/10/2017-8:03)
  • Tháo “ngòi nổ” từ cơ sở làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” (23/10/2017-8:03)
  • Phải xem là việc của mình, trách nhiệm của mình (20/10/2017-8:54)
  • Giảm bộ máy, giảm áp lực - “Làn gió mới” từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) (16/10/2017-7:43)
  • Đằng sau bức ảnh (14/10/2017-22:21)