Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Chất vấn: Nói đúng thì không sợ đụng chạm (13/11/2017-14:51)
    “Nói đúng những vấn đề đòi hỏi của cuộc sống, của người dân, cử tri gửi gắm thì mình chả có gì mà ngại”.

 “Nói đúng những vấn đề đòi hỏi của cuộc sống, của người dân, cử tri gửi gắm thì mình chả có gì mà ngại”.

Tuần này, Quốc hội sẽ dành ba ngày (từ 16 đến 18-11) để chất vấn Thủ tướng Chính phủ và tư lệnh bốn ngành tài chính, ngân hàng, TT&TT và tòa án. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình, xoay quanh các nội dung sẽ được chất vấn tại nghị trường tuần này.

Tiếc vì không có BOT, giá thuốc

Phóng viên: Tuần này, Thủ tướng và bốn tư lệnh ngành sẽ trả lời chất vấn tại QH. Ông đánh giá thế nào với bốn vấn đề được QH lựa chọn chất vấn?

+ Ông Bùi Văn Phương: Bốn nội dung chất vấn lần này đều là vấn đề cuộc sống đòi hỏi, dư luận quan tâm nhưng các kỳ họp gần đây chưa được đưa vào làm nội dung chất vấn. Các vấn đề nóng khác của ngành nông nghiệp, công thương, y tế, xây dựng thì đã được chất vấn tại kỳ họp trước của QH rồi. Bốn lĩnh vực chất vấn lần này cũng cần phải đặt ra để giải quyết, vì vậy tôi cho rằng cần thiết để đưa ra chất vấn trước QH.

. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bốn nội dung chất vấn được chọn không nóng như các vấn đề mà các ĐBQB đề nghị Chính phủ giải trình là đấu thầu giá thuốc và BOT giao thông?

+ Cử tri quan tâm đến giá thuốc và BOT là đúng vì đây đều là vấn đề nóng hiện nay. QH có trách nhiệm đưa ra nghị trường những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, đang có nhiều ý kiến để các cơ quan quản lý lĩnh vực đó chấn chỉnh lại, làm tốt hơn.

Tuy nhiên, về BOT giao thông thì QH đã thành lập đoàn giám sát, có báo cáo giám sát gửi đến ĐBQH rồi và cũng chỉ ra những cái được, cái còn tồn tại. Mặc dù BOT giao thông không nằm trong nhóm vấn đề đưa ra chất vấn nhưng trong quá trình chất vấn thì ĐBQH vẫn có quyền nêu. Chẳng hạn nếu thấy báo cáo giám sát chưa thỏa đáng thì ĐBQH vẫn có thể đặt câu hỏi để đại diện Chính phủ trả lời. Không đưa vào nội dung chất vấn không có nghĩa là những vấn đề người dân quan tâm thì ĐBQH không được nêu ra.

Tương tự, do kỳ này có vụ án VN Pharma cũng là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri quan tâm vì liên quan đến đấu thầu thuốc quản lý giá thuốc, thị trường thuốc, các ĐBQH có thể hỏi trực tiếp tại hội trường hoặc bằng văn bản để bộ, ngành liên quan trả lời cho cử tri biết.

. Cá nhân ông có thấy đáng tiếc khi BOT và giá thuốc không được đưa ra chất vấn?

+ Tôi thì cho rằng đó là sự đáng tiếc. Vì nhân dân rất quan tâm, nhân dân đang muốn nghe xem các ĐBQH nói gì, truyền đạt gì đến QH, có nói đúng ý nguyện của người dân không!


4 tư lệnh ngành trả lời chất vấn.

“Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn…”

. Cử tri mong muốn ĐBQH đưa những câu hỏi gai góc trên nghị trường. Tuy nhiên, nhiều ĐB chất vấn chung chung, thậm chí có ĐB hỏi theo kiểu “giải trình cho ngành bị chất vấn”. Theo ông, điều này do cách chọn vấn đề chất vấn hay do ĐB ngại đụng chạm?

+ Theo tôi, không phải do cách chọn vấn đề chất vấn mà do ĐB. Vì ĐB thường nêu vấn đề mình quan tâm và phải có trách nhiệm phản ánh trên nghị trường những nội dung cử tri gửi gắm.

Mặt khác, do mỗi ĐB làm ở lĩnh vực khác nhau, nắm vấn đề sâu, rộng khác nhau, mức độ quan tâm vấn đề khác nhau. Do vậy có những câu hỏi chất vấn có thể sát hoặc chưa sát. Đó là thực tế giống như ta vẫn nói bàn tay có ngón dài, ngón ngắn chứ không thể như nhau cả được. Chứ bảo các ĐBQH ngại đụng chạm thì không hẳn.

. Là một trong những ĐBQH có nhiều phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, ông có bao giờ bị “phàn nàn” lại chưa?

+ Tôi làm ĐBQH từ khóa XIII đến nay, cũng từng phát biểu nhiều vấn đề. Có thể nói những vấn đề mình phát biểu được dư luận và cử tri theo dõi kỹ và cũng thể hiện sự đồng tình với quan điểm, tư duy của mình. Tôi cũng không thấy ai nói (phàn nàn - PV) gì, vì mình nói đúng, phản ánh đúng hiện trạng phát sinh.

Chỉ sợ vấn đề mình nói sai, không chính xác thì họ mới phàn nàn, phản biện lại. Nếu không nắm vấn đề, thông tin không đủ độ kiểm chứng, chính xác mà phát biểu trước QH, trước quốc dân đồng bào thì sẽ ảnh hưởng đến quản lý của các ngành, mới ngại. Chứ mình nói đúng những vấn đề đòi hỏi của cuộc sống, của người dân, cử tri gửi gắm hoặc mình có đủ thông tin để chỉ ra cơ quan nhà nước đó làm việc chưa đúng thì mình chả có gì mà ngại.

Phải theo đuổi đến cùng

. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, nhất là việc thực hiện lời hứa, cam kết của tư lệnh ngành sau chất vấn?

+ Sau chất vấn có nghị quyết về chất vấn. Trong đó nói rõ vấn đề được, chưa được của lĩnh vực, tư lệnh ngành đó. Đồng thời nghị quyết cũng nói rõ trách nhiệm phải xử lý, giải quyết nội dung gì sau chất vấn. Có nhiều vấn đề cần thời gian mới giải quyết được vì liên quan đến điều chỉnh luật, bố trí nguồn lực quốc gia, vì vậy người dân và cử tri cũng phải biết chờ đợi. Ví dụ con đường hỏng phải có tiền mới sửa được ngay nhưng vì nguồn lực quốc gia khó khăn nên phải chờ.

Tổng thể chung, sau nghị quyết chất vấn đều được đưa vào chương trình hành động của Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Việc khó thì khi xây dựng kế hoạch hằng năm, năm năm đều được sắp xếp, cân đối nguồn lực để làm.

Đối với những cụ thể nêu ra tại phiên chất vấn thì tôi thấy đều được tập trung làm ngay. Như gần đây Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm liên quan khi ĐBQH nêu ý kiến tại QH. Trách nhiệm của anh nào thì phải trả lời, trong đó phải đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục. Không cần chờ chất vấn, chỉ cần ĐBQH gửi ý kiến của cử tri đến bộ, ngành, địa phương nào thì nơi đó phải có trách nhiệm trả lời, giải quyết.

Như vậy ĐBQH cũng phải có trách nhiệm theo dõi để các tư lệnh ngành thực hiện lời hứa, cam kết sau khi chất vấn?

+ Đấy là trách nhiệm của ĐBQH. Cử tri đã gửi gắm cho ĐBQH, người đại diện của họ thì anh phải có trách nhiệm đeo đuổi đến cùng để anh trả lời lại với cử tri về việc đó. Khi cử tri đã hỏi đến thì anh phải có trách nhiệm làm cầu nối giữa cử tri với các cơ quan nhà nước. Anh không làm đến nơi đến chốn là lỗi của anh.

. Xin cám ơn ông.

 

Kỷ cương ngân sách và quản lý thông tin

 

Trong phiên chất vấn tuần này, tôi quan tâm hai vấn đề nhất. Thứ nhất đó là kỷ cương trong quản lý tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Sử dụng nguồn lực quốc gia cho đầu tư phát triển thế nào để đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng đảm bảo an toàn nợ công, khắc phục được tình trạng huy động nguồn lực không tính toán kỹ đến hiệu quả.

 

Thứ hai là vấn đề kỷ luật về ngân sách quốc gia. Thu chi tài chính, quản lý các quỹ ngoài ngân sách phải đảm bảo lập lại trật tự kỷ cương. Sử dụng mọi thứ phải được đưa về khuôn khổ, tuân thủ theo nguyên tắc quản lý của luật ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa các quỹ ngoài ngân sách.

 

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến vấn đề quản lý TT&TT. Hiện nay thông tin trên truyền thông, mạng xã hội rất phong phú nhưng có thông tin tốt, đảm bảo khách quan, cũng có thông tin không tốt, cá biệt nhưng được thổi bùng lên khiến người ta nhìn vào xã hội chỉ thấy màu tối. Vậy trách nhiệm quản lý của ngành TT&TT là phải làm cho người ta hiểu một cách đúng đắn. Ví dụ chỉ nhìn thấy một cây sâu mà bảo cả cánh rừng không ra gì thì phủ nhận hết công lao của người ta. Ý tôi nói trách nhiệm của TT&TT là phải làm cho người dân có thông tin một cách khách quan, toàn diện, đừng để thông tin chỉ đưa một mặt của vấn đề.

 

Theo Trọng Phú/Báo Pháp luật

 

Các tin khác:
  • ‘Vạch mặt’ những chiêu lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội Facebook (13/11/2017-14:48)
  • Đào tạo tiến sĩ nhiều, sử dụng được bao nhiêu? (13/11/2017-7:45)
  • Bộ Y tế ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản, giảm chi tiền túi cho người dân (09/11/2017-8:37)
  • Lũ từ miền Bắc, lũ ngược miền Trung - Ai là thủ phạm? (08/11/2017-10:46)
  • Nếu không thay đổi cách làm: Sách giáo khoa sẽ vẫn toàn sạn (08/11/2017-10:44)
  • “Rất khó xử lý tài sản bất minh của cán bộ” (06/11/2017-8:29)
  • Không phải lập ra viện Đạo đức thì đạo đức cán bộ sẽ tăng lên (03/11/2017-12:00)
  • Yêu cầu chấm dứt lợi dụng ban đại diện phụ huynh để thu tiền (02/11/2017-12:27)
  • Cử nhân phải đốt bằng, công chức yếu kém vẫn "yên vị" lĩnh lương! (02/11/2017-11:51)
  • Internet không phải là công cụ kích động hận thù, chia rẽ đoàn kết quốc tế (02/11/2017-11:47)