Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Người “chèo đò” trên dòng sông tri thức (18/11/2017-12:04)
    (NLBTH) - Như thường lệ, mỗi dịp 20/11 cả nước tôn vinh nghề dạy học, tôi lại về thăm thầy - một người “chèo đò” đã gắn bó với tôi nhiều năm ở ngôi trường làng.
Giáo viên “cắm bản” dâng hiến tuối thanh xuân cho giáo dục vùng cao
thật đáng trân trọng (hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Mới đi điều trị ở bệnh viện về, năm nay thầy yếu hơn nhiều, nhưng gặp tôi thầy vẫn thế, như hồi còn đứng trên bục giảng, rất khả kính. 

Thầy hỏi nhiều chuyện, nhất là chuyện lũ trẻ nhà tôi. Trong câu chuyện thầy luôn nhắc tôi đừng quá sa đà vào công việc mà sao nhãng việc học của con trẻ thì có tội lắm. Rồi thầy lại nói chuyện đạo học, những câu chuyện tôi đã nghe rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng thế, nó vẫn có sức lôi cuốn. 

Tấm gương được thầy nhắc nhiều nhất là nhà giáo Chu Văn An dù ở vị trí cao trong triều nhưng chứng kiến triều chính rối ren nịnh thần lũng loạn, ông đã từ quan để bảo vệ sự cao quý của nghề dạy học. Nói điều ấy, thầy mong học trò ghi nhớ sau này ra đời, dù làm việc gì cũng phải nêu cao khí tiết, cống hiến thật sự cho đất nước, chứ không a dua, tham lợi làm hỏng kỷ cương, phép nước…

Thầy cũng nhiều lần nói về nhân vật “Ông giáo già” trong Sách giáo khoa môn Văn lớp 4 thời chúng tôi học. Một ông giáo già về tuổi đời, nhưng luôn nhiệt huyết với nghề. Có thể ông lụ khụ trong bộ dạng, trong hành động, nhưng tâm sáng. Ông nghiêm khắc trách phạt trò vi phạm phải đứng ngoài cửa lớp vì có lỗi, nhưng trong khóe mắt ông thì lăn lệ, bởi ngoài đó là gió rét. Ông không chỉ dạy chữ, mà còn rèn nhân cách, dạy trò cách làm người, để lũ trò có thể làm những việc lớn mai sau. Có thể lúc ấy trò ghét ông, nhưng sẽ có ích lắm sau này cho các trò lập thân, lập nghiệp

Bây giờ cuộc sống có nhiều phức tạp nảy sinh, không phải giáo viên nào cũng chọn cho mình cách ứng xử như thế. Rất nhiều phụ huynh không chấp nhận con em mình bị đối xử khác với lũ trẻ trong lớp. Giáo viên nếu không có bãn lĩnh, không có tâm nghề dễ buông mình hoặc hành động đánh đổi theo sự ứng xử của phụ huynh.

Kể điều đó chính là rút ra bài học kinh nghiệm từ những điều thầy đã gặp, hy vọng chúng tôi có sự thấu cảm về nghề “gieo chữ”. Và rồi chúng tôi đều trưởng thành, có nhiều bạn tiếp tục theo nghề của thầy làm người “chèo đò” trên dòng sông tri thức.

Trong cuộc sống và công việc nhiều người phải đưa ra quyết định khó khăn, chỉ một chút sai, thiếu công tâm sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng cơ bản chúng tôi đều vượt qua, không đánh mất mình. Chúng tôi nhận thức được rằng, trên đường đi của mình luôn có hình bóng của thầy. Lời thầy như sự “hộ thân”, mỗi khi gian nan nó như sợi dây vô hình níu bước để chúng tôi không sa ngã. Thầy không cho chúng tôi vật chất, không đem đến cơ chế nào, nhưng hơn hết, thầy cho chúng tôi kiến thức, trao chúng tôi nhân cách làm người.

Trước kia, mỗi lần về thăm thầy tôi chỉ đem theo sách, báo, bởi biết với thầy quà không quan trọng bằng cái tình, sự kính trọng mà học trò dành tặng.

Năm nay biết thầy yếu hơn nên tôi kèm theo phần tiền để giúp thầy thuốc men, nào ngờ hôm sau thầy đi xe buýt lên thành phố nhất quyết bắt tôi nhận lại chiếc phong bì để trong túi quà. Thầy bảo nghĩa thầy trò phải bằng cái tình. Sợi dây liên hệ bền chặt nhất của đạo thầy - trò chính là cái tình, sự kính trọng. Đồng tiền sử dụng không đúng cách dễ làm tổn thương cái tình lắm

Đã ở tuổi ngoài 70 sức khỏe không còn tốt, nhưng thầy vẫn nhận dạy thêm cho lũ học trò nghèo, những đứa trẻ cá biệt trong xã mà không đặt ra chuyện tiền nong. Con dâu của thầy là giáo viên dạy ở trường chất lượng cao của huyện, có những lần ôn cho học sinh đi thi học sinh giỏi còn nấu cả cơm cho học sinh ăn. Hồi còn phong trào giải toán Violympic trên mạng, khi mất điện cô trò lại đưa nhau đến hiệu Internet, cô trả tiền cước phí, còn trả cả tiền quà vặt cho lũ trẻ. Việc làm mà có lẽ nhiều người nghe sẽ nghi ngờ động cơ chạy theo thành tích hay điều gì đó, nhưng là chuyện tôi tận mắt, rất vô tư. Việc làm ấy có lẽ ít nhiều ảnh hưởng từ nhân cách của bố chồng, cũng chính là người thầy mà cô đã theo học suốt mấy năm. Sự nhân văn của thầy đã truyền sang con cái, và cảm hóa nhiều người. Âu đó cũng là điều mừng, cái phúc của xã hội, việc mà Ngành Giáo dục và Đào tạo phải hướng tới, cần nhân lên.


Biết rằng cuộc sống bây giờ có nhiều phức tạp, nghề dạy học đang có sự phân cực, số giáo viên tìm cách dạy thêm tại nhà ngày một nhiều hơn. Có nhiều giáo viên bằng mọi giá để có thành tích trong giảng dạy nhằm được ở lại trường tốt, được ưu ái trong công tác, thậm chí có chức vụ. Có giáo viên mới lên vùng cao, vùng khó đã nản chí tìm cách để “hạ sơn”. Dẫu vậy, chúng ta rất tự hào là, vẫn còn có rất nhiều người thầy miệt mài với nghề, không quản gian nan “cõng” con chữ lên non, đem tri thức, kiến thức đến với học trò, để tiếp nối truyền thống, nhân lên sự thiêng liêng, cao đẹp của nghề dạy họcHình ảnh bà giáo già bên triền sóng, dựng lều dạy học như cô Nguyễn Thị Thông ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc nhiều năm dạy kèm học sinh nghèo không nhận thù lao. Hình ảnh cựu giáo chức nhà ở phố phường chật hẹp, đất là vàng, cho thuê nhà ra tiền bac, vẫn giành ngôi nhà của mình để dạy học miễn phí. Mỗi lần xem ti vi hay đọc báo tiếp cận những khuôn hình đẹp về những nhà giáo dù kinh tế không dư giả, nhưng lại dư cái tình, lại thấy trong huyết quản mình rần rật chảy. Xã hội còn nhiều lắm những tấm gương bình dị mà cao quý, và đó chính là điều mừng trong việc xây dựng xã hội học tập hôm nay.

Nghề làm báo còn cho tôi may mắn được tham gia vào nhiều lớp học đặc biệt khi học trò không đồng nhất về lứa tuổi, nhận thức, còn thầy giáo mang quân hàm xanh - là những người lính biên phòng “cắm bản”. Các anh không được công nhận là nhà giáo, nhưng việc các anh làm, con chữ các anh đem đến cho lũ trẻ nơi đây thật đáng quý biết bao, hơn nhiều nhà giáo ở thị thành đang bị sự cám dỗ vật chất dẫn đến đánh mất nhân cách như thông tin trên báo chí trong thời gian qua.

Những người “chèo đò” trên dòng sông tri thức mà tôi đã gặp, và từng nghe, họ xứng đáng được tôn vinh, ngưỡng vọng.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Hệ lụy không hề vặt (16/11/2017-20:33)
  • Nhìn vào tình trạng gia tăng tham nhũng (15/11/2017-6:50)
  • Sự phòng vệ và lòng trắc ẩn (14/11/2017-10:41)
  • Thu hồi “đất vàng”, dẹp dự án “treo” (13/11/2017-7:44)
  • Ẩm thực - đọc sách, và nghịch lý từ sự tiếp nhận (07/11/2017-10:29)
  • Cần sự đồng thuận để tinh gọn bộ máy (06/11/2017-8:38)
  • Nhìn vào án phạt để điều chỉnh (03/11/2017-7:52)
  • Xin đừng chạy theo thứ phú quý phù du (31/10/2017-8:09)
  • Siết lại việc kiểm tra kê khai tài sản (29/10/2017-19:25)
  • Vụ công dân nhắn tin đe dọa nhà báo: “Mù” luật và hệ lụy (27/10/2017-7:52)