Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
“Cán bộ xa dân sẽ làm mất niềm tin ở dân“ (27/11/2017-10:44)
    PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh như vậy khi nói về hiện tượng một bộ phận cán bộ có biểu hiện xa dân, ngại đối thoại với dân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Bài học gần dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Muốn phụng sự được nhân dân, là công bộc của nhân dân thì người cán bộ, đảng viên không chỉ biết gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, mà còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Và trong thực tế, bài học gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, thường xuyên đối thoại với dân không bao giờ xưa cũ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, việc cán bộ chính quyền đối thoại với dân là một yêu cầu bắt buộc, được quy định rõ trong Luật công chức hay Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Thông qua đối thoại, người có thẩm quyền gặp gỡ để nghe dân nói, giải quyết công việc của dân, cũng như giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật. Và cũng qua đối thoại mới đánh giá được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để phát huy và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề nhân dân bức xúc, băn khoăn, vướng mắc nếu được cán bộ chính quyền cơ sở kịp thời lắng nghe, giải đáp, có hướng xử lý khắc phục thì niềm tin nơi dân mới được củng cố, tăng cường.

Thực tế thời gian qua cho thấy, từ việc gần gũi, đối thoại thẳng thắn với tinh thần cầu thị xây dựng, nhiều nơi đã làm tốt công tác tiếp công dân. Như huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là địa bàn trước đây vốn xuất hiện nhiều vấn đề bất bình trong dân, nhưng nhờ có đối thoại nên đã giải quyết rất tốt, không còn điểm nóng, điểm phức tạp.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng gặp gỡ, tiếp xúc với dân.Thậm chí còn có không ít cán bộ có biểu hiện quan liêu, ngại đối thoại, xa dân. Từ những vụ việc khiếu kiện, tụ tập đông người thời gian qua cho thấy vấn đề dân chủ ở cơ sở không được thực hiện nghiêm túc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nêu cao trách nhiệm của mình trước dân.

“Cán bộ xa dân sẽ làm mất niềm tin ở dân. Còn nếu cán bộ có tinh thần trách nhiệm tốt, có ý thức phục vụ nhân dân, tất cả vì dân thì chắc chắn sẽ gỡ được những khúc mắc khó khăn, tránh bất ổn, khiếu kiện, thậm chí khiếu kiện kéo dài, mà nhiều khi chỉ do không gặp nhau, không hiểu nhau, không tạo ra được sự đồng thuận. Đó chính là điều cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Đối thoại với dân theo tinh thần vì dân, gần dân, bàn bạc, thảo luận với dân. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt cũng như củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước, bộ máy ở cơ sở” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Tại sao một số cán bộ ngại tiếp xúc với dân?

Giải thích về hiện tượng một bộ phận cán bộ có biểu hiện xa dân, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, có những người yếu về trình độ, thậm chí không hiểu biết những vấn đề cụ thể mà người dân nêu lên hoặc thiếu kiến thức về quan điểm đường lối của Đảng, cũng như chế độ, chính sách, pháp luật… dẫn đến lúng túng, không biết xử lý thế nào nên “sợ” gần dân.

“Cán bộ có những việc làm lợi ích nhóm, khuất tất, tham nhũng… làm cho người dân bất bình cũng sợ tiếp xúc với dân và không đủ tinh thần, trách nhiệm giải quyết vấn đề người dân đặt ra. Cán bộ có những biểu hiện như vậy thì làm sao dân tin và nghe theo được” – ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, bà Tạ Thị Minh Lý – nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) còn cho rằng, khi tiếp dân thì người lãnh đạo phải đối mặt giải quyết những bức xúc, khiếu kiện… trong khi bản thân họ không thể giải quyết vấn đề của dân ngay được do không có thẩm quyền giải quyết, hoặc chưa hiểu hết pháp luật. Cũng có trường hợp ngại gặp dân vì khi dân biết mình thì sẽ giám sát những hành vi, thậm chí xem lời nói có đi đôi với hành động, tài sản có khuất tất không…

Đối thoại với dân là việc làm cần thiết, cán bộ làm ở lĩnh vực nào thì đối thoại với dân ở lĩnh vực đó. Ai làm ở lĩnh vực nào thì bắt buộc phải hiểu biết pháp luật, thông thạo lĩnh vực đang làm việc thì mới tư vấn được cho dân, giảm tải được tình trạng khiếu kiện lên trên.

Tuy nhiên, theo bà Tạ Thị Minh Lý, việc khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều là vì công tác đối thoại chưa đầy đủ, trung bình 1 tháng người đứng đầu gặp gỡ dân 1 vài lần thì không giải quyết hết được những vướng mắc cũng như tư vấn được cho dân.

Bên cạnh đó, nhiều khi người quản lý lại giao những khiếu kiện của dân cho cán bộ cấp dưới vì bản thân họ chưa đủ điều kiện về trình độ, xem xét các vấn đề đúng hay không đúng. Nếu đọc toàn bộ khiếu kiện, so sánh với pháp luật xem trả lời của cán bộ chính xác hay chưa thì cũng mất rất nhiều thời gian.

Việc cán bộ có dành thời gian làm công việc này hay không cũng là một vấn đề vì nhiều khi họ né tránh, đọc xong đơn kiện rồi lại vứt đấy. Từ những việc không giải quyết từ cấp dưới thì sẽ dẫn tới việc người dân gửi đơn lên cấp trên và vượt cấp.

Cho rằng cán bộ gần dân thì phải thường xuyên đối thoại với dân, nguyên Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý nhấn mạnh thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

“Khi vấn đề mới phát sinh, việc cán bộ, người đứng đầu tiếp cận, lắng nghe giải quyết thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều và cũng sẽ không phát sinh nhiều điểm nóng, khiếu nại vượt cấp như thời gian qua” – bà Tạ Thị Minh Lý nói./.

Theo Kim Anh/VOV.VN

 

Các tin khác:
  • Cần một cuộc tổng rà soát các loại bằng tiến sỹ (23/11/2017-8:05)
  • Chữa trị bệnh háo danh, ham địa vị (22/11/2017-22:20)
  • Doanh nghiệp nói không với hối lộ - khó nhưng phải làm (21/11/2017-7:47)
  • Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo (21/11/2017-7:45)
  • "Năng lượng xấu lấn lướt trên mạng xã hội' (18/11/2017-11:49)
  • Cuộc chiến tin tức giả chuyển trọng tâm sang Youtube (18/11/2017-8:41)
  • Siết chặt quản lý 90 triệu thành viên Facebook và Youtube (16/11/2017-8:44)
  • Facebook thất bại trong cuộc chiến chống tin tức giả mạo? (15/11/2017-15:34)
  • Trục lợi bảo hiểm y tế tiếp tục gia tăng (15/11/2017-15:31)
  • Chất vấn: Nói đúng thì không sợ đụng chạm (13/11/2017-14:51)