Thứ năm, ngày 25/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Gần 930 nhà báo thế giới bị sát hại khi tác nghiệp (01/12/2017-8:22)
    Đây là con số thống kê từ năm 2006 đến 2016 được Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho biết tại Hội nghị thường niên "Báo chí với phát triển bền vững" vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 29/11.

Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia điều tra Hồ sơ Panama bị sát hại bằng bom

Hội nghị nhằm hưởng ứng "Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các hành vi tấn công nhà báo 2/11".

Phát biểu tại hội nghị, ông Michael Crofti cho biết: Để tưởng niệm vụ sát hại nhà báo Pháp tại Mali, tại phiên họp thứ 68 ngày 2/11/2013, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận ngày này là Ngày quốc tế chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm cho các hành vi chống nhà báo.

Trong suốt 11 năm qua (từ 2006 đến 2016), đã có gần 930 nhà báo trên khắp thế giới bị giết trong khi đang tác nghiệp. Nhiều nhà báo khác phải đối mặt với những khó khăn như sự kiểm duyệt gắt gao, áp lực, bị đe dọa, bị lạm dụng về thể chất, bị tấn công, quấy rối tình dục, bắt cóc, giam giữ, bị phá hủy thiết bị và ngược đãi.

Việc miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi chống nhà báo đã trở nên rất phổ biến. 9/10 trường hợp tấn công nhà báo, những kẻ vi phạm không hề bị trừng phạt. Theo báo cáo của Tổng Thư ký UNESCO về an toàn nhà báo và mối nguy hiểm của việc miễn trừ trách nhiệm năm 2016, chỉ có 8% trong số 827 vụ giết hại nhà báo từ năm 2006 đến năm 2015 được xử lý. Điều đó làm giảm nhẹ tội cho những kẻ vi phạm nhưng gây nên ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội trong đó có các nhà báo.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền đã lên án các hành vi chống lại các nhà báo và kêu gọi đảm bảo sự an toàn cho họ. Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua Kế hoạch hành động về an toàn của nhà báo và vấn đề miễn trừ trách nhiệm. Đầu năm nay, các bên liên quan trong Kế hoạch hành động đã gặp nhau tại Geneva để thảo luận việc hợp tác trong tương lai và các hoạt động liên quan trong những năm tới.

Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đặc biệt lưu ý tác động xấu của việc
không xử lý hành vi tấn công nhà báo đối với đời sống xã hội. Ảnh: Infonet

Ông Michael Croft cũng đánh giá cao việc ở Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của nhà báo, Bộ TT&TT đã hợp tác cùng UNESCO nâng cao nhận thức của các nhà báo, cơ quan truyền thông và cơ quan thực thi pháp luật về các văn bản pháp luật quốc tế cũng như Việt Nam liên quan đến sự an toàn của các nhà báo, và nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật, đảm bảo nhà báo được làm việc trong một môi trường an toàn, những kẻ vi phạm phải đưa ra trước công lý.

"Chỉ khi các nhà báo làm việc trong một môi trường an toàn và độc lập, họ mới có thể cung cấp thông tin một cách tự do cho người dân tiếp cận, có như vậy mới đạt được phát triển bền vững" -  Ông Michael Croft dẫn lại.

Từng tham gia nhiều hoạt động nỗ lực cải thiện sự an toàn của nhà báo và hiệu quả hoạt động báo chí tại Việt Nam, bà Kate Reekie, Tham tán phụ trách các chương trình hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada chia sẻ: "Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, môi trường báo chí, truyền thông thay đổi nhanh chóng đã làm cho công việc của các nhà báo trở nên thách thức hơn.

Một nghiên cứu của RED Communication từ năm ngoái cho biết trong giai đoạn 2011 - 2015, có tới 96% phóng viên được khảo sát đã từng bị cản trở tác nghiệp, tăng hơn nhiều so với mức 88% trong khảo sát năm 2011. Tính riêng trong năm 2016, tại Việt Nam đã có 36 trường hợp nhà báo bị tấn công, cản trở tác nghiệp.

Trong bối cảnh này, Luật Báo chí đã được sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 1/2017. Mặc dù Luật Báo chí sửa đổi là căn cứ tốt hơn để bảo vệ sự an toàn của nhà báo, thực tế vẫn đòi hỏi phải có sự cam kết liên tục ở cấp cao hơn để có thể đem lại những thay đổi tích cực. Do vai trò thiết yếu của các nhà báo trong việc cung cấp thông tin cho người dân và định hướng dư luận cũng như thực hiện chức năng giám sát, chúng tôi ủng hộ việc đảm bảo sự an toàn cho nhà báo và phóng viên báo chí, những người có quyền được làm việc mà không phải chịu bất kỳ một hình thức bạo lực hay lạm dụng nào".

Cung cấp thêm thông tin về hiện trạng tấn công nhà báo tại Việt Nam, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED Communication cho biết: Hành vi cản trở tác nghiệp báo chí tại Việt Nam không mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, thay đổi theo thời gian. Năm 2017, số vụ tấn công nhà báo đã giảm (còn 12 vụ, thấp hơn nhiều so với 36  vụ của năm trước). Cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo trong thời gian tới.

Liên quan tới câu chuyện hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, mở rộng phạm vi ra tầm quốc tế, bà Widyasari Anisa, Đại diện Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA) cho biết, hầu hết các vụ tấn công nhà báo trên thế giới đều chưa bị xử lý. Nổi bật như vụ thảm sát 32 nhà báo ở Philippines, hoặc vụ 1 nhà báo ở Indonesia bị giết hại khi viết về vấn đề môi trường… vẫn chưa xác định được hung thủ và chưa thể đưa ra xử lý. Vụ việc bị xử lý ở mức cao nhất mà bà ghi nhận được là 1 cảnh sát huyện ở Indonesia bị xử phạt 3 tháng tù vì tội hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp.

Theo Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Tương tác, bình luận trên báo điện tử: “Cấm” hay “quản”? (01/12/2017-8:19)
  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vai trò báo chí (30/11/2017-12:42)
  • Mở lớp “Kỹ năng làm báo 3 trong 1” (30/11/2017-12:40)
  • Tăng cường, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác (29/11/2017-12:27)
  • Đạo đức báo chí nhìn từ chuyện rút tít (29/11/2017-12:19)
  • Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thông tin chuyên đề trên báo và truyền thông đa phương tiện (28/11/2017-9:02)
  • Nâng cao kỹ năng viết bài về phòng, chống tham nhũng cho phóng viên, biên tập viên (28/11/2017-8:57)
  • Quyền lực báo chí suy giảm vì mạng xã hội, công nghệ (27/11/2017-10:46)
  • Đừng bao giờ đặt cá nhân mình lên trên tờ báo! (23/11/2017-16:31)
  • Đẩy mạnh hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Trung Quốc (22/11/2017-7:43)