Thứ tư, ngày 24/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Động lực cho bình đẳng giới (07/12/2017-23:02)
    (NLBTH) - Năm 2017 Thanh Hóa có 7 xã không được công nhận nông thôn mới dù các tiêu chí về vật chất, văn hóa - xã hội đều cán đích.
Cần có chính sách để cán bộ nữ ở những vị trí chủ chốt trong bộ máy ngày càng nhiều hơn
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Lý do khiến họ lỡ “chuyến tàu” quan trọng này bởi yếu tố con người.

Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND, ngày 3/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020 trong tiêu chí về hệ thống chính trị quy định phải đảm bảo bình đẳng giới. Tuy nhiên cả 7 xã này đều không đáp ứng yêu cầu khi trong thường trực Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân xã không có cán bộ nữ.

Bình đẳng giới là vấn đề đã được tuyên truyền nhiều, trên thực tế không ít cán bộ nữ có hoài bão, ngày càng hoàn thiện trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nhưng dường như bởi thứ được xem như là “định kiến” xã hội, nên phụ nữ thường chỉ được giao đảm trách nhiệm vụ chuyên môn, phân công công tác đoàn thể.

Còn bởi yếu tố khác là không ít phụ nữ có trình độ nhưng lại chấp nhận an phận, lấy công việc làm vui, hoặc vào cơ quan Nhà nước chỉ để đảm bảo đồng lương, còn phần nhiều thời gian giành cho gia đình, và điều này mặc nhiên được xã hội, thậm chí là lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị chấp nhận. Họ đang tự mình trói buộc, làm mất cơ hội của mình bằng những lựa chọn theo kiểu truyền thống, thứ tư duy cũ kỹ.

Trên thực tế vấn đề bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở việc truyền thông, mà đã được đầu tư kinh phí tập huấn, hỗ trợ thông qua các chường trình, đề án dành cho phụ nữ. Tuy nhiên định kiến xã hội và cả sự ngại khó, ngại khổ đã trở thành “rào cản” dẫn đến chưa có nhiều cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm, phân công vào những vị trí công tác chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền cơ sở.

7 xã phải tạm dừng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lần này sẽ là bài học cho nhiều địa phương, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ sao cho hợp lý.

Tại kỳ họp thứ tư, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII vừa diễn ra, vấn đề bố trí cán bộ nữ để đảm bảo đủ tiêu chí xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được đưa ra tại các tổ thảo luận, qua đó càng trở nên câu thúc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong chính sách sử dụng cán bộ nữ.

Bồi dưỡng, bố trí cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị không chỉ nhằm mục tiêu trước mắt trở thành xã nông thôn mới, lớn hơn là góp phần cho sự thành công của chiến lược bình đẳng giới mà Đảng, Nhà nước đề ra. Yêu cầu này đòi hỏi những cán bộ có trách nhiệm thay đổi nhận thức, tăng cường bồi dưỡng, luân chuyển rèn luyện cán bộ nữ để có nguồn cán bộ đảm bảo.

Lâu nay vấn đề bình đẳng giới đã được đề cập nhiều nhưng kết quả chưa như mong muốn, và đây chính là động lực.

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Tính mạng, tài sản và căn bệnh vô cảm (07/12/2017-7:56)
  • Không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam (05/12/2017-7:30)
  • Để “tấm áo” mới không quá rộng (03/12/2017-23:13)
  • Không để trong “nóng” ngoài “lạnh” (03/12/2017-10:12)
  • Để không còn những tờ giấy vô hồn (27/11/2017-10:48)
  • Cần có chiếc thang ý thức (25/11/2017-22:32)
  • Quyết tâm lành mạnh môi trường thông tin (24/11/2017-8:01)
  • Diệt trừ tệ “báo cáo không trung thực” (23/11/2017-9:34)
  • Căn bệnh xé rào (21/11/2017-14:38)
  • Hai mặt của tấm huy chương (19/11/2017-19:41)